Người Việt ở Italy nêu lý do ‘vỡ trận’
Sáng 23/2, con của chị Trần Ngọc Huyền háo hức ra sân bay sang Đức tham quan thì nhận được tin chính phủ Italy cấm cho học sinh ra nước ngoài.
Đó là hai ngày sau khi Italy phát hiện những trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên trong cộng đồng và có một ca tử vong.
“Quyết định này cho thấy chính phủ Italy đã phản ứng nhanh”, chị Ngọc Huyền, người sống ở thủ đô Rome gần 10 năm nay, từng làm việc cho các tổ chức của Liên Hợp Quốc và hiện điều hành một công ty du lịch, chia sẻ với VnExpress.
Vào ngày 30/1, khi ghi nhận hai trường hợp nhiễm nCoV ngoại nhập đầu tiên là du khách người Trung Quốc, Thủ tướng Giuseppe Conte đã nhanh chóng ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đồng thời cách ly 56 công dân trở về từ Vũ Hán.
Hơn 20 ngày sau, Italy mới ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên lây lan trong cộng đồng là một người đàn ông 38 tuổi ở vùng Lombardy dương tính với nCoV dù không đến Trung Quốc. 10 thị trấn ở miền bắc Italy được lệnh đóng cửa trường học, quán bar và địa điểm công cộng. Hơn 50.000 dân cư được yêu cầu ở trong nhà. Các hoạt động ngoài trời như lễ hội hóa trang, cầu nguyện ở nhà thờ và các sự kiện thể thao bị cấm.
“Lúc đó, học sinh đã nghỉ xuân một tuần nên trường học cũng đóng cửa. Sáng 23/2, con tôi ra sân bay định bay đi Đức tham quan thì bị thông báo chính phủ cấm các trường đưa ra học sinh nước ngoài”, chị Huyền kể.
Trong chưa đầy ba tuần kể từ đó, số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng chóng mặt từ hàng trăm lên hàng nghìn. Đến 8/3, khi Italy ghi nhận gần 6.000 ca nhiễm nCoV, vùng Lombardy và 14 tỉnh thuộc 4 vùng phía bắc khác bị phong tỏa. Hôm sau, số người nhiễm vượt 9.000, Italy trở thành nước đầu tiên ở châu Âu ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc để ứng phó với khủng hoảng Covid-19.
“Trong những ngày này, Italy liên tục được lấy ra làm minh chứng cho việc người dân châu Âu đang phải trả giá vì thói chủ quan, coi thường dịch bệnh. Nhưng thực tế cho thấy từ lúc Italy phát hiện ca đầu tiên đến lúc vượt tầm kiểm soát chỉ cách nhau vài ngày”, chị Huyền nói.
Người dân ở Milan, Italy đeo khẩu trang tại ga tàu điện ngầm. Ảnh: AP.
Trung Kiên, một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Milan, cũng cho rằng lý do Italy “vỡ trận” không phải lỗi của chính phủ nước này, bởi họ đã khá quyết liệt khi phong tỏa những vùng phát hiện dịch đầu tiên.
“Ban lệnh phong tỏa không phải là việc dễ dàng với một quốc gia phương Tây như Italy”, Kiên nói. “Tôi cho rằng ý thức người dân là một yếu tố quan trọng. Khi có lệnh phong tỏa phía bắc, nhiều người đã chỉ trích chính phủ và hàng nghìn người vội vã rời đi trong đêm”.
Qua tìm hiểu trên báo chí và quan sát thực tế ở Italy, Kiên nhận thấy người dân đang chia làm 2 thái cực: một là hoảng loạn, bỏ trốn khỏi vùng cách ly bằng bất cứ cách nào, hai là bình tĩnh đối mặt, nghe theo khuyến cáo của chính phủ, mua vừa đủ thực phẩm, hạn chế ra đường tụ họp nơi đông người. Nhóm trước là tầng lớp trẻ và trung niên, nhóm sau đa phần là người già trên 60 tuổi.
