Người Việt ở Ukraine cùng nhau vượt qua vòng vây COVID-19
Trong bối cảnh Ukraine có ngày có thêm đến hơn 16.000 ca mới nhiễm virus corona, người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại quốc gia Đông Âu này cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Xét nghiệm COVID-19 cho người Việt tại Odessa. Ảnh: TTXVN phát
Tỉnh Odessa vào vùng đỏ về lây nhiễm COVID-19 đã một tháng rưỡi nay, mỗi ngày có hơn 1.000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên với tinh thần tương thân tương ái và những giải pháp kịp thời, Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, một trong những địa phương của Ukraine có đông người Việt sinh sống nhất đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tạo tâm lý ổn định cho bà con.
Qua trao đổi với bác sĩ Đinh Thị Xuân Nhi, tốt nghiệp năm 2017, tổ trưởng Tổ tư vấn y tế cộng đồng tình nguyện, thành viên tổ phản ứng nhanh, em cho biết đợt bùng phát hiện nay được xem là đợt bùng phát thứ 3 trong cộng đồng người Việt ở Ukraine. Tại Odessa, nó diễn ra chủ yếu ở khu vực Sorsa, mỗi ngày có từ 2-3 ca người Việt nhiễm virus corona, có ngày lên đến 5-6 ca.
Tổ y tế cộng đồng được thành lập hồi tháng 9 khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát và số lây nhiễm lên đến 10 ca/ngày chủ yếu ở Làng Sen. Tuy nhiên những người bị nhiễm hồi tháng 9 đều đã khỏi bệnh. Để hỗ trợ đọc kết quả xét nghiệm, kết quả chụp phổi, và tư vấn cho người Việt bị bệnh, số điện thoại của Nhi hoạt động 24/24 giờ, em cho biết trong giai đoạn làn sóng bùng phát thứ hai “mọi người gọi rất nhiều, liên tục, cháy máy từ sáng đến đêm”.
Tặng thiết bị y tế cho Bệnh viện truyền nhiễm Odessa. Ảnh: TTXVN phát
Theo bác sĩ Nhi, một trong những trọng tâm tư vấn là ổn định tâm lý cho người ốm để họ không quá lo lắng, không mua thuốc uống mà không có chỉ định của bác sĩ. Nhìn chung, nhờ sự ứng phó nhanh, hiệu quả của Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng nên những ca nặng đều được nhập viện kịp thời, số người phải thở oxy không nhiều.
Hiện có khoảng 3.000 người Việt đang làm ăn, sinh sống tại thành phố Odessa, trong đó có 2 khu lớn sống tập trung là Làng Sen và Sorsa. Theo thông tin do Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng người Việt ở Odessa đăng tải, tổng cộng tại địa phương này đã có 79 người nhiễm COVID-19. Trong vòng 2 tuần qua có 36 ca nhiễm, trong đó 3 ca đang điều trị tại bệnh viện và 33 ca điều trị tại nhà.
Trò truyện với ông Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, Trưởng Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng, ông cho biết, ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin để tuyên truyền cho bà con ý thức phòng chống COVID-19 trên báo cộng đồng, tổ phản ứng nhanh nằm dưới sự chỉ đạo của Ban phòng chống dịch bệnh đã được thành lập.
Khử trùng căn hộ có người nhiễm COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Ngoài ra Ban cũng đã tiếp xúc, thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Bệnh viện số 1 chuyên chữa trị các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố để khám, chữa trị tích cực cho các trường hợp bệnh nhân người Việt. Ban cũng lập một trang viber để hàng ngày những người ốm, dù chữa trị ở nhà hay trong bệnh viện, phải thông báo tình trạng sức khỏe của mình để Ban nắm được và hỗ trợ.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế Ukraine đang khó khăn, người Việt phải vật lộn làm ăn buôn bán, song nhờ vai trò gương mẫu đi đầu của Đại sứ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, lãnh đạo hội người Việt Nam tỉnh Odessa, cho đến này Hội đã quyên góp được hơn 300.000 grivna cho quĩ phòng chống COVID-19. Số tiền này đã được chi mua 2 máy thở phòng các trường hợp cấp cứu, mua thuốc cấp cứu theo khuyến cáo của bác sĩ, mua trang phục phòng chống COVID-19, và được sử dụng để trợ cấp những trường hợp bệnh nhân khó khăn về kinh tế.
