Người Việt ở Mỹ nói gì về lệnh nhập cư của Trump?
Dù chờ gần một năm, chị Hoa không lo không lấy được thẻ xanh vì sắc lệnh mới của Trump nhưng sợ nó sẽ làm gia tăng nạn phân biệt chủng tộc.
“Tôi sang Mỹ từ tháng 3/2019 vànộp hồ sơ xin cấp thẻ xanh từ tháng 7, theo diện du lịch kết hôn, nên không nằm trong diện áp dụng của lệnh đình chỉ nhập cư của Mỹ”, chị Hoa Phạm, sống ở thành phố Springfield, bang Virginia, chia sẻ với VnExpress. “Các cơ quan chính quyền cũng đều đang đóng cửa nên việc xử lý mọi hồ sơ đều bị ngưng trệ”.
Sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư được Tổng thống Donald Trump ký thông qua hôm 22/4 bao hàm những người đang ở ngoài nước Mỹ và nộp đơn xin tư cách thường trú nhân, hay còn gọi là thẻ xanh. Sắc lệnh này không áp dụng với những đối tượng là chuyên gia y tế, thành viên lực lượng vũ trang Mỹ và vợ/chồng, con cái của họ, những người đến Mỹ với lý do liên quan đến hành pháp hay an ninh quốc gia, những người có visa đầu tư và visa đặc biệt dành cho những công dân Iraq và và Afghanistan làm việc cho chính phủ Mỹ.
Sắc lệnh này cũng không bao hàm những người như chị Hoa, có vợ/chồng là công dân Mỹ. Chị cho hay thông thường, việc cấp thẻ xanh diện du lịch kết hôn phải chờ khoảng 6-12 tháng tùy từng bang, như bang Virginia là khoảng 9-12 tháng.
“Đợt này, quy trình xử lý chậm hơn vì Sở Di trú và Nhập tịch đã đóng cửa phòng dịch. Tôi nhận được thông báo phỏng vấn từ hôm 6/12/2019 nhưng tới giờ cuộc phỏng vấn vẫn chưa diễn ra”, chị nói. “Vì dịch bệnh mà việc bảo lãnh con trai tôi ở Việt Nam sang Mỹ cũng bị chậm trễ”.
Một phụ nữ đứng trước bảng thông báo đóng cửa do Covid-19 của văn phòng Sở Di trú và Nhập trịch Mỹ (USCIS) ở Tukwila, Washingon, hôm 3/3. Ảnh: AP
Cũng sang Mỹ theo diện kết hôn mới được hai tháng, chị Phương Trần ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, vừa nộp hồ sơ xin thẻ xanh tuần này thì nhận được thông tin về sắc lệnh đình chỉ nhập cư.
“Tuy nhiên, những người đã kết hôn với công dân Mỹ và được bảo lãnh sang Mỹ như tôi không bị ảnh hưởng gì”, chị cho biết. “Hồ sơ xin thẻ xanh có một tờ khai liệt kê toàn bộ tài sản của người bảo lãnh và được bảo lãnh, bảo hiểm, các loại bằng cấp của người được bảo lãnh. Mục đích của tờ khai này là chứng minh người được bảo lãnh không phải là đối tượng nhận trợ cấp của chính phủ, có thể tự tìm kiếm việc làm”.
Người có thẻ xanh được quyền tự do xuất nhập cảnh Mỹ và được miễn visa tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ cũng có cơ hội nghề nghiệp bình đẳng, tự do ứng tuyển vào bất kỳ tổ chức nào phù hợp với trình độ và cũng được phép kinh doanh, mở doanh nghiệp như công dân Mỹ.
Theo chị Phương, chị phải mất từ nửa năm đến một năm để có thẻ xanh. Trong thời gian chờ đợi được cấp thẻ và dịch bệnh qua đi, chị sẽ tranh thủ trau dồi thêm vốn tiếng Anh và học lái xe để tự tin xin việc làm.
Khác với hai trường hợp trên, anh Minh Nhật, đã được công ty điều sang thành phố Houston, bang Texas, làm việc một năm rưỡi nay và đang bắt đầu xin thẻ xanh.
Video đang HOT
“Ngay khi có thông tin về sắc lệnh mới, công ty tôi đã cập nhật thông tin và cho hay hồ sơ xin thẻ xanh của tôi vẫn sẽ được xử lý như bình thường. Chỉ những người nào đang ở nước ngoài và thời gian này xin nhập cư Mỹ mới bị ảnh hưởng, còn những người đang ở Mỹ xin chuyển diện nhập cư không ảnh hưởng gì”.
Để được cấp visa làm việc tại Mỹ, anh Nhật phải là nhân viên lâu năm ở công ty và công ty phải có trụ sở chính tại Mỹ. Công ty cũng phải xác nhận rằng anh Nhật là nhân viên không thể thay thế cho vị trí này và cần phải sang Mỹ để làm việc.
