Người Việt tại “rốn lũ” Lào: Ôm lấy nhau chuẩn bị cho cái chết…
Thấy nước dâng lên cao, gia đình tôi đã đập ngói, trèo lên mái nhà. Chúng tôi ôm lấy nhau để chuẩn bị cho cái chết đến vì ngôi nhà có thể bị lũ cuốn bất cứ lúc nào. May thay, sau khi lũ dữ quét qua, căn nhà vẫn trụ vững và chúng tôi ngồi trên nóc nhà cho đến khi được ứng cứu…
Cứ tưởng mình đã chết…
Theo chân Hội người Việt Nam tại tỉnh Attapeu, chúng tôi đã gặp những người Việt Nam tại vùng “rốn lũ” thuộc huyện Samaxay (Attapeu). Trên gương mặt của không ít người vẫn hiện rõ nét bần thần, lo lắng. Và hầu hết bà con vẫn đang phải sống tạm tại các nhà kiều bào người Việt gần huyện.
Nhớ lại cái đêm kinh hoàng, khi cái sống và chết cận kề nhau, anh Trần Văn Biên (45 tuổi – ngụ bản May, huyện Samaxay) cho biết: “Lúc đó khoảng 9h đêm, nước bắt đầu dâng lên tầng 1. Khoảng vài phút sau thì nước và bùn đã ngập hết tầng 1 và dâng lên tầng 2 nên gia đình tôi phải đập lớp ngói để trèo lên nóc nhà. Nhìn qua, tôi thấy các nhà hàng xóm cứ lần lượt bị lũ cuốn trôi. Lúc đó, chúng tôi ôm lấy nhau như để chuẩn bị cho cái chết đến, vì ngôi nhà có thể bị lũ cuốn bất cứ lúc nào… Nhưng may thay, căn nhà vẫn trụ vững cho đến khi dòng lũ đi qua và chúng tôi ngồi trên nóc nhà cho đến trưa hôm sau”.
Anh Trần Văn Biên (Bản May) và gia đình đã may sống sót khi trận lũ quét qua
“Thấy chúng tôi và một số bà con đang ngồi trên nóc nhà, nhiều chiếc thuyền đã áp sát để cứu, nhưng vì dòng lũ chảy mạnh nên đều bị lật. May sao, có một chiếc thuyền đến tận chân nhà tôi, lúc đó tôi lấy sợi dây buộc vợ và con lại để tránh thất lạc rồi đẩy xuống thuyền đi trước…Đến tận chiều hôm sau tôi mới được giải cứu. Đợt lũ vừa qua, gia đình tôi trắng tay, gần cả tấn gạo bị nước cuốn trôi, tài sản cũng theo đó mà đi. Hiện tại, gia đình tôi đang sống nhờ tại nhà một người Việt Nam gần huyện…”, anh Biên kể lại.
Anh Trần Văn Biên cũng cho biết, anh có vợ và 1 con 4 tuổi. Vì điều kiện khó khăn nên vào năm 2014 gia đình anh đã chuyển sang Lào vào bản May để buôn bán. Tại đây, gia đình anh chị mưu sinh bằng nghề buôn bán, xay xát gạo. Cơn lũ đi qua, gia đình anh chị lâm vào tình cảnh “trắng tay” và hiện tại đang phải sống nhờ ở nhà người Việt gần đó.
Tương tự, gia đình chị Vi Thị Thoa (bản May) cũng gần với bờ vực cái chết khi cơn lũ đến. Chị Thoa kể lại: “Khi đó cũng là sinh nhật đứa con gái 6 tuổi của tôi. Gia đình vừa ăn cơm và tổ chức sinh nhật cho cháu rồi gọi điện về cho gia đình bên Việt Nam. Khoảng 9h tối, nước dâng lên đột ngột. Tôi nghĩ chỉ là mưa gió nên nước dâng nên dọn đồ lên gác. Một lúc sau, nước lên mạnh nên chồng tôi ôm đứa con sang nhà hàng xóm gửi, tôi thì thu dọn đồ lên nhà”.
