Người Việt ở các nước có dịch nên cân nhắc việc trở về
Sáng 18/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp triển khai phương án phòng chống dịch. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khuyến cáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước.
Người Việt Nam từ nước ngoài về Hà Nội ngày 18/3 Ảnh: Hoàng mạnh thắng
Lý do là việc di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh và có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế nêu rõ, việc di chuyển đến sân bay và trên máy bay, khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nên người dân cần thận trọng khi di chuyển.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ là rất đúng đắn. “Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả lực lượng đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ. Đặc biệt là sự tham gia của người dân. Qua khó khăn càng thấy rõ sức mạnh của Nhân dân và của hệ thống chính trị. Chúng ta phải tiếp tục phát huy”, Phó Thủ tướng, nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết. Việt Nam phòng, chống dịch tốt cũng góp phần cùng thế giới phòng, chống dịch.
Thực tế, trong những ngày qua, cũng như nhiều nước, do không thể ngăn giao lưu ngay với bên ngoài, các lực lượng phải làm việc “không có đêm, không có ngày” để rà soát, tìm kiếm, giám sát hành khách, các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm trên hàng chục chuyến bay đến Việt Nam.
Trong nước hiện vẫn còn hàng trăm nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch. Tất cả các đơn vị, lực lượng phải tiếp tục hiệp đồng từ con người, cơ chế, công nghệ để phát hiện nhanh nhất người bệnh, những người tiếp xúc gần.
Tất cả mọi người, dù là người nước ngoài, phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Bộ Y tế, cung cấp thông tin về việc xác định, tiếp cận cách ly, hỗ trợ y tế những người có nguy cơ lây nhiễm nhanh nhất, không để bỏ sót một ai.
“Chúng ta phải kiểm soát được người nhập cảnh bằng chính sách quản lý thị thực như Thủ tướng vừa chỉ đạo, đồng thời tiếp cận, cách ly được tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm đã nhập cảnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tăng cường truyền thông qua tất cả các kênh để hướng dẫn, đề nghị người Việt Nam đang học tập, lao động ở nước ngoài tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nước sở tại.
Video đang HOT
“Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”, Phó Thủ tướng nói.
Dù sẽ có những bất tiện như thủ tục sân bay, điều kiện nơi cách ly, nhưng Phó Thủ tướng mong mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hợp tác, chia sẻ.
Sẵn sàng tiếp nhận, cách ly hàng vạn người
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y ( Bộ Quốc phòng) cho biết, theo kế hoạch mới nhất, quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ. Số người phải cách ly đến nay là hơn 21.000. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Các khu cách ly của quân đội hiện sẵn sàng tiếp nhận gần 38.000 người. Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000-20.000 chỗ.
Ban Chỉ đạo cũng thảo luận việc chuẩn bị cơ sở lưu trú, quy trình thực hiện tổ chức cách ly tại khách sạn có thu phí đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp, dự án quan trọng.
Bộ Y tế cho biết có 52 trường hợp mắc Covid -19 đang điều trị tại bệnh viện. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 122 (số mới trong ngày: 95, số cũ đang theo dõi: 22). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 42.918 (trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 314; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.172; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 34.443). Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 14.950 (số mẫu dương tính: 68, số mẫu âm tính: 14.882).
Ninh Thuận xác định 137 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 61
Chiều 18/3, UBND huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) cho biết: Từ lúc ở Malaysia về Việt Nam (từ ngày 4 – 15/3), bệnh nhân thứ 61 nhiễm Covid – 19 (ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) đã tiếp xúc gần (F1) với 62 người.
Trong đó, có những người đi chung chuyến bay, dự đám cưới, tham gia hành lễ và những người trong gia đình. Còn những người F2 (tiếp xúc gần F1) là 75. Huyện này cũng đang tiếp tục rà soát những người thuộc diện F1, F2 và chỉ đạo thành lập tổ xác minh, theo dõi, hỗ trợ y tế, cách ly đối với những người thuộc diện F1, F2.
THÁI HÀ – VĂN KIÊN-LỮ HỒ ( TPO )
Thủ tướng: Việt Nam sẽ chặn đứng đại dịch COVID-19
Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch COVID-19.
Sáng 17-3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức lễ phát động kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Tại đây, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước... tích cực tham gia ủng hộ để phòng, chống dịch COVID-19.
Kịp thời chuyển ủng hộ đến những nơi cần
Theo ông Mẫn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.
Tuy vậy, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và đang tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân, kinh tế-xã hội của đất nước. "Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị" - ông Mẫn nói.
Để tiếp tục có thêm nguồn lực phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, ông Mẫn kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Ông Mẫn cũng cho hay mọi sự ủng hộ bằng tiền, hiện vật sẽ kịp thời được chuyển tới những đơn vị, cá nhân đang trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, những khu cách ly và những trường hợp đang được điều trị bệnh cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam đang đứng trước thời khắc hết sức quan trọng và dịch COVID-19 đang gây ra những xáo trộn về tâm lý, nhịp sống, việc làm, suy giảm về kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Theo Thủ tướng, kể từ khi ca nhiễm 17 xuất hiện, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. "Chúng ta đã có ca nhiễm 61 (đến chiều cùng ngày, số ca nhiễm là 66 - PV), đã chữa khỏi 16 ca, chưa có bệnh nhân tử vong. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị" - Thủ tướng khẳng định, đồng thời ghi nhận sự góp sức thiết thực của người dân, của MTTQ Việt Nam và các cấp, các ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: CL
Chống dịch là nỗ lực, cố gắng của toàn dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. "Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh. Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện mục tiêu lãnh đạo quản lý kinh tế-xã hội của đất nước" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đồng thời cám ơn sự đồng lòng, nhất trí, sự chia sẻ của đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với những quyết sách phòng, chống đại dịch COVID-19. "Nhiều người đã sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác hoặc bỏ tiền mua khẩu trang phát miễn phí. Đặc biệt có cháu bé lấy tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Hiếm có bài học giáo dục nào có tác động lan tỏa tinh thần cộng đồng như thế" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng biểu dương những nhà khoa học sáng chế dung dịch sát khuẩn tặng người dân, cảm động vì những người dân tham gia giải cứu dưa hấu, thanh long cho bà con nông dân mà không hề toan tính.
Bên cạnh đó, có nhiều mạnh thường quân, văn nghệ sĩ đứng ra quyên góp, chia sẻ với cộng đồng, đó cũng là cách thể hiện lòng tri ân với khán giả, người hâm mộ. Sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với người lao động là hành động cũng đáng biểu dương. "Những ví dụ trên đây cho thấy những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả xuất phát từ trái tim mình" - Thủ tướng nói và bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ đẩy lùi, chặn đứng đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Thủ tướng còn kêu gọi thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch. "Mỗi phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài phòng chống dịch" - Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Hơn 236 tỉ đồng ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19
Thông tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay đến cuối giờ chiều 17-3, tổng số tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 236 tỉ đồng.
Thời gian Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức vận động quyên góp dự kiến là 45 ngày (từ 17-3 đến 30-4). Thời gian phân phối tiền, hiện vật kết thúc trước ngày 20-5.
Các khoản ủng hộ tiền và hiện vật tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ được chuyển trực tiếp về Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Các khoản ủng hộ tiền và hiện vật thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành cũng được chuyển thẳng về Bộ Y tế và báo cáo cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Thông tin tiếp nhận ủng hộ của các cá nhân, đơn vị:
Qua tài khoản tại ngân hàng: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, số tài khoản: 1483201009159, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh Thủ đô (nội dung chuyển tiền ủng hộ: Ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19).
Ủng hộ bằng tiền mặt: Phòng Kế hoạch - Tài chính (109, 111), Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 46 Tràng Thi, Hà Nội. Điện thoại: 0243 8256326, 02438256536. Bà Đinh Thị Thúy Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính: 0904.321.618.
CHÂN LUẬN ( PLO )
Ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn với người nhập cảnh Ngày 16-3, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp về các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh này. Cán bộ kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài dùng máy đo thân nhiệt từ xa kiểm tra sức khỏe khách nhập cảnh Tại cuộc họp, ban chỉ đạo nhận...