Người Việt tại Nga căng mình chống Covid-19
Cứ chiều chiều, Trang lại mong hôm nay cộng đồng người Việt tại Voronezh không có thêm ca Covid-19. Điện thoại nóng ran cả ngày vì những cuộc gọi thông báo kết quả xét nghiệm.
Người Việt tại chợ Ostuzheva 47 đeo khẩu trang chống dịch. (Anh: THANH THỂ)
Những ngày căng thẳng
Trang nhớ lại những ngày đầu tháng 9, khi người Việt Nam tại chợ Ostuzheva 47 (thành phố Voronezh, LB Nga) ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, là một tiểu thương bán giày. Hàng chục người F1, F2 mau chóng đi xét nghiệm. Danh sách các ca dương tính trong cộng đồng cứ dài ra.
Thành phố Voronezh nằm cách Thủ đô Moscow của LB Nga khoảng 500km về phía nam. Khu chợ chỗ Trang làm việc là nơi buôn bán của khoảng 700 người Việt. Từ khi dịch bùng phát ở Nga, Voronezh nằm trong nhóm những địa phương có tình hình dịch phức tạp nhất, khi số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày đến nay vẫn tăng mạnh.
“Trong vòng 10 ngày sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, hôm nào cộng đồng người Việt Nam ở chợ cũng có thêm các trường hợp dương tính. Cả chợ hoang mang vì không tìm nổi F0″, Trang nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1970), là mẹ của Trang, đã sốc khi nhận kết quả mắc Covid-19. Khoảng ba tuần nằm viện, bà Hoa đã cảm thấy tốt hơn nhiều. Trước đó, nghe tin cộng đồng có ca bệnh đầu tiên, bà Hoa với nhiều triệu chứng mà tự nghĩ là cúm mùa, như đau đầu, đau vai, cảm sốt, đã mau chóng đi xét nghiệm Covid-19.
“Lúc nhận kết quả, bản thân tôi lo lắm. Cậu con trai nhà tôi cũng có kết quả dương tính. Hai mẹ con nằm viện điều trị, ngày phải uống rất nhiều thuốc, rồi tiêm, rồi truyền… Cũng may là bác sĩ Nga tận tâm”, bà Hoa chia sẻ.
Bà Hoa cũng nhận định, sau khi cộng đồng vượt qua làn sóng dịch đầu tiên một cách khá an toàn, nhiều người lại có tâm lý chủ quan, lơ là các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Trải qua những ngày không người thân trong viện, bà Hoa ước mình đã cẩn thận hơn trong việc đeo khẩu trang và xịt chống khuẩn thường xuyên.
Cũng mắc Covid-19 nhưng không nặng như bà Hoa nên anh Văn (quê Nghệ An) được bác sĩ chỉ định tự điều trị tại nhà. Sống trong căn hộ một phòng, anh Văn và vợ “mỗi người một góc” hỗ trợ nhau trị bệnh.
Người Việt treo biển “Không khẩu trang, không được vào”. (Ảnh: THANH THỂ)
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người Việt lớn tuổi quyết định nghỉ ở nhà. Không ít người đề xuất tạm đóng cửa chợ hai tuần, song vì nhiều lý do, quyết định này không được thông qua. Trước đó, từ tháng 3, chợ đã nghỉ trong nhiều tháng để chống dịch.
Video đang HOT
Một số người Việt tại Voronezh thừa nhận, dù đã từng lo lắng trước làn sóng dịch thứ nhất, song khi nghe tin người Việt Nam đầu tiên trong chợ mắc Covid-19, thì họ mới thật sự cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Sống chung với lũ
Dịch đã đến “tận nhà hàng xóm”, song làm ăn cả năm trông chờ vào mỗi vụ này nên người dân mau chóng “khởi động” lại cuộc chiến chống dịch. Các tiểu thương tăng cường khử trùng hàng hóa, đeo khẩu trang. Họ cũng đề biển “không khẩu trang, không xem hàng”.
Văn phòng chợ thắt chặt quy định, ai có triệu chứng mắc Covid-19 phải mau chóng đi kiểm tra. Nhà nào có người mắc bệnh, phải tạm đóng cửa hàng và cách ly 10 ngày. Sau thời gian cách ly, phải nộp kết quả xét nghiệm âm tính, mới được ra chợ.
Những người quản lý tại chợ cũng tăng cường các biện pháp vệ sinh chống dịch, một tuần tổng vệ sinh chợ hai lần. Trong khi đó, lực lượng sinh viên tiếp tục hỗ trợ cộng đồng trong việc phiên dịch, tìm nơi xét nghiệm…
Dịch nguy hiểm, song không thể tiếp tục đóng cửa vì cần tiền để lo cho gia đình, anh Hải (quê Nghệ An), lại xuống hầm cách ly vợ con. Khu nhà vườn có tầng hầm trước làm kho để vật liệu, nay anh Hải dọn dẹp để sống tạm qua mùa Covid-19. Hằng ngày đi chợ về, anh Hải nhìn con và vợ qua cửa sổ kính.
“Cũng chưa biết dịch lúc nào mới hết, tạm thời mình cứ ở dưới hầm để hạn chế tiếp xúc với vợ con. Dịch còn nguy hiểm nhưng xác định sống chung với nó vậy”, anh Hải nói.
Chợ Việt vắng người thời Covid-19. (Ảnh: THANH THỂ)
Chưa năm nào người Việt Nam tại Nga lại làm ăn khó khăn như năm nay. Ông Nguyễn Duy Thương (48 tuổi), chuyên vận tải hàng hóa, cho biết, so với năm ngoái, doanh thu năm nay của gia đình ông đã mất hơn 40%.
“Trong bốn tháng nghỉ chống dịch, gia đình tôi không chạy được một chuyến xe chở hàng nào. Giờ xe hoạt động trở lại, chúng tôi xác định sống chung với lũ, điều cần làm là bảo vệ bản thân tối đa trước nguy cơ lây bệnh”, ông Thương chia sẻ.
Ông Vũ Huy Lan, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thành phố Voronezh đề cao tinh thần đoàn kết của người Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch. Theo ông Lan, việc chấp hành nghiêm túc các yêu cầu từ chính quyền thành phố và ban quản lý chợ là một trong những yếu tố cần thiết để chiến thắng dịch bệnh.
“Người Việt không kỳ thị người bệnh, khai báo kịp thời để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dù sống ở Nga, song mọi người đều chống dịch theo tinh thần ở Việt Nam”, chị Nguyễn Phương Hoa, thư ký Hội người Việt Nam tại Voronezh cho biết.
Một tháng sau khi có ca mắc Covid-19 đầu tiên, người Việt Nam tại chợ Ostuzheva 47 đã ghi nhận khoảng 40 ca bệnh. Tuy nhiên, khoảng một nửa số bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Ngày 2-10, Nga ghi nhận thêm 9.412 bệnh nhân Covid-19, trong đó 173 trường hợp tại Voronezh nhưng cộng đồng người Việt Nam tại chợ Ostuzheva 47 đã trải qua chục ngày không có ca bệnh mới. Quãng thời gian qua đầy sóng gió, song cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh để mọi người biết được, cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều gian nan.
Bộ ảnh tuyệt đẹp về đời sống người Việt Nam trong mắt nhiếp ảnh gia Pháp
Những khoảnh khắc đời thường, dung dị trong cuộc sống của người Việt Nam hiện lên tuyệt đẹp trong bộ ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp.
Réhahn, nhiếp ảnh gia người Pháp, đã ghé thăm hơn 35 quốc gia và Việt Nam cũng nằm trong hành trình đó. Trong gần một thập kỉ, anh tìm hiểu và khám phá cộng đồng và văn hóa ở những mảnh đất mình đi qua, thực hiện dự án ảnh ghi lại toàn bộ những gì chân thực nhất trong đời sống người bản địa.
Loạt ảnh mang tên "Vẻ đẹp Việt Nam" dưới đây được tác giả tâm đắc, chia sẻ.
[Infographics] Báo động về tình trạng ăn quá mặn của người Việt Nam Mỗi người chỉ nên ăn tối đa 5g muối trong một ngày. Thống kê cho thấy người Việt Nam hiện đang tiêu thụ quá nhiều muối so với ngưỡng khuyến cáo của WHO. Theo kết quả Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm toàn quốc ở đối tượng 16-69 tuổi công bố mới nhất cho thấy, trung bình một người...