“Hiện các công ty ở Houston vẫn chưa mở cửa lại để phòng ngừa Covid-19. Tôi cũng đang làm việc tại nhà”, anh cho biết thêm.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chính sách Di dân vào năm 2017, ước tính có 2,2 triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ, trong đó khoảng hơn 100.000 người cư trú bất hợp pháp. Họ tạo thành cộng đồng gốc Á lớn thứ tư tại Mỹ, sau người gốc Hoa, gốc Ấn và Philippines.
Tổng thống Trump cho hay một khi nền kinh tế mở cửa trở lại, sắc lệnh đình chỉ nhập cư sẽ đảm bảo “những người Mỹ đang thất nghiệp ở mọi tầng lớp sẽ là những người đầu tiên được nhận việc làm”.
Những người ủng hộ Trump hoan nghênh động thái này, trong đó thượng nghị sĩ Tom Cotton cho rằng sắc lệnh sẽ giúp 22 triệu người Mỹ thất nghiệp “quay lại làm việc trước khi chúng ta nhập khẩu thêm người nước ngoài để tranh đua công việc của họ”.
Người biểu tình đòi tái mở nền kinh tế, chấm dứt tình trạng thất nghiệp tại thành phố Albany, bang New York, hôm 22/4. Ảnh: AP
Tuy nhiên, các nhà phê bình cáo buộc Trump đang lợi dụng đại dịch để theo đuổi chính sách hạn chế nhập cư và đánh lạc hướng dư luận khỏi những hậu quả của Covid-19, bởi sắc lệnh không có nhiều ảnh hưởng trên thực tế.
Từ khi dịch bệnh lan rộng, hầu hết các nước đã đóng biên giới, chính quyền Trump cũng đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh Mỹ với công dân nhiều nước, dừng dịch vụ visa và tiếp nhận người tị nạn, thúc đẩy việc hồi hương những lao động bất hợp pháp.
Charanya Krishnaswami, giám đốc vận động thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Mỹ, cho rằng hành động của Trump nhằm ngăn chặn người da màu đến Mỹ nhiều hơn là ứng phó với đại dịch.
“Khi bạn là một người theo chủ nghĩa bài ngoại, cấm nhập cư là giải pháp đáng ghét, thất bại, duy nhất mà bạn có thể nghĩ đến”, ông Krishnaswami nói. “Việc đình chỉ nhập cư sẽ không khiến Mỹ, nước đang là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, an toàn. Các chính sách của chúng ta cần dựa trên cơ sở về sức khỏe cộng đồng, chứ không phải sự cố chấp”.
Chị Hoa đồng tình với quan điểm này, cho rằng việc Trump đổ lỗi cho người nhập cư khiến người Mỹ thiếu việc làm là không xác đáng, đồng thời lo ngại quyết định của ông sẽ thúc đẩy tình trạng phân biệt chủng tộc.
“Tôi cho rằng nhiều người Mỹ thất nghiệp vì họ không chấp nhận làm những công việc lao động chân tay thu nhập thấp, hoặc không đủ tiêu chuẩn cho những công việc trình độ cao”, cô nói. “Thực tế, 22 triệu người thất nghiệp trong một tháng qua là do dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa. Sắc lệnh này không thể khiến công dân Mỹ tìm được việc làm, trong khi người nước ngoài vốn cũng không thể đến Mỹ trong thời gian xảy ra dịch bệnh và kinh tế đình trệ như thế này để cạnh tranh việc làm”.
Anh Ngọc
Nhân viên y tế đối đầu người biểu tình đòi mở cửa
Nhân viên y tế xuống đường đối đầu với người biểu tình đòi tái mở cửa tại nhiều bang, kêu gọi họ về nhà và tuân thủ giãn cách xã hội.
Nhiều người dân khắp các bang Virginia, California, New York, Colorado, Arizona và Vermont hôm 22/4 tụ tập biểu tình, yêu cầu các thống đốc dỡ lệnh phong tỏa, cho phép doanh nghiệp tái mở cửa, bất chấp nguy cơ lây nhiễm từ Covid-19.
Tại Richmond, thủ phủ bang Virginia, hầu hết người biểu tình ngồi trong xe hơi, trong khi một số khác tụ tập bên ngoài cơ quan lập pháp bang để phản đối lệnh ở nhà dự kiến kéo dài đến ngày 10/6 của Thống đốc Ralph Northam.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, bác sĩ Erich Bruhn và vợ Kristen, một cựu y tá, đứng lặng lẽ ở một góc. Mặc chiếc áo blouse màu trắng, đeo khẩu trang, họ cầm những tấm bảng ghi lời lẽ đanh thép gửi tới đám đông "Các bạn không có quyền đẩy tất cả chúng ta vào nguy hiểm. Hãy về nhà đi!", "Hãy đăng ký ở đây để chết cho nền kinh tế".
Vợ chồng bác sĩ Erich Bruhn và vợ Kristen (áo trắng) cầm bảng phản đối người biểu tình ở Richmond, thủ phủ bang Virginia, hôm 22/4. Ảnh: AP
"Sự thật là còn rất nhiều người không tán thành việc sớm mở cửa đất nước, nhưng họ không ra ngoài biểu tình vì họ đang ở nhà làm điều đúng đắn", ông Bruhn nói.
Bác sĩ phẫu thuật kỳ cựu khẳng định rằng "nhiều người sẽ chết" nếu Thống đốc Northam chấp thuận yêu cầu tái mở cửa của đám đông và trong số những người chết chắc chắn sẽ có các y bác sĩ.
Khi được hỏi liệu các vùng nông thôn với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong đã giảm đáng kể có nên mở cửa trước, ông Bruhn đáp: "Vâng, một số khu vực có thể làm thế, nếu họ tiến hành xét nghiệm và theo dõi phù hợp. Nhưng tôi không nghĩ có một giải pháp thần kỳ cho tất cả. Ở những nơi dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, những điểm nóng, chắc chắn là không nên".
Vợ chồng ông bị một số người biểu tình chỉ vào mặt, dồn ép và chất vấn khi họ trên đường tới quảng trường thành phố. Tuy nhiên, nỗ lực chống biểu tình của họ không đơn độc.
Tại bang Arizona, y tá Lauren Leander đứng khoanh tay mạnh mẽ cạnh một số đồng nghiệp, đeo khẩu trang, mặc đồng phục y tế màu xanh, bất chấp những người biểu tình la ó và vẫy cờ trước mặt.
"Hành động này là vì tất cả những nhân viên chăm sóc sức khỏe, vì tất cả những bệnh nhân của tôi. Tôi ở đây giống như các bạn. Đó là vì cả đất nước này. Giúp chúng tôi là giúp các bạn", Leander viết trên mạng xã hội.
Nhiều người đã bày tỏ lòng biết ơn với Leander và các đồng nghiệp.
"Hôm nay cô ấy đứng lên vì các nhân viên y tế khi người biểu tình tập trung ở cơ quan lập pháp. Cô ấy đứng trong im lặng khi mọi người gọi cô ấy là 'y tá giả mạo' và 'diễn viên được trả tiền' cùng những lời lẽ khủng khiếp khác", Zahid Seed, đồng nghiệp của Leander ở bệnh viện đại học Banner, thành phố Phoenix, nói.
"Thật trớ trêu, cô ấy đã trải qua nhiều ngày trong phòng hồi sức tích cực (ICU) chăm sóc cho những bệnh nhân nghiêm trọng nhất. Cô ấy đứng đó vì những người đang cần hỗ trợ sự sống và không thể tự cất tiếng nói. Khi họ nhiễm Covid-19 và lây cho người thân, Lauren sẽ là một trong những gương mặt đầu tiên họ nhìn thấy khi được đưa vào ICU. Cô ấy cũng có thể là một trong những gương mặt cuối cùng họ nhìn thấy".
Y tá Lauren Leander (thứ hai từ trái sang) đứng cạnh một số đồng nghiệp đối đầu với người biểu tình ở thành phố Phoenix, bang Arizona, hôm 22/4. Ảnh: AP
Tại Los Angeles, California, người biểu tình tập trung ở tòa thị chính, bấm còi xe, vẫy cờ Mỹ. Tại Albany, New York, họ đứng trước cơ quan lập pháp bang với nhiều biểu ngữ chỉ trích Thống đốc Cuomo.
Tại bang Vermont, người biểu tình bất chấp tuyết rơi ở thủ phủ Montpelier để phản đối lệnh phong tỏa. Một nhóm y tá mặc đồ bảo hộ và khẩu trang đối đầu với người biểu tình.
Mỹ hiện ghi nhận gần 850.000 ca nhiễm, trong đó hơn 46.000 ca tử vong. Số người chết giảm mạnh so với một ngày trước đó khi Tổng thống Donald Trump cho rằng "dịch đã qua đỉnh" và một số bang của Mỹ, trong đó có Georgia và Tennessee, thông báo sẽ mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể tấn công Mỹ vào mùa đông tới và mạnh hơn cả đợt dịch đầu tiên, khiến hệ thống y tế quốc gia chịu áp lực lớn.
Thậm chí khi lệnh phong toả đang được nới lỏng dần, Redfield nhấn mạnh rằng từng cá nhân vẫn cần phải duy trì cách biệt cộng đồng với người khác. Ông đồng thời cho hay giới chức y tế công cộng phải tăng cường xét nghiệm để xác định những người nhiễm virus và truy tìm những người tiếp xúc gần với họ.
Anh Ngọc
Mỹ: Xem thường Covid-19, người đàn ông tử vong sau 6 ngày xét nghiệm dương tính Giám mục Gerald Glenn qua đời sau 6 ngày xét nghiệm dương tính với Covid-19 và trước đó có bài phát biểu "đánh giá thấp" đại dịch Covid-19 tại nhà thờ ở Richmond, bang Virginia, Mỹ. Theo Daily Star, thông tin về cái chết của giám mục Gerald Glenn được con gái Mar-Gerie Crawley xác nhận. Giám mục Glenn cuối tháng trước từng...