Người viết truyện cổ tích cuộc đời bên đôi nạng gỗ
Di chứng chất độc màu da cam (dioxin) đã gắn cuộc đời anh với đôi nạng gỗ. Vậy mà với một cánh tay lành lặn còn lại, anh đã vượt qua mọi khó khăn để trở thành một cộng tác viên của nhiều tờ báo.
Có lẽ trong làng báo Việt Nam anh là “nhà báo” đặc biệt nhất bởi ý chí, nghị lực vượt lên số phận nghiệt ngã để viết những câu chuyện cổ tích như chính cuộc đời mình.
Với đôi nạng gỗ, Tính luôn cố gắng vượt đường xa tác nghiệp.
Tuổi thơ bất hạnh
Sinh ra ở làng quê nghèo thuộc ấp Mỹ Lợi (xã Hòa Mỹ, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), cơ thể Nguyễn Trung Tính (SN 1978) phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm 4 tuổi, di chứng chất độc màu da cam dioxin đã biến anh thành người tật nguyền.
Bà Nguyễn Kim Hồng, mẹ Tính kể lại: “Lúc đó 2 chân Tính cứ teo dần rồi không đi đứng được, cánh tay trái cũng teo theo thành ra cơ thể vặt vẹo. May nhờ cánh tay phải bình thường nên Tính có thể học, cầm viết được”. Từ đó Tính làm quen với đôi nạng gỗ và nó trở thành người bạn gắn chặt cả cuộc đời bất hạnh của mình.
Bị tật nguyền, Tính vượt qua bao mặc cảm của cuộc đời để ráng sống, ráng học thật giỏi, cố gắng để không trở thành gánh nặng của xã hội. Nhờ ý chí, nghị lực phi thường, Tính không chỉ học giỏi mà còn viết chữ đẹp, biết vẽ tranh, hát hay nên được thầy cô, bạn bè quý mến.
Do nhà gần trường nên những năm học cấp 1, cấp 2, việc đi lại của Tính khá thuận lợi nhưng đến năm học cấp 3 phải về trung tâm huyện, việc học trở nên khó khăn hơn. Tính kể lại: “Nhà xa quá nên cha mẹ gửi mình về nhà ngoại để đi học. Hằng ngày mình chống nạng ra đầu đường chờ đứa bạn cùng lớp chạy xe đạp lại chở đi học”.
“Nhà báo” đặc biệt Trung Tính trước căn nhà nhỏ của mình
Vậy mà bất hạnh cuộc đời chẳng buông tha, Tính và người bạn gặp tai nạn giao thông suýt mất mạng. Do cơ thể ốm yếu, lại mang tật nguyền nên Tính là người bị nặng nhất phải nằm điều trị ở bệnh viện suốt hơn 1 tháng liền. Mới học lớp 11 Tính phải nghỉ học giữa chừng, gác lại mọi chuyện ước mơ sau lần tai nạn giao thông.
“Những năm tháng đó tôi cứ nghĩ cuộc đời sao quá đen tối với mình, có lẽ mình trở thành gánh nặng của gia đình và của xã hội. Phải đến 10 năm sau tôi mới đi học bổ túc trở lại để lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3. Học xong cũng không có tiền đi thi đại học hay học tiếp nữa vì nhà nghèo và còn phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học” – Tính tâm sự.
Chọn nghề báo nhờ bài viết về chính bản thân mình
Lúc năm học lớp 8, do Tính tật nguyền lại học giỏi, hát hay nên được một nhà báo ở địa phương tìm về tận trường để viết gương điển hình. Sau này, nhà báo ấy quay lại tặng tính bài viết đó như là một món quà. Tính say sưa đọc từng câu, từng chữ bài viết về mình và từ đó nung nấu ý định đi viết báo để kiếm sống. Ngay từ những năm học cấp 2 tính đã cộng tác cho một số tờ báo lứa tuổi học trò với những truyện ngắn, mẩu tin…
Khi bị tai nạn phải nghỉ học, không có việc gì làm, nhớ lại những lúc cộng tác báo và bài viết về cuộc đời mình tính bắt đầu nghĩ đến việc viết báo cộng tác. Vậy là Tính lao vào viết cộng tác như một phóng viên không chuyên dù không có bất cứ mảnh giấy giới thiệu nào. Do không có giấy tờ gì nên tính chỉ quanh quẩn trong xã để viết những mảnh đời bất hạnh, gương người tốt, việc tốt cộng tác cho báo địa phương.
Góc làm việc đơn sơ của Trung Tính, nơi nhiều bài báo “ra lò”
Chưa hề qua bất cứ một trường lớp nào nên chuyện tác nghiệp, viết bài, chụp ảnh đều phải tự học, tự đọc báo để tích lũy kinh nghiệm. Người bình thường học đã khó nên với Tính phải phấn đấu gấp chục lần để có thể viết bài báo mà tòa soạn chấp nhận.
Video đang HOT
Tính kể lại: “Lúc đó mình nhờ đứa em rảnh rỗi chở mình đi tìm đề tài viết báo nhưng đa phần lỗ nhiều hơn vì tiền xăng xe rồi có khi gặp hoàn cảnh quá khó khăn mình phải móc tiền ra cho trong khi đăng bài nhuận bút chẳng bao nhiêu. Tuy vậy mình chỉ muốn cố gắng làm từ từ, tích lũy kinh nghiệm để tự nuôi thân không phải trông chờ vào người thân”.
Anh cho rằng, mình chọn nghề làm cộng tác viên cho các tờ báo là phù hợp với khả năng của mình nhất dù phải gặp nhiều khó khăn, vất vả. Chính bài báo viết về nghị lực của bản thân mình giúp Tính vượt qua khó khăn và quyết tâm gắn bó với nghề.
Viết chuyện cuộc đời bên đôi nạng gỗ
Nhiều lần đi tác nghiệp cùng anh, nghe những khó khăn vất vả Tính gặp phải mới biết được ý chí, nghị lực phi thường của người đàn ông tật nguyền này để theo đuổi nghề hơn chục năm nay. Phương tiện tác nghiệp của Tính chủ yếu là xe ôm, những lần được quá giang bạn đồng nghiệp thì Tính rất mừng vì khỏi sợ… lỗ vốn.
Có chuyến đi tiền xe ôm hơn 100 ngàn nhưng bài viết chỉ chừng 200 ngàn, có khi viết tin chỉ vài chục ngàn còn nếu không đăng thì coi như cầm chắc lỗ.
Chuyện lời, lỗ đối với anh xem như là bình thường, nhưng với anh còn nhiều thử thách khác để mình cố gắng vượt qua. Có lần Tính dự phiên tòa xét xử lưu động ở địa phương, sau khi lấy máy ảnh ra chụp thì bị công an hỏi giấy tờ. Vì không có giấy tờ nên Tính buộc phải xóa ảnh. Sau lần đó, tính gọi điện năn nỉ lãnh đạo cơ quan đại diện báo Tiền Phong ở ĐBSCL – nơi tính cộng tác nhiều năm để xin giấy giới thiệu.
Nhờ lãnh đạo thương tình cấp cho tấm giấy để từ đó Tính mới “đường đường chính chính” chụp hình mà không sợ bắt xóa hình ảnh. Tuy nhiên, với thân hình vặt vẹo, chống nạng tới cơ quan công, nhiều người cho rằng tính đi bán vé số hay bị khinh thường là chuyện hết sức bình thường.
Nụ cười lạc quan ẩn chứa nghị lực tràn trề của Trung Tính
Anh Tính tâm sự: “Mình tật nguyền nên người khác nỗ lực 1 thì mình phải nỗ lực 10 để vượt qua mọi trở ngại, thách thức vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người nhìn bằng ánh nhìn e ngại hay lầm tưởng mình bán vé số thì nhiều không kể hết”.
Bây giờ anh Tính khá thân thuộc với nhiều anh em làm báo ở đồng bằng sông Cửu Long, biết tiếng nhiều tờ báo đặt hàng và bút danh Trung Tính cũng trở nên quen thuộc với độc giả. Từ người không chuyên môn giờ những bài viết của Tính viết khá sắc sảo với phong phú thể loại từ gương người tốt việc tốt đến phóng sự xã hội, an ninh trật tự…
Tính tâm sự: “Mình từ người tưởng chừng như gánh nặng của gia đình, xã hội giờ được như thế này thì hạnh phúc không gì bằng. Hàng tháng mình còn ráng để dành chút đỉnh tiền để lo cho cha trị bệnh, gom góp để lo cho tương lai”.
Với đôi nạng gỗ khập khiễng, Tính vẫn không ngại lê từng bước nặng nhọc đi khắp nơi tác nghiệp. Trước đây anh chỉ quanh quẩn trong xã nhưng giờ có thể tự tin thuê xe ôm đến các tỉnh xung quanh tìm đề tài, viết bài cộng tác cho các báo. Với anh Tính bài viết mình tâm đắc nhất, hay nhất vẫn là những mảnh đời bất hạnh.
Ở đó chuyện đời của họ cũng như chính cuộc đời của Tính luôn mang đầy nỗi bất hạnh nên anh rất đồng cảm. Với ý chí phi thường ấy, Tính không chỉ tự nuôi sống bản thân mình mà giúp nhiều người đồng cảnh ngộ, những mảnh đời thương tâm vượt qua khó khăn. Chính ý chí kiên cường giúp Tính có thể vững tin viết tiếp câu chuyện cổ tích về cuộc đời mình bên đôi nạng gỗ trong nghiệp “bán chữ” ngày càng khắc nghiệt với bao khó khăn, vất vả của người tật nguyền.
Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam – Ban Thanh thiếu niên VTV6, Báo Thanh niên và Tập đoàn Hoa Sen tổ chức đến nay đã đi được ba phần tư chặng đường. Hai đêm Gala Tỏa sáng nghị lực Việt sẽ được tổ chức vào ngày 21/5/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và 24/5/2014 tại Hà Nội với nhiều nội dung hấp dẫn. Chương trình hội ngộ những tấm gương nghị lực Việt Nam với một vị khách mời đặc biệt, Diễn giả không chân không tay Nick Vujicic. Anh Nguyễn Trung Tính là một trong những tấm gương đó.
Minh Giang
Theo dantri
Người Việt tài năng ở World Bank
Tại Ngân hàng Thế giới (WBG - World Bank Group) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IMF - International Monetary Fund) dễ có đến cả trăm người Việt và gốc Việt làm việc, từ trợ lý đến cả hàng quản lý cao cấp. Thỉnh thoảng trên mạng riêng của WBG cứ thấy tên Nguyen, Van, Dinh .. là đoán họ từ Việt Nam.
Như một sự trùng lặp kỳ lạ, cuối tuần vừa rồi, bỗng thấy hai cái tên của người Việt xuất hiện cùng lúc trên trang nội bộ. Đó là chuyên gia kinh tế hàng đầu (lead economist) Đinh Trường Hinh và chuyên viên kinh tế cao cấp (senior economist) Nguyễn Vân Trang.
Một người ở lứa tuổi U50 và một ở U30 đều bàn về phát triển kinh tế thế giới bằng hai bài báo khác nhau.
Anh Đinh Trường Hinh: Muốn thoát nghèo hãy bắt đầu từ sản xuất nhỏ và công nghiệp nhẹ
Khi bàn về làm thế nào để các nước nghèo vượt lên, anh Hinh cho rằng, những quốc gia này phải bắt đầu bằng sản xuất nhỏ và công nghiệp nhẹ (manufacturing).
Anh Đinh Trường Hinh. Ảnh: WB
"Lịch sử kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt, các nước nghèo không thể tiến lên nếu không bắt đầu bằng những sản xuất nhỏ và công nghiệp nhẹ. Đó là một sự bắt đầu bắt buộc" Anh Hinh nói trong một cuộc phỏng vấn nội bộ.
Những người lao động kỹ thuật thấp như bán hàng rong, làm trong nhà hàng, có đôi chút cơ hội, nhưng hiệu quả thấp, thu nhập qua ngày đoạn tháng. Công nhân mỏ cũng vậy vì khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng ít tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Làm công nhân trong các nhà máy lại khác. Nó tạo ra thu nhập ổn định và không bị ảnh hưởng của mùa vụ, tạo ra kỷ luật và đạo đức của người lao động, cũng như cơ hội học hỏi về tạo ra kinh doanh.
Tuy nhiên, sản xuất nhỏ hay công nghiệp nhẹ, theo anh Hinh, ngược lại với công nghiệp nặng, các quốc gia nghèo lại cần sản xuất ra những hàng hóa cần thiết hàng ngày cho gia đình, làng xóm và cộng đồng như thức ăn, đồ uống, thuộc da, đồ gỗ hay cao hơn là gia công sắt thép hay đồ gia dụng.
Kiểu sản xuất nhỏ đó lại cần lượng lớn số lao động kỹ thuật thấp (tính hàng triệu) mà các nước kém phát triển có dư thừa. Dòng vốn đầu tư không cần lớn, công nghệ đơn giản và có sẵn. Thật tiện cho nước nghèo.
Khi kinh tế phát triển, từ chỗ sản xuất nhỏ tiến lên trình độ cao hơn, sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao và có nhiều lọai mặt hàng hơn. Trong quá trình dần hoàn thiện đó, quốc gia dần được công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Đầu thế kỷ 20, Nhật Bản từng sản xuất vải vóc và may mặc, nhưng nay họ đang sở hữu những nhà máy công nghệ cao và hàng hóa chất lượng tinh xảo và hiện đại.
Anh Hinh kết luận, lịch sử đã chứng minh, cách làm bắt đầu từ sản xuất nhỏ và công nghiệp nhẹ đã giúp các quốc gia cất cánh. Điều đó không có nghĩa rằng, các nước nghèo như ở Châu Phi, châu Á, sẽ phải bị giam trong cái bẫy sản xuất nhỏ suốt đời.
Hiện nay, xu hướng một quốc gia đi từ nước thu nhập thấp lên thu nhập cao mất ít thời gian hơn cách đây một thế kỷ. Châu Âu và Hoa Kỳ mất 100 năm mới qua được ngưỡng này. Nhật Bản mất 60 năm, trong khi Hàn Quốc và Đài Loan mất 40 năm. Toàn cầu hóa và công nghệ phát triển như Internet, các nước nghèo ở châu Phi có thể chỉ mất 30 năm, anh Hinh dự đoán.
Chuyên gia hàng đầu về kinh tế vĩ mô Đinh Trường Hinh lấy ví dụ Việt Nam và Ethiopia. Năm 2009, Ethiopia có 8000 công nhân trong ngành sản xuất da, tạo được 8 triệu đô la xuất khẩu. Việt Nam có 600 ngàn công nhân, xuất khẩu 3,5 tỷ đô la và hiện đang lên tới 10 tỷ. Ethiopia nên bắt chước.
Đây là một thông điệp khá hay cho mục tiêu phát triển kinh tế nước nhà.
Cuốn sách "Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam" của anh Hinh đã được xuất bản tại bằng tiếng Việt cùng chủ đề và đã có một số các đề nghị để tăng trưởng kinh tế.
Theo cuốn sách, Việt Nam muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và tạo việc làm, phải chuyển đổi cơ cấu dần dần công nhân từ khu vực nông nghiệp với năng suất lao động thấp và khu vực chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp sản phẩm nhập khẩu đơn thuần, sang hoạt động sản xuất với năng suất cao hơn.
Việt Nam cần giải quyết những vấn đề cơ bản trong ngành công nghiệp nhẹ. Cho đến nay phần đóng góp của công nghiệp nhẹ bị các số lượng tăng trưởng kinh tế che lấp nên các nhà làm chính sách chưa nhìn ra tầm quan trọng của ngành này.
Ngoài ra, cuốn sách cho thấy có sự phân cực giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Thông điệp khá rõ, muốn tiến thẳng lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải dồn trọng tâm vào cải cách giáo dục, đào tạo nghề, xét lại chiến lược phát triển công ty quốc doanh một cách nghiêm túc, và giúp đỡ các công nghiệp tư nhân nhỏ trở thành lớn theo hội nhập quốc tế để tăng năng suất.
Chị Nguyễn Vân Trang: Kinh nghiệm giảm đói nghèo ở châu Á.
