Người vi phạm giao thông không ký biên bản, có bị xử phạt?
Người vi phạm giao thông không đồng ý với quyết định xử phạt vẫn bị xử phạt với lỗi vi phạm trước đó.
Người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm sẽ vẫn bị xử phạt lỗi vi phạm – Ảnh minh hoạ
Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về Báo Giao thông phản ánh bị CSGT lập biên bản xử phạt nhưng không có hình ảnh chứng minh lỗi, CSGT không cho ghi ý kiến vào biên bản nên không ký biên bản vi phạm giao thông thì bị xử phạt thế nào?
Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định: CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 2 bản. Phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký. Nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản. Trường hợp biên bản gồm nhiều tờ. Những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký, người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 1 bản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật và căn cứ vào các trường hợp trên, việc người vi phạm không chịu ký vào biên bản, vẫn sẽ bị xử phạt đối với lỗi vi phạm. Trường hợp này, CSGT có thể yêu cầu đại diện chính quyền, hoặc hai người chứng kiến ký vào biên bản và ghi rõ lý do người vi phạm không ký vào biên bản. Đồng thời, CSGT phải ghi rõ vào biên bản lