Người Việt kể về căn hầm trú ẩn “kích hoạt” lối sống thời chiến ở Israel
Đang ngồi trò chuyện, chị Sơn bất ngờ nghe chuông báo động có tên lửa. Cả nhà nhanh chóng chạy vào hầm trú ẩn.
Khoảng 1 phút sau, chị Sơn nghe thấy tiếng nổ bùm bùm liên tiếp rất lớn.
Căn hầm quan trọng “kích hoạt” lối sống thời chiến
Những ngày này, điện thoại của chị Sơn Nguyễn (sống ở Haifa, Israel) thường xuyên nhận được tin nhắn và những cuộc gọi. Người thân ở Việt Nam, đồng hương người Việt và nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel mỗi ngày đều nhắn tin hỏi thăm tình hình gia đình chị Sơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Li Băng.
Kết hôn và sinh sống ở Israel 30 năm, chị Sơn hiểu rõ Israel là khu vực điểm nóng về chính trị. Xung đột dai dẳng giữa Israel và các quốc gia lân cận khiến vài ba năm, đôi khi là một vài tháng, những người dân sinh sống tại quốc gia này như chị Sơn lại “kích hoạt” lối sống “thời chiến”.
Người dân Israel chạy xuống hầm trú ẩn khi nghe còi báo động tên lửa tấn công hôm 28/9 (Ảnh: Kim Golbari).
Thành phố Haifa nơi chị Sơn sinh sống nằm ở miền Bắc Israel, cách biên giới Li Băng khoảng 50km. Đây được xem là một trong những trọng điểm tấn công của lực lượng Hezbollah bởi Haifa là một thành phố cảng, có sự hiện diện của lực lượng quân sự.
Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, liên tiếp trong các ngày 22-23/9, lực lượng Hezbollah đã tấn công khoảng 150-160 rocket và máy bay không người lái mỗi ngày vào khắp các thành phố ở miền Bắc Israel (Haifa, Nazareth, Afula, thung lũng Jezreel…), có nơi cách biên giới 50km.
Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất và sâu lãnh thổ Israel nhất của lực lượng Hezbollah kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel – Hamas ngày 7/10/2023.
Chị Sơn cũng cho biết, tình hình quanh khu vực mình sinh sống căng thẳng hơn những tháng trước, còi báo động vang lên ở nhiều khu vực. Thậm chí, gần nhà chị đã xảy ra cuộc không kích bằng tên lửa của lực lượng Hezbollah.
Chị Sơn Nguyễn kể, tối 23/9, khi gia đình chị đang ngồi trò chuyện thì bất ngờ nghe chuông báo động. Cả nhà nhanh chóng chạy vào hầm trú ẩn trong nhà. Ngồi trong phòng trú ẩn khoảng 1 phút, chị Sơn nghe thấy tiếng nổ bùm bùm liên tiếp rất lớn.
Khi vụ tấn công kết thúc, trong nhóm bạn bè người Việt tại Israel, nhiều người cho biết vụ nổ xảy ra gần nơi họ sinh sống, tiếng nổ lớn ngay trên đầu nên dù ngồi trong hầm họ vẫn nghe rất rõ.
Theo chị Sơn, Israel thường xuyên xảy ra xung đột, giao tranh nên chính phủ nước này luôn chú trọng đến khâu bảo đảm an toàn cho người dân từ việc thường niên tổ chức tập huấn kỹ năng thoát nạn, sơ tán. Đây cũng là những kỹ năng trẻ em được học đầu tiên khi đến trường.
Đặc biệt, tại mỗi ngôi nhà, trường học, khu chung cư, bệnh viện, công sở đều có hầm trú ẩn để người dân tránh trú mỗi khi có tên lửa tấn công.
Chị Sơn kể: “Hầm có được thiết kế là tầng ngầm, tầng dưới cùng của các tòa nhà, ngôi nhà đơn lẻ. Để thuận tiện cho quá trình tránh trú, nhiều gia đình ở chung cư, nhà mặt đất cũng thiết kế hầm riêng trong nhà”.
Theo chị Sơn, trong căn hộ hay ngôi nhà, ngoài phòng khách, phòng bếp, các phòng ngủ, gia đình chị dành riêng một phòng làm hầm trú ẩn. Căn hầm được xây dựng đặc biệt hơn hẳn so với các phòng khác về vật liệu, kết cấu tường hay thiết kế cửa sổ…
Quá trình xây dựng tuân thủ theo các quy định an toàn của chính phủ, trải qua sự kiểm tra của đơn vị kỹ thuật trong thời gian thi công và sau khi hoàn chỉnh để đảm bảo đủ an toàn cho chống đạn, tránh tên lửa.
Trong căn hầm, chị Sơn để sẵn nước uống, các đồ ăn tích trữ cùng nhiều đồ dùng thiết yếu cơ bản.
” 10 tên lửa bay qua nhưng bị cản phá”
Theo chị Sơn, những cuộc tấn công vũ trang, không kích tại đây có lẽ sẽ khác so với hình dung của nhiều người.
Lý do là bởi, đôi bên đều áp dụng công nghệ, hệ thống phòng không tối tân khi tấn công hay cản phá. Đường đi hay mục tiêu tấn công được Israel dự báo trước và với hệ thống cảnh báo, người dân sẽ có thời gian di chuyển, tránh trú.
Video đang HOT
Hệ thống phòng không của Israel mà chị Sơn nhắc đến là Iron Dome (Vòm sắt). Đây là một hệ thống tầm ngắn đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Hamas và Hezbollah, hai nhóm vũ trang có liên kết với Iran, bắn trong vài năm qua.
Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tuy nhiên, Vòm sắt cũng tồn tại hạn chế vì từng có một số tên lửa đã xuyên thủng hệ thống phòng không này. Những tên lửa tầm cực ngắn cũng có thể là mối đe dọa với Vòm sắt.
“Khi có tên lửa hoặc đạn pháo, radar phát hiện sẽ theo dõi và hệ thống sẽ gửi thông báo tới điện thoại của người dân, trên các phương tiện thông tin, phát còi báo động. Thông báo có thể phát trước 1-2 phút, 1-2 tiếng hoặc nhiều tiếng đồng hồ.
Điều này rất quan trọng giúp người dân có thể di chuyển đến nơi an toàn trước khi vũ khí bay tới. Tiếng nổ mà chúng tôi nghe thấy là do hệ thống đánh chặn, cản phá trên không. Nhờ vậy mà các thiệt hại về người và tài sản được giảm bớt. Người dân chúng tôi bình tĩnh ứng phó khi có tấn công”, chị Sơn cho hay.
Hầu hết các cuộc tấn công được xác định vị trí và cản phá. Tuy nhiên, lo ngại các mảnh vỡ rơi xuống hoặc có sự sai lệch, chị Sơn vẫn tuân thủ theo các cảnh báo an toàn và thực hiện đúng các chỉ dẫn của Israel.
“Sáng 27/10, Hezbollah bắn 10 tên lửa qua Haifa nhưng bị Israel cản phá. Tuy nhiên, nhờ có sự bảo vệ nhiều tầng từ hệ thống Iron Dome tới hầm trú ẩn nên may mắn không có thiệt hại”, chị Sơn nói.
Haifa nơi chị Sơn sinh sống nằm trong khu vực miền Bắc. Vì vậy, một tuần nay, trẻ em đã phải nghỉ học. Thành phố yêu cầu không tụ tập ngoài trời quá 30 người, trong nhà không quá 100 người và phải có hầm trú ẩn. Nhiều công ty cho nhân viên làm việc online, các gia đình hạn chế ra ngoài, di chuyển trên đường…
Chị Sơn làm công việc quản lý du học sinh Việt Nam tại Israel. Những ngày này, chị không tới văn phòng mà làm việc online.
Người phụ nữ Việt có một nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, do giao tranh căng thẳng, lượng khách cũng bị sụt giảm, không có khách du lịch…
“Nhà hàng của tôi có tiếng trong vùng nên không bị ảnh hưởng quá nhiều. Khách không đến được cửa hàng vẫn đặt đồ thuê shipper (người giao hàng) chuyển tới nhà”, chị Sơn cho hay.
Tại các khu chợ, siêu thị, hoạt động mua sắm vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên như chị Sơn, nhiều gia đình đã thực hiện theo khuyến cáo tích trữ lương thực, đồ khô đủ dùng cho cả tháng.
Theo chị Sơn, cuộc sống tại thành phố của chị may mắn chưa có quá nhiều xáo trộn, nhiều thành phố ở miền Bắc gần biên giới, hàng trăm ngàn người phải di tản từ năm 2023 đến thời điểm này gần một năm vẫn chưa về nhà.
Tần suất các cuộc đấu pháo của Israel với Hezbollah ngày càng tăng gần đây khiến chị Sơn lo lắng về cuộc tấn công toàn diện nếu như đôi bên mở rộng chiến dịch.
Theo chị Sơn, Israel là đất nước đáng để khám phá. Trong hình là thành phố Jericho, Israel, một trong những thành phố cổ nhất thế giới (Ảnh: Phước Trường).
Như nhiều người dân, chị Sơn mong muốn giao tranh sớm kết thúc, người dân được trở về nhà, sống trong hòa bình.
“Tôi nghĩ nếu không xảy ra giao tranh, bất ổn thì Israel là một đất nước rất đáng để sống, khám phá du lịch bởi khí hậu mát mẻ, có biển, có núi, có sa mạc và nhiều cảnh đẹp. Người dân nước này có nhiều nét tính cách giống người Việt, đề cao tinh thần cộng đồng, đoàn kết và luôn yêu thương, giúp đỡ người khác”, chị Sơn chia sẻ.
Người Việt ở Li Băng: "Có thể có tấn công cách nhà tôi 200m"
Theo anh Tráng (người Việt sống ở Li Băng), vài ngày nữa sẽ có cuộc tấn công của Israel vào khách sạn cách nơi anh đang sống 200m.
Dù vậy, người dân ở đây không quá hoảng sợ.
Điện chỉ có 1-2 tiếng/ngày, cuộc sống vẫn bình thường
18h chiều 23/9, màn đêm buông xuống ở thủ đô Beirut. Khi những căn nhà lên đèn, anh Đặng Công Tráng - người Việt Nam đã có 20 năm sống ở Li Băng, bắt đầu chuẩn bị bữa cơm chiều.
Thành phố Beirut với các tòa nhà nằm san sát nhau, khung cảnh và nhịp sống vẫn bình thường trong những ngày gần đây bất chấp chiến sự leo thang ở miền nam Li Băng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Quang cảnh xung quanh không có sự xáo trộn, các con đường ùn tắc giao thông vào giờ tan tầm không khác so với nhiều đô thị trên thế giới.
Nhìn những hình ảnh này, ít ai biết rằng, chỉ cách đó 100km ở miền nam Li Băng, giao tranh giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hezbollah đang diễn ra rất căng thẳng.
Cuộc trò chuyện của phóng viên Dân trí với anh Tráng liên tục bị ngắt quãng vì mạng Internet chập chờn. Xen lẫn vào là âm thanh "ù ù" của tiếng động cơ máy phát điện chạy bằng dầu diesel.
"Mấy năm trở lại đây, khu vực tôi sống chỉ có điện khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày. Vào các thời điểm khác, nếu muốn có điện, người dân phải mua dầu về chạy máy phát", anh Tráng kể.
Người đàn ông này đang làm đầu bếp trong một công ty chuyên tổ chức tiệc tại Beirut. 20 năm sống ở khu vực Trung Đông, anh Tráng chứng kiến vô số những lần bất ổn.
