Người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc: Chủ sử dụng lao động tiếp tay
Trong số 15 quốc gia có lao động làm việc tại Hàn Quốc, số lao động Việt Nam bỏ trốn khi sắp hết hạn hợp đồng và cư trú bất hợp pháp luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo nghiên cứu được Bộ LĐ-TB&XH công bố ngày 16-7, ngoài nguyên nhân từ phía lao động Việt Nam còn có sự tiếp tay của chính chủ sử dụng lao động Hàn Quốc…
Làm việc ở Hàn Quốc và trong nước có mức chênh lệch thu nhập rất lớn
Chủ yếu do ý thức kém
Video đang HOT
Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đưa 73.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, bỏ trốn để cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc luôn ở mức cao, (hiện còn khoảng 17.000 người). Vì lý do này mà từ tháng 8-2012 đến nay, Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình hợp tác tuyển dụng lao động Việt Nam. Khoảng 12.000 lao động trong nước đã vượt qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, nộp hồ sơ để chủ Hàn Quốc lựa chọn từ năm 2012, vì thế cũng chưa có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc.
Nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại và làm việc không có giấy tờ hợp pháp” của Bộ LĐ-TB&XH được thực hiện từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2013, chỉ ra có 4 nhóm nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất chính là ý thức, nhận thức của người lao động rất hạn chế. Đa số họ không ý thức được hoặc cố tình “phớt lờ” uy tín của lao động Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội – Bộ LĐ-TB&XH phân tích, người Việt Nam lao động tại Hàn Quốc được nhận mức lương cao gấp 7-10 lần so với làm việc trong nước, tính bình quân một lao động sau 5-6 năm làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc có thể gửi về gia đình được 50.000-70.000 USD. Mặt khác, chi phí mà lao động phải bỏ ra để làm thủ tục xuất cảnh quá cao, trung bình từ 80-200 triệu đồng. Do đó khi chuẩn bị hết hợp đồng, họ tìm mọi cách bỏ trốn, ra làm lao động tự do để mong “gỡ gạc” thêm. Thậm chí, nhiều lao động ngay từ khi bước chân sang Hàn Quốc đã có ý định tìm cách ở lại Hàn Quốc lâu dài hay bỏ ra ngoài tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn. Cũng theo bà Hương, đa phần lao động đi xuất khẩu là người trẻ, cuộc sống bấp bênh, công việc thiếu ổn định, vì thế rất ít người muốn quay về sau khi hết hợp đồng.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tay
Một nguyên nhân quan trọng không kém dẫn đến thực trạng nói trên chính là nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc khá cao. Sẵn tâm lý thích và thiện cảm với lao động Việt Nam (nhanh nhẹn, chịu khó, nhạy bén), nhiều chủ sử dụng lao động Hàn Quốc sẵn sàng sử dụng lao động Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp vì điều đó đem đến cho họ nhiều lợi ích hơn. Một mặt, những lao động bất hợp pháp này đã có thời gian làm việc tại Hàn Quốc, có trình độ nhất định nên khi sử dụng họ không mất thời gian đào tạo lại và có thể sa thải ngay nếu muốn. Mặt khác, quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài ở Hàn Quốc còn quá chặt chẽ, mất nhiều thời gian, khiến đơn vị tuyển dụng lao động rất tốn kém. Trong khi đó, mức xử phạt về tài chính với các chủ sử dụng lao động vi phạm về hành vi này còn nhẹ. Ngoài ra, các chủ sử dụng lao động còn “lách luật” bằng cách tạo điều kiện cho những lao động bất hợp pháp sống và làm việc cùng những lao động có giấy tờ hợp pháp nên rất khó bị phát hiện.
Nghiên cứu cũng cho thấy, luật pháp, chính sách về quản lý lao động nước ngoài của Hàn Quốc chưa chặt chẽ, có nhiều quy định thuận lợi cho người lao động nước ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp. Chẳng hạn, người lao động nước ngoài dù cư trú không có giấy tờ hợp pháp tại Hàn Quốc nhưng họ vẫn có thể thuê được nhà ở, chuyển tiền về nước bằng nhiều cách, cũng như nhờ người khác đăng ký điện thoại, không bị phát hiện nếu không vi phạm pháp luật. Cùng đó, bộ máy và công tác quản lý lao động của Việt Nam ở Hàn Quốc còn hạn chế, yếu kém, chưa kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh của người lao động. Trên thực tế, tỷ lệ lao động Việt Nam ở Hàn Quốc chuyển chủ rất cao song các cơ quan chức năng của Việt Nam tại quốc gia này lại không có thông tin về việc làm của người lao động cũng như thông tin về lao động không có giấy tờ hợp pháp…
Theo ANTD
Tăng cơ hội cho lao động đi xuất khẩu
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban lao động Đài Loan (Trung Quốc) vừa thông qua việc điều chỉnh nới rộng hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài cho các ngành sản xuất, theo đó sẽ tăng thêm 3 ngành được nhận lao động nước ngoài và 6 ngành được điều chỉnh tăng hạn ngạch tiếp nhận.
Cụ thể, 3 ngành mới được đưa vào diện được tiếp nhận lao động nước ngoài là: Ngành sản xuất mũ an toàn bằng nhựa, ngành sản xuất vệ sinh làm sạch và ngành sản xuất mỹ phẩm. 6 ngành được tăng thêm 5% hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài là: ngành may mặc, ngành sản xuất vali, túi xách, ngành sản xuất thịt đông lạnh, ngành sản xuất linh kiện xe đạp, ngành sản xuất bản mạch in ấn và ngành đo đạc và đóng gói vật bán dẫn. Ngoài ra, Ủy ban lao động Đài Loan đã công bố thực hiện mức lương cơ bản được điều chỉnh mới là 19.047 Đài tệ (13,6 triệu VND) áp dụng cho cả lao động nước ngoài nhập cảnh Đài Loan.
Với những điều chỉnh này, dự kiến lượng lao động Việt Nam đến Đài Loan sẽ tăng mạnh. Hiện, số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan đang đứng thứ 2, sau Indonesia, trong tổng số lao động nước ngoài làm việc tại đây.
Theo ANTD
Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Tăng quyền năng cho lao động nữ Ngày 17.12, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo "Đối thoại chính sách về bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài" nhằm chia sẻ thông tin về tình hình nữ lao động (LĐ) VN,...