“Nhưng nước càng ngày càng dâng cao, qua hết tầng một, nên tôi đập mái nhà để chui lên nóc. Suốt 2 ngày liên tục tôi nhịn đói ngồi trên nóc chờ cứu hộ. Đến chiều hôm qua, mới có thuyền cứu hộ, nhờ vậy mà tôi và chồng, con đều lên khu vực an toàn. Giờ đây gia đình tôi cũng đang tách nhau ra để sống nhờ dân bản”.
Ấm tình đồng bào vùng rốn lũ
Chỉ riêng bản May đã có 4 hộ gia đình người Việt sinh sống. Sau cơn lũ do sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở đông nam Lào thì các hộ dân này đều rơi vào cảnh không nhà, không tài sản…
Video đang HOT
Một “địa chỉ vàng” là gia đình anh Nguyễn Văn Trình (Trú tại trung tâm huyện Samaxay) khi đang có 8 người Việt sống tạm tại đây. Anh Trình cho biết: “Ngay sau khi biết tin các bản ảnh hưởng do lũ thì tôi đã liên hệ ngay cho bà con đồng bào người Việt Nam tại huyện và tỉnh để kịp thời hỗ trợ. Khi bà con người Việt được cứu ra tôi đã chuẩn bị cháo nóng, cơm để cho bà con ăn sau những ngày bị cô lập vùng lũ. Hiện bản May ra đây có 8 người, do nhà chật thì đã tách nhau ra sống tạm quanh hàng xóm đây…”.
Người Việt Nam kể lần đối mặt với dòng lũ và những khó khăn trước mắt trên đất khách
Chị Võ Thị Dung-Thành viên Hội người Việt Nam tại tỉnh Attapeu chia sẻ: “Ngay khi có tin người dân bản May gặp nạn thì chúng tôi rất lo vì đa số bà con người Việt sống ở đây. Những ngày bị chia cắt, tôi rất lo và liên tục gọi vào xem tình hình sao. Đồng thời, huy động các nguồn bà con người Việt Nam ủng hộ tiền và các nhu yếu phẩm nhằm giúp các gia đình vùng lũ…Giờ trao tận tay những nhu yếu phẩm và ôm bà con người Việt Nam, tôi mới yên tâm”.
Niềm vui của những người Việt Nam khi được Hội Việt Nam tại Attapeu đến thăm
Ông Đào Văn Hiếu- Tổng Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam tại Pakse (CHDCND Lào) thông tin: “Hiện có 15 người Việt Nam tại vùng huyện Samaxay và các huyện lân cận đã lên được vùng an toàn. Một số người Việt bị lũ cuốn trôi nhà cửa thì chúng tôi đã ủng hộ hàng cứu trợ và tiền để giúp bà con sống tạm trong những ngày sắp tới. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp bà con ổn định cuộc sống sau cơn lũ. Đồng thời ,hỗ trợ giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…”.
Được biết, ngay sau khi cơn lũ qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse cũng đã cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường để theo dõi tình hình và làm việc với các cơ quan chức năng của 2 tỉnh Champasak và Attapeu. Bên cạnh đó, những gia đình có nhà cửa cuốn trôi thì được bà con Việt Kiều gần đó tạo điều kiện để cho ở tạm tại huyện Samaxay.
Theo chân các đoàn tìm kiếm cứu hộ, PV báo Dân Trí tại Attapeu (Lào) đã di chuyển sâu vào các bản bị cô lập thuộc huyện Samaxay. Hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn đổ nát, những tiếng” í ới” gọi tìm nhau trong biển nước.
Nhằm tiếp cận với vùng cô lập nhanh nhất thì Quân đội Lào đã huy động rất nhiều trực thăng bay liên tục vào các bản bị cô lập. Đồng thời, các đội cứu hộ dùng ca nô, ghe, thuyền nhỏ để tìm những người đang còn mất tích trong biển nước thuộc huyện Samaxay.
Ghi nhận PV Dân trí tại hiện trường cho thấy, ngoài lực lượng cứu hộ, cứu nạn thì người dân cũng chia ra các nhóm nhỏ dùng thuyền đi vào mọi ngóc ngách của bản làng để tìm kiếm người thân đang mất tích.Theo đó, nhóm cứu hộ từng tham gia giải cứu đội bóng thiếu niên Lợn Rừng mắc kẹt ở hang Tham Luang cũng được huy động gồm 30 nhân viên cứu hộ, bác sĩ và thợ lặn địa phương đã có mặt tại Attapeu để cùng phối hợp tìm các nạn nhân còn lại.
Phạm Hoàng (Từ Attapeu, Lào)
Theo Dân Trí
Vỡ đập thủy điện ở Lào: Tường trình từ một điểm tập kết người bị nạn
Hàng nghìn người bị mất nhà cửa và tài sản trong vụ vỡ đập thủy điện ở Lào hiện đang được "nhét" vào đúng nghĩa trong các khu tập kết là trường học, trụ sở chính quyền để sống tạm qua ngày. Còn tương lai, đến chính quyền địa phương còn chưa có thời gian để nghĩ đến tương lai nào cho họ cả.
Trưa 27.7, phóng viên Lao Động có mặt tại Trường THPT Sanamxay (huyện Sanamxay, tỉnh tỉnh Attapue, Lào). Đây là một trong 5 điểm tập kết nạn nhân của vụ vỡ đập thủy điện trước đó. Có khoảng 700 người dân bị trôi mất nhà cửa, tài sản... đang lánh nạn ở đây - ngôi trường chỉ có 40 phòng, trung bình mỗi phòng chứa từ 50-60 người.
Đập vào mắt chúng tôi là... biển người chen chúc. Không khí ở đây, ngay lúc này, không còn nghe gì khác ngoài mùi người và xú uế bốc lên từ các nhà vệ sinh, trong đó một lượng lớn là nhà vệ sinh dã chiến vừa được dựng lên.
Người dân chờ nhận thực phẩm bên ngoài điểm trường Sanamxay. Ảnh: Đình Văn
"Không còn cách nào khác, chúng tôi đúng nghĩa là bị nhét vào đây, cứ chỗ nào còn trống thì họ nhét người vào...", anh Khăn Bon - người dân ở bản Thạ Hỉn nói với phóng viên Lao Động. "Chúng tôi không còn gì khác ngoài bộ đồ đang mặc trên người. Nhà cửa, tài sản... sau bao nhiêu năm tích cóp giờ đã bị cuốn trôi theo đập thủy điện", anh Khăn Bon ôm mặc khóc.
Người dân sống co cụm trong từng phòng của điểm tập kết. Ai nấy thẫn thờ, mệt mỏi và hoang mang, bàng hoàng sau những gì đã xảy ra. "Nước dâng lên nhanh quá và trước đó chẳng ai thông báo cho chúng tôi biết về việc đập bị vỡ cả. Chúng tôi chỉ kịp và may mắn chạy thoát thân. Nhiều người thân của tôi không may mắn, giờ có lẽ đã chết hoặc đang mất tích đâu đó", anh Khăm Bột ở bản Hạ Thỉn - người vừa ra viện hôm qua do nước xô đập vào cây bị đa chấn thương - nói.
Hai bố con anh Choi (bản May) thẫn thờ khi tài sản, nhà cửa bị cuốn trôi hoàn toàn. Ảnh: Đình Văn
"Lúc đó hoảng loạn lắm" - anh Khăm Bột nhớ lại. "Người bị nước lũ xô đẩy trôi theo dòng nước, có người bám vào bất cứ thứ gì có thể bám bên đường, người thì leo lên cây, người ôm trụ điện, người chạy không kịp thì leo lên nóc nhà.
Khoảng 17h sáng ngày 23.7, nước lũ đồ về bản Hạ Thỉn. Đến khoảng 9-10h đêm, chúng tôi được giải cứu. Nhưng cũng có người phải chờ đến sáng đến hôm sau. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi được trực thăng rải thức ăn là lương khô. Sau đó, ca nô len lỏi vào từng nhà để cứu người".
Tại các điểm tập kết như ở đây, người dân hàng ngày được cung cấp thức ăn nấu sẵn cùng bánh kẹo, nước uống. Hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore,...) cũng đổ về đây rất nhiều, máy bay, xe chở hàng cứu trợ liên tục lên xuống, vào ra... nhưng có vẻ như vẫn không đáp ứng đầy đủ nhu cầu quá lớn của người dân.
"Ở đây đang quá tải một cách nghiêm trọng, chúng tôi đang thiếu nước sạch, thiếu ăn, không có chỗ để ngủ, vệ sinh thì phải xếp hàng chờ đợi vì ở đây quá đông người. Không biết chúng tôi còn có thể chịu đựng được cảnh này được bao lâu nữa...", vẫn lời anh Khăn Bon.
Điểm trường Sanamxay đang quá tải vì quá nhiều người. Ảnh: Đình Văn
Đặc biệt tại điểm trường THPT Sanamxay, bên ngoài có rất nhiều lều bạt dạng quân đội để người dân và đội cứu trợ ở. Tuy nhiên, lúc này, trời đang mưa to nên người dân chẳng ai chịu ở trong bạt mà chấp nhận chen chúc nhau trong các căn phòng. "Chúng tôi sợ nước lắm rồi" - anh Choi, người dân bản May, nói trong khi ôm chặt đứa con trai ngoài 3 tuổi của mình.
Tại điểm tập kết, có 3 góc để lực lượng quân y cấp thuốc y tế, khám chữa bệnh. Bác sỹ quân y Kết Vi Lay có mặt tại điểm trường Sanamxay nói hai bệnh chủ yếu trong thời điểm này là ỉa chảy (do vệ sinh, nguồn nước, ăn uống thiếu thốn và loét chân (do ngâm và lội bùn nhiều khi chạy lũ). "Chúng tôi đang điều trị cũng như cấp phát thuốc để người dân phòng chống dịch bệnh nên hy vọng là điều tồi tệ sẽ không xảy ra", bác sĩ Kết Vi Lay nói.
Bác sĩ quân y đang khám chữa bệnh chjo người dân. Ảnh: Đình Văn
"Chúng tôi sợ lắm rồi, chúng tôi sẽ không bao giờ quay về chốn cũ nữa" - đó là câu cửa miệng của nhiều người dân đang tạm trú ở điểm trường Sanamxay nói với phóng viên Lao Động. Họ bảo nguyện vọng lớn nhất bây giờ của họ là Đảng và Chính phủ Lào cần tìm cho họ một chỗ ở mới có ruộng, nhà ở cùng ít vật dụng cơ bản để họ bắt đầu xây dựng cuộc sống mới đúng nghĩa. Và quan trong hơn cả là nơi ở mới sẽ không bao giờ bị nước lên do vỡ đập thủy điện như thảm họa Sepien - Senamnoi đầy ác mộng với họ.
Gương mặt thẩn thờ của người dân vì những gì đã xảy ra và tương lai bất định phía trước. Ảnh: Đình Văn
Nhưng đó là chuyện của tương lai bởi chính quyền lúc này đang tập trung toàn lực cho việc lo thức ăn, nước uống, thuốc men... cho hàng ngàn người đang lâm cảnh "màn trời chiếu đất" cùng việc tìm kiếm 130 người mất tích hiện vẫn đang dở dang.
ĐÌNH VĂN (TỪ ATTAPEU - LÀO)
Theo Laodong
Kịp thời hỗ trợ người Việt gặp nạn trong vụ vỡ đập thủy điện ở Lào Ngày 27/7, ông Đào Văn Hiếu - Tổng Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam tại Pakse (CHDCND Lào) thông tin, hiện 15 người Việt Nam tại vùng huyện Samaxay (tỉnh Attapeu - Lào) và các huyện lân cận đang an toàn. "Một số người Việt bị lũ cuốn trôi nhà cửa thì chúng tôi đã ủng hộ hàng cứu trợ và tiền...