Phỏng vấn anh ĐNQ, quê Thái Bình, cư dân Làng Sen, qua điện thoại, anh ĐNQ cho biết cả nhà anh nhiễm virus corona hồi tháng 9 và anh phải nhập viện điều trị 8 ngày. Khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, anh rất lo lắng, song Ban phòng chống dịch bệnh đã nhanh chóng chóng liên hệ để anh được nhập viện.
Ban phòng chống dịch bệnh luôn quan tâm, lo lắng, và cộng đồng không bỏ rơi bà con. Theo anh ĐNQ, gia đình anh khi có biểu hiện nhiễm bệnh đã có ý thức đi xét nghiệm luôn và thông báo cho cộng đồng được biết.
Kể lại những ngày trong bệnh viện, anh ĐNQ nhắc mãi đến tình cảm “rơi nước mắt” của nhóm hỗ trợ cộng đồng, khi chị em trong Làng Sen tổ chức nấu cơm, ngày 2 bữa chuyển vào có cả nước cam, nước chanh cho 14 người Việt điều trị trong viện cùng cả bác sĩ điều trị. Anh cũng khuyến cáo những người nhiễm bệnh nên thông báo ngay cho Ban phòng chống dịch được biết để hỗ trợ.
Anh Doãn Thanh Tùng, quê Hà Nội, sống ở khu vực Sorsa cho biết hồi tháng 9 cả 2 vợ chồng anh đều nhiễm virus corona. Tuy nhiên Ban phòng chống dịch bệnh được thành lập ngay từ tháng 3 nên mọi người rất yên tâm. Những người Việt ở Odessa khi bị nhiễm virus corona được tư vấn giúp đỡ ngay, bệnh nặng thì Ban phòng chống sẽ giới thiệu vào viện nằm.
Anh bày tỏ thật may mắn vì Ban phòng chống ứng phó rất kịp thời. Anh Tùng cũng cho biết sau khi nhiễm virus sức khỏe của anh giảm sút đáng kể 2 tuần sau khi khỏi bệnh dù trước đây anh là người khỏe mạnh, chăm tập thể thao.
Tình hình đại dịch COVID-19 tại Ukraine nói chung và ở Odessa nói riêng chắc chắc còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt dịch bệnh lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine đã ngấm đòn sau nhiều năm chiến tranh, căng thẳng tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên nhờ các biện pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời của Hội người Việt Nam tại Odessa, người Việt ở đây nhìn chung đã vững vàng trong đại dịch để cùng nhau vững bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Mẫu xe tăng chế từ máy kéo của Liên Xô trong Thế chiến II
Dù được chế tạo ngẫu hứng từ máy kéo và không thể đối đầu với thiết giáp Đức, xe tăng NI-1 của Liên Xô vẫn khiến lính Romania khiếp sợ.
Đội ngũ kỹ sư tại xưởng chế tạo máy Khởi nghĩa Tháng Giêng ở Odessa (thuộc Ukraine ngày nay) nảy ra ý tưởng chế tạo xe tăng từ máy kéo vào tháng 8/1941. Khi đó, các đơn vị Hồng quân bảo vệ thành phố khỏi lực lượng Đức và Romania đang vô cùng cần xe bọc thép, trong khi Odessa không thiếu máy kéo bánh xích.
Ba chiếc xe tăng đầu tiên dựa trên ý tưởng này được chế tạo thủ công chỉ trong vòng vài tuần. Các kỹ sư tháo rời phần trên của những cỗ máy kéo STZ-5, rồi hàn các tấm thép vào thân, lắp tháp pháo xoay cùng vũ khí trang bị lên trên.
Kế hoạch ban đầu là lắp pháo 37 mm lấy từ những cỗ xe tăng T-26 bị hỏng đến mức không thể sửa chữa được, nhưng các kỹ sư nhận ra phương án này bất khả thi về mặt kỹ thuật. Cuối cùng, họ quyết định lắp hai súng máy 7,62 mm, đồng thời gắn một nòng pháo giả, nhằm khiến những chiếc "xe tăng máy kéo" này trở nên dữ dội và đáng sợ hơn.
Một trong những chiếc xe tăng NI-1, hay còn gọi là Odessa hoặc Yanvartsy, đầu tiên tại thành phố Odessa vào năm 1941. Ảnh: RBTH.
Các máy kéo bọc thép này có thể đạt vận tốc tối đa 20 km/h. Tuy nhiên, theo lời kể của các nhân chứng, chúng tạo ra âm thanh vô cùng ồn ào khi di chuyển. Phạm vi hoạt động của xe có thể lên tới 140 km, nhưng trên thực tế chúng chưa bao giờ phải tiếp cận khoảng cách xa đến vậy, bởi quân địch đang tiến sát Odessa.
Được biết đến với tên gọi xe tăng Odessa hoặc Yanvartsy (trong tiếng Nga nghĩa là tháng Giêng, liên quan đến tên nhà máy chế tạo xe), những máy kéo bọc thép lần đầu tiên ra trận vào ngày 20/8/1941, do một chiếc xe tăng thực sự dẫn đầu, với nhiệm vụ hỗ trợ đợt phản công của Sư đoàn Bộ binh số 25, đánh đuổi kẻ thù khỏi nơi đóng quân.
Quá trình kiểm tra những xe tăng Odessa trở về từ trận chiến này cho thấy lớp giáp thép dày 10-20 mm chống đạn bộ binh khá hiệu quả, trừ những viên đạn pháo 45 mm đủ khả năng xuyên qua nó. Mặc dù vậy, các chỉ huy Liên Xô vẫn khá hài lòng với phương tiện mới này và yêu cầu tiếp tục sản xuất. Theo nhiều ước tính, tổng cộng 55-69 xe tăng Odessa đã được chế tạo.
Rạng sáng 20/9/1941, 20 xe tăng Odessa, được trang bị đèn pha và còi báo động, bất ngờ tấn công vị trí của quân đội Romania ở ngoại ô thành phố. Trong cơn hoảng loạn, bộ binh Romania vội vàng rút lui mà không nhận ra thứ vừa đe dọa họ thực chất chỉ là máy kéo bọc thép trang bị pháo giả.
Sau cuộc tấn công này, mẫu xe tăng Odessa được đặt tên mới là NI-1, viết tắt từ "Na iuspug", có nghĩa là "nỗi kinh hoàng".
Chiến dịch thành công nhất của các xe tăng NI-1 diễn ra chưa đầy hai tuần sau đó, vào ngày 2/10/1941 ở gần làng Libental, vùng ngoại ô Odessa. Đội hình xe tăng NI-1 mở cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các đơn vị thuộc Tập đoàn quân số 4 của Romania, đánh bại hoàn toàn lực lượng đối phương, thu về 24 khẩu pháo cùng nhiều súng máy và súng cối. 7 xe tăng NI-1 đã bị phá hủy trong chiến dịch này.
Mặc dù vậy, những chiếc xe tăng độc đáo của Liên Xô cuối cùng không thể cứu Odessa khỏi kết cục bị thất thủ. Vào ngày 15-16/10/1941, đoàn xe NI-1 chịu trách nhiệm che chắn cho những đơn vị Hồng quân cuối cùng rút khỏi thành phố. Vài chiếc bị Hồng quân cho nổ tung trước khi họ rút lui, trong khi hơn 10 chiếc bị bỏ lại trên đường phố và sớm rơi vào tay người Romania.
Xe tăng NI-1 của Hồng quân Liên Xô. Video: YouTube/yolkhere.
NI-1 không phải mẫu máy kéo bọc thép duy nhất được chế tạo trong Thế chiến II. Những phương tiện tương tự cũng được sản xuất ở những cơ sở đủ khả năng kỹ thuật, như hơn 50 hệ thống pháo tự hành KhTZ-16 được làm từ máy kéo ở Kharkov.
Tuy nhiên, dù được trang bị một khẩu pháo 45 mm, pháo tự hành KhTZ-16 có lớp giáp bảo vệ kém, khả năng quan sát hạn chế, tốc độ chậm chạp, nên không quá hữu ích trong những trận chiến với quân Đức.
Ngoài Mặt trận phía Đông, các xe tăng được chế tạo ngẫu hứng còn xuất hiện tại New Zealand, nhằm chống lại nguy cơ Nhật Bản xâm lược. Mẫu xe này có tên Bob Semple, đặt theo tên quan chức New Zealand đề xuất ý tưởng.
Tuy nhiên, do sản xuất vội vàng, phương tiện có đặc điểm kỹ thuật và khả năng chiến đấu kém hơn so với những vũ khí khác, bị chế nhạo là "mẫu xe tăng tồi tệ nhất từng được ra đời", cũng chưa bao giờ được chế tạo hàng loạt.
Hòn đảo hẻo lánh Nhật Bản 'trải thảm' đón người Việt Đảo Fukue ở tây nam Nhật Bản chào đón những người Việt trẻ đến học tại trường dạy tiếng địa phương trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Khoảng 90% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở thành phố Goto trên đảo Fukue đều rời quê hương để học lên cao hơn hoặc tìm việc làm, để lại hòn...