Người VN ở Philippines: Trắng tay sau bão Haiyan
Gần 50 người Việt quê Phú Yên đang sống tại Philippines chưa biết lấy gì cầm cự và mong mỏi từng giờ được về nước.
Trưa 17/11, từ đảo Cebu (Philippines), anh Đinh Văn Gìn đã gọi điện thoại về cho vợ là chị Nguyễn Thị Thảo ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên) báo tin anh và con trai vẫn còn sống. Anh và những người quê ở Phú Yên khác vừa được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines di tản khỏi vùng đất chết Samar.
Qua điện thoại, anh Gìn cho biết, anh cũng như hầu hết người Việt đều chưa hết hoảng loạn sau những ngày siêu bão đi qua.
Theo anh Gìn, suốt năm ngày sau bão, cha con anh đi tìm một góc vắng để trú thân, không dám đi đâu. Hai cha con tìm được gì ăn nấy vì toàn bộ tài sản, tiền bạc đã mất sạch, không có phương tiện để liên lạc. Sau nhiều ngày vượt hàng trăm cây số tìm kiếm, người em họ mới tìm thấy cha con anh Gìn khi cả hai đã kiệt sức. Thêm hai ngày chịu đói, khát, đến ngày 15/11, cha con anh Gìn được Đại sứ quán Việt Nam di tản, đến ở nhờ nhà người em họ trên đảo Cebu. “Cha con tôi không ngờ mình còn sống. Bây giờ tôi vẫn còn hoảng sợ cảnh tàn phá của cơn bão, cảnh xác chết hôi thối đầy đường, cảnh cướp bóc sau bão… Tôi lo nhất là không biết lấy gì để sống trong những ngày tới, không biết bao giờ mới có thể được về nhà” – anh Gìn lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Thảo và con gái tìm cách liên lạc với người thân đang mắc kẹt tại Philippines.
Anh Nguyễn Tấn Hoàng (quê phường Phú Đông) cho biết anh cũng là một trong những người vừa ra khỏi cõi chết. “Bây giờ tình cảnh bà con mình bên này thê thảm lắm. Tất cả đều không còn nhà cửa, tài sản, nhiều người không còn cả giấy tờ tùy thân. Chỉ riêng khu vực lân cận tôi ở có 38 người quê Phú Yên đang rất khốn cùng, nước cũng không đủ uống. Ai cũng mong mỏi được về nước” – anh Hoàng nói.
Theo anh Hoàng và một số người tại Philippines mà chúng tôi liên lạc được, hiện vẫn còn nhiều người Việt đang mắc kẹt tại các vùng nguy hiểm chưa được di tản. Nhiều người không thể di chuyển vì không có phương tiện, không mua được xăng, thiếu thức ăn, nước uống. “Các vùng này đều mất điện, nước. Bà con không dám đi đâu vì sợ cướp bóc, dịch bệnh. Thực ra nếu có tiền cũng không thể mua được gì vào lúc này. Một mối nguy hiểm khác là tù nhân trại Tacloban đang tràn đến nhiều nơi. Ghê lắm!” – anh Hoàng than thở.
Anh Nguyễn Phước (quê phường Phú Đông) hiện vẫn phải ở lại Tacloban và hằng ngày anh phải đi hơn 100 cây số tìm thức ăn cho vợ con…
Video đang HOT
Trong điện thoại gọi về quê nhà, hầu hết người Việt tại Philippines đều nói rằng họ còn sống đến hôm nay là nhờ bà con người Việt cứu giúp nhau trong cảnh khốn cùng. Sau bão, nhiều người Việt đi bộ nhiều ngày liền, vượt hàng trăm cây số, vào tận các ngõ ngách để tìm những người đồng hương. “Nhờ vậy những người Việt tưởng mất tích đều được tìm thấy. Gặp nhau, 5-7 người chia một gói mì, chai nước. Nếu không có đùm bọc của bà con chắc tôi đã chết vì đói khát, bệnh tật, cướp bóc” – anh Hoàng chia sẻ. Còn anh Đinh Văn Gìn cho biết những ngày này cha con anh còn sống là nhờ bà con chia sẻ từng miếng ăn.
Chỉ riêng phường Phú Đông có đến gần 50 người lao động, định cư tại Philippines, phần lớn đều trắng tay sau cơn bão và người thân tại quê nhà đang mong chờ tin.
Theo Tấn Lộc
Đẫm nước mắt tiễn đưa nữ phóng viên tử nạn trong bão
Hàng trăm người đã không cầm nổi nước mắt khi đi tiễn đưa nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen, Đài truyền thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) về với cõi vĩnh hằng.
Đau đớn...
Chiều nay, hàng trăm người đứng chật kín ngõ dẫn vào nhà chị Nguyễn Thị Hồng Sen. Dòng người đến tiễn đưa nữ phóng viên tử nạn khi đi tác nghiệp trong mưa bão ngày một đông. Tiếng gào khóc của người mẹ, người cha, người em, người chồng của Sen như lấn át cả tiếng trống, tiếng kèn bi thảm. Mắt ai cũng đỏ hoe. Họ khóc vì thương cho số phận của Sen, khóc vì thương đứa con bé bỏng của Sen từ nay không còn được mẹ bế, mẹ bồng như ngày nào.
Khi chiếc quan tài được đưa ra khỏi nhà, hướng về nghĩa địa thôn Đông Quang, bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ ruột Sen) òa khóc, vật vã.
Bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ ruột của Sen) đau đớn vật vã trong đám tang con gái
Như không chịu nổi cảnh chia cách tình mẫu tử, càng như không thể tin con gái mình qua đời, bà Hoa cứ lặp đi lặp lại câu nói lẫn trong nước mắt: "Sen ơi! Đừng bỏ mẹ mà đi như thế Sen ơi!". Đôi chân của hàng trăm người tiễn đưa Sen như chùn lại. Mọi người không cầm nổi nước mắt. Em gái Sen, chị Nguyễn Thị Thơm, cũng gào khóc trên con đường đưa chị mình về nơi an nghỉ cuối cùng.
Phóng viên Võ Thanh Kỳ, đồng nghiệp của Sen ngậm ngùi lặng thinh. Nhìn sâu trong ánh mắt của anh, nước mắt như chảy ngược vào trong. Ngày Sen còn sống, anh Kỳ và Sen luôn hỗ trợ nhau trong công việc, tình cảm như anh em ruột thịt. Họ đọc những bản tin phát thanh cùng nhau, đi thực tế viết tin, phóng sự cùng nhau. "Nhưng giờ người sống, người thì như thế kia chịu sao được" - anh Kỳ nói.
Chị Nguyễn Thị Tho (em gái Sen) gào khóc gọi tên chị rồi ngất lịm trên vai người thân
Rất đông đồng nghiệp đã đến đưa tiễn Sen. Ai cũng buồn bã, cũng đỏ hoe mắt và không nói được thành lời. Sự ra đi của Sen là sự mất mát quá lớn lao đối với anh em báo chí Quảng Ngãi.
Ngất lịm
Xung quanh huyệt mộ của Sen, gần 500 người dân đứng vây quanh.
16 giờ chiều, quan tài Sen từ từ đưa xuống huyệt mộ, ánh mắt của những người có mặt đều quay sang chỗ khác, chất chứa nỗi buồn. Bà Nguyễn Thị Hoa vùng vẫy, thoát khỏi 2 người em ruột nhào đến cố níu giữ quan tài của con. Con bà đã chết rồi nhưng bà vẫn không thể tin đó là sự thật. Rồi bà ngất xỉu ngay cạnh quan tài của con.
Bé Trần Chí Khang cùng cha bên quan tài của mẹ
Nguyễn Thị Tho, em gái thứ 3 của Sen cũng gào khóc gọi tên chị rồi ngất lịm khi quan tài của chị gái vừa chạm đất. Còn nỗi đau nào hơn thế! Sau đó, mẹ Sen và hai người em gái Sen ngất xỉu.
Người dân đến đưa tiễn Sen
Còn chồng Sen, anh Trần Ngọc Trang, như người mất hồn. Nhìn những nắm đất, nắm cát bà con đến viếng lần lượt thả xuống huyệt mộ của vợ mình, anh bật khóc. Anh khóc vì mình đã mất đi một người vợ hiền. "Vợ ơi, em hãy yên nghỉ", vừa nói, chồng Sen vừa đưa tay lau vội những giọt nước mắt đớn đau.
Hai người cha ruột và cha chồng của Sen cũng không kìm được nước mắt. Mọi người ở cạnh Sen trong chiều nay ôm nhau khóc nức nở.
Từ nay, tay bút năng động ấy, giọng đọc ấm áp, trong trẻo ấy - nữ phóng viên Hồng Sen - đã mãi mãi ra đi, nhưng lòng yêu nghề của Sen sẽ luôn là vần sáng, luôn là niềm tự hào của anh em báo chí. Vĩnh biệt một phóng viên trẻ giàu lòng nhiệt huyết, yêu nghề. Sen hãy yên giấc ngủ ngàn thu...
Theo Khampha
Vụ PV tử nạn: "Lấy xong tin, sao con không về?!" Để kịp đưa tin siêu bão, nữ PV trẻ Nguyễn Thị Hồng Sen công tác tại Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã gọi về cho gia đình nói rằng: "Làm xong tin, con sẽ về". Nhưng đang trên đường về, tai nạn giao thông bất ngờ xảy ra khiến chị ra đi mãi mãi... Tin dữ sau siêu bão Chiều...