“Khi dịch bùng phát, thói quen tập trung ở quán bar buổi chiều của nhiều người trẻ không thay đổi. Tại nhà tôi, mọi người vẫn ăn uống chung, tụ tập uống cafe, tám chuyện rất rôm rả, dù tôi có ý nhắc nhở”, Kiên kể. “Số người đeo khẩu trang cũng rất hiếm, từ cảnh sát đến nhân viên soát vé xe, thu ngân, trừ lái xe buýt có đeo khẩu trang loại chuyên dụng”.
Về vấn đề này, chị Huyền cho hay chính phủ Italy khuyến cáo người dân chỉ đeo khẩu trang khi có bệnh, để dành khẩu trang cho những người thực sự cần chúng như nhân viên y tế. “Ngoài ra, họ lâu nay không có thói quen đeo khẩu trang như các nước châu Á và cũng không có đủ nguồn cung khẩu trang”, chị nói thêm.
Stella Vũ, ở thành phố Domodossola, vùng Piedmont, phía bắc Italy, đồng tình với hai ý kiến trên.
“Tôi nhận thấy nhiều người trẻ Italy cho rằng đây Covid-19 chỉ là cúm và số người chết vì cúm mùa hàng năm rất cao nên dịch bệnh này là chuyện bình thường”, cô gái 28 tuổi, đang kinh doanh một xưởng rượu vang cùng chồng bản địa, nói. “Ở nơi tôi sống, mọi người bảo nhau tăng sức đề kháng bằng cách uống vitamin C và rửa tay bằng xà phòng”.
Người dân xếp hàng cách nhau ít nhất 1 mét tại một siêu thị ở Rome sau khi có lệnh phong tỏa hôm 11/3. Ảnh: Trần Ngọc Huyền
Italy hiện là vùng dịch thứ hai toàn cầu với hơn 17.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 1.200 người đã chết, với tỷ lệ tử vong hơn 7%, cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 3,4%, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại tâm dịch Lombardy, hơn 80% số giường bệnh được dành cho bệnh nhân nhiễm nCoV, khoa chăm sóc đặc biệt luôn rơi vào tình trạng quá tải, nhiều ca phẫu thuật chưa cần thiết bị hủy để nhường chỗ cho người nhiễm nCoV.
“Các quan chức y tế Italy cho rằng trước ca đầu tiên đã có nhiều ca khác bị nhiễm virus mà không được phát hiện. Bệnh viện thị trấn Codogno, Lombardy, ghi nhận rất nhiều ca viêm phổi ngay trước đó”, chị Huyền cho hay, dẫn phát ngôn của trưởng khoa cấp cứu Stefano Paglia. “Cũng đúng vào mùa cúm và viêm phổi hàng năm nên có thể nhiều người đã bị Covid-19 mà không biết”.
Video đang HOT
Theo chị Huyền, số ca nhiễm ở Italy cao do đây là nước châu Âu xét nghiệm nCoV nhiều nhất và hoàn toàn miễn phí cho người dân. Tính đến ngày 7/3, Italy đã tiến hành hơn 42.000 xét nghiệm nCoV.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nước này cũng cao do dân số già. Italy có dân số già nhất châu Âu. Theo Viện Y tế Quốc gia, độ tuổi trung bình của những người tử vong vì nCoV ở Italy là 81, phần lớn đều có bệnh lý nền.
“Tôi từng hai lần đưa con vào bệnh viện ở Rome cấp cứu, được xét nghiệm, khám, điều trị, phục vụ ăn uống suốt nhiều ngày nhưng đều không mất một đồng nào”, chị Huyền nói. “Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy hiếm nước nào chăm sóc y tế nhân đạo và miễn phí hoặc cực ít chi phí như Italy”.
Chị Stella cho biết toàn dân Italy đều có bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, họ sẽ phải chờ đợi khá lâu nếu bệnh tình không khẩn cấp. Trong bối cảnh bệnh viện quá tải vì Covid-19, các ca dương tính với nCoV ở thể nhẹ được tư vấn điều trị tại nhà qua đường dây nóng, nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế và tránh lây nhiễm chéo. Chỉ các ca khẩn cấp mới được nhập viện.
“Khi có thêm lệnh phong tỏa, người dân nhận ra sự việc nghiêm trọng hơn họ nghĩ và cũng nghiêm túc hơn trong việc phòng dịch”, Stella nói.
Những thông điệp kêu gọi đoàn kết và động viên người dân được dán ở bảng hiệu của tòa thị chính thành phố Domodossola hôm 10/3. Ảnh: Stella Vũ
Sau lệnh phong tỏa, đường phố ở chỗ Stella sống trở nên vắng vẻ, các siêu thị vẫn mở cửa nhưng khách xếp hàng cách nhau ít nhất một mét. Nhân viên siêu thị đeo găng tay và khẩu trang, ai không có khẩu trang thì quàng khăn che mũi, còn người dân vẫn bình tĩnh, không chen lấn hay tích trữ thực phẩm thái quá.
“Theo tôi quan sát, lượng người đeo khẩu trang tăng lên nhiều, cũng không có sự kỳ thị với người châu Á đeo khẩu trang”, Kiên cho hay. “Án phạt 3 tháng tù và 206 euro đối với những người vi phạm lệnh cấm ra khỏi vùng phong tỏa dường như đang phát huy hiệu quả. Trên mạng xã hội, mọi người chỉ trích cũng như vận động những người đã trốn khỏi vùng dịch tự cách ly hoặc quay về để tránh lây truyền mầm bệnh”.
Kiên đã đi mua đủ số thực phẩm cho một tuần, hạn chế ra ngoài trừ khi không cần thiết, luôn rửa tay kỹ ít nhất 30 giây, súc miệng 2 lần/ngày với dung dịch sát khuẩn.
Chị Huyền cho rằng ngoài những biện pháp trên, giữ tinh thần lạc quan và nhân ái cũng có thể làm tăng sức đề kháng của cơ thể. “Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt. Tôi mong Italy cũng vượt qua cơn gian khó này”, chị nói.
Theo vnexpress.net
Hàn Quốc và Italy - 2 bài học hoàn toàn khác nhau về ứng phó Covid-19
Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc và Italy gần như trong cùng một giai đoạn, nhưng diễn biến của dịch ở 2 nước đang chuyển biến theo 2 hướng khác nhau, đặc biệt là số người tử vong.
Ở Italy, hàng chục triệu người đang phải sống trong lệnh phong toả được áp dụng trên cả nước trong bối cảnh số cả tử vong vì Covid-19 ở nước này đã vượt mốc 1.000. Nhưng ở Hàn Quốc, quốc gia mà thời điểm bùng phát dịch gần giống với Italy, chỉ có vài chục nghìn người bị phong toả và số ca tử vong chỉ là 67.
Khi virus tiếp tục lan rộng và nhanh chóng trên khắp thế giới, câu chuyện của Hàn Quốc và Italy đã trở thành một minh hoạ rõ nét về vấn đề mà các nước khác sẽ gặp phải, nếu như số ca nhiễm bất ngờ tăng vọt.
Các nhân viên y tế Hàn Quốc tại một điểm xét nghiệm lưu động, nơi người dân có thể lái xe qua để thực hiện mà không cần phải vào bệnh viện. Ảnh: Reuters.
Làm gì khi không thể làm như Trung Quốc?
Sẽ là không thực tế nếu xét nghiệm Covid-19 cho tất cả người tiềm ẩn nguy cơ nhiễm virus, nhưng đối với giới chức y tế các nước, câu trả lời gần đúng nhất là cách ly theo vùng và sau đó xét nghiệm để khoanh vùng sự lây lan của dịch bệnh.
Italy bắt đầu bằng việc thực hiện phong toả trên quy mô lớn, sau đó thu hẹp vòng vây và tập trung vào những khu vực có mật độ lây nhiễm cao. Điều này sẽ giúp họ không phải xử lý hàng trăm nghìn mẫu xét nghiệm mỗi ngày, nhưng cũng có một điều phải đánh đổi: họ sẽ khiến cả đất nước 60 triệu dân cảm thấy ngột ngạt vì lệnh phong toả này.
Ngay cả Giáo hoàng Francis, người đang bị cảm lạnh và phải thực hiện các buổi lễ của Vatican trực tuyến, cho biết ông cảm thấy mình như "bị nhốt trong thư viện".
Cách đó hàng chục nghìn km tại Hàn Quốc, chính quyền có cách tiếp cận tương đối khác đối với một đợt bùng phát Covid-19 với kích cỡ tương tự như của Italy. Hàng trăm nghìn người được xét nghiệm virus corona và những người nghi nhiễm được theo dõi và kiểm soát thông qua công nghệ vệ tinh và điện thoại thông minh.
Cả hai nước đều phát hiện nhưng ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, và từ đó đến nay Hàn Quốc ghi nhận 67 ca tử vong trong tổng số 8.000 ca nhiễm, sau khi thực hiện xét nghiệm cho hơn 222.000 người. Trong khi đó, Italy đã ghi nhận 1.266 trường hợp tử vong và hơn 17.000 ca nhiễm trong khi mới chỉ xét nghiệm cho 73.000 người.
Các nhà dịch tễ học cho rằng rất khó để so sánh trực tiếp các con số của hai nước, nhưng sự khác biệt này gợi ý rằng chúng việc xét nghiệm quyết liệt trên quy mô lớn là công cụ hiệu quả để chống lại sự lây lan của virus.
Không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện biện pháp cách ly mạnh mẽ và triệt để với một vùng rộng lớn như những gì Trung Quốc đã làm với Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: AP.
Ông Jeremy Konyndyk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một thinktank có trụ sở tại Washington, cho rằng việc xét nghiệm rộng rãi có thể cho các quốc gia một bức tranh toàn cảnh hơn về mức độ bùng phát của dịch. Nhưng nếu năng lực xét nghiệm hạn chế, ông cho rằng chính quyền phải có những hành động táo bạo hơn để hạn chế sự di chuyển của người dân.
"Tôi cảm thấy không thoải mái với việc bị áp đặt hạn chế di chuyển. Trung Quốc làm điều đó, nhưng Trung Quốc có thể làm điều đó vì người Trung Quốc sẽ tuân thủ điều đó", ông Konyndyk nhận định.
So với Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy là mô hình phù hợp hơn để Mỹ hoặc các nước châu Âu khác có thể học hỏi trong trường hợp Covid-19 bùng phát.
Hàn Quốc dựa vào công nghệ và dữ liệu lớn
Hàn Quốc, với dân số 50 triệu người, đang có khoảng 29.000 người tự cách ly. Việc phong toả chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, với ít nhất một khu dân cư nơi tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao. Tới lúc này, chưa có vùng nào của Hàn Quốc bị phong toả hoàn toàn.
Seoul cho biết chính quyền đã học được bài học từ đợt bùng phát dịch MERS hồi năm 2015 và đã cố gắng để công bố thông tin minh bạch và rộng rãi nhất có thể tới người dân. Hàn Quốc thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Chính quyền cũng thu thập và xử lý dữ liệu lớn từ nhiều nguồn: các camera công cộng, GPS từ ứng dụng bản đồ của điện thoại thông minh và xe hơi, lịch sử giao dịch thẻ tín dụng, lịch sử xuất nhập cảm và thông tin cá nhân - sau đó công khai dữ liệu này để người dân chủ động đi xét nghiệm nếu nghĩ mình có khả năng nhiễm bệnh.
Ngoài việc giúp theo dõi người nhiễm, hệ thống dữ liệu lớn của Hàn Quốc còn giúp các bệnh viện quản lý tốt bệnh nhân. Những người dương tính với Covid-19 sẽ được tự cách ly và theo dõi từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, và được kiểm tra thường xuyên bằng các cuộc điện thoại từ nhân viên y tế.
Khi có giường bệnh trống, xe cứu thương sẽ đến đón bệnh nhân và đưa tới bệnh viện cách ly, tất cả đều miễn phí.
Tuy nhiên cách tiếp cận này cũng phải đánh đổi một thứ đó là quyền riêng tư của công dân. Việc công bố thông tin cá nhân và lịch sử đi lại của người nhiễm để công chúng biết là điều khó chấp nhận ở những xã hội phương Tây. Mặc dù Trung Quốc và Singapore cũng áp dụng biện pháp tương tự, nhiều người dân Hàn Quốc tỏ ra bất bình.
Hàn Quốc là nước sử dụng hiệu quả năng lực xét nghiệm để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: AP.
"Công bố thông tin về bệnh nhân luôn đi kèm với các vấn đề vi phạm quyền riêng tư", ông Choi Jae Wook, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Hàn Quốc, nhận định.
Ông Kim Gang Lip, Thứ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết các biện pháp truyền thống như phong toả và cách ly chỉ có hiệu quả ở một mức độ nhất định, và sẽ gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Theo ông Kim, cách tiếp cận như vậy là "bảo thủ, mang tính ép buộc và không linh hoạt".
Italy gặp khó khăn vì năng lực xét nghiệm
Cách nhau cả chục nghìn km nhưng có nhiều điều tương tự giữa Italy và Hàn Quốc: nơi bùng phát dịch là một cộng đồng dân cư nhỏ, thay vì một siêu đô thị. Vì vậy, hệ thống chăm sóc sức khoẻ tại những thị trấn này sớm bị quá tải.
Tại Italy, mọi chuyện bắt đầu cách đây một tháng khi người đàn ông 38 tuổi đến bệnh viện với những triệu chứng giống cúm, nhưng các bác sĩ đã không làm xét nghiệm Covid-19 cho người này vì anh ta không tới Trung Quốc - một tiêu chí xét nghiệm trong hướng dẫn của giới chức - thay vào đó cho người này về nhà.
Khi triệu chứng không giảm, người này trở lại bệnh viện nhưng vẫn không được xét nghiệm, cho tới khi một bác sĩ quyết định bỏ qua các quy định và làm xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân. Kết quả là người đàn ông này dương tính, và có thể đã lây cho rất nhiều người trong thời gian quý giá đó. Các chuyên gia giờ đây cho rằng anh bị lây Covid-19 từ Đức chứ không phải Trung Quốc.
Việc quyết định tiêu chí xét nghiệm luôn là điều hết sức khó khăn, trong bối cảnh năng lực xét nghiệm là có hạn và hệ thống y tế thì quá tải. Tại Italy, ban đầu chính quyền các vùng xét nghiệm bắt buộc trên diện rộng, và thống kê tất cả những trường hợp dương tính dù cho bệnh nhân không có triệu chứng.
Sau đó một thời gian, Italy thay đổi chiến thuật xét nghiệm, chỉ áp dụng và thống kê những trường hợp có triệu chứng. Giới chức cho biết điều này sẽ giúp sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực vì nguy cơ lây nhiễm của người không có triệu chứng là thấp hơn, và việc xét nghiệm ít hơn cũng giúp kết quả được đưa ra nhanh hơn. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của cách tiếp cận này là những người không có triệu chứng vẫn có thể nhiễm virus và truyền bệnh cho người khác.
Italy chấp nhận phong toả toàn bộ đất nước để kiềm chế sự lây lan của Covid-19, do lo ngại tình hình sẽ xấu đi gấp nhiều lần nếu dịch bệnh tiến xuống phía nam. Ảnh: Reuters.
