Người Việt ở nước ngoài cũng được bỏ phiếu khi trưng cầu ý dân?
“Tôi đề nghị bổ sung đối tượng đang du học, lao động ở nước ngoài cũng được lập danh sách ghi tên cử tri để bỏ phiếu khi trưng cầu ý dân” – nữ đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) nêu ý kiến về Luật trưng cầu ý dân.
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM).
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trưng cầu ý dân được đưa ra Quốc hội sáng nay 12/11, nhiều ý kiến tán thành với việc quy định khái quát về các vấn đề Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân.
Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc mà Quốc hội có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân tại điều 6 của dự thảo luật.
Theo đó, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân ở địa phương và giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định.
Video đang HOT
Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế – xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân… Vì vậy đề nghị Quốc hội cho giữ quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương.
Đề nghị bổ sung các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị việc trưng cầu ý dân phải công khai, dân chủ, tiết kiệm và an toàn.
Bà Dung cho rằng tất cả các nội dung trong Hiến pháp đều quan trọng, không thể nói nội dung nào quan trọng hơn nội dung nào. Chính vì thế phải chỉnh sửa dự thảo theo hướng “quyết định trưng cầu ý dân về toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung, điều khoản của Hiến pháp”.
“Tôi đề nghị bổ sung đối tượng đang du học, lao động ở nước ngoài cũng được lập danh sách ghi tên cử tri để bỏ phiếu khi trưng cầu ý dân”- đại biểu Dung nói.
Kiến nghị giải thích rõ hơn cụm từ “vấn đề đặc biệt quan trọng” ở trong dự thảo luật, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng đó phải là những vấn đề có tác động rộng lớn, ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước hoặc chiều hướng phát triển đất nước, vấn đề dư luận nhân dân cả nước quan tâm, đòi hỏi ý chí của toàn dân mới giải quyết được.
Ngoài tờ trình trưng cầu ý dân gửi tới Quốc hội, theo ông Hùng, cơ quan trình cần có báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động từng phương án đề ra. “Quốc hội sẽ xem xét kỹ các phương án và tuyên truyền cho người dân hiểu và có đầy đủ thông tin để chọn phương án được sáng suốt. Nếu chúng ta cung cấp đầy đủ, chính thức thì tăng chất lượng cử tri tham gia. Còn nếu chúng ta lấy ý kiến dân nhưng người dân chưa được thông tin đầy đủ thì khi lấy ý kiến sẽ có nhiều luồng ý kiến”- ông Hùng phân tích.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh.
Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị bổ sung quy định về trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân, bởi việc này các nước đều đưa vào luật định rõ ràng.
“Đó thường là vấn đề chuyên môn sâu mà cử tri không thể nắm bắt được nếu không được đào tạo bài bản. Nó có thể liên quan đến thể chế chính trị, cách thức tổ chức chính quyền nhà nước, thuế, ngân sách, nền tài chính quốc gia,…”- ông Vinh dẫn chứng.
Thế Kha
Theo Dantri
"Nhiều cán bộ "học tập suốt đời" nhưng không phải để nâng cao trình độ"
Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết nhiều cán bộ cũng hưởng ứng phong trào "học tập suốt đời" nhưng không phải để nâng cao trình độ.
Ông Bùi Mạnh Hùng.
Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay 3/11, ông Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phản ánh tình trạng sính bằng cấp xảy ra ở khắp nơi. "Nhiều cán bộ cũng hưởng ứng học tập suốt đời nhưng không phải để nâng cao trình độ"-ông Hùng nói.
Ông Hùng đề nghị phải xây dựng chương trình học tập sáng tạo, không chỉ bó hẹp trong nghiên cứu của các nhà khoa học mà phải trân trọng, tạo điều kiện cho các phát minh, sáng kiến của người lao động, khơi gợi xã hội lao động sáng tạo, coi đây là động lực chính để phát triển lao động sản xuất.
"Thực tế đã chứng minh dân tộc ta có đức tính thông minh, cần cù sáng tạo. Có nhiều cải tiến kỹ thuật của những nhà sáng chế nông dân, không bằng cấp giúp người dân nâng cao năng suất lao động. Tuy trong tay họ không có nhiều vật tư thiết bị, tiền bạc, với kiến thức không nhiều nhưng họ đã làm được những điều mà các nhà khoa học không nghĩ tới"- ông Hùng nói.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước lo lắng, khi Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động trẻ trung, thông minh, cần cù. "Nếu không biết tận dụng điều đó thì sẽ có tội với lịch sử khi dân số vàng đi qua, đất nước sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật sáng tạo sẽ giúp đất nước phát tiển bền vững và trong thời gian gần sẽ giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao"- ông Hùng nhận định.
Trong khi đó, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cho biết trong số 9 chỉ tiêu không đạt được 5 năm qua, có mấy chỉ tiêu rất đáng chú ý tạo thành vòng tròn nghịch lý của các nước đang phát triển thấp: Tăng trưởng thấp dẫn tới đầu tư thấp, đầu tư thấp dẫn tới tích lũy nội địa thấp, dẫn tới năng suất thấp vì trình độ công nghệ thấp. Trình độ công nghệ của ta hiện nay thấp so với các nước có thu nhập thấp.
Ông Lĩnh khẳng định thời gian tới phải đặt trọng tâm phát triển khoa học vào doanh nghiệp để tạo ra đột phá; gắn khoa học công nghệ với thực tiễn. Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu, triển khai kể cả ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước. Đồng thời phải thực hiện được chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ; gắn kết các chiến lược, chương trình khoa học công nghệ với các chiến lược phát triển quốc gia.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), mỗi năm có hơn 100.000 kỹ sư tốt nghiệp đại học, số lượng thất nghiệp, làm chưa đúng ngành nghề đào tạo rất cao. "Chúng ta chưa có điều tra chính thức về số lao động có việc làm đúng ngành nghề đào tạo nhưng có thể thấy rằng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được sử dụng đúng, nhất là giai đoạn hội nhập sâu"- ông Thành nói.
Ông Thành kiến nghị Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải xây dựng dự báo thị trường lao động trên cả nước, nhằm định hướng cho những chính sách, kế hoạch và giảm đào tạo chạy theo thị hiếu cũng như có chính sách ưu tiên, thu hút nhân tài, người lao động có chất lượng cao.
Thế Kha
Theo Dantri
Không thể dùng pháp luật để ép vợ ngủ với chồng 4-5 ngày/tuần Toà án có được quyền từ chối yêu cầu giải quyết tranh chấp của người dân khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh? Nếu không, toà phải căn cứ vào đâu để xử án? - Câu hỏi này một lần nữa hâm nóng phiên thảo luận của Quốc hội về Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi hôm nay (26/10)....