Người Việt đóng BHXH cao nhất khu vực: Bảo hiểm nói gì?
Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người dân và doanh nghiệp (DN) Việt đang cao nhất khu vực ASEAN, trong khi cuộc sống người lao động còn khó khăn, DN chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản. Vậy cơ quan bảo hiểm và cơ quan quản lý nói gì về điều này.
Có thể giảm mức thu BHXH từ doanh nghiệp, và tăng mức thu với người lao động. Ảnh: Như Ý
Thay đổi mức đóng vì người Việt sống lâu hơn
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức đóng BHXH (gồm BH hưu trí, BH y tế, BH thất nghiệp) tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn. Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%….
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, hiện BHXH được tính trên nguyên tắc đóng – hưởng. “Dù mức đóng BHXH Việt Nam hiện cao, nhưng mức hưởng cũng cao, nên khó so sánh với các nước. Khi Việt Nam mức hưởng lương hưu là 75% của lương tính đóng BHXH, trong khi các nước khác tính lương hưu trên tỷ lệ đóng”, ông Liệu nói.
Theo ông Liệu, tuổi thọ trung bình người Việt đã tăng lên 73 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hữu vẫn giữ mức 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam, nên thời gian hưởng lương hưu cũng tăng, gây sức ép lên Quỹ BHXH. “Mức đóng cao trên nền lương thấp nên con số tuyệt đối vẫn là thấp, điều này gây bất cập nên phải thay đổi cách tính lương để làm cơ sở đóng BHXH”, ông Liệu nói.
Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 6/2016, việc thay đổi cách tính lương để đóng BHXH giúp mức thu tăng khá mạnh, đạt 115,89 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,4%).
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng thừa nhận, mức đóng BHXH hiện nay tương đối cao, nên cả DN và người lao động (NLĐ) đều có nguyện vọng giảm. “Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu trên góc độ lợi ích NLĐ, khi thu nhập của NLĐ còn thấp, cuộc sống trước mắt vẫn khó khăn, nên cả DN và NLĐ đều muốn đóng BHXH mức thấp. Ngoài ra, mức đóng cao sẽ ảnh hưởng tới việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nên phải cân nhắc lại”, ông Quảng nói.
Có thể giảm mức đóng
Video đang HOT
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, thực tế mức đóng BHXH tại Việt Nam cao (32,5% mức lương), bộ cũng nhận được nhiều phản ánh của DN về mức đóng BHXH và phí công đoàn. “Từ năm 2016 chúng ta thay đổi cách tính lương để đóng BHXH, ngoài lương cơ bản còn thêm các khoản phụ cấp, làm chi phí DN tăng lên đáng kể. Tỷ lệ đóng BHXH đã cao lại trên nền lương cao hơn, nên quản thật cũng phải suy nghĩ lại mức đóng, để hỗ trợ DN. Chúng tôi đang tính toán lại”, ông Huân nói.
Theo ông Huân, bảo hiểm hưu trí khó giảm vì đây là khoản dài hạn, trên nguyên tắc đóng – lưởng. Nhưng những khoản bảo hiểm ngắn hạn như bảo hiểm tai nạn, thất nghiệp, thai sản có thể xem xét giảm mức đóng cho DN và NLĐ. “Những khoản ngắn hạn chỉ tính 3-5 năm, nên có thể cấn đối linh hoạt phụ thuộc vào quỹ, như quỹ kết dư lớn có thể giảm mức đóng và ngược lại”, ông Huân nói. Ông dẫn chứng bảo hiểm thất nghiệp, hiện kết dư lớn nên có thể giảm mức thu ngay.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận các DN còn rất khó khăn, nên các khoản tính gộp vào lương để đóng BHXH cũng có sự cân đối cho hợp lý. “Nhiều DN vẫn chịu được mức đóng BHXH, nhưng phải theo dõi tới hết năm, sau đó mới xem lại lộ trình thay đổi cách tính đóng BHXH”, ông Huân nói, mục tiêu năm 2018 sẽ tính đóng BHXH trên cơ sở toàn bộ thu nhập của NLĐ, nhưng nếu DN chưa tốt hơn lộ trình sẽ phải lùi lại.
Xem xét tăng mức đóng của người lao động Theo đại diện BHXH Việt Nam, hiện DN đóng BHXH cao gấp đôi NLĐ, và hoạch toán vào giá thành sản phẩm, khiến hàng hóa Việt Nam có gia thành bị đẩy cao hơn các nước. Trong khi đó, nhiều nước chia mức đóng BHXH 50/50 (DN đóng 1 nửa, NLĐ đóng 1 nửa), nên giá thành sản phẩm cũng cạnh tranh hơn. Vì vậy, để đảm bảo cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư, thời gian tới có thể xem xét giảm mức đóng BHXH của DN và tăng mức đóng của NLĐ.
Theo Lưu Hữu Việt (Tiền Phong)
Trong vòng 2 năm nữa sẽ xem xét lại tuổi nghỉ hưu?
Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. "Năm 2016 - 2017 nên tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, sau đó tiến hành sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu", TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Năm 2012, khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến không đồng tình kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tại sao ông lại cho rằng cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?
Có nhiều lý do cần thiết phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu.
Thứ nhất, đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân càng ngày càng được cải thiện, vì thế tuổi thọ bình quân của người dân mỗi năm một tăng, hiện nay tuổi thọ bình quân của người dân đã trên 73,2 tuổi.
Thứ hai, chúng ta sắp qua giai đoạn dân số vàng và bước vào thời kỳ già hóa dân số, nếu không có bước chuẩn bị sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, làm công tác quản lý và một số trường hợp khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Thứ ba, hiện tại, chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lại rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận người dân có cơ hội kéo dài thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), nên khi nghỉ hưu, họ có mức thu nhập cao hơn, tránh tình trạng như hiện nay, đại bộ phận người làm công ăn lương sau khi nghỉ hưu vô cùng khó khăn về tài chính do mức lương hưu thấp hơn nhiều so với thu nhập khi còn đi làm.
Một lý do không thể không kể đến khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là để tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội?
Đây cũng là một lý do quan trọng. Bởi như tôi nói, tuổi thọ bình quân của người dân mỗi năm một tăng, thời gian hưởng lương hưu ngày càng kéo dài, cộng với việc điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình cải cách tiền lương thì Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ mất cân bằng và có khả năng bị vỡ nếu không có các chính sách khác để tăng thu, giảm chi.
Vậy tại sao không dùng từ tăng tuổi nghỉ hưu, mà lại là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, thưa ông?
Chúng ta không tăng tuổi nghỉ hưu, vì tăng là tăng với mọi đối tượng làm việc trong khu vực chính thức, cả khu vực nhà nước lẫn khu vực ngoài nhà nước. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tức là có đối tượng kéo dài, có đối tượng giữ nguyên và có đối tượng được rút ngắn tuổi nghỉ hưu.
Tôi rất lấy làm tiếc là khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012, nếu Chính phủ có đủ cơ sở khoa học lẫn thực tiễn để thuyết phục thì Quốc hội đã chấp thuận việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, chứ không phải đợi đến bây giờ mới tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Theo quan điểm của ông, nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng nào?
Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người làm công việc đặc thù như giáo viên mầm non chẳng hạn, có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 1 đến 5 năm so với quy định, nhưng cho phép họ lựa chọn có nghỉ hưu trước hay không, nghỉ hưu trước bao nhiêu năm. Còn người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, làm công tác quản lý và một số trường hợp khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Thưa ông, nếu chỉ cho phép người có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, đặc biệt là người quản lý, sẽ gây ra phản ứng trong xã hội là Nhà nước kéo dài tuổi hưu cho quan chức?
Những người có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ đủ 60 tuổi mà phải nghỉ hưu, còn sức khỏe, chắc chắn sẽ không "ngồi nhà", mà sẽ tìm chỗ khác để làm việc. Khi người ta có nhu cầu làm việc, tại sao không cho người ta tiếp tục cống hiến, bởi khi được tiếp tục làm việc thì người lao động tiếp tục đóng BHXH. Kéo dài thời gian đóng BHXH và bảo hiểm y tế còn giúp giảm gánh nặng cho Quỹ BHXH.
Vấn đề là phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để tránh tình trạng khi sắp "về vườn", nhiều người tìm mọi cách để "giữ ghế" thêm một thời gian nữa. Nếu không có tiêu chí rõ ràng, minh bạch thì kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người làm công tác quản lý còn kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Nhưng vấn đề là mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bổ sung vào thị trường lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ gây áp lực lên tình trạng thất nghiệp?
Chúng ta sắp qua thời kỳ dân số vàng, nên áp lực về tạo việc làm sẽ giảm. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, đặc biệt là AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) đã có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2015, theo đó, lao động ở 8 ngành nghề trong khu vực được làm việc tự do trong khu vực ASEAN.
Hiện tại, rất nhiều người Việt có trình độ, kinh nghiệm, năng lực đã và đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, nguồn nhân lực trình độ cao không lo bị thiếu việc làm nếu đối tượng này được kéo dài tuổi nghỉ hưu. Còn đối với những người chưa qua đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ, không có kỹ năng, thì không cứ gì ở Việt Nam, mà ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy, họ rất dễ rơi vào tình cảnh không có việc làm, dù kéo dài hay rút ngắn tuổi nghỉ hưu, kéo dài hay rút ngắn thời gian lao động.
Theo Mạnh Bôn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Không đòi được lương của doanh nghiệp phải làm gì? Công ty không trả lương đúng hạn và nợ lương là đã vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Hỏi: Công ty kinh doanh thua lỗ, sau khi bị Ngân hàng kê biên các tài sản của Công ty để phát mãi thì Công nhân mới biết, đến...