"Theo thông tin cảnh báo, vài ngày nữa sẽ có tấn công của Israel vào khách sạn cách nơi tôi đang sống 200m. Khu vực đó bị nghi ngờ chứa vũ khí của Hezbollah. Họ đã thông báo để người dân trong tòa nhà đó sơ tán. Nắm được thông tin như vậy, tôi cũng sẽ không di chuyển khu vực đó.
Người dân được sơ tán hết cũng giúp đảm bảo an toàn tính mạng. Công nghệ tấn công chính xác không làm ảnh hưởng các khu vực xung quanh", anh Tráng nói.
Nhịp sống thường nhật ở Li Băng hiện vẫn hối hả, không có nhiều xáo trộn. Với nhiều người, họ dường như không còn xa lạ với chuyện sơ tán hay thông tin về giao tranh.
Sau khi có thông tin từ cơ quan ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam rời khỏi Li Băng, người thân của anh từ quê nhà liên tục nhắn tin, gọi điện thoại hỏi han tình hình, bày tỏ sự lo lắng.
Gần khu vực anh Tráng sinh sống có một phụ nữ quê Bắc Giang làm giúp việc. Những người Việt Nam khác sống rải rác ở nhiều nơi. Đây đều là những nơi an toàn, không có giao tranh, chiến sự.
Người dân Li Băng sơ tán từ nam ra bắc (Ảnh: Reuters).
Theo anh Tráng, lực lượng Hezbollah là tổ chức của người Hồi giáo dòng Shiite có mâu thuẫn với Israel sống tập trung ở quận Dahie (Beirut) không gần trung tâm. Bất ổn sẽ tập trung ở khu vực này, trong khi đó các nơi khác không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhắc đến Li Băng vào thời điểm này, có lẽ nhiều người sẽ tưởng tượng đến cảnh bom rơi đạn lạc, nhà cửa bị san phẳng... nhưng không phải nơi nào cũng vậy. Theo anh Tráng, bất ổn nhất tập trung tại khu vực biên giới giữa Li Băng và Isreal.
Anh Tráng cho biết: "Tình hình ở Beirut vẫn bình thường. Người dân ở đây dường như đã quen với không khí chiến tranh, thậm chí quen cả với tên lửa, đạn rơi. Cách đây ít ngày, ở khu vực biên giới phía nam, có ném bom và phóng tên lửa ác liệt".
Tình hình bất ổn kéo theo hệ lụy về kinh tế, đời sống khó khăn của người dân và những lo ngại ngay trong nội tại của Li Băng.
Đặc biệt, sau vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm ở Li Băng khiến 40 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, nhiều khách hàng đã quyết định hủy tiệc đã đặt để đảm bảo an toàn.
Công việc của anh Tráng bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút nhiều so với trước đây. Theo lịch ngày 24 và 25/9 anh Tráng sẽ có lịch tổ chức tiệc cho khách, sau đó người đàn ông này chưa biết tình hình sẽ diễn biến thế nào.
Anh Tráng chia sẻ: "Cuộc sống của người dân Li Băng khó khăn nhiều hơn so với trước đây. Vật giá đắt đỏ hơn, đồng tiền mất giá, khủng hoảng kinh tế... Mỗi ngày điện chỉ có vài tiếng, mạng Internet chập chờn...".
Sau giờ làm, người đàn ông này hạn chế ra ngoài, thường trở về nhà để giữ an toàn, tránh các rủi ro.
Một tuyến đường cao tốc vẫn đông đúc ô tô vào giờ tan tầm tại Beirut (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nói về tình hình hiện tại của Li Băng, anh Tráng nhận xét: "Bình thường so với một đất nước bất ổn như Li Băng còn bất ổn so với những quốc gia hòa bình trên thế giới".
Khái niệm đào hầm, xuống nơi trú ẩn chưa bao giờ có trong suy nghĩ của anh Tráng. Bởi, cách thức tấn công vào các kho vũ khí của nhóm Hezbollah mà phía Israel sử dụng là dùng công nghệ cao, định vị chính xác, có thông báo trước để sơ tán người dân.
Dự kiến, ngày 24/9, anh sẽ trao đổi với chủ công ty: Nếu khách hủy đặt tiệc nhiều, người đàn ông này sẽ thu xếp để trở về Việt Nam để người thân bớt âu lo.
Được biết, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li Băng vẫn giữ liên lạc với anh Tráng để cập nhật tình hình. Số lượng công dân Việt Nam tại Li Băng không nhiều, do khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều người đã về nước.
Chưa có dấu hiệu của giao tranh
Nằm cách trung tâm Beirut khoảng 20 phút lái ô tô, tiệm spa - nơi chị Phùng Thị Hồng Tính (quê Phú Thọ) làm quản lý vẫn đón khách. Người dân địa phương giữ nếp sống thường nhật, không có sự sợ hãi, lo lắng làm xáo trộn mọi thứ.
Trong khi chị Tính làm việc, khu vực bên ngoài, đường cao tốc Dbaye vẫn nhộn nhịp xe cộ nhất là thời điểm tan tầm chiều tối. Chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, giao tranh giữa Israel và nhóm Hezbollah lan tới.
Khung cảnh nơi chị Hồng Tính sinh sống, quang cảnh bình yên, điện vẫn được cung cấp đầy đủ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Khung cảnh bên ngoài tiệm spa yên bình, người dân thong thả đi lại. Trong các con ngõ nhỏ, bầu không khí yên tĩnh cách biệt hoàn toàn với sự căng thẳng vùng biên giới. Điện lưới được cung cấp ổn định suốt cả ngày, hàng hóa dồi dào không có hiện tượng khan hiếm.
Lượng khách đến spa sụt giảm khoảng 30% so với trước đây vì tình hình kinh tế khó khăn, song thu nhập của cửa tiệm nơi chị Tính làm vẫn đủ nuôi sống các nhân viên.
Chị Hồng Tính vẫn duy trì công việc bình thường ở tiệm spa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Khu vực tôi ở cách xa biên giới, không có giao tranh nên cuộc sống vẫn bình thường. Anh chị em người Việt vẫn nắm bắt thông tin qua kênh liên lạc với đại sứ quán. Sắp tới đây, nếu có chiến tranh lớn thì chưa biết thế nào", chị Tính chia sẻ.
Năm 2006, tại Li Băng từng xảy ra chiến tranh Israel - Hezbollah. Cuộc chiến kéo dài 34 ngày tại khu vực miền nam Li Băng và bắc Israel, không lan tới nơi chị Tính hay những khu vực khác có người Việt Nam sinh sống.
Dbaye - nơi chị Tính đang ở, lối sống của cư dân mang phong cách phương Tây nên mọi người hòa đồng, thoải mái từ cách ăn uống, trang phục cho đến giao tiếp. Người Việt Nam hiền lành, chịu khó nên cư dân địa phương quý mến.
Mỗi ngày đi qua, cộng đồng người Việt Nam ở Li Băng mong muốn những bất ổn sẽ sớm chấm dứt, cuộc sống yên bình sớm trở lại với người dân tại nơi có giao tranh.
Ngày 23/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li Băng ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Li Băng rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Trong thông báo khẩn, Đại sứ quán cũng khuyến cáo công dân trong nước dự định đến Li Băng cần dừng/hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Trước đó, Israel kêu gọi người dân ở miền nam Li Băng ngay lập tức sơ tán khỏi các công trình - nơi được cho là khu vực nhóm Hezbollah cất giữ vũ khí. Nước này tuyên bố thực hiện "tấn công diện rộng" vào Hezbollah.
Bộ Ngoại giao đưa ra khuyến cáo đến người Việt tại Israel, Li-băng, Iran, Bangladesh và Myanmar Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam nếu thật sự không thật cần thiết thì cũng không nên đến các cái khu vực đang có diễn biến phức tạp, di chuyển người và tài sản đến khu vực an toàn. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày hôm nay (8-8), Phó Phát...