Người Việt chi tỷ USD ra nước ngoài trị bệnh, vì sao?
Theo số liệu chưa đầy đủ từ Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài để khám chữa bệnh (KCB), tiêu tốn khoảng hơn 1 tỷ USD. Dự báo con số này có thể gia tăng khi chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao. Thực tế này một mặt cho thấy xu hướng sính ngoại của người Việt, mặt khác phản ánh về nền y tế trong nước.
Dù còn nhiều hạn chế, nhưng hiện đã có một số ngành, lĩnh vực y tế của Việt Nam tạo được uy tín tốt, chi phí phải chăng.
Đi tìm nguyên nhân
Kể với chúng tôi, chị M. (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Con trai 9 tuổi của chị thường bị đau họng tái phát, phải uống lượng kháng sinh khá nhiều mỗi lần bị rối loạn nhịp thở, khi ngủ thường rất nguy hiểm nên chị đã cho con sang Singapore cắt amidan. Theo chị, cắt amidan là một thủ thuật không quá phức tạp nhưng thấy ở Việt Nam từng có nhiều trường hợp bị tai biến sau phẫu thuật nên rất lo. Đưa con ra nước ngoài chữa bệnh, theo chị M. chi phí tốn kém hơn rất nhiều nhưng bù lại, dịch vụ y tế của họ tốt hơn và đặc biệt kết quả chữa bệnh rất tốt.
Bà P. (49 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) – một bệnh nhân bị ung thư vú đã 10 năm, cho biết, bà trải qua nhiều năm điều trị tại Singapore và những năm gần đây là điều trị tại Việt Nam. Bà kể: Trong một đợt đi khám sức khỏe theo tiêu chuẩn của cơ quan, bà phát hiện mình bị ung thư vú. Chưa yên tâm lắm với kết quả khám, bà đi xét nghiệm thêm ở một vài bệnh viện có uy tín trong nước và qua bạn bè tư vấn bà quyết định sang Singapore phẫu thuật khối u. Sau đó bà cũng hóa trị tại nước này. Theo bà P., phẫu thuật và điều trị bên Singapore bà được chăm sóc và tư vấn rất chu đáo, công tác chăm sóc hậu phẫu rất tuyệt vời, nhân viên y tế gần gũi với bệnh nhân chứ không bao giờ phải chứng kiến thái độ “mặt nặng mày nhẹ” như ở Việt Nam.
Bà P. cũng cho biết trong nhiều năm qua, bà phải sang Singapore hơn 10 lần, tốn kém hàng tỷ đồng, đặc biệt tốn kém truyền hóa chất, khoảng 300-400 triệu đồng. Mỗi lần đi phải có 2 người cùng đi gồm 1 phiên dịch viên và 1 người chăm sóc. Ngoài tiền máy bay, ăn ở thì tiền điều trị, thuốc men rất đắt đỏ. Nhưng bù lại dịch vụ của họ không chê vào đâu được, đặc biệt là công tác tư vấn.
Anh H. ở Thanh Trì, Hà Nội cũng vậy. Điều trị thời gian dài các triệu chứng về mũi, họng không khỏi, anh quyết định khám tầm soát ung thư tại Bệnh viện K và phát hiện mắc ung thư vòm họng. Tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh, anh và gia đình đã quyết định sang Singapore để điều trị. Anh H. chia sẻ: Chi phí điều trị bệnh cao gấp nhiều lần so với trong nước. Nhưng đổi lại, những bệnh nhân như anh được hưởng dịch vụ chất lượng cao, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo.
Mỗi năm người Việt chi cả tỷ USD
Theo ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), rất khó ước tính chi phí vì người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh chi trả bằng nhiều hình thức khác nhau…”Hiện nay chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ nhưng ra nước ngoài chữa bệnh nhiều nhất là bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân điều trị tế bào gốc và những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt mà các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm” – ông Khuê nói. Ông cũng cho rằng, nước ta còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều bệnh viện công chưa đáp ứng được nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh như ở các nước phát triển.
Theo thống kê của Văn phòng đại diện bệnh viện Singapore và Thái Lan tại Hà Nội, những năm qua các nhóm bệnh người Việt thường ra nước ngoài chữa trị gồm nhóm người bệnh ung thư, tim mạch, cơ xương khớp, ghép gan, ghép thận, chấn thương thể thao, dịch vụ về sinh sản…Ở nước ngoài, ghép gan, thận đắt hơn gấp đôi tổng chi phí tại Bệnh viện Việt Đức, trong khi đã được quỹ BHYT chi trả một phần.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam – Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng ở Việt Nam, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế đều quá tải. Một ngày bác sĩ phải khám từ vài chục đến cả trăm bệnh nhân, phòng ốc chật hẹp, người đông thì hỏi làm sao mà nhân viên y tế có thể vui vẻ cả ngày? Ngoài ra, ông Nam nhận xét: Nhiều bệnh nhân không tin vào nền y học nước nhà, trong khi những năm gần đây, y học Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể.
Video đang HOT
Việt Nam có nhiều lĩnh vực chuyên môn tốt
Nhận xét về dịch vụ của bệnh viện Việt Nam, BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn thường trong tình trạng quá tải, đặc biệt là ở tuyến Trung ương. Do vậy bệnh nhân thường phải chờ đợi lâu, thái độ nhân viên y tế và sự chăm sóc chưa chu đáo như các bệnh viện nước ngoài. Song nhìn tổng thể, ông Sơn cho biết, hiện tại có một số ngành, lĩnh vực y tế của Việt Nam đã tạo được uy tín. Với chất lượng tốt, chi phí hợp lý, nhiều bệnh nhân nước ngoài, Việt kiều vẫn lựa chọn dịch vụ y tế trong nước.
Hiện nay, xu hướng người Việt ra nước ngoài tầm soát và điều trị ung thư ngày càng tăng. Về vấn đề này, GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng: Do số lượng bệnh nhân ung thư điều trị ở các bệnh viện trong nước đông nên rõ ràng người bệnh không thể hưởng những điều kiện như ra nước ngoài. Tình trạng quá tải cũng khiến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tuy cố gắng nhưng “nhiều khi cũng không xuể”. Còn ở các bệnh viện nước ngoài, họ có số lượng người bệnh nhất định và lại là những người có điều kiện kinh tế cao.
Theo GS Hùng, khả năng điều trị ung thư của các bệnh viện trong nước ngày một nâng cao có thể đáp ứng lòng tin của bà con. “Căn bệnh này nếu được phát hiện sớm thì có thể điều trị chuẩn, cho kết quả tốt. Còn ung thư mà đã biết trễ rồi, thì dẫu trị ở nước ngoài cũng có nhiều khó khăn”-ông Hùng nói.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết trong năm 2017, có khoảng 80.000 lượt khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, doanh thu khoảng 2 tỷ USD, trong đó riêng TP HCM đón khoảng 30.000-40.000 lượt khách. Tuy nhiên khách du lịch y tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ Lào, Campuchia, gần đây mới có thêm lượng khách là kiều bào từ các nước Mỹ, Australia, Canada về thăm gia đình kết hợp khám bệnh. Con số vẫn còn khiêm tốn so với các nước có nền du lịch phát triển như Singapore, Thái Lan, và phần lớn du khách đến khám chữa bệnh chỉ mang tính tự phát.
Có cái nhìn lạc quan hơn, PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhận định: Các dịch vụ du lịch y tế sẽ có xu hướng chuyển từ nước phát triển sang các nước đang phát triển như Việt Nam.
Năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015, con số này đã tăng lên đến 150.000 ca mắc mới. Năm 2012, tỷ lệ này chỉ mới có 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người.
Thùy Linh
Theo daidoanket
Có nên cắt amidan cho tất cả trẻ nhỏ?
Nhiều phụ huynh cho rằng amidan là thủ phạm gây ra đau họng ở trẻ nên bằng mọi cách phải cắt bỏ.
Chị Trần Huyền Trang (ở Thanh Hóa) chia sẻ con gái chị 4 tuổi, hay bị viêm họng khi thời tiết thay đổi. Chính vì vậy, chị đang tìm hiểu việc cắt amidan cho con. "Ngày nhỏ, chúng tôi ai cũng được bố mẹ cho đi cắt amidan. Tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng nên cắt", chị Trang nói.
Cùng chung suy nghĩ, chị Lê Thị Minh (cùng quê) vừa mới cho con trai 7 tuổi cắt amidan. Tuy nhiên, ngày đầu tiên sau mổ, con trai chị bị chảy máu rất nhiều chỗ vết cắt khiến cả nhà rất sợ hãi. Mặc dù được bác sĩ giải thích đây là biến chứng thường gặp, song, bản thân chị Minh rất hối hận vì đã vội đưa con đi cắt amidan.
Chỉ nên cắt amidan khi có chỉ định. Ảnh: Brrowardhealth.
Có cần thiết phải cắt amidan?
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), cho hay vẫn còn nhiều phụ huynh có suy nghĩ như hai trường hợp trên. Bởi thực tế, viêm amidan là một trong những bệnh hay gặp trong nhóm bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là ở trẻ em.
Bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cũng cho hay VA và amidan là 2 trong 6 thành phần của vòng bạch huyết Waldayer, không phải cơ quan duy nhất thực hiện chức năng sản sinh miễn dịch giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Vì vẫn có tổ chức tương tự đảm đương cùng nhiệm vụ nên việc nạo VA hoặc cắt amidan không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng chống nhiễm trùng của trẻ.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp viêm VA hay viêm amidan đều phải phẫu thuật cắt bỏ.
"Viêm VA và viêm Amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa", bác sĩ Thủy cho hay.
Do đó, để tránh lạm dụng, quyết định nạo VA hay cắt amidan cần được thực hiện đúng quy trình, bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định phẫu thuật.
Khi nào nên cắt amidan?
Theo bác sĩ Đức, nếu viêm amidan gây ra các biến chứng sau đây, cha mẹ có thể cho con đi phẫu thuật:
- Gây nhiễm trùng:
Viêm Amidan cấp tính tái phát hơn 6-7 đợt/ năm hoặc 3-4 đợt/năm trong 2 hay nhiều năm liên tiếp.
Viêm Amidan cấp tính tái phát kèm theo các tình trạng khác: Nhiễm khuẩn Streptococcus - vi khuẩn gây biến chứng viêm khớp, viêm tim; bệnh van tim kèm theo viêm amidan tái phát do nhiễm khuẩn Streptococcus; sốt cao co giật tái phát.
Viêm Amidan mãn tính không đáp ứng với liệu pháp dùng thuốc và kèm theo một trong các tình trạng hôi miệng, đau họng dai dẳng, viêm hạch cổ.
Tình trạng nhiễm khuẩn Streptococcus không đáp ứng với liệu pháp dùng thuốc hoặc áp xe quanh amidan
- Gây tắc nghẽn:
Viêm amidan gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến việc ngủ ngáy quá mức và thường xuyên thở bằng miệng; gây ngưng thở khi ngủ, rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, trong trường hợp amidan phì đại mất cân đối - thường bị nghi ngờ là u ác tính, việc cắt amidan cũng cần được tiến hành.
"Những trường hợp còn lại, phụ huynh nên điều trị bằng thuốc thảo dược cho con để bệnh thuyên giảm. Và không phải đi cắt", bác sĩ Minh Đức khuyến cáo.
Trường hợp tuyệt đối không được cắt amidan
Về điều này, bác sĩ Thủy khuyến cáo không cắt amidan cho trẻ dưới 5 tuổi vì ở tuổi này nếu cắt sẽ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ và amidan có khả năng phát triển tiếp.
Ngoài ra, trẻ có bệnh về máu, bệnh tim nặng, lao tiến triển cũng tuyệt đối không được tiến hành cắt, nạo amidan.
Cắt amidan cũng không áp dụng cho các trường hợp đang bị viêm nhiễm cấp tính tại amidan; đang nhiễm virus cấp như cúm, sởi, ho gà, sốt xuất huyết; bệnh nhân cơ địa dị ứng, hen phế quản, hở hàm ếch; thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, đang có dịch đường hô hấp tại địa phương; đang uống hay tiêm phòng dịch (chờ ít nhất 2 tuần sau uống vắc xin phòng bại liệt, 6 tháng sau tiêm phòng lao).
Theo Zing
Chuyên gia cảnh báo bệnh không ngờ từ việc ngủ ngáy Nhiều người vẫn nghĩ rằng ngáy khi ngủ là khoẻ, càng ngáy to càng khoẻ nhưng trên thực tế các bác sĩ cho biết ngáy khi ngủ có thể là do viêm amidan mạn tính... PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An khám cho 1 bệnh nhân Khi bị nhiễm bệnh, mọi người thường băn khoăn không biết có nên cắt amidan hay không? Và...