Người Việt có mang đôla sang Lào gửi?
Do gửi USD không được hưởng lãi suất, lượng kiều hối của Việt kiều gửi về cho người thân có thể sẽ chậm lại.
Sau gần một tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất tiền gửi USD từ 0,25% về mức 0%, một số ngân hàng thương mại cho biết nhiều người đã bán USD lấy VND gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng thừa nhận một dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán, vàng…) sinh lời hơn.
Câu hỏi được đặt ra là khi lãi suất USD bằng 0%, liệu người dân có mang tiền ra nước ngoài gửi? Các ngân hàng thương mại vẫn đang cho doanh nghiệp (DN) vay bằng USD, vậy nếu không huy động được thì lấy gì để cho vay?…
Nhu cầu đồng đôla tăng
Theo ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc hạ lãi suất đồng USD về 0% sẽ khiến người dân có thể bán đôla cho ngân hàng nhiều hơn, dự trữ ngoại hối sẽ tăng. Nhưng hiện nay các DN xuất nhập khẩu vẫn buộc phải vay USD để thanh toán với đối tác nước ngoài, đặc biệt dịp cuối năm nhu cầu này tăng mạnh.
Trên nguyên tắc ngân hàng phải cân đối giữa huy động và cho vay, huy động được thì mới có tiền để cho vay.
“Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cho vay, đồng nghĩa với việc huy động USD tại Mỹ cũng tăng trong khi đó lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam bằng 0%. Còn trên thị trường tự do tại Việt Nam, giá USD vẫn giao dịch ở ngưỡng cao (có thời điểm gần ngưỡng 22.900 VND/USD – PV).
Trong bối cảnh trên, liệu ngân hàng có huy động được ngoại tệ? Nếu ngân hàng không huy động được hoặc huy động được ít thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của DN?”- ông Tiến băn khoăn.
Đặt vấn đề giả sử nếu người dân đồng loạt rút USD quá nhiều ra khỏi ngân hàng do không được hưởng lãi suất, trong khi ngân hàng vẫn tiếp tục phải cho vay thì điều gì sẽ xảy ra? TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng lúc này ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản ngoại tệ.
Việc hạ lãi suất đồng USD về 0% sẽ khiến người dân có thể bán đôla cho ngân hàng nhiều hơn. Ảnh: Trần Việt
Video đang HOT
“Tuy vậy, sau khi NHNN hạ lãi suất đồng USD bằng 0% đến nay tôi thấy chưa có hiện tượng rút đôla ồ ạt. Thực tế với người dân bình thường có thể bán USD ra lấy VND gửi tiết kiệm. Với những người còn găm giữ ngoại tệ đến giờ có thể là họ đầu cơ chờ kiếm lợi” – ông Hiếu nhìn nhận trấn an.
Chẳng hạn gửi 100.000 USD với lãi suất 0,25%/tháng cho kỳ hạn 12 tháng (sau thời gian này sẽ nhận về 250 USD, tương đương 20 USD/tháng). Nay lãi suất bằng 0% nghĩa là họ mất đi 20 USD/tháng cũng không lớn. Trong khi với những người đầu cơ, họ sẽ chờ đôla trên thị trường tự do tăng giá bán ra có lời hơn.
“Cho nên dù lãi suất USD về 0% họ vẫn sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt hại trước mắt và giữ lại USD. Chính điều này khiến việc huy động ngoại tệ trong ngân hàng chưa bị ảnh hưởng nhiều” – ông Hiếu phân tích.
