Người Việt trong siêu bão Hải Yến – Kỳ 2: Trong ‘thủ phủ’ người Việt đi Phi
Nếu tính toàn bộ người Việt sống và làm ăn trên đất Philippines thì người có xuất xứ từ xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thuộc vào dạng đông đảo nhất. Từ những ngư dân chất phác, họ đã rời quê để tìm nơi đất khách mưu sinh với mong muốn khấm khá hơn.
Làng chài Nhơn Lý với nhiều ngôi nhà lầu nằm sát nhau
Theo thống kê của chính quyền địa phương, xã ven biển Nhơn Lý có gần 500 người dân làm ăn tại Philippines.
Làng biển toàn… nhà lầu
Nhìn từ xa, Nhơn Lý như một cụm dân cư nhỏ lọt thỏm giữa những đồi cát mênh mông, hướng mặt ra biển. Gần hơn chút nữa, sẽ không ít người ngạc nhiên khi Nhơn Lý toàn nhà lầu mới xây nằm san sát nhau, rất khác so với hình ảnh quen thuộc của những làng chài ven biển.
Bộ mặt Nhơn Lý bắt đầu thay đổi trong 5 năm trở lại đây, khi dòng tiền của lao động địa phương “đi Phi” (cách gọi lao động đi Philippines làm ăn của người dân xã Nhơn Lý) đổ về quê nhà.
Chúng tôi đã tạo điều kiện đưa những công ty xuất khẩu lao động có uy tín về tại xã Nhơn Lý giúp đỡ bà con ngư dân; chính quyền địa phương cũng tuyên truyền cho người dân biết những bất trắc do xuất ngoại chui nhưng số người ‘đi Phi’ ở Nhơn Lý cũng khó kiểm soát được
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Định
Một cán bộ xã Nhơn Lý cho biết nhờ đi làm ăn ở Philippines, nhiều người có cuộc sống ổn định hơn, nhà cao tầng mọc lên nhiều, bộ mặt của địa phương thay đổi.
Gia đình ông Nông Thanh Phước (57 tuổi, thôn Lý Chánh) là một trong những gia đình đầu tiên trong xã có người “đi Phi” buôn bán. Đến nay, đã có ba con gái của ông Phước và các con rể đều sinh sống và làm việc ở Philippines, tất cả đều làm ăn khấm khá.
Họ hàng gần xa của ông Trần Đê (68 tuổi, thôn Lý Hòa) cũng có gần hai chục thành viên đang sống và làm việc bên Philippines, nhiều người xây được nhà lầu, mua sắm vật dụng trong nhà đầy đủ.
Thành đạt tại Philippines phải kể đến năm người con của bà Võ Thị Luận (ở thôn Lý Hòa). Ngôi nhà của bà Luận là một trong những nhà khang trang nhất thôn Lý Hòa.
Đầu tiên, chỉ có một con gái của bà “đi Phi” vào năm 1999 để buôn bán quần áo, giày dép. Thấy xứ người dễ làm ăn, con gái bà Luận lần lượt bảo lãnh người nhà sang trợ giúp mình buôn bán. Sau một thời gian, năm người con bà Luận đều có mối ra làm ăn riêng.
Hiện những người con của bà Luận lấy sỉ quần áo, giày dép, hàng điện tử… ở trung tâm thành phố rồi đưa về các vùng quê, các hòn đảo bán lẻ cho người dân bản địa.
“Hồi mới qua, chúng nó làm ăn ngon lành lắm, vài năm là đã gửi đủ tiền về cho tôi xây nhà lầu. Nhưng bây giờ nhiều người Việt làm theo nên chuyện buôn bán bên đó ngày càng khó khăn, các con tôi đã tính chuyện về nước”, bà Luận nói.
Video đang HOT
Bà Luận trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi
Muốn về cũng khó
Tuy nhiên, không phải ai “đi Phi” cũng được may mắn như trên. Nhiều lao động ở Nhơn Lý qua Philippines buôn bán không thành công, muốn về lại quê nhà cũng không có đủ tiền.
Như trường hợp anh Trình Phụ (25 tuổi, thôn Lý Hòa, con bà Đỗ Thị Tổng), mới “đi Phi” có hơn 7 tháng đã muốn trở về.
“Gia đình tôi vốn làm nghề rút lưới chì nhưng khi chồng tôi bị tai biến vào năm 2008 thì phải bán ghe để chạy chữa. Thấy những gia đình khác “đi Phi” làm ăn giàu có nên tôi vay 40 triệu đồng cho thằng Phụ “đi Phi”. Nhưng công việc không mấy suôn sẻ, mấy tháng nay Phụ điện về bảo là không có việc, lại hay bị cảnh sát Philippines truy đuổi. Bây giờ muốn về quê thì phải nộp tiền thuế 100 triệu đồng. Số tiền ấy chúng tôi biết lấy đâu ra mà nộp?”, bà Tổng nói.
