Người Vũ Hán ngần ngại trước ngày dỡ lệnh phong tỏa
Li Xiaoli đã nỗ lực nhiều ngày qua để đảm bảo có đủ nước sát khuẩn và đồ bảo hộ cho ngày đại lý xe hơi ở Vũ Hán của bà mở cửa trở lại.
Từ ngày 8/4, lệnh phong tỏa suốt hai tháng qua áp dụng với hàng triệu người ở thành phố Vũ Hán, nơi bà sinh sống, sẽ được dỡ bỏ. Người dân Vũ Hán sẽ được phép rời khỏi thành phố bằng cả đường bộ, đường sắt và hàng không, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, nhiều cư dân Vũ Hán như bà Li lúc này cảm thấy mọi thứ không đơn giản như vậy. Nhiều người Vũ Hán đối mặt với vết sẹo của đại dịch, khi thành phố này chiếm 61% trong số hơn 81.700 ca nhiễm nCoV được xác nhận tại Trung Quốc.
Một số người đang nhẩm tính những chi phí sau nhiều tháng đóng cửa doanh nghiệp, những người khác vẫn lo sợ bị lây nhiễm, nhất là từ các bệnh nhân không triệu chứng, và ngần ngại ra khỏi nhà. Không rõ chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì để tái thiết thành phố, những gì mà người dân mô tả là “đại họa” sẽ được ghi nhớ như thế nào và liệu chính quyền thành phố có phải chịu trách nhiệm về đại dịch hay không. Chính quyền Vũ Hán hiện chưa đưa ra bình luận gì.
Một người đàn ông đứng bên hàng rào phong tỏa của một khu chung cư ở Vũ Hán hôm 3/4. Ảnh: AP
“Khi nghe nói về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa, tôi có phần không vui”, Guo Jing, người phụ trách đường dây nóng về phân biệt đối xử với nữ giới tại nơi làm việc, nói. “Tôi thực sự cảm thấy rất lo lắng. Có nhiều vấn đề mà chúng tôi chưa chắc có thể giải quyết được: việc làm, những bệnh nhân liệu có chịu đựng hậu quả lâu dài, và với những người đã chết, chúng tôi sẽ tưởng nhớ họ bằng cách nào?”.
Video đang HOT
Những thứ nhắc nhở rằng cuộc chiến với nCoV ở Vũ Hán vẫn chưa kết thúc hiện diện ở khắp mọi nơi. Những hàng rào cao bao quanh nhiều khu chung cư, các bảng thông báo ở lối vào yêu cầu mọi người trình mã sức khoẻ màu xanh trên điện thoại hay giấy tờ xác nhận lý do đi ra ngoài. Có rất ít bằng chứng cho thấy những hạn chế này sẽ sớm được nới lỏng.
Dù các cửa hiệu và nhà hàng đã bắt đầu mở cửa lại ở khắp nơi tại Trung Quốc, hàng nghìn cửa hàng ở Vũ Hán vẫn đóng.
“Tất nhiên, có những áp lực lớn”, bà Li nói, thêm rằng tự thấy mình may mắn khi vẫn có thể tiếp tục trả lương cho nhân viên suốt thời kỳ phong tỏa.
Một bức thư đã được hơn 160 công ty dịch vụ nhà hàng, khách sạn đăng lên mạng tuần trước, đề nghị chính quyền Vũ Hán giảm tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ vay và trả tiền lương. Họ cho hay nCoV và những hậu quả của dịch bệnh khiến hơn 80.000 doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản. Việc các buổi tiệc tất niên trên khắp thành phố bị hủy do lệnh phong tỏa rơi vào đúng đêm giao thừa Tết Nguyên đán đã gây thiệt hại cho họ khoảng một tỷ tệ chỉ trong một ngày, bức thư cho biết.
Niềm tin của người tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người ở Vũ Hán. Giáo viên tiếng Anh Kuang Li cho hay anh đã lên kế hoạch ở nhà qua ngày mai, cho đến khi được yêu cầu quay lại làm việc.
“Cá nhân tôi vẫn sợ virus và tôi cảm thấy ngoài kia vẫn chưa an toàn”, Kuang nói.
Một số tiểu thương mở bán thực phẩm ven đường ở Vũ Hán hôm 6/4. Ảnh: Reuters
Tổn hại về tinh thần và sự kỳ thị mà những bệnh nhân đã hồi phục cũng như người dân Vũ Hán phải đối mặt là những vấn đề dai dẳng. Nhiều người trên đường phố Vũ Hán đã khóc khi nhớ lại những gì họ trải qua.
Người dân đã tìm cách để thích nghi với lệnh phong tỏa theo nhiều cách, một số đắm mình trong những sở thích cá nhân như nấu ăn, những người khác tham gia các buổi cầu nguyện trực tuyến hàng ngày. Hoảng loạn, lo sợ và bất lực là cảm giác chung của họ.
Du Mingjun, người thành lập đường dây nóng 24/7 về sức khoẻ tâm thần khi lệnh phong tỏa bắt đầu, cho biết cô nhận được khoảng 2.300 cuộc gọi, một số cuộc từ các nhân viên y tế, nhưng hầu hết là từ dân thường, những người bị cách ly hoặc đang cố gắng thích nghi. Cô dự kiến duy trì đường dây nóng thêm một thời gian nữa.
“Dù đại dịch có thể đang dần kết thúc, với một số nhóm người, những đớn đau có thể chỉ mới bắt đầu”, Du nói.
Anh Ngọc
Công việc nguy hiểm của tình nguyện viên TQ tham gia chống Covid-19
Vào thời điểm người dân Vũ Hán buộc phải ở trong nhà theo lệnh phong tỏa do Covid-19, anh Lin Wenhua đã đảm nhận công tác tình nguyện, cùng tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh.
Người dân thành phố Vũ Hán cho biết, những tình nguyện viên đã nắm vai trò quan trọng trong việc giữ dòng chảy hàng hóa tiếp tục hoạt động tại thành phố này, khi nơi đây trở thành tâm dịch Covid-19 và buộc chính quyền trung ương phải áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn thành phố.
Khi các dịch vụ vận chuyển công cộng như xe buýt hay taxi tại Vũ Hán ngừng hoạt động, hàng ngàn tình nguyện viên như anh Lin Wenhua đã làm công việc đưa đón cán bộ y tế, cung cấp nhu yếu phẩm hay đi kiểm tra những người dân có nguy cơ nhiễm bệnh.
"Toàn thành phố lúc đó đang đối mặt với sự nguy hiểm của dịch bệnh. Tôi ước tính mình đã lái xe khoảng 4.000km kể từ lúc quyết định làm công việc tình nguyện tới nay, và có nhiều tình nguyện viên khác đã chạy quãng đường gấp nhiều lần tôi. Lực lượng cán bộ y tế nắm vai trò rất quan trọng và chúng tôi cần đảm bảo cho công việc của họ diễn ra hiệu quả. Nếu họ có thể làm việc hiệu quả, thì điều đó sẽ đảm bảo an toàn cho cuộc sống của chúng tôi", anh Lin nói.
Reuters cho biết, công việc tình nguyện của anh Lin đã bắt đầu khi anh được một người bạn nhờ giao thuốc Kaletra tới cho một số bệnh nhân nhiễm HIV. "Lần đầu tôi được nhờ mang thuốc đi giao cho bệnh nhân, tôi đã hơi do dự. Nhưng tôi đã tự nhắn nhủ rằng thuốc men là hy vọng sống sót đối với các bệnh nhân này", anh nói thêm.
Công việc của anh Lin kết thúc khi bệnh nhân Covid-19 được các bệnh viện dã chiến tiếp nhận và điều trị hồi cuối tháng Hai vừa qua, vào thời điểm Vũ Hán thực hiện các biện pháp tích cực hơn trong việc điều trị và cách ly người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với anh Lin, công việc tình nguyện đã mang lại cho anh nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
"Tình hình dịch bệnh đã diễn ra quá lâu, và trong khoảng thời gian đó chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cuối cùng chúng tôi cũng đã thấy tình hình dịch bệnh được cải thiện, và thấy được tia sáng của sự thắng lợi", anh nói.
Tuấn Trần
Trung Quốc tổ chức quốc tang cho nạn nhân Covid-19 Hôm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 14 'liệt sĩ' đã hy sinh trong chiến chống Covid-19 và tất cả nạn nhân của dịch bệnh này. Bắt đầu từ 10h sáng 4/4, người dân trên toàn Trung Quốc sẽ mặc niệm trong ba phút. Ôtô, tàu hỏa cũng như tàu thủy sẽ kéo còi, bên cạnh tiếng còi báo động...