Người Việt Nam tại châu Âu tiếp tục quyên góp hỗ trợ đồng bào bị bão lũ
Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, trong những ngày qua, các đại sứ quán Việt Nam cùng cộng đồng người Việt Nam tại các nước trong khu vực tiếp tục hưởng ứng phong trào quyên góp hỗ trợ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả bão lũ.
Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã tiếp nhận tượng trưng số tiền 17.095 euro do cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia quyên góp ủng hộ. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 20/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã tiếp nhận tượng trưng số tiền 17.095 euro do cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước bị thiệt hại trong cơn bão Yagi vừa qua. Đây là số tiền mà Hội người Việt Nam tại Slovakia quyên góp được trong cộng đồng sau hơn 1 tuần hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Số tiền này đã được Hội người Việt Nam tại Slovakia chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với mong muốn giúp đỡ các nạn nhân trong cơ bão Yagi sớm ổn định cuộc sống.
Cảm động trước tình cảm và tấm lòng của cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Ngọc Anh đánh giá cao tinh thần tích cực, chủ động của cộng đồng người Việt tại Slovakia và trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Hội người Việt Nam tại Slovakia cùng toàn thể bà con cộng đồng đã và đang tích cực phát huy tinh thần tương thân tương ái, kịp thời chung tay hỗ trợ bà con trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trước đó, tập thể cán bộ, nhân viên và phu nhân, phu quân Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã ủng hộ mỗi người một ngày lương với tổng số tiền 8 triệu VNĐ.
Đại sứ quán Việt Nam cùng cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan vận động quyên góp hỗ trợ đồng bào bị bão lũ. Ảnh: TTXVN phát.
Tại Ba Lan, Đại sứ quán Việt Nam cùng cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã vận động quyên góp được hơn 1 tỷ VNĐ. Đại diện các hội đoàn đã trực tiếp đến các quầy hàng của người Việt Nam tại các trung tâm thương mại, trong khi các hội đồng hương và các tổ chức cộng đồng khác của người Việt Nam tại Ba Lan cũng vận dụng nhiều hình thức quyên góp.
Tại CH Séc, sau 3 đợt quyên góp, Đại sứ quán Việt Nam cùng Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Hội người Việt Nam tại CH Séc đã vận động quyên góp được 3,3 tỷ VNĐ. Ảnh: Ngọc Biên/PV TTXVN tại CH Séc
Tại CH Séc, Đại sứ quán Việt Nam cùng Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Hội người Việt Nam tại CH Séc đã phát động phong trào quyên góp từ ngày 10/9. Tính đến nay, qua 3 đợt quyên góp, cộng đồng người Việt Nam đã quyên góp được 3,3 tỷ VNĐ và đã chuyển về Ban Vận động cứu trợ Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Dương Hoài Nam đánh giá cao việc Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Hội người Việt Nam tại CH Séc cùng các hội đoàn người Việt đã phát động quyên góp nhằm hỗ trợ đồng bào tại quê nhà đang chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão. Những đóng góp thiết thực về tinh thần và vật chất của bà con người Việt tại CH Séc đã thể hiện tấm lòng của những người con sống xa Tổ quốc nhưng luôn phát huy truyền thống tương thân tương ái, hướng về quê hương đất nước.
Bộ Công an: Trục lợi tiền ủng hộ bão lũ có thể bị phạt tù
Bộ Công an cho biết, hành vi trục lợi tiền ủng hộ đồng bào bị bão, lũ có thể bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự, tùy vào từng trường hợp, tính chất và mức độ của hành vi.
Người dân vừa gửi câu hỏi tới Bộ Công an xung quanh việc xử lý đối với hành vi không trung thực trong việc ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Theo đó, người dân đặt giả thiết tổ chức, cá nhân kêu gọi, tiếp nhận tiền ủng hộ của người khác để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão nhưng không chuyển hoặc chuyển không đủ số tiền đó vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cũng không chứng minh được việc sử dụng đúng mục đích số tiền đã tiếp nhận.
Vậy, hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân tại thôn Làng Nủ, nơi xảy ra trận lũ quét khiến nhiều người thiệt mạng. ẢNH: T.N
Trả lời, Bộ Công an cho hay, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh, thiên tai là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam.
Nhà nước rất khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp vận động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực cho những người đang cần hỗ trợ.
Hiện nay, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được quy định tại Nghị định 93/2021.
Mặt trận Tổ quốc chi hơn 1.000 tỉ hỗ trợ 26 tỉnh thiệt hại do bão Yagi ra sao?
Nghị định này lần đầu tiên mở ra hành lang pháp lý cho phép cá nhân huy động tiền từ thiện, quy định rõ từng bước những người mà tham gia hoạt động này cần phải làm gì và có các quy định ràng buộc để việc này được minh bạch, tránh bị lợi dụng.
Điều 5 Nghị định 93/2021 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Với trường hợp cụ thể mà công dân nêu ở trên, Bộ Công an cho hay tùy vào từng trường hợp, tính chất và mức độ của hành vi mà cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính.
Khung hình phạt cao nhất là tù chung thân
Theo Bộ Công an, nếu cá nhân, tổ chức ngay từ đầu đã dùng thủ đoạn gian dối, chủ động lên kế hoạch kêu gọi từ thiện, ủng hộ, cứu trợ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Nếu ban đầu cá nhân, tổ chức kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, ủng hộ, cứu trợ không có mục đích chiếm đoạt tài sản, nhưng khi có được tiền từ việc quyên góp, ủng hộ thì dùng thủ đoạn gian dối (như làm giả sao kê, không chuyển đủ số tiền đã nhận được) nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 175 bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Nếu cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện, ủng hộ, cứu trợ để chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đến mức xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021.
Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất nếu là người nước ngoài. Riêng với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đối với hành vi sử dụng không đúng mục đích số tiền ủng hộ đã tiếp nhận theo cam kết ban đầu, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 130/2021...
Thủ tướng không cầm được nước mắt khi nhắc đến thôn Làng Nủ Thủ tướng Phạm Minh Chính không cầm được nước mắt khi nhắc đến những mất mát đau xót tại thôn Làng Nủ (Lào Cai). XEM VIDEO: Nguồn VTV Sáng 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng...