Người Việt ở Ấn lo sợ giữa vòng vây Covid-19
Giữa tâm dịch lớn nhất thế giới, người Việt tại Ấn Độ thêm lo ngại khi xung quanh có quá nhiều ca Covid-19 và nhiều người nhiễm thiếu ý thức, đi lại nhiều nơi.
“Dịch đang bùng phát rất mạnh”, chị Hiền Nguyễn, ngày 27/4 nói với VnExpress về nơi chị sống tại Mumbai, thành phố đông dân nhất bang Maharastra.
Lo lắng ám ảnh thường trực với cả gia đình khi trong khu nhà chị “nhiều người có bệnh mà không chịu khai báo hay cách ly”. Tòa nhà chị ở ngày hôm qua mới thêm 5 người nhiễm, “nhưng họ đều đã đi lại rất nhiều và cũng không chịu khai báo”, chị nói.
Chị Hiền kết hôn với chồng người Ấn Độ từ 10 năm trước. Họ chuyển về Ấn Độ từ New Zealand để sống cùng bố mẹ chồng gần 4 năm nay. Trải qua cả hai đợt bùng phát dịch Covid-19 ở quê hương chồng, chị Hiền lúc đầu lo sợ nhưng dần cũng quen và giữ được bình tĩnh.
“Mọi người trong nhà cứ bảo nhau cố gắng ăn uống kỹ lưỡng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Điều quan trọng vào lúc này là đảm bảo sức khỏe và không phải vào bệnh viện . Với tình hình hiện nay, nếu mình phải đến bệnh viện thì rất nguy hiểm”, chị nói.
Chị Hiền cho biết tòa nhà nơi chị ở “hầu như căn nào cũng có người bị bệnh”. Giống như phần lớn dân số ở trung tâm thành phố, gia đình chị sống trong một căn chung cư. Mật độ dân số dày đặc nên nguy cơ lây càng nhiễm cao. “Mọi người ai cũng đi thang máy và không tránh được tiếp xúc gần”, chị cho biết.
Tòa nhà của chị còn đặc biệt hơn khi phần lớn dân cư là gia đình cảnh sát. “Họ phải ra ngoài đường làm nhiệm vụ rất nhiều”, chị Hiền chia sẻ.
Nhân viên y tế tại thành phố Mumbai, Ấn Độ, chuyển bệnh nhân đến khu vực chăm sóc tích cực (ICU) vào ngày 21/4. Ảnh: AFP.
Làn sóng Covid-19 ập đến khi hàng triệu người Ấn Độ hành hương đến lễ hội sông Hằng của đạo Hindu. Truyền thông địa phương đã có nhiều phản ánh sự kiện ở bang Uttarakhand suốt 3 tháng qua không đảm bảo các quy định giãn cách, hạn chế tụ tập hay mang khẩu trang. Chính phủ Ấn Độ đã bị chỉ trích về tâm lý chủ quan, không nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống dịch.
Bang đang chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cao điểm bùng phát dịch lần này chính là Maharastra, nơi chị Hiền sinh sống. Riêng trong ngày 25/4, số ca tử vong vì Covid-19 là 832 người, cao nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ. So với đầu tháng 4, số ca tử vong vì Covid-19 ở Maharastra đã tăng hơn 200%, theo Times of India.
Bộ Y tế Ấn Độ sáng 27/4 thông báo số ca tử vong vì Covid-19 trên cả nước tăng thêm 2.771 người so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tiến gần cột mốc 200.000 người. Quốc gia với 1,3 tỷ dân cũng là vùng dịch lớn thứ hai toàn cầu, xếp sau Mỹ, với tổng ca nhiễm lên tới hơn 17,6 triệu và ngày thứ sáu liên tiếp số ca nhiễm mới vượt 300.000.
Bố chồng của chị Hiền phải chạy vạy nhờ vả mọi mối quan hệ để tìm thuốc men, dụng cụ y tế, máy thở để họ hàng ở quê sử dụng vì khắp các bệnh viện đều không có. “Gia đình chồng mình có người chú 71 tuổi không may mắc Covid-19 và đã qua đời. Bà nội của anh ấy đã 103 tuổi cũng vừa bình phục sau khi nhiễm virus. Toàn thể đại gia đình bên chồng mình có cả chục người mắc bệnh”, chị Hiền kể lại.
Thảm cảnh bên trong bệnh viện Ấn Độ giữa khủng hoảng Covid-19. Video: Sky News.
Gia đình chị Hiền may mắn đã được tiêm đủ hai mũi vaccine vào tháng 3 và tháng 4. Dù vậy, mọi người vẫn cảnh giác phòng bệnh, đặc biệt khi gia đình có người già và con chị mới 16 tháng tuổi.
“Ở bên này, người dưới 18 tuổi không được tiêm vaccine. Trẻ con vẫn lây nhiễm nhiều. Mình biết nên cũng sợ. Vaccine thì cũng không đảm bảo tránh được bệnh 100%. Mọi người đều phải phòng ngừa, đã tiêm hay chưa tiêm vaccine đều không quan trọng “, chị nói.
Bang Mahrastra trong ngày 26/4 xác nhận đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 500.000 dân chỉ trong một ngày. Chính quyền bang khẳng định sẽ sớm đạt mục tiêu tiêm phòng cho 15 triệu cư dân thường trú .
Riêng tại thành phố Mumbai, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát khi số ca nhiễm mới trong liên tiếp 4 ngày đều dưới mốc 6.000 người, giảm mạnh so với kỷ lục 11.163 ca trong ngày 4/4. Số ca nhiễm mới trong vòng 24h qua tại thủ phủ tài chính Ấn Độ chỉ còn 3.876 trường hợp. Đây cũng là mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ tháng 3.
Đạt, một doanh nhân Việt Nam chuyên về hạt điều thô tại bang Tamil Nadu, cho biết khu vực anh ở không bùng phát dịch nghiêm trọng như các thành phố lớn phía bắc Ấn Độ. Thành phố Tuticorin, nơi anh đặt văn phòng làm việc, cũng bùng phát lây nhiễm nCoV nhưng nhà chức trách chưa siết chặt kiểm soát, chỉ áp dụng lệnh phong tỏa riêng trong ngày 25/4. Đến đầu tuần này, người dân địa phương vẫn được đi lại tự do.
Đạt cho biết giới chức địa phương đã bắt đầu buộc người dân mang khẩu trang khi ra đường, “nếu vi phạm sẽ chịu phạt tiền hoặc đánh roi”. Thành phố cũng bổ sung lệnh cấm tụ tập trên 20 người .
“Mình cũng không dám tiếp xúc với ai, chỉ làm việc qua mạng. Đợt bùng phát dịch lần này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Không đi chào hàng thì ai chịu mua bán với mình đây. Liên hệ trên mạng thì khách hàng cũng không biết mình là ai”, anh cho biết.
Theo lời kể của anh Đạt, thuốc men, khẩu trang ở Tuticorin không thiếu nhưng giá cả đắt hơn thông thường từ hai đến ba lần. “Họ chủ yếu bán lẻ khẩu trang y tế. Nếu mua trọn một hộp thì giá bằng cả ba hộp”, anh chia sẻ thêm.
Thi thể các bệnh nhân tử vong vì Covid-19 được tập trung tại một địa điểm hỏa thiêu ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ vào ngày 24/4. Ảnh: AP.
Bản thân Đạt cùng 14 đồng nghiệp ở Tuticorin đều ý thức hạn chế ra ngoài vì dịch bệnh là mối lo chung. Nhóm đang rất lo lắng về nguy cơ lây nhiễm khi đã có hàng xóm trở về từ Mumbai dương tính với nCoV.
“Chính quyền vừa đưa xe cấp cứu đến chở cả gia đình họ cùng ba căn nhà liền kề đi cách ly. Mình cùng đồng nghiệp may mắn vẫn an toàn, chưa có trường hợp nào nhiễm virus”, anh nói. Nhưng Đạt cũng lo ngại tình trạng lao động phổ thông vẫn buộc phải ra ngoài làm việc thường xuyên để đảm bảo thu nhập.
” Mình vẫn chủ trương đang ở đâu thì ở yên đó, không ra ngoài. Nhóm của mình đã liên hệ đại sứ quán để sắp xếp chuyến bay hồi hương. Ai cũng muốn về Việt Nam cho an toàn “, anh cho biết thêm.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã phối hợp đưa gần 1.000 công dân từ Ấn Độ về nước an toàn thời gian qua. Hiện còn khoảng 100 người Việt Nam ở lại Ấn Độ. Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ cần thiết đối với công dân.
Một khi có lịch đón chuyến bay giải cứu về Việt Nam, nhóm của anh Đạt có hai phương án tập trung sơ tán là đến New Delhi hoặc Mumbai, chấp nhận di chuyển một quãng đường rất dài với nhiều nguy cơ lây nhiễm nCoV. Thành phố Tuticorin nằm gần cực Nam của Ấn Độ, cách New Delhi hơn 3.000 km.
“Mình sẽ phải đi bằng máy bay nhưng cũng mất cả 4-5 tiếng. Rủi ro nhiều. Nơi này lại không có chuyến bay thẳng lên Mumbai hoặc Delhi và nhóm sẽ phải chuyển tiếp ở một hoặc hai chặng dừng”, anh cho biết.
Thế giới tức giận khi Mỹ bơi trong vaccine
Khi Ấn Độ liên tiếp ghi nhận ca nCoV cao kỷ lục và cạn nguồn vaccine, người Mỹ lại được thoải mái kén chọn tiêm chủng với nguồn cung thừa thãi.
Tại Ấn Độ, chỉ 1,6% dân số hoàn thành chương trình tiêm chủng, giữa lúc làn sóng Covid-19 thứ hai nhấn chìm quốc gia này, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực sụp đổ. Trong khi ở Mỹ, hơn 28% người dân được tiêm chủng đầy đủ và gần 42% tiêm ít nhất một liều. Jackson Memorial, một bệnh viện lớn ở Miami, cho biết bắt đầu giảm tốc độ tiêm chủng vì nhu cầu giảm dần và nguồn cung dư thừa.
Tại Michigan, nhân viên y tế đang tiêm chủng cho học sinh trung học phổ thông, trong khi Bắc Carolina tạm dừng triển khai vaccine hồi đầu tháng này cho kỳ nghỉ xuân.
Cuộc tranh luận về khoảng cách giàu nghèo trong việc tiếp cận vaccine ngày càng sục sôi, khi nhiều dữ liệu cho thấy vaccine đang thừa thãi ở một số nước nhưng lại khan hiếm vaccine ở phần còn lại của thế giới.
Nhiều quốc gia châu Phi như Namibia và Kenya lên án "chế độ phân biệt chủng tộc về vaccine", trong khi nhiều nước khác kêu gọi Mỹ thay đổi chính sách, đồng thời xem xét nới lỏng luật sở hữu trí tuệ và bản quyền điều chỉnh hoạt động sản xuất vaccine.
"Đây là sự xúc phạm cả về mặt đạo đức, luân lý và khoa học", Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói. "Chúng ta có rất nhiều yếu tố khiến dịch bùng phát ở mọi nơi. Chúng ta vẫn đang ngồi trên thùng thuốc súng".
Thông báo hết vaccine bên ngoài trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ hôm 20/4. Ảnh: Reuters.
Điều này diễn ra khi tình hình Covid-19 toàn cầu đang chứng kiến sự phân chia rõ rệt. Ở một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Anh, Mỹ và Israel, số ca nhiễm đang giảm hoặc duy trì ở mức thấp. Nhưng ở mặt bên kia của bức tranh, số ca nhiễm mới mỗi tuần trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 2, theo WHO, đặc biệt khi một số nước đang phát triển chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm cao nhất từ trước đến nay.
"Nhiều quốc gia vẫn chưa có vaccine. Bạn đang thấy nhiều người phẫn nộ và tôi nghĩ điều đó là hợp lý", Rob Yates, giám đốc điều hành Trung tâm Y tế toàn cầu tại Viện Chatham, tổ chức nghiên cứu ở London, cho hay.
Phản ứng dây chuyền của chủ nghĩa dân tộc vaccine đang cản trở nguồn cung cho các nước nghèo thông qua Covax, sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu do WHO hậu thuẫn.
Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn, đã ngừng xuất khẩu vaccine khi số ca nhiễm trong nước tăng mạnh, gây trở ngại lớn cho quá trình triển khai Covax. Covax ban đầu dự tính 71% số liều đầu tiên sẽ do Viện Huyết thanh của Ấn Độ cung cấp, nhưng hiện tại, chương trình mới phân phối được 43 triệu trong mục tiêu hai tỷ liều vào năm nay.
"Thật là thảm họa đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình", Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown nói và nhấn mạnh "đặc biệt với quốc gia như Ấn Độ, nơi có thể trở thành động lực tiêm chủng cho thế giới".
Nhiều nước đang phát triển cho rằng Mỹ và các nước phương Tây giàu có khác có thể thúc đẩy nguồn cung vaccine toàn cầu bằng cách tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm. Điều này cho phép nước nghèo có thể sản xuất các phiên bản vaccine của Pfizer hay Moderna.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo vệ phản ứng của họ giữa những chỉ trích bằng cách cam kết hỗ trợ tài chính cho Covax lên tới 4 tỷ USD, cũng như hợp tác cùng Australia, Nhật Bản và Ấn Độ để tăng nguồn cung cho Đông Nam Á trong những năm tới. Ngoài ra, chính quyền Biden đã cho Mexico và Canada "vay" 4 triệu liều vaccine AstraZeneca, loại chưa được cấp phép sử dụng ở Mỹ.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 26/4 cho biết Mỹ sẽ chuyển vaccine AstraZeneca cho các nước khác khi có sẵn. Có thể 10 triệu liều sẽ được chuyển đi "những tuần tới", trong khi khoảng 50 triệu liều đang được sản xuất và có thể xuất xưởng vào tháng 5 và tháng 6. Hiện chưa rõ vaccine sẽ được chuyển tới đâu.
Sự chia rẽ về vaccine không chỉ giữa nước giàu và nước nghèo, mà còn là giữa các hàng xóm giàu có. Canada đã đạt thỏa thuận với nhiều công ty dược phẩm để có hàng trăm triệu liều vaccine, gấp nhiều lần nhu cầu cho 38 triệu dân số, trong thời gian tới. Tuy nhiên, quốc gia này lại gặp hạn chế về sản xuất vaccine trong nước, khiến họ cảm thấy ghen tị và thậm chí phẫn nộ với thành tựu tiêm chủng của Mỹ.
"Bạn thực sự thấy bạn bè và kẻ thù của bạn là ai", Thủ hiến Ontario Doug Ford nói tháng trước và cho rằng "người bạn thân thiết nhất của chúng tôi", Washington, nên giúp đỡ nhiều hơn. "Tôi từng nghĩ sẽ thấy một chút thay đổi với chính quyền mới, nhưng một lần nữa họ chỉ nghĩ tới chính họ", Ford nói.
Nhóm "quốc gia thu nhập cao" theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), chiếm 16% dân số thế giới, đã "ôm" hơn 50% nguồn cung vaccine ngắn hạn, theo nghiên cứu của Đại học Duke. Và thực tế Mỹ đang "bơi" trong vaccine.
Tất cả người Mỹ từ 16 tuổi đều có thể tiêm vaccine Covid-19. Quan chức y tế bang ở Tây Virginia, bắc Carolina và Pennsylvania cho biết họ đang đối mặt tình trạng cung vượt quá cầu, nên thách thức mới hiện nay là đẩy lùi thái độ do dự tiêm vaccine.
Dù rất khó để xác định chính xác bao nhiêu lọ vaccine không được sử dụng trên khắp nước Mỹ, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) chỉ ra hơn chục bang đang tiêm ít hơn 1/3 số liều nhận được.
Một người phát ngôn của liên minh vaccine Gavi, đối tác của Covax, cho biết tốc độ cung cấp vaccine hiện nhanh hơn nhiều so với đại dịch "cúm lợn" H1N1 năm 2009. Covax cũng đang tìm cách bù đắp sự chậm trễ xuất khẩu từ Ấn Độ bằng cách theo đuổi thỏa thuận với các nhà sản xuất khác.
Nhưng nhiều nước ngày càng mất kiên nhẫn.
Nhân viên y tế mang khay đựng đầy ống tiêm vaccine Johnson & Johnson tại trung tâm Castine ở thành phố Mandeville, bang Louisiana, Mỹ hôm 10/3. Ảnh: AP.
Tại Namibia, quốc gia có 2,5 triệu người, chỉ 128 người được tiêm đủ hai liều vaccine tính tới giữa tháng 4.
"Chúng tôi đã đăng ký và trả tiền đặt cọc vaccine Covid-19, nhưng sự phân biệt chủng tộc vaccine đang tồn tại", Tổng thống Namibia Hage Geingob nói tháng này. "Tôi muốn nói rằng chúng tôi, một quốc gia nhỏ, đã trả tiền đặt cọc nhưng đến nay chưa nhận được bất kỳ loại vaccine nào".
Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei cũng bày tỏ phẫn nộ, khi nói rằng Covax đã thất bại trong việc phân phối vaccine tới quốc gia của ông và phần lớn Mỹ Latinh. Ông cho biết Guatemala, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm tăng lên, phải chuyển sang mua vaccine của Nga và Ấn Độ bởi chỉ nhận được 81.000 liều trong tổng số ba triệu liều AstraZeneca mua qua Covax.
"Hệ thống Covax đã thất bại. Một nhóm nhỏ quốc gia có tất cả các loại vaccine và phần lớn còn lại không được tiếp cận bất kỳ loại nào", ông nói.
Những quốc gia vùng Caribbe cũng tỏ ra thất vọng với Mỹ. Timothy Harris, Thủ tướng St. Kitts và Nevis, nói Ấn Độ trước đó đã giúp đỡ quốc gia của ông và những nước vùng Caribbe khác với hàng nghìn liều vaccine.
"Nhưng thật thất vọng, chúng tôi không nhận được liều vaccine nào từ Mỹ. Không một liều nào", ông nói.
Ấn Độ ghi nhận trên 260.000 ca mắc mới COVID-19 Ấn Độ ngày 18/4 tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 261.500 ca trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 14,79 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng tăng 1.501 ca lên 177.150 ca. Nhân viên y tế...