Người Việt ở Mỹ nhìn nhận khác biệt về biểu tình sắc tộc
Người Việt ở Mỹ đều phản đối bạo lực trong các cuộc biểu tình sắc tộc nhưng nhìn nhận khác nhau về động cơ đằng sau phong trào này.
Sống ngay trung tâm thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nên Hải Đăng,một thanh niên người Việt, không còn xa lạ với hình ảnh Vệ binh Quốc gia trang bị súng ống đầy đủ cùng xe quân sự được triển khai trên phố cả ngày lẫn đêm. Đây là điểm khởi phát và cũng là một trong những điểm nóng của phong trào biểu tình “Mạng người da đen quan trọng” (BLM), phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát Mỹ, kéo dài những tháng qua.
Sự việc George Floyd, một người đàn ông da đen 46 tuổi, bị cảnh sát Minneapolis ghì gối dẫn tới tử vong hồi tháng 5, được ví như một “giọt nước tràn ly”, thổi bùng sự phẫn uất của người da đen và những người chống phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ. Từ các cuộc tuần hành hoà bình, biểu tình biến thành bạo loạn, trong đó đám đông ném chai lọ, đốt phá và bị lực lượng hành pháp dùng hơi cay, đạn cao su đáp trả. Hàng nghìn người đã bị bắt khắp các thành phố vì phá lệnh giới nghiêm và cướp bóc.
“Tôi chưa bao giờ thấy biểu tình lớn như thế ở Minneapolis, vì thành phố này nổi tiếng là thân thiện và có tư tưởng tiến bộ”, Đăng chia sẻ với VnExpress. “Bạo loạn qua đi thì các cửa hàng ở trung tâm một là đóng cửa, hai là đóng ván gỗ để bảo vệ cửa kính. Cửa hàng nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có những nhà hàng Việt Nam hứng chịu 2-3 đợt đập phá. Cùng toà nhà mình sống có hai cửa hàng cũng bị phá cửa kính cướp bóc, nhân viên sợ hãi. Cứ mấy ngày như thế rồi lại tình hình trở lại bình thường”.
Người biểu tình đốt đồn cảnh sát Phân khu Ba ở Minneapolis, bang Minnesota, tối 28/5, sau cái chết của George Floyd. Ảnh: AP.
Hôm 26/8, những kẻ cướp phá lại lan tràn khắp trung tâm Minneapolis, sau khi có tin đồn một nghi phạm giết người bị cảnh sát bắn chết. Dù cảnh sát đã nỗ lực dập tắt tin đồn bằng cách công bố video về sự việc, khẳng định người này chết do tự sát, bạo lực vẫn nổ ra.
“ Biểu tình hoà bình là tốt, còn cướp bóc đáng bị lên án. Theo tôi, những người cướp bóc là những người ít học, sống cơ hội, họ muốn trục lợi cá nhân chứ thực sự không quan tâm đến công lý sắc tộc”.
Cứ ngày nào thấy trực thăng là Minh Nguyễn,ở thành phố Seattle, bang Washington, biết có biểu tình. Khi phong trào BLM nổi lên, Seattle, nơi có phong trào nhân quyền mạnh mẽ từ lâu ngay lập tức xuất hiện nhiều cuộc biểu tình ôn hòa ở trung tâm thành phố, ban đầu chỉ là cuối tuần, sau là mỗi buổi chiều, kể cả ngày trời mưa. Người dân Capital Hill còn lập nên một khu tự trị nhằm đảm bảo cảnh sát không can thiệp vũ lực, còn họ sẽ biểu tình ôn hòa. Ở đỉnh điểm của phong trào, Seattle cũng xảy ra hôi của, nhiều cửa hàng bị đập phá.
Video đang HOT
“Buổi sáng đầu tiên khi biểu tình BLM nổ ra sau cái chết của George Floyd, tôi không hiểu và khá bất bình, bởi vừa lo ngại bạo lực vừa lo dịch Covid-19 hoành hành”, Minh nói. “Tuy nhiên, sau vài tuần, vấn đề có nên biểu tình hay không được nhiều người lên tiếng hơn khiến tôi hiểu ra. Trong đó có có cựu tổng thống Obama, thay vì phê phán, ông chia sẻ những lời khuyên để biểu tình an toàn và làm rõ ra quan điểm rằng: mạng người da đen đáng giá, không hơn nhưng cũng không kém so với các màu da khác”.
