‘Người Việt nên lo cho người Việt trước’
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh, khi trả lời phỏng vấn xoay quanh chuyện “ Em là bà nội của anh” không được tham dự giải Cánh diều.
- Bộ phim “Em là bà nội của anh” vắng bóng trong danh sách tranh giải Cánh diều 2015 gây ra nhiều nguồn dư luận khác nhau. Nhiều người cho rằng bà gọi đây là phim “copy” trong buổi họp báo của Hội Điện ảnh là sai. Bà giải thích thế nào về điều này?
- Chữ “copy” ở đây mang ý nghĩa bản sao – bởi Em là bà nội của anh mang nội dung và đường dây cốt truyện không khác gì so với nguyên tác của Hàn Quốc. Có thể tại buổi họp báo của Hội Điện ảnh, tôi đã dùng từ chưa chính xác. Các từ copy, bản sao, làm lại… là như thế nào cũng cần bàn cho kỹ nếu có dịp.
Cá nhân tôi không hề có ý coi thường các tác phẩm giống như vậy. Trên thực tế, Em là bà nội của anh mang ý nghĩa xã hội tích cực, đạt doanh thu cao và nếu nằm trong danh sách tranh giải Cánh diều 2015 biết đâu lại có khả năng đạt giải.
Tuy nhiên, tiếc là quy chế chấm giải Cánh diều lại hướng đến các tác phẩm thuần Việt, có câu chuyện do tự người Việt viết ra. Câu chuyện của Em là bà nội của anh rất hay, nhưng đó là thừa hưởng từ cái hay bên Hàn Quốc. Giống như chia sẻ trước đây của Chủ tịch Hội Điện ảnh, bộ phim có thể không phù hợp với Cánh diều, mà thích hợp hơn ở một sân chơi khác, như Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam chẳng hạn.
Hội Điện ảnh đơn thuần chỉ muốn tôn vinh những tác phẩm thuần Việt, những câu chuyện do chính người Việt viết nên, và động viên sự sáng tạo, tính mới mẻ.
- Có ý kiến phân tích rằng: Cánh diều không cho các phim làm lại (remake) tham gia vì chúng đã sẵn có nền tảng kịch bản xuất sắc, trong khi kịch bản vốn là khâu chưa mạnh của nền điện ảnh Việt Nam. Phải chăng chúng ta đang đóng cửa với thế giới để được thoải mái vùng vẫy trong ao làng nhỏ hẹp của mình?
- Xin đừng quan niệm như thế. Về cơ bản, đây chỉ là cuộc chấm thành quả lao động của các hội viên thuộc Hội Điện ảnh trong vòng một năm mà thôi. Nếu nói như vậy là đã thổi phồng quá đáng giải thưởng của một hội nghề nghiệp lên mất rồi. Chuyện đóng cửa với thế giới hoàn toàn là không có. Mọi thứ trong lĩnh vực điện ảnh nước ta giờ đây đều đã thoáng hơn xưa rất nhiều. Hàng năm, các hãng nhập đến cả trăm phim nước ngoài về, với cơ chế duyệt phim cởi mở hơn. Liệu đó có phải là đóng cửa hay không?
Tổng giá trị giải thưởng và kinh phí dành cho Cánh diều 2015 chỉ là 500 triệu đồng. Do đó, Hội Điện ảnh lúc này cũng chưa thể mở thêm các hạng mục mới, dành riêng cho các phim remake. Với số tiền eo hẹp như thế, tạm thời “người Việt hãy cứ lo cho người Việt” đã. Còn trong tương lai, nếu có cơ hội, Cánh diều sẽ sẵn sàng đón chào những bộ phim như Em là bà nội của anh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát hiện là một thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực hội Điện Ảnh Việt Nam, kiêm thành viên ban tổ chức giải Cánh diều. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Bà đã theo chân Cánh diều bao nhiêu năm? Bà có thể chia sẻ về hành trình của cá nhân với giải thưởng của Hội điện ảnh?
- Tôi đồng hành với giải Cánh diều ngay từ những ngày đầu, khi mới là Ủy viên Ban chấp hành và chịu trách nhiệm cho hãng phim của Hội Điện ảnh (HODA Film). Ban đầu, tôi chưa phải thành viên ban tổ chức, có lúc tham gia sự kiện với tư cách ban giám khảo.
Video đang HOT
Nhưng bắt đầu từ năm 2010, khi nhận chức Phó Chủ tịch thường trực, tôi tham gia Cánh diều với cương vị ban tổ chức, chứ không còn làm ban giám khảo nữa; một phần còn bởi bản thân các tác phẩm của tôi cũng dự tranh Cánh diều. Giờ thì tôi lo phụ trách cho các hoạt động xung quanh giải thưởng, như mời giám khảo, tổ chức họp báo, tổ chức đêm trao giải… cùng nhiều người khác.
- Với giải thưởng Cánh diều 2015, liệu công chúng có thể chờ đợi những điều gì mới mẻ?
- Cánh diều năm nay sẽ vẫn được thực hiện theo nếp truyền thống suốt nhiều năm qua. Điều quan trọng là phải tạo ra được không khí vui vẻ, mời nhiều nghệ sĩ đến đêm trao giải để biến đây trở thành lễ hội điện ảnh thực sự.
Theo tôi, dư âm của đêm trao giải Cánh diều mới là điều thực sự quan trọng. Thứ nhất, giải thưởng là nguồn động viên người nghệ sĩ tiếp tục hăng say sáng tạo nghệ thuật. Thứ hai, Cánh diều là một yếu tố quan trọng có thể giúp người nghệ sĩ sau này đạt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân hoặc Nghệ sĩ ưu tú. Thứ ba, cả giải Bông sen của Liên hoan phim Việt Nam lẫn Cánh diều của Hội Điện ảnh hoàn toàn có thể giúp các nghệ sĩ có thêm uy tín với những người trong nghề, mở ra cho họ nhiều cơ hội mới trong sự nghiệp.
Tôi nghĩ đến giờ Cánh diều thực sự đã trở thành một thương hiệu điện ảnh. Như cá nhân tôi sau khi nhận giải Biên kịch xuất sắc cách đây nhiều năm thì ngay lập tức nhận được rất nhiều đơn đặt hàng kịch bản trong giới.
- Cá nhân bà đánh giá mặt bằng chung của 18 phim điện ảnh tham dự giải Cánh diều 2015 ra sao? Bà đánh giá cao nhất tác phẩm nào?
- Số lượng 18 phim điện ảnh tham gia Cánh diều 2015 là con số kỷ lục. Các tác phẩm mang nhiều đề tài đa dạng, từ lịch sử triều Nguyễn ở Mỹ nhân cho tới hình ảnh Bác Hồ trong Nhà tiên tri, từ thân phận người phụ nữ qua nhiều thời kỳ lịch sử trong Cuộc đời của Yến cho tới đời sống kinh tế mới của người dân tộc Chăm trong Trên đỉnh bình yên, từ cú hit phòng vé Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ cho tới tác phẩm hiện đại, “hài mà không nhảm” Gái già lắm chiêu…
Chất lượng 18 phim tranh giải chắc chắn là có cao thấp khác nhau, nhưng sự đa dạng là điều không thể chối cãi. Trên ghế đạo diễn là các nhà làm phim thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ những cái tên gạo cội như Vương Đức, Hữu Mười, cho tới Victor Vũ, và cả lớp đạo diễn còn rất trẻ như Đinh Tuấn Vũ, Nam Cito, Bảo Nhân… Hơi tiếc khi Cánh diều chỉ có một giải vàng, hai giải bạc và một số bằng khen, nên không thể tôn vinh tất cả. Tôi không dám dự đoán phim nào sẽ giành giải cao nhất, bởi bản thân chỉ là ban tổ chức. Quyết định nằm ở hội đồng ban giám khảo do NSND Đặng Nhật Minh đứng đầu.
- Trên thực tế, đội ngũ ban giám khảo của Cánh diều vẫn là những cái tên quen thuộc trong làng điện ảnh Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Liệu Hội Điện ảnh đã nghĩ đến việc tuyển lựa những cái tên mới, trẻ trung, mà vẫn có sức nặng với công chúng cho giải thưởng chưa?
- Chúng tôi có nghĩ đến điều này. Trên thực tế, danh sách công bố rộng rãi mới chỉ là các chủ tịch ban giám khảo. Nhưng đến hôm nay thì các hội đồng đều đã hoạt động rồi, trừ ban giám khảo phim truyện chỉ bắt đầu chấm từ 11/4. Cũng chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa thôi, lễ công bố giải Cánh diều sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô vào tối 20/4.
Thông thường danh sách ban giám khảo phê bình lý luận điện ảnh và phim truyền hình có đầu tiên, do đặc thù hai hạng mục đó đòi hỏi phải chấm giải từ sớm. Bởi kinh phí có hạn nên nếu giải Cánh diều tổ chức ở Hà Nội, thành phần ban giám khảo là người ở Hà Nội sẽ tham gia đông hơn. Còn nếu sự kiện tổ chức thì TP HCM, thì ngược lại.
- Bà và Hội Điện ảnh đã có những chuẩn bị gì để thu hút thêm người nổi tiếng tham gia lễ trao giải năm nay?
- Giống như các năm trước, tối 20/4 tới vừa là lễ trao giải, vừa là ngày hội dành cho ngành điện ảnh. Chúng tôi sẽ vẫn mời đến sự kiện các bậc lão thành, các NSND, NSƯT hoặc lãnh đạo ngành qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, ban tổ chức chắc chắn gửi thư mời đến cho các nghệ sĩ có phim tham gia tranh giải năm nay.
Các gương mặt diễn viên trẻ cũng là những người mà ban tổ chức đặc biệt quan tâm và hướng tới, bởi họ sẽ giúp sự kiện trao giải Cánh diều được dư luận để ý tới nhiều hơn.
Giải thưởng Cánh diều từng có lần khiến dư luận ngạc nhiên khi trao giải cho Elly Trần hồi năm 2011.
- Hội Điện ảnh đã rất vất vả duy trì giải thưởng và giúp nó không bị tác động thương mại. Tuy nhiên, đôi khi ban tổ chức vẫn gây ra nhiều tranh cãi như giải thưởng dành cho Trịnh Hội (2010), Elly Trần (2011) hay Hạnh Sino (2012)… Là người trong cuộc, bà có ý kiến thế nào về chuyện này?
- Giờ thì tôi chỉ là thành viên ban tổ chức, chủ yếu lo công việc “bếp núc” thôi. Đến khi ngồi với ban giám khảo, nghe họ phân tích về các tác phẩm hay diễn viên, thì cũng chẳng được có ý kiến gì. Kết quả cuối cùng hoàn toàn là quyết định đến từ ban giám khảo. Chúng tôi đã mời ai làm giám khảo thì sẽ đặt trọn niềm tin và sự tôn trọng vào những con người ấy.
- Tại Cánh diều 2014, không có phim nào thắng giải Cánh diều vàng. Theo bà, liệu chuyện này có lặp lại trong mùa giải năm nay không?
- Năm ngoái chỉ có ba phim điện ảnh cùng giành giải Cánh diều bạc làHương Ga, Những đứa con của làng và Lạc giới. Kể cũng đáng tiếc khi giải Cánh diều vàng lại không có chủ. Nhưng tôi tin và hy vọng rằng sẽ có một tác phẩm thắng giải cao nhất ở mảng điện ảnh năm nay.
Theo Zing
Lý do 'Em là bà nội của anh' không được tham gia Cánh diều
"Giải Cánh diều không dành cho phim copy" - đó là phát biểu đến từ bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, trong buổi họp báo công bố thông tin về giải thưởng.
Theo chia sẻ của ban tổ chức Cánh diều, mỗi giải thưởng điện ảnh có một tiêu chí chấm điểm và trao giải khác nhau. Với Cánh diều 2015, đó là "đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực".
Tuy rất ăn khách tại phòng vé, nhưng Em là bà nội của anh lại không phù hợp với tiêu chí của giải thưởng Cánh diều. Do đó, bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sẽ không tranh tài tại sự kiện năm nay. Ảnh: CJ
Do đó, trong số 18 tác phẩm điện ảnh tranh giải năm nay, công chúng không thấy có tên Em là bà nội của anh - bộ phim Việt ăn khách nhất từ trước tới nay với tổng doanh thu lên đến hơn 100 tỷ đồng vốn được dựa trên nguyên tác Miss Granny (2014) của điện ảnh Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhấn mạnh trong buổi họp báo sáng 31/3 rằng: "Cánh diều không dành chỗ cho phim copy. Tính dân tộc là một tiêu chí quan trọng của giải thưởng".
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đặng Xuân Hải, nhấn mạnh thêm: "Những tác phẩm dựa trên nguyên tác nước ngoài sẽ phù hợp hơn với Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam, thay vì giải Cánh diều của Hội Điện ảnh".
18 tác phẩm tham gia tranh giải Cánh diều ở các hạng mục dành cho phim truyện điện ảnh năm nay đều là những bộ phim đã được trình chiếu trong 12 tháng qua, bao gồm: Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Người trở về, Quyên, Siêu trộm, Trúng số, Ngày nảy ngày nay, Bộ ba rắc rối, 49 ngày, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trong 18 tác phẩm điện ảnh dự tranh giải thưởng Cánh diều năm nay. Ảnh: Galaxy
Người đứng đầu hội đồng giám khảo chấm giải phim điện ảnh là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Theo kế hoạch, ông và các cộng sự sẽ theo dõi và chấm điểm nhóm tác phẩm bắt đầu từ ngày 11/4.
Ngoài ra, giải Cánh diều 2015 còn có các hạng mục dành cho phim truyện truyền hình (16 phim dài tập & 8 phim ngắn tập), phim hoạt hình (14 phim), phim tài liệu (37 phim), phim khoa học (12 phim), phim ngắn (33 phim) và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh (6 tác phẩm).
Theo thông lệ, lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng hàng năm diễn ra vào ngày 15/3, trùng với ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện năm nay được đẩy lui xuống 20/4 để ban tổ chức có thể thu hút thêm các phim chiếu dịp Tết, cũng như có nhiều hơn thời gian để chuẩn bị chu toàn cho sự kiện.
18 phim điện ảnh tranh giải Cánh diều 2015 dự kiến được trình chiếu miễn phí cho công chúng từ ngày 13 tới 17/4 tại bốn cụm rạp ở Hà Nội là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, rạp tháng 8, rạp Ngọc Khánh và rạp CGV - Mipec Tower.
Cánh diều vàng là giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, được trao cho những tác phẩm và cá nhân điện ảnh xuất sắc trong năm trước đó. Giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003. Năm ngoái, không có tác phẩm điện ảnh nào được trao giải Cánh diều vàng, mà chỉ cóHương Ga, Những đứa con của làng và Lạc giới cùng chia nhau giải Cánh diều bạc.
Ban tổ chức tiết lộ tổng giá trị các giải thưởng Cánh diều 2015 là khoảng 500 triệu đồng.
Theo Zing
Cánh diều vàng 2015: 'Hoa vàng cỏ xanh' không có đối thủ Không có nhiều khác biệt giữa danh sách tranh giải điện ảnh Cánh diều vàng 2015 và Bông sen vàng LHP Việt Nam 2015. Khả năng giành chiến thắng của "Hoa vàng cỏ xanh" là rất lớn. Cánh diều vàng là giải thưởng thường niên do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, với mục đích tôn vinh các tác phẩm thuộc nhiều...