Chị Hồ Thị Vy, con ông Hồ Sắc ở thôn Lý Chánh, cũng có hoàn cảnh tương tự. Năm 2012, chị Vy để con gái gần 6 tuổi cho cha mẹ chăm sóc để qua Philippines nhưng công việc không được thuận lợi giờ cũng không có tiền về quê.
Theo ông Đinh Văn Bình (55 tuổi, ở thôn Lý Lương), một lao động vừa “đi Phi” trở về, người Nhơn Lý ở Philippines chủ yếu buôn bán tại đảo Mindanao, đảo Cebu và thủ đô Manila.
Đa số đều làm giấy tờ xuất cảnh đi du lịch nhưng khi đến Philippines thì tìm cách ở lại, kết nối với người quen để làm ăn. Những người này đều buôn bán nhỏ lẻ, lấy hàng từ thành phố để bán tại các chợ quê, các hòn đảo.
Làm nghề biển ở Nhơn Lý giờ toàn người già và phụ nữ
Chợ cá ở xã Nhơn Lý
Một số lao động ở Nhơn Lý cư trú bất hợp pháp nên nhiều người còn bị cảnh sát Philippines truy bắt, muốn về nước phải đóng tiền phạt, rất khó làm ăn, buôn bán từ sau bão Hải Yến.
“Những lao động cư trú ở Philippines bất hợp pháp muốn về nước phải đóng mức thuế hơn 100 triệu đồng. Sau bão, nhiều người đã trắng tay nên muốn về nước cũng rất khó” ông Bình nói.
Suốt mấy ngày sau bão Hải Yến, ông Lê Trúc Linh (68 tuổi, ở thôn Lý Lương) như ngồi trên đống lửa. “Làm ăn ở Philippines tuy có thu nhập cao nhưng các con tôi nói ở xứ người khổ lắm. Mỗi lần xem tivi thấy có bão trên biển Đông thì gia đình không yên. Mà nước đó toàn bão to. Kiểu này thì kêu chúng về hết mới yên tâm được”, ông Linh tâm sự.
Theo UBND xã Nhơn Lý, hiện có hơn 470 người ở địa phương làm lao động tự do tại Philippines. “Tuy không có thiệt hại về người nhưng cơn bão Hải Yến cũng gây ra nhiều thiệt hại về công việc, vật chất của lao động xã Nhơn Lý ở Philippines”, bà Hồ Thị Tường, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết.
Theo TNO
Người Việt trong siêu bão Hải Yến - Kỳ 1: Tacloban điêu tàn, Đông Tác cũng tan tác
Những người thân yêu nhất của họ vẫn đang kẹt lại trên đất Philippines. Chút ít tiền dành dụm sau bao năm lao động vất vả cũng tan biến theo cơn bão dữ Hải Yến (Haiyan). Tình cảnh của những xóm làng người Việt tại dải đất miền Trung như ngồi trên lửa. Bởi với họ, cuộc mưu sinh trên đất bạn chưa thấy hoa hồng mà chỉ có toàn gai nhọn.
Chị Trần Thị Hoa cầu mong cha con anh Phạm Văn Ngà vượt qua khó khăn
Tacloban (tỉnh Leyte, Philippines) là nơi bị tàn phá nặng nề nhất sau cơn bão Hải Yến. Cả thành phố thành bình địa, hoang tàn trong đống đổ nát. Cách đó vài ngàn cây số, 50 hộ dân ở làng chài Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cũng điêu đứng không kém, bởi người thân trong làng sống chết bặt tăm, tài sản tiêu tan tất cả giữa tâm bão.
Giờ thì mọi người đã an tâm hơn khi sau nhiều ngày mất tin tức, họ biết được tất cả người Việt tại Tacloban đều bình yên. Hiện ai cũng trông ngóng người thân của mình trở về trong sự giúp đỡ của báo chí và cơ quan ngoại giao Việt Nam.
Siêu bão giết chết hy vọng của cả gia đình
Những người cha, người mẹ, người vợ ở quê nhà đã nén tình cảm để người thân rời quê hương sang Philippines mưu sinh với hi vọng là cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Thế nhưng, bây giờ trắng tay, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Cái nắng hiếm hoi của mùa mưa bão đã sưởi ấm phần nào nỗi lạnh giá khi chồng, con xa vắng. Chị Trần Thị Hoa (khu phố 6) một mình gồng gánh nuôi hai con khi chồng chị là anh Phạm Văn Ngà (47 tuổi) và con trai là Phạm Ngọc Tý đang vất vả mưu sinh ở Tacloban.
Nó sang bên đó chừng một năm. Tuy chưa gửi tiền về, nhưng vốn liếng cũng đã kha khá. Nếu không có siêu bão chắc cũng sẽ đỡ hơn nhiều. Cơn bão đã giết chết hi vọng của gia đình tôi
Chị Trần Thị Hoa
Chị Hoa cho biết: "Nợ nần quá nên gia đình quyết vay ít vốn để con trai qua Philippines để làm ăn với hy vọng sẽ có tiền gửi về trả nợ. Nhưng giờ, trắng tay rồi. Nhưng mà cũng may, cả hai cha con đều an toàn trong trận siêu bão vừa qua".