Anh ủng hộ phong trào biểu tình khi không chỉ dẫn tới việc bắt giữ và truy tố các cảnh sát giết George Floyd mà còn khiến thành phố khắp nước Mỹ điều chỉnh các quy định với cảnh sát và xem xét cắt ngân sách của lực lượng này. Anh Minh cho hay tại Seattle, ngân sách dành cho cảnh sát giảm 1% và cảnh sát trưởng thành phố, một phụ nữ, da màu, đã từ chức.
Gần đây, các cuộc biểu tình của phong trào BLM lại sôi sục khắp nước Mỹ sau khi nhiều người da đen như Jacob Blake và Daniel Prude bị bắn liệt thân hoặc thiệt mạng trong tay cảnh sát. Người biểu tình BLM còn đối đầu với nhóm người phản đối biểu tình và ủng hộ Tổng thống Donald Trump khiến tình hình càng trở nên căng thẳng. Tại thành phố Portland, bang Oregon, một người đã bị bắn chết khi đoàn xe chở đám đông ủng hộ Trump di chuyển qua trung tâm tối 29/8.
Tuy nhiên, Julia Ngô, một người Việt ở quận Cam, bang California, cho rằng vấn đề phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát với người da đen ở nước Mỹ thực tế không quá tồi tệ như những gì truyền thông mô tả, mà do bị đảng Dân chủ đẩy lên quá đà nhằm thu hút cử tri trước bầu cử.
Theo cô, trong bất cứ ngành nghề nào cũng có người này người kia. Công việc hàng ngày của cảnh sát là giải quyết nhiều vấn đề an ninh phức tạp, đối mặt với tội phạm thường xuyên nên việc họ có những định kiến và nghi ngờ đối với những cá nhân có tiền án và dẫn đến bạo lực là điều dễ hiểu.
“Tỷ lệ cảnh sát giết người da đen thậm chí còn thấp hơn tỷ lệ cảnh sát giết người da trắng. Nhưng người da trắng chiếm 70% dân số Mỹ nên tỷ lệ tử vong vẫn thấp so với tỷ lệ người da đen”, Julia, một người ủng hộ đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump, đã sinh sống ở Mỹ 12 năm, nói.
Người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đối đầu cảnh sát tại thành phố Kenosha, bang Wisconsin, sau vụ Jacob Blake bị bắn hôm 23/8. Ảnh: AP.
Julia từng trải qua những ngày làm việc tại nhà, hạn chế ra đường vừa để tránh Covid-19 vừa để tránh những cuộc biểu tình lan tràn khắp các trung tâm thành phố ở quận Cam.
“Mỗi khi biểu tình xảy ra là luôn leo thang thành bạo lực, phá phách, cướp bóc. Hôm diễn ra biểu tình ở thành phố nơi công ty mình đóng, mọi người cũng được thông báo là phải rời văn phòng trước 12h trưa. Cửa hàng nào nhanh tay đóng ván gỗ bảo vệ thì an toàn, còn lại bị đập phá, cướp của”, cô nói. “Trump và đảng Cộng hoà muốn khôi phục luật pháp và trật tự, ủng hộ cảnh sát và quân đội, nhưng lại bị đổ lỗi là kích động bạo lực và phân biệt chủng tộc. Vấn đề phân biệt chủng tộc luôn được đem ra khai thác triệt để trước bất cứ cuộc bầu cử nào ở Mỹ”.
Tuy nhiên, theo cô, đây là con dao 2 lưỡi. Các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối bất công với người da màu có thể thu hút nhiều người ủng hộ ứng viên Joe Biden, nhưng một khi biểu tình kéo theo bạo lực, cướp bóc, gây bất ổn xã hội thì cử tri có thể đổi ý.
Minh Nguyễn đồng ý rằng bất ổn hiện nay chắc chắn ảnh hưởng nhiều tới cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới và ông Biden được lợi nhiều từ tình trạng này nhờ có mối quan hệ tốt với người da đen với các chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp và ủng hộ người nhập cư.
Tuy nhiên, anh cho rằng nước Mỹ vốn đã chia rẽ từ trước nay càng trở nên chia rẽ dưới thời Trump bởi ông có nhiều phát ngôn bị tố là kích động bạo lực, khắc sâu thù hận. Trump gây tranh cãi khi trấn áp mạnh tay người biểu tình, những người bị ông lên án là “vô chính phủ, kích động, bạo loạn và cướp bóc”.
“Có người nói rằng chính quyền Trump khiến những người phân biệt chủng tộc lộ ra bản chất thực sự của họ, dù từ trước đến nay họ vẫn thế”, anh nói.
Hải Đăng, có chung quan điểm này khi nhấn mạnh dưới thời Trump, những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng lên tiếng mạnh mẽ hơn. Anh tin những người đã ủng hộ Trump thì vẫn sẽ giữ lập trường và không xoay chuyển phiếu bầu.
“Với những người theo quan điểm trung lập, phong trào BLM có thể đã giúp họ hiểu hơn về bất bình đẳng sắc tộc và thiên về đảng Dân chủ”, anh nói.
Biden trò chuyện với người da màu bị cảnh sát bắn 7 phát
Biden nói chuyện qua điện thoại với Jacob Blake, người đàn ông da màu bị cảnh sát bắn trước mặt ba con, và gặp gia đình anh ở Kenosha.
Cuộc gặp giữa ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và gia đình Jacob Blake diễn ra khoảng 90 phút hôm 3/9, gần sân bay Milwaukee, nơi Biden dừng chân trước khi tới sự kiện ở thành phố Kenosha, bang Wisconsin, Mỹ, cùng ngày.
"Tôi cũng dành thời gian nói chuyện điện thoại với Jacob Blake. Cậu ấy đã rời phòng chăm sóc tích cực. Chúng tôi đã trò chuyện khoảng 15 phút và cậu ấy đã nói rằng không điều gì có thể đánh bại được mình", Biden sau đó nói trong bài phát biểu ở nhà thờ Grace Lutheran, Kenosha.
Biden cho biết ông cảm nhận được sự kiên cường và lạc quan từ gia đình Blake sau cuộc gặp. Mẹ của Blake liên tục cầu nguyện cho anh và cả các sĩ quan cảnh sát, cũng như cầu nguyện mọi thứ sẽ thay đổi, Biden nói thêm.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại nhà thờ Grace Lutheran, Kenosha, bang Wisconsin, hôm 3/9. Ảnh: AFP.
Benjamin Crump, một luật sư của gia đình Blake tham gia cuộc trò chuyện qua điện thoại, cho biết ông Biden và vợ Jill Biden cũng thảo luận về sự thay đổi hành vi của cảnh sát cũng như ý nghĩa khi ông chọn bà Kamala Harris, một phụ nữ da màu, làm "phó tướng" và kế hoạch sau này của ông.
"Rõ ràng ông Biden rất quan tâm. Ông ấy giúp Jacob Blake cảm nhận về tình người, đối xử với anh ấy như một người đáng được quan tâm", Crump nói thêm.
Tại sự kiện cộng đồng sau cuộc gặp với gia đình Blake, Biden cũng lắng nghe người dân khi họ chia sẻ quan điểm về phân biệt chủng tộc, chính sách và những điều cần thực hiện để hàn gắn cộng đồng.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đã đưa ra cam kết tranh cử của mình, bao gồm lời hứa tăng lương tối thiểu toàn quốc lên 15 USD/ giờ, tài trợ cho các hoạt động chăm sóc và phục hồi chức năng với người có vấn đề tâm thần, người cai nghiện ma túy, hơn là tiến hành các vụ bắt giữ hàng loạt.
Jacob Blake, 29 tuổi, bị cảnh sát bắn 7 phát vào lưng trước mặt ba con ở thành phố Kenosha hôm 23/8. Gia đình của Blake cho biết anh hiện bị liệt nửa người, từ thắt lưng trở xuống.
Sự việc của Blake đã thổi bùng bất ổn và các cuộc biểu tình ở Kenosha, khiến Thống đốc Tony Evers phải ban bố tình trạng khẩn cấp, áp lệnh giới nghiêm từ 20h và triển khai thêm hàng trăm lính Vệ binh Quốc gia tới khu vực.
Mỹ gần đây liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu và phản đối bạo lực cảnh sát. Hồi tháng 5, Mỹ đã bị "nhấn chìm" trong làn sóng biểu tình sau cái chết của George Floyd, người da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota.
Súng nổ trong biểu tình ở Mỹ, hai người chết Hai người chết khi có nổ súng trong đêm biểu tình thứ ba ở thành phố Kenosha vì một người đàn ông da màu bị cảnh sát bắn trước mặt ba con. Đám đông biểu tình tập trung tại Công viên Trung tâm Hành chính, đối diện tòa án thành phố Kenosha, bang Wisconsin sau giờ giới nghiêm tối 25/8. Đây là đêm...