Mặt khác, xét nghiệm càng nhiều thì sẽ ca nhiễm Covid-19 sẽ càng tăng, và điều đó sẽ khiến cho hệ thống y tế quá tải. Mặc dù Italy có hệ thống y tế được đánh giá cao, với mức chi cho y tế công tương đương Hàn Quốc, nhưng hiện tại hệ thống này đang phải hoạt động ngoài công suất thiết kế, đặc biệt là với các phòng chăm sóc đặc biệt.
Hệ thống y tế bị đẩy tới giới hạn
Ông Pier Luigi Viale, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sant'Orsola-Malpighi ở Blogna, đang phải làm việc suốt ngày đêm ở 3 bệnh viện khác nhau. Bệnh viện của ông đang phải chữa trị một loạt các ca nhiễm Covid-19. Các bác sĩ của ông đang tất bật giúp đỡ các bệnh viện và phòng khám khác trong khu vực. Thêm vào đó là các bệnh nhân nguy kịch do các bệnh khác.
"Nếu mọi thứ kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, chúng tôi sẽ cần thêm tiếp viện", ông nói với Reuters.
Tuần trước, thị trưởng của Castiglione d'Adda, một thị trấn 5.000 dân ở Lombardy, đã phải lên mạng kêu gọi cứu trợ khẩn cấp. Ông cho biết bệnh viện nhỏ ở thị trấn đã phải đóng cửa vì hết công suất, và ông chỉ có 1 bác sĩ điều trị cho hơn 100 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ba trong số bốn bác sĩ của thị trấn đang phải tự cách ly.
"Bác sĩ và y tá đang ở giới hạn. Nếu bạn phải chăm sóc cho người thở máy, bạn cần phải theo dõi họ liên tục, bạn sẽ không thể chăm sóc cho những bệnh nhân mới", một y tá ở vùng Lombardy cho biết.
Nghiên cứu cho thấy mỗi trường hợp nhiễm Covid-19 trung bình sẽ lây cho 2 người khác, vì vậy giới chức địa phương ở Lombardy đã cảnh báo về việc hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở đây sẽ gặp khủng hoảng nếu xu hướng lây lan tiếp tục như hiện tại. Và nếu như dịch bệnh lan tới vùng phía nam kém phát triển hơn của Italy, tình hình sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần.
Áp lực nhất là các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Để hoạt động, những cơ sở này cần có bác sĩ chuyên khoa và các thiết bị đắt tiền, và không được thiết kế cho những dịch bệnh lan rộng. Italy có khoảng 5.000 giường chăm sóc đặc biệt, và trong những tháng mùa đông, sẽ có nhiều giường dành cho các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp.
Lombardy và Veneto là hai vùng phát triển nhất đất nước, và có khoảng 1.800 giường bệnh ICU ở đây, gồm cả bệnh viện tư và công.
Hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Italy đang bị quá tải, với các bác sĩ và y tá bị đẩy tới giới hạn. Ảnh: Reuters.
Thêm một gánh nặng nữa đối với hệ thống chăm sóc sức khoả của Italy, đó và việc phụ thuộc vào các nhân viên y tế để theo dõi những người có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Một bác sĩ ở Bologna, người yêu cầu giấu tên, chia sẻ với Reuters rằng ông phải dành 12 tiếng mỗi ngày để theo dõi sức khoẻ của những người có liên hệ với bệnh nhân dương tính, để đảm bảo phát hiện kịp thời ca nhiễm tiếp theo.
"Bạn có thể làm điều đó nếu số ca nhiễm là 2 hoặc 3. Nhưng nếu nó tăng lên, bạn sẽ phải bỏ qua một số thứ. Hệ thống sẽ tan tành nếu chúng tôi tiếp tục chủ động xét nghiệm mọi người rồi làm việc kiểu này", vị bác sĩ chia sẻ.
Theo news.zing.vn
Hơn 5.400 người chết vì nCoV trên thế giới 138 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận Covid-19, hơn 145.000 ca nhiễm và hơn 5.400 ca tử vong, WHO tuyên bố châu Âu là tâm dịch. Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, với 10.759 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 145.336, số người đã hồi phục là 70.921. Các ca...