Người Việt Nam tại Nga: Chuyện tình làng nghĩa xóm và những số phận bấp bênh nơi xa xứ
Người Việt ta ở đâu cũng vậy, đa phần là trọng chữ tình chữ nghĩa hơn cả bạc vàng. Trong cuộc sống tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng sự đùm bọc thương yêu nhau, nhất là những lúc xa quê hương càng rõ rệt. Nhưng vẫn còn đó những số phận bấp bênh…
Những hình ảnh ghi lại sau khi 1 xưởng may ở trung tâm thương mại Dubrovska bị buộc đóng cửa hồi tháng 6/2011
Nối vòng tay yêu thương
Trường hợp anh Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1989, quê ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ an mới đây là một thí dụ. Sang Nga năm 2008, anh hết đi trồng rau rồi dạt xuống tận vùng Kavkaz cách xa Mátxcơva (Mát) hàng ngàn km làm thợ xây dựng. Trong một ngày bất hạnh (24/10/2011), tai nạn ập đến bất ngờ cướp đi mạng sống của anh khi không một người thân bên cạnh, chỉ có những người bạn cùng cảnh ngộ…
Gia đình của anh Thương ở Việt Nam rất nghèo. Nhận được hung tin họ chỉ biết khóc sụt sùi rồi cũng đành trăm sự nhờ cậy vào những người xa lạ trên đất Nga. Vậy là bà con cùng quê ở Mát và Hội đồng hương Nghệ An hết sức thông cảm, cùng chung tay giúp đỡ với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”…
Chúng tôi chia nhau đi vận động quyên tiền ở các chợ Liu (TTTM Mátxcơva), ốp Rưubac…Cảm động nhất là chị Chung vợ anh Hưng, bụng chửa vượt mặt mà vẫn không quản giá rét mang hộp giấy cạc-tông từ thiện đến từng quầy bán hàng để nhận những đồng rúp quyên góp của bà con…
Hay như anh Trần Quang Bảo (Hội đồng hương Nghệ An) lo đi quyên tiền mà về nhà bị cảm lạnh. Anh Bảo cũng là người xông xáo nhất, lo lắng chạy từng việc cụ thể cho đến khi thi hài (lọ tro) của anh Nguyễn Văn Thương về VN an toàn…Hỏi anh Bảo về sự quan tâm sâu sắc đến người xấu số, anh chỉ nói: ” Họ tội nghiệp quá anh ạ, không có người thân ở đây. Hội tuy mới thành lập nhưng dù sao thì cũng là người cùng quê Nghệ An, mình không lo thì ai lo…”
Và còn nhiều lắm những tấm lòng nghĩa cử. Như chị Thu Trang tự nguyện đi làm phiên dịch suốt mấy ngày liền cho bà con quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh…khi vụ cháy thương tâm gây tử vong xảy ra ở nhà hàng Sông Lam hồi năm 2010. Khi tôi hỏi chị về những việc làm vô tư ấy, chị cười nhẹ: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều là bà con gặp hoạn nạn, mình có chút ít vốn tiếng Nga thì chạy tới chạy lui giúp đỡ cũng là điều bình thường thôi mà!”
Video đang HOT
Hay nhiều vụ việc khác liên quan đến những sự thiệt hại về người và của mà Ban Công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã phải lo lắng cho bà con mỗi khi có sự cố xảy ra trong bao năm qua.
Bên ngoài một “ốp” ở của người Việt và Trung Quốc cạnh chợ Chim (Sadovo) – (ảnh chụp tháng 10/2011)
Một miếng khi đói…
Năm 2008, khi vừa từ dưới đường metro Arbat đi lên, tôi bắt gặp một cô gái Việt Nam đang phải xin ăn bên vệ đường. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ cô ấy là người Trung Quốc hoặc một nước châu Á nào khác… Thật là bất ngờ, điều này ngoài sự tưởng tượng bởi tôi chưa bao giờ gặp trường hợp tương tự với người Việt ở Nga vì thông thường nếu quá quẫn bách, họ vẫn còn chỗ mà ra. Đó là tìm đến với các bà con đồng hương của mình.
Khi biết tôi cũng là người Việt Nam, cô mếu máo: “Xưởng may của bọn em bị vỡ, chạy lung tung cả, em bị lạc đường. Tiếng Nga không biết gì vì vừa sang chưa được một tháng, hộ chiếu chủ xưởng cầm, tiền không có, chẳng biết làm sao nên đành đứng đây …”
Do bận công chuyện gấp không thể đưa cô đi được, tôi đành đưa cho cô ít tiền và thuê người lái taxi chở cô ra chợ Vòm cũ, sau khi dặn dò cô cẩn thận và cho cô số điện thoại của tôi. Mấy hôm sau cô alô cho tôi nói lời cảm ơn và kể là đã gặp bà con đồng hương ở chợ, họ giúp cô tìm được việc làm rồi. Thật may cho cô.
Sau đó, vào một đêm mùa đông năm 2009 tôi đang trên đường về nhà ở ngoại ô Mát. Vừa ra khỏi bến tàu, tôi đụng ngay một cậu thanh niên mà nhìn qua đã biết là người Việt Nam mình dù xung quanh có khá nhiều dân Trung Á trông cũng hao hao…Cậu ta còn hỏi tôi là “Metro ở đâu?” Tôi hơi ngỡ ngàng và nói với cậu ta: ” Đây là ngoại ô làm gì có metro?” Cậu chàng càng lo lắng hơn khi thấy xuất hiện mấy bóng cảnh sát trờ trờ đi đến từ phía xa. Tôi vội kéo cậu vào cửa phòng bán vé và hỏi han sự việc.
Hóa ra cậu ta cũng vừa sang Nga làm thợ may được vài tháng tại 1 xưởng may vùng Ivanchevka. Đồng lương thấp, ăn uống kham khổ, cuộc sống lại tù túng, nỗi lo nhà chức trách khám xét bắt bớ người như các xưởng bên cạnh lại thỉnh thoảng ám ảnh…(khác với những gì họ hứa lúc tuyển người ở Việt Nam). Vì không chịu nổi nên cậu liều trèo qua tường phủ dây kẽm gai ra ngoài bắt taxi đến đây, nhưng lại tưởng đã ở trong nội đô.
Khi biết cậu ta cũng không một xu dính túi, không điện thoại, không cả giấy tờ tùy thân, tôi ái ngại dúi vào tay ít tiền và mua vé tàu đi Mát cho cậu cho kịp giờ vì đồng hồ đã chỉ 22 giờ 30 phút. Cũng may cậu ta có bà con ở chợ Mát và tôi đã liên lạc được với họ, đồng thời thông báo cho người nhà ra ga Yaroslavski (khu vực Ba nhà ga) đón. Từ đó vào Mát cũng phải 1 tiếng đồng hồ đi xe nữa.
Sau khi đưa cậu ta vào toa ngồi cạnh mấy ông bà già người Nga có vẻ hiền từ và nhờ họ trông nom cẩn thận giùm, tôi mới an tâm ra về. Đến 24 giờ khuya thì tôi nhận được điện thoại người nhà cậu ta (và nghe có cả tiếng nói của cậu ta) thông báo đã gặp và đưa về nhà an toàn, đồng thời họ cảm ơn rất nhiều.
Với tôi, trong hàng chục năm ở Nga, hai kỉ niệm nhỏ ấy cứ làm tôi áy náy mãi và cảm thấy thương cảm cho số phận nơi đất khách quê người của bà con ta.
Họ tha phương cầu thực vì mưu sinh nơi xứ lạ, nhưng những mối nguy hiểm khi “sểnh nhà ra thất nghiệp” là hoàn toàn không lường được. Như cậu thanh niên này hay như cô gái nọ, cũng do hoàn cảnh xô đẩy mà lạc bước trên đường giữa bao người xa lạ với những ánh mắt khó hiểu… Thương cảm họ bao nhiêu, lòng tôi lại càng vấn vương những câu hỏi: Sao vẫn có những người nhẹ dạ như thế? Thời đại này rồi mà sao vẫn chấp nhận đi xa làm ăn theo kiểu may rủi như vậy?…
Theo Dân Trí
Ai cũng có nơi để về
Đợt vừa rồi về thăm nhà, thấy quê mình khác quá đỗi. Tuy Hòa tựa như người thiếu nữ mới lớn, diện lên mình những bộ đồ mới mẻ, yêu kiều hơn khiến con người ta đi xa về không khỏi ngỡ ngàng mà thốt lên "Mình không biết Tuy Hòa cũng có lúc đẹp như vậy". Đó là lần đầu tiên mình thấy quê mình đổi khác.
Thy Thy
Dọc con đường từ quốc lộ 1A dẫn vào thành phố bé nhỏ ấy, đâu đâu mình cũng thấy hoa nở rộ, đủ màu sắc. 18 năm mình đã sống và lớn lên ở đây cộng thêm 5 năm xa xứ đi đi về về, tự hỏi lòng có bao giờ thấy nhớ miền đất này đôi chút?
Chiều buông xuống, rải rác những cây hoa sữa hiếm hoi thoảng hương ngan ngát. Mình không thích hoa sữa lắm bởi mùi nó hăng hăng, thường làm mình hay nhức đầu nhưng trong cái không gian khiến mình đang ngỡ ngàng ấy, tự nhiên hoa sữa cũng trở nên duyên đến lạ. Mình bắt đầu nhắm mắt, cố hít thật no đầy cái ngây ngây của một buổi chiều yên ả.
Nghe bên tai đâu đó lời bài hát "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm... có lẽ nào anh lại quên em...". Có lẽ vậy, chỉ có con người lãng quên con người như chính ta cũng đôi lần quên mất mảnh đất với những gì thân quen ruột thịt, từng chối bỏ nơi sinh ra mình vì sự cục bộ không phát triển. Ôm ấp lấy đất Sài Gòn xa hoa lắm mộng rồi cũng... vỡ mộng.
Chiều Tuy Hòa - đó là một buổi chiều yên bình, mình ngồi trên cát trắng và biển Tuy Hòa gợn sóng xanh rì. Những bãi dương bạc màu gió thẳng tắp cho đến những gánh hàng rong xíu xíu đầy những xoài, cóc, ổi, đậu phộng, trứng cút... bày bán cũng bị dẹp sạch. Nghe nói người ta sẽ xây resort hết, sẽ thay đổi bộ mặt biển Tuy Hoà xứng đáng cái danh "400 năm Phú Yên và khai mạc năm du lịch quốc gia 2011".
Mình nghe cũng lớn lắm, không biết họ làm nó to đến đâu... nhưng nhìn lại kinh phí thì không nhỏ chút nào. Nhưng thôi kệ, nếu Tuy Hòa mà đẹp hơn, đẳng cấp hơn thì mình cũng thấy vui và hào hứng dẫn bạn bè về, thậm chí nghĩ xa hơn là trở về sống tại mảnh đất này cũng không có gì khiến mình đắn đo như trước nữa.
Mình còn đôi chút lưu luyến vì nhớ những buổi chiều thong dong trên cát, tìm mấy gánh hàng rong bán những món ngộ ngộ ấy mà nhâm nhi... Thích nhiều lắm, có thứ bánh tráng bé xíu xíu cuộn lại, đem nướng lên rồi phết nước tương đen, tương đỏ nóng nóng, ăn giòn giòn mà lại cực rẻ. Mình nhớ những buổi chiều cùng đám bạn "se" nhau mấy ly rượu nếp ngọt ngây mà say lúc nào không biết.
Rồi nhớ những khi mặt trời xuống lưng chừng con sóng cả đám tụm lại đào cát chôn nhau, không thì tìm đôi nào mải mê tâm sự rồi câu dép mà giấu đi. Nghịch ngợm nhưng ít ra cũng có nhiều kỷ niệm nhớ đời. Vậy đó, giờ lớn rồi, mọi thứ cũng thay đổi. Mình ngồi một mình nhìn xuống bãi biển đang ngả màu hoàng hôn... lặng buồn nghĩ về những điều đã cũ.
Sắp hết ngày khi những con đường dọc bờ biển lên đèn, thành phố trẻ cũng vội thay áo mát mẻ xuống phố. Mình cứ ngỡ một góc đường Đồng Khởi - quận 1 của Sài Gòn được ai đó mang về Tuy Hòa, khéo léo giăng ngang những đôi mắt ngạc nhiên và môi mấp máy khen "Ôi... đẹp!". Góc đường Lê Lợi chỗ nhà mình hôm nay cũng được xa xỉ diện màu xanh, đỏ, trắng... chớp nhoáng liên tục. Mình tần ngần bên đường ngắm mãi...
Góc lề đường bên kia, quán bánh canh đêm như cũng ăn theo đôi chút khi cô bán hàng tặc lưỡi: "Vào ăn bánh canh đi con, vừa ăn vừa ngắm. Người ta giăng lên mấy ngày rồi đấy...". Mình chẳng nỡ chối từ, ấy vậy mới biết được đi xa, về lại Tuy Hòa vẫn thấy vị đậm đà, vừa miệng, ngay cả ớt cay cũng thấy ngon hơn xứ người. Chợt nghe lòng ấm lạ...
Mình nhận ra mình yêu quê hơn cả. Nó mộc mạc, giản dị như con người nơi đây đến cả tiếng nói địa phương cũng chả lẫn vào đâu được. Bởi thế, dù đi đâu, ở đâu xa xôi, vô tình nghe ai đó nói "Dìa Ty Quà uống càee... phơ... đé..é é..." (Về Tuy Hòa uống cà phê đá) là không quen biết cũng nhoẻn miệng cười bởi biết ngay người ấy "Made in Tuy Hòa" rồi.
Nói vậy cũng đủ biết ai cũng có một quê hương để trở về cho dù nơi ấy không hào nhoáng, không rực rỡ. Thậm chí người người ra đi đến những miền xa cố mong tìm cho mình một cuộc đời mới nhưng mình tin trong họ vẫn luôn có những khoảng lặng thân yêu dành cho mảnh đất từng sinh ra và lớn lên. Riêng với mình, hôm nay Tuy Hòa không chỉ là nơi về mà còn có cả những tình cảm rất thiêng liêng của gia đình, bạn bè, anh em... và cả những người dưng "xứ nẫu".
Mỗi sáng, mình vẫn quen nghe tiếng càu nhàu của ba mình réo gọi: "Con gái gì ngủ nướng thế, sau này mà có chồng chắc nó rượt chạy không kịp". Mình cũng ráng hé mắt nhìn đồng hồ mới gần 6 giờ. Mẹ mình lúc nào cũng quen đi chợ sáng 4 giờ rưỡi. Mẹ nói lúc đó người ta mới bày bán, hàng nào cũng tươi xanh. Có lần mình cũng ráng dậy sớm theo mẹ ra chợ. Tờ mờ sáng, chợ vẫn còn thắp đèn, tiếng mấy cô hàng thịt nghe chan chát đi kèm tiếng dao đều tay mời gọi không ngớt. Nếu ở Sài Gòn, giờ ấy mình vẫn còn vùi chăn ngủ quên trời đất.
Nhà mình ít người, ba mẹ sinh mỗi hai chị em. Khi xưa còn nhỏ cũng hay chành chọe nhau. Giờ lớn, đi xa mới thấy thương nhiều cái thời mặc chung đồ, chơi chung một con ốc ba cho mà giành giật nhau ỏm tỏi. Giờ em gái mình đã lấy chồng, có con bồng bế. Mình lên chức dì hai nghe vừa lạ, vừa vui. Nhà mình thêm một đứa cháu mười mấy ngày tuổi, miệng chép chép liên tục, nhìn thương không chịu được. Mỗi lần lên xe trở vào thành phố, mình lại thấy thương những điều bình dị ấy, xa lâu lại nhớ nhiều dù cũng có khi tình yêu thương không trọn vẹn.
Dẫu có những bôn ba ngược xuôi nhưng mình tin quê mình sẽ còn đổi khác, đẹp hơn với những tình cảm và giá trị tốt đẹp của mỗi người. Nơi đó có gia đình chở che mình khi va vấp trên đường đời, có những con đường nhỏ chở yêu thương dọc khắp mỗi chân trời sẽ đi qua. Sau này, sẽ có nhiều người tứ phương ghé Tuy Hòa và biết đâu "một nửa" của mình cũng sẽ đến đó. Mình sẵn sàng nắm tay người ấy và tự hào nói rằng "Đến Tuy Hòa quê em rồi đó...".
Theo Ngoisao
Nghệ sĩ Kim Ngọc vẫn chờ con Người nhà thay nhau vuốt mặt nhưng bà không nhắm mắt. Ai chứng kiến cảnh này đều rơi lệ và hiểu người đứa con xa xứnghệ sĩ chưa thể nhắm mắt vì chờ bàn tay của đứa con xa xứ đã biệt ly gần 35 năm. Hàng ngàn khán giả đã đến thắp hương và viếng linh cữu của nghệ sĩ (NS) Kim...