Người vô gia cư co ro trong đêm Sài Gòn ngày cận Tết: “Bà làm gì có nhà để về, ở đây người ta cho đồ ăn, quý lắm…”
Những ngày cận Tết, đường phố Sài Gòn tấp nập hơn khi ai nấy cũng tranh thủ đi sắm sửa để trang hoàng nhà cửa, cùng gia đình đón Tết.
Thế nhưng vẫn có những con người đang lấy đất làm giường, lấy trời làm chăn, lê lết ở một góc đường vì chẳng có nơi nào để về…
Những người già, những đứa trẻ này không có nơi trú ngụ, tối đến họ lấy vỉa hè, mái hiên, hầm cầu để ngủ ké qua đêm. Bình thường, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, trải qua một năm căng mình với dịch Covid-19, họ càng trở nên mong manh, cơ cực.
Lấy đất làm nhà, lấy trời làm chăn…, cuộc sống của người vô gia cư ở Sài Gòn những ngày cuối năm
Tết đến, không quần áo mới cũng chẳng đồ ăn ngon, họ chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Và nếu may mắn, một tấm vé về quê ăn Tết đủ giúp họ ấm lòng…
20h tối, trên những tuyến đường chính dọc trung tâm Sài Gòn, số lượng người vô gia cư, lang thang có vẻ đông hơn mọi khi. Tiết trời về đêm cũng khiến cho nhiều người co ro vì lạnh, một số người khoác lên mình chiếc áo mỏng, tranh thủ chợp mắt.
Những phần quà đêm khiến họ trở nên ấm lòng
Hàng ngày, để có tiền trang trải cuộc sống, những người vô gia cư thường đi lượm ve chai, bán vé số để sống. Người nào may mắn, thuê được chỗ trọ giá rẻ, rủ năm bảy người ở cùng để đỡ đần nhau, cũng có người đã quen với lề đường, góc chợ mỗi khi đêm xuống. Đối với họ, Tết là một khái niệm xa vời.
“Mấy chục năm rồi, bà có còn quê nữa đâu mà về. Ở đây người ta cho đồ ăn, quý lắm…”, bà Hai khòm lưng, đưa đôi tay run rẩy nhận lấy phần quà đêm từ nhóm bạn trẻ, xúc động. Cũng giống như nhiều người vô gia cư, lao động khó khăn khác, bà Hai chỉ mong Tết đến, bà có thêm chút đồ ăn ngon nhờ sự thơm thảo của mọi người.
Video đang HOT
Bà Hai xúc động khi nhận được sự giúp đỡ của nhóm bạn trẻ
Ngồi gục một góc trên mép đường Lý Thường Kiệt (quận 10), cô Hòa (65 tuổi) cho biết sau một ngày lượm ve chai, cô thường tìm vỉa hè để ngủ. Vì những ngày cận Tết, nhiều nhóm thiện nguyện hay đi phát quà, hỗ trợ người lang thang, cô chỉ mong có thêm chút thực phẩm, tiền bạc để về quê đón Tết.
“Cô tính 28 Tết mới về quê, khổ lắm, mình cực chẳng đã mới ra đây ngồi, nếu có tiền bạc, dư giả chả ai lê lết vỉa hè, đợi tình thương của người khác đâu”, cô Hòa rưng rưng nước mắt.
Để có chút tiền trang trải sinh hoạt phí, đồ ăn uống hàng ngày, nhiều người vô gia cư tìm một góc ở Sài Gòn để ngồi đợi những phần quà đêm
Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến chú Lý (quê Quảng Ngãi, chạy xích lô) thất nghiệp. Buổi tối, chú ngủ ké dưới mái hiên trên đường Trường Sa (quận 3). Sau 3 năm không về quê đón Tết, năm nay chú Lý tính gom góp tiền để mua vé xe về quê. Hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất Sài Gòn, chú Lý hiểu được dù gặp bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn thì người Sài Gòn vẫn tìm cách che chở, hỗ trợ lẫn nhau.
“Mấy nay chú nhận được nhiều đồ ăn, quà bánh lắm, mấy đứa nhỏ nhỏ như tụi con mà nó đi làm từ thiện, gặp chú là cho đồ ăn không hết, mình cũng ấm lòng hơn”, chú Lý cười hạnh phúc.
Chú Lý hạnh phúc với món quà nhỏ mà nhóm Đêm Sài Gòn trao tặng
Có lẽ, với những người vô gia cư, khó khăn, Tết đến, họ chỉ mong cơm ngày ba bữa được đủ no, có được manh áo ấm để mặc. Chẳng cần phải mua sắm, quà cáp sang trọng, điều ý nghĩa mà họ nhận được chính là từ tấm lòng biết yêu thương, san sẻ của mọi người dành cho nhau. Đôi khi, chỉ là một bát cháo trắng hay ổ bánh mì trong những ngày cận Tết cũng khiến người khác ấm lòng.
Theo các thành viên nhóm Đêm Sài Gòn, từ lúc dịch bùng phát, bánh mì, sữa tươi luôn được nhóm bạn duy trì, tặng người vô gia cư
Đêm càng về khuya, dọc các tuyến đường ở Sài Gòn, trong khi một số người vô gia cư đã ngon giấc, một số khác vẫn ngắm nhìn ánh đèn điện rực rỡ và nghĩ về cái Tết xa quê. Mong rằng qua năm mới, mọi người đều đầy đủ cơm no, áo mặc, ai rồi cũng sẽ hạnh phúc, bình an…
Cái cúi đầu cảm ơn của những người vô gia cư khiến ai thấy đều chạnh lòng
Vì cuộc sống mưu sinh, không nhà cửa, họ lấy vỉa hè để nghỉ ngơi đợi trời sáng
Tết đến, lòng người cũng trở nên ấm áp hơn, sự yêu thương, san sẻ với nhau luôn tồn tại khắp mọi ngõ ngách ở Sài Gòn dung dị
Mong rằng hạnh phúc và bình an sẽ đến với tất cả mọi người trong năm mới 2022
Thợ hồ già và "món nợ" ở Sài Gòn: Hết dịch để xây xong nhà cho chủ
Trên chuyến xe hồi hương trong những ngày giãn cách siết chặt, nhiều bà con ở Phú Yên vẫn đau đáu nỗi luyến tiếc với TP.HCM.
Thông tin từ Thanh Niên, tính đến chiều ngày 31/8, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức đưa gần 7.000 người từ các tỉnh phía Nam về địa phương. Chỉ riêng trong tối cùng ngày, 750 người có hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh tạo điều kiện về với gia đình.
Nhân viên điều phối xe đưa bà con Phú Yên về quê nhà. (Ảnh: Thanh Niên)
Người thợ hồ già và "món nợ" ở Sài Gòn
Trên chuyến xe hồi hương, UBND tỉnh Phú Yên và Hội đồng hương tỉnh Phú Yên tại TP.HCM đã chuẩn bị cho mỗi người 1 khẩu phần ăn gồm bánh bao, sữa, nước. Kinh phí chuẩn bị cho hoạt động này khoảng 300 triệu đồng, được 2 đơn vị vận động hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Chuyến xe sẽ chạy thẳng một mạch từ TP.HCM về Phú Yên trong đêm nhằm đảm bảo công tác an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Về quê trên chuyến xe 0 đồng đều là bà con có hoàn cảnh khó khăn, làm công việc vất vả. Như ông Đ.V.T, dù đã 71 tuổi nhưng vẫn rời quê vào TP.HCM làm thợ hồ. Cầm miếng bánh bao trên tay, ông T. cho biết nhóm có 12 thợ nhưng vì dịch nên mỗi người một nẻo. May mắn, sau gần 3 tháng cầm cự trong mùa dịch, ông đã được tỉnh tạo điều kiện về nhà. Ngày rời thành phố, ông T. vẫn đau đáu nỗi niềm về "món nợ" với chủ nhà vì chưa hoàn thiện xong công trình.
Người thợ hồ già từ TP.HCM về quê tránh dịch. (Ảnh: Đ.P)
Chia sẻ với Thanh Niên, ông nghẹn ngào: " Mong hết dịch, anh em tụi tui gom lại, xây cho xong để họ có nhà để ở. Xây xong, tụi tui cũng có tiền công thợ ". Không chỉ riêng ông T., nhiều bà con Phú Yên khác cũng mong TP.HCM hết dịch để trở lại với công việc.
Chuyến xe hồi hương mang nhiều cảm xúc nhưng vẫn được tổ chức chặt chẽ, xét nghiệm PCR miễn phí. Dự tính trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đón thêm khoảng 2.000 người từ TP.HCM về Phú Yên.
Cuộc gọi lúc nửa đêm và hành trình về quê của thai phụ
Trước đó, vào ngày 18/8, báo Vietnamnet cũng đưa tin về trường hợp một thai phụ được kịp thời hỗ trợ, đưa về quê nhà. Cụ thể, theo bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên, chị T.T.T.T (sinh năm 1997) làm công nhân tại Bình Dương và đang mang bầu hơn 8 tháng. Khi các tỉnh phía Nam bùng dịch, chị T. cùng chồng nghỉ việc, sống trong nhà trọ cầm cự qua ngày, chờ hết giãn cách về quê.
Không riêng Phú Yên, nhiều tỉnh miền Trung cũng hỗ trợ đưa thai phụ về quê. (Ảnh: VnExpress)
Dịch kéo dài, lo sợ vợ không về quê kịp kỳ sinh nở, chồng chị T. đã quyết định gói đồ đạc rồi hồi hương bằng xe máy nhưng không thể qua chốt kiểm soát. Trong lúc này, người chồng đã gọi điện cầu cứu đường dây nóng của địa phương ngay trong đêm, vừa khóc vừa nói khiến bà Minh Hiền và cán bộ trực điện thoại xúc động. Ngay sau đó, Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên đã điều phối, đưa chị T. vào danh sách ưu tiên về quê trong chuyến xe gần nhất.
UBND tỉnh Phú Yên tạo điều kiện cho tất cả mọi người được trở về với gia đình. (Ảnh: Vietnamnet)
Những chuyến xe hồi hương đều mang nặng nghĩa tình đồng bào, tương thân tương ái và hướng tới ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mong rằng trong thời gian tới, thành phố sẽ sớm ổn định để bà con có thể trở lại với công việc đời thường như trước kia.
COVID-19 tại ASEAN hết 29/8: Indonesia đổi chiến lược; Singapore tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới Trong ngày 29/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 80.000 ca nhiễm mới và 1.665 ca tử vong. Indonesia ghi nhận ca nhiễm mới giảm mạnh, mở đường cho kế hoạch sống chung lâu dài với dịch bệnh, trong khi Singapore đạt tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bogor, Indonesia....