Anh Ngà là ngư dân. Trước đây, gia đình anh cũng sắm tàu cá để hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Cuộc sống tuy không khá lắm, nhưng cũng đủ nuôi sống 5 miệng ăn. Thế nhưng tai ương cứ gieo rắc vào gia đình bé nhỏ của anh.
"Đang làm ăn bình thường, bỗng dưng tàu gặp nạn khi ra cửa biển Đà Diễn. Vớt được tàu, lai dắt vào bờ, vay mượn để sửa chữa tiếp tục vươn khơi thì đùng một cái, anh Ngà bị thương đến nỗi phải cắt cụt một chân", chị Hoa ngấn lệ kể lại.
Từ đó, gia đình anh Ngà quyết định bán tàu cá để trả nợ, trang trải cuộc sống.
Chị Hoa bùi ngùi: "Bán tàu rồi, trả nhưng vẫn không hết nợ. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng bàn nhau vay mượn ít tiền để cho cháu Tý sang Philippines mua bán với hi vọng sẽ kiếm ít tiền gửi về cho gia đình trả nợ. Sợ nó một mình bên ấy buồn nên ảnh (anh Ngà - PV) cũng đi theo để nấu cơm, phụ giúp cho cháu. Nhưng bây giờ bão qua, tài sản duy nhất là sổ nợ".
Tý sang Tacloban để buôn bán vải, giày dạo. Tuy không giàu có, nhưng cuộc sống cũng đỡ hơn ở quê nhà. "Nó sang bên đó chừng một năm. Tuy chưa gửi tiền về, nhưng vốn liếng cũng đã kha khá. Nếu không có siêu bão chắc cũng sẽ đỡ hơn nhiều. Cơn bão đã giết chết hi vọng của gia đình tôi", chị Hoa buồn rầu.
Trắng tay
Cụ Trần Thanh cùng khu phố nay đã bước sang tuổi 78 nhưng vợ chồng cụ vẫn phải chật vật với 3 sào ruộng để nuôi hai con gái bị bệnh tâm thần.
Cách nay 4 năm, con trai của cụ là anh Trần Binh (46 tuổi) cùng vợ con sang Philippines để mưu sinh. Công việc hằng ngày của anh Binh là buôn bán vải, giày dép... cho người dân ở đây. Sau đó 3 năm, người con nữa là anh Trần Dần (28 tuổi) cũng sang bên đó làm ăn.
Chị Đinh Thị Chiến từng hi vọng con trai mình thành công nơi đất khách
Cụ Thanh không rõ anh Bình và Dần sống ở vùng nào mà chỉ biết ngay nơi bị siêu bão Hải Yến tàn phá. "Lúc đó, tui đứng ngồi chẳng yên. Nhưng rồi tin vui cũng đến, tụi nó báo về còn sống. Cả nhà mừng khôn xiết", cụ thổ lộ.
Trước đây, những người con của cụ Thanh đã gửi tiền về "chi viện" cho vợ chồng cụ sinh sống. "Bây giờ, hoàn cảnh tụi nó vậy thì lấy đâu tiền mà gửi về. Tui còn sức ngày nào thì hay ngày đó, chỉ mong tụi nhỏ sớm ổn định cuộc sống nơi đất khách quê người", cụ Thanh cầu mong.
Cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình, chị Đinh Thị Chiến (48 tuổi) đã vay mượn 30 triệu đồng cho người con trai là Trần Công Toàn (26 tuổi) sang Philippines lập nghiệp. Toàn mới qua đó chừng 1 năm thì xảy ra bão.
"Nó làm ăn, chưa gửi được đồng nào về thì xảy ra bão. Bao nhiêu vốn liếng, giờ chỉ còn nằm trên sổ nợ", chị Chiến nói.
Từ khi xảy ra bão, Toàn chỉ điện thoại hai lần về nhà để báo tin còn sống cho gia đình yên lòng. Chị Chiến lo lắng: "Bây giờ, tui chỉ chờ nó điện về, chứ không biết sao nữa. Lần trước, nó điện về tui chỉ kịp động viên nó cố gắng".
Bây giờ, gia đình của những người thân ở làng biển Đông Tác đang sinh sống ở Philippines chỉ mong muốn chồng, con và cháu của họ sớm ổn định cuộc sống.
"Về hay ở lại là do nó quyết định. Tui bên này chỉ mong cho nó "chân cứng đá mềm", cố gắng vượt qua khó khăn", chị Chiến tâm tình.
Theo TNO
Đang thuyết phục miễn tiền nợ cho người Việt tại Philippines về nước Trao đổi với Thanh Niên Online ngày 22.11, ông Trương Triều Dương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines, cho biết việc đưa hơn 50 người Việt Nam tại Philippines bị ảnh hưởng bởi siêu bão Hải Yến mong muốn trở về Việt Nam là điều không dễ dàng. Ông Trương Triều Dương trả lời báo chí ngày 22.11 -...