Trong bài viết ngắn, chị Trang đã phân tích khá hay về kinh nghiệm giảm đói nghèo ở Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Ảnh: WB
Trong khoảng 10 năm qua, nhiều quốc gia khu vực năng động này, không chỉ Trung Quốc, đã thành công trong giảm nghèo, vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. Năm 2005, vùng này có 17,1% dân số thu nhập 1,25$/ngày (nghèo) thì năm 2010 đã giảm xuống 12,5%, trong điều kiện các khuôn khổ chính sách xã hội không lớn như Nam Mỹ La tin và Đông Âu.
Có ba nguyên nhân chính:
(1) Labor Income. Thu nhập từ lao động do công ăn việc làm mang lại đã đóng góp 40% cho giảm nghèo. Việt Nam và Campuchia thì tỷ lệ này có tới 70%, trong khi tại Timor Leste do chiến tranh (2001-2007) và xung đột làm cho việc làm bị mất, chương trình thoát nghèo bị chậm lại,
(2) Non-labor income - Thu nhập ngoài lương. Bao gồm tài sản, đầu tư riêng của gia đính, trợ giúp xã hội, bảo hiểm... là những yếu tố quan trọng trong một số quốc gia.
(3) Demographic change. Thay đổi về dân số, nhất là tỷ lệ sinh giảm và người lớn có điều kiện đi làm, thu nhập cao hơn trên từng đầu người trong gia đình. Đó cũng là yếu tố quan trọng giảm nghèo nếu có chương trình kế hoạch hóa gia đình tốt.
......
Xin giới thiệu đôi dòng về hai con người "tài năng" này.
Anh Đinh Trường Hinh là người gốc Huế, thông thạo cả ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt, có bằng tiến sỹ kinh tế năm 1978 tại đại học Pittsburg (Mỹ). Anh Hinh có rất nhiều công trình và sách xuất bản về kinh tế thế giới, chiến lược chống đói nghèo tại khu vực châu Á và châu Phi, trong đó có cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Việt "Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam" do WB ấn hành.
Năm 1978, anh Hinh được nhận vào như một tài năng trẻ (Young Professional) vào WBG qua những vòng tuyển chọn rất khó. Anh đã qua nhiều công tác nghiên cứu kinh tế vĩ mô, quản lý, là tác giả của nhiều đầu sách và các bài báo.
Thuộc thế hệ U30, ra đi từ miền Bắc hơn chục năm trước, chị Vân Trang du học tại Mỹ. Dù trên 30 tuổi chút, chị đã là chuyên viên kinh tế cao cấp (senior economist) tại WBG, chứng tỏ một tài năng, được đánh giá cao tại tổ chức quốc tế uy tín này.
Chị Vân Trang, học phổ thông ở Hà Nội - Amsterdam, du học bên Mỹ năm 1998, có bằng tiến sỹ kinh tế MIT (Massachusetts Institute of Technology) năm 2008, thuộc hàng tài năng trẻ của WBG, giống như anh Hinh được nhận cách đó 3 thập kỷ. Chị Trang có nhiều công trình về kinh tế vi mô, có kinh nghiệm nghiên cứu tại khu vực châu Á, Phi và Đông Âu..
Những người được vào WB thuộc lớp Young Professional thường sau này trở thành nhà quản lý, kinh tế gia, hay chuyên viên hàng đầu của WBG.
Cuối tuần tự nhiên thấy vui vì người Việt ở World Bank. Chất xám của nước mình có ở khắp nơi, làm thế nào sử dụng nhân tài là một câu chuyện dài và đòi hỏi tầm nhìn xa và khéo léo của những nhà quản lý biết sử dụng người.
Hiệu Minh. Washington DC 2/4/2014.
Theo_VietNamNet
Sang Nga làm việc "chui": Muốn về nước phải nộp tiền "chuộc thân" Mất một khoản tiền lớn để xuất ngoại làm việc nhưng sau một thời gian ngắn sang Nga, các lao động ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An phải cầu cứu người nhà lo vay tiền gửi sang "chuộc" về nước. Ngày xuất ngoại trở về quê của các lao động không vui, khi họ cùng với gia đình phải đối...