Lo ngoại tệ chảy ra nước ngoài
“Việc đưa lãi suất đôla bằng 0% có mặt lợi là làm giảm tình trạng găm giữ USD. Cung cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ cân bằng hơn nhờ dòng ngoại tệ chảy ra thị trường nhiều hơn” – TS Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, trước đây lãi suất USD tại Việt Nam cao nên nhiều Việt kiều gửi tiền về cho người thân để hưởng lãi suất, nay dòng tiền này có thể sẽ về Việt Nam chậm lại do không có lãi suất.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây có ý kiến cho rằng với lãi suất USD bằng 0% thì người dân, DN Việt có thể sẽ tìm cách đem ngoại tệ gửi tại các ngân hàng Việt Nam có chi nhánh ở các nước. Thậm chí có người còn tính toán rằng nếu gửi ở các ngân hàng Việt Nam tại Lào sẽ được hưởng lãi tới 6%, trong khi nếu gửi trong nước không được hưởng đồng lãi nào.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định rất khó để thực hiện được điều này, vì NHNN có những quy định chặt chẽ trong quản lý ngoại hối. Chẳng hạn, việc chuyển tiền đôla đi nước ngoài chỉ được thực hiện trong các trường hợp như chuyển tiền cho con đi học, khám chữa bệnh…
“Trong trường hợp nếu gửi tiền ra nước ngoài được, khi rút ra mang về nước thế nào cũng là chuyện không dễ, cho nên không quá lo ngại vấn đề này” – ông Hiếu trấn an.
Khó tránh khỏi áp lực tỉ giá
Diễn biến trên thị trường những ngày qua cho thấy dù NHNN đã hạ lãi suất tiền gửi USD về mức 0% nhằm hạn chế tâm lý găm giữ USD và ổn định thị trường, song tỉ giá tại các ngân hàng vẫn đứng ở mức kịch trần.
Ví dụ ngày hôm qua (23-12), tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra vẫn neo ở mức kịch trần 22.547 VND/USD.
Bên cạnh đó, tâm lý găm giữ đồng bạc xanh vẫn còn, vì nhiều người sợ nếu đổi USD sang VND, sau đó cần giao dịch lại không đổi được. Điều này đang gây áp lực mạnh lên vấn đề tỉ giá.
Thêm nữa đồng USD đang mạnh lên, nhu cầu ngoại tệ của người dân, DN tăng cao vào thời điểm cuối năm, đồng nhân dân tệ liên tục mất giá… đang ngày càng gia tăng áp lực lên tỉ giá.
Kiều hối về TP.HCM vẫn tăng Qua theo dõi hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây cho thấy cung cầu USD trên thị trường không có dấu hiệu tăng đột biến. Số lượng ngoại tệ mua vào có tăng lên, kiều hối về vẫn tăng. Dự kiến năm 2015 lượng kiều hối về TP.HCM ước đạt khoảng 5,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2014. Con số này cũng cao hơn so với mức dự kiến ban đầu là 5,2 tỉ USD. ÔngNGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Theo tính toán của một số chuyên gia, hiện nay người nắm giữ VND vẫn lợi hơn so với đôla vì lãi suất chênh lệch lớn. Ví dụ, nếu gửi USD không được hưởng lãi thì gửi VND ở các kỳ hạn dài lãi suất lên đến 7%.
Theo_PLO
Gửi tiền tiết kiệm vẫn lãi tốt trước biến động tỷ giá
Các chuyên gia kinh tế phân tích cho rằng, trước biến động tỷ giá, giá vàng hiện nay, người dân có tiền gửi tiết kiệm vẫn sẽ đảm bảo có lời tốt từ nay tới cuối năm.
Lãi suất tiền gửi cao hơn lạm phát nhiều lần
Thời gian qua, một số ngân hàng vừa và nhỏ đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất huy động một số kỳ hạn tại Sacombank (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương) và SeABank (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á) đã tăng thêm 0,1 %/năm. Mức tăng lãi suất tiền gửi tại VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế) cũng từ 0,2 - 0,3 %/năm. ABBank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2 %/năm...
Gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc này, người dân vẫn có lãi
So với mức lãi suất huy động mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang áp dụng, thì biểu lãi suất của một số ngân hàng thương mại hiện đang ở mức cao hơn từ 0,1 - 0,4%, có nơi lên 0,7%. Nhiều báo cáo của các công ty chứng khoáng cho biết, mức độ điều chỉnh lãi suất tiền gửi của các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục tăng khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm.
Theo báo cáo mới nhất từ NHNN, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm bằng VND đang ổn định ở mức 6,4-7,2%/năm, trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD đối với tổ chức là 0,25%/năm và đối với dân cư là 0,75%/năm. Với mức mất giá của tiền đồng từ đầu năm đến nay, người gửi tiền bằng USD và VND thực chất có mức lợi suất gần như tương đương.
Tổng cộng mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm đến nay là 5,1% mới gần bằng biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD trung bình đang vào khoảng 6%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, lãi suất tiền gửi của ngân hàng hiện vẫn cao hơn lạm phát nhiều lần (lạm phát bình quân 8 tháng đầu năm chỉ tăng 0,83%) và cao hơn mức mất giá của tiền đồng hiện nay nên đã cân bằng được lợi ích của người dân đang gửi đồng Việt Nam, nói cách khác lãi suất tiết kiệm vẫn đang đủ bù mất giá VND.
Các ngân hàng cho biết, lượng khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 3 - 6 tháng đang tăng khá mạnh so với các kỳ hạn từ 12 - 24 tháng. Bởi ngoài lãi suất thường, nhiều ngân hàng đã đưa ra một số sản phẩm tiền gửi có quà tặng, tăng thêm % lãi suất theo thỏa thuận... "Trong bối cảnh găm giữ đồng USD đầy rủi ro, chứng khoán lên xuống thất thường, đầu tư vàng lỗ... nhiều người gửi tiền sẽ chọn kỳ hạn gửi lý tưởng 6 tháng để được hưởng mức lãi suất cao hơn"- một chuyên viên phân tích của phòng giao dịch ngân hàng Sacombank tại Hà Nội cho biết.
Lợi hơn khi gửi tiền đồng
Đánh giá về quyền lợi của người có tiền gửi tiết kiệm hiện nay, chuyên gia tài chính ngân hàng ông Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận: Người gửi tiền tiết kiệm đang có lợi. Ông Hiếu nói: "Lý ra tỷ giá tăng sẽ đẩy một lượng tiền lớn vào nền kinh tế làm tăng lạm phát kéo theo lãi suất giảm xuống. Tuy nhiên, tình hình của ta đang ngược lại, tỷ giá tăng, lãi suất cũng tăng lên".
Chuyên gia này cho rằng, lý do lãi suất tiền gửi tăng hiện nay là do các ngân hàng "sợ chảy máu tiền đồng". "Tỷ giá VND/USD tăng đã khiến tình trạng rút tiền đồng đầu cơ mua USD tăng. Đối phó với việc này, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động lên để người gửi tiền tiếp tục bỏ tiền đồng vào ngân hàng. Do vậy, người có tiền đồng gửi ngân hàng mới có lợi hơn rất nhiều như vậy" - ông Hiếu khẳng định.
Theo TS.Cấn Văn Lực - Phó Tổng Giám đốc BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), khi tỷ giá tăng, nhiều người có tâm lý chuyển sang nắm giữ hoặc mua USD gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, NHNN đã tuyên bố ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm, không điều chỉnh thêm nên những người chuyển sang nắm giữ USD thời điểm này chỉ hưởng lãi suất tiết kiệm 0,75%/năm. Hơn nữa, lạm phát từ đầu năm đến nay ở Việt Nam được kiểm soát tốt và dự đoán đến cuối năm cũng chỉ tăng khoảng 2,5-3% nên gửi tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn có lợi hơn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ảnh hưởng tới lãi suất và quyền lợi của người gửi tiền tiết kiệm ngân hàng hiện nay chính là biến động tỷ giá từ nay tới cuối năm. Trong khi đó, dự báo về tỷ giá các tháng cuối năm, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó có thể tiếp tục phá giá tiền đồng do khoảng cách lãi suất tiền gửi VND và USD đã bị thu hẹp lại rất nhiều sau khi đã tính đến tác động của phá giá từ đầu năm.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phá giá thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng nội tệ, làm gia tăng áp lực đô la hóa trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến các mục tiêu của chính sách tiền tệ"- BVSC khẳng định.
Số liệu do NHNN công bố mới nhất cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Theo_24h
Lãi suất về 0%, tiết kiệm ngoại tệ sẽ giảm? Lãi suất USD gửi vào ngân hàng đối với doanh nghiệp và cá nhân đều giảm về 0% kể từ ngày 18/12. Điều này có nghĩa là người dân sẽ không còn hưởng lãi suất khi gửi USD. Hệ thống tín dụng ít chịu tác động khi lãi suất USD về 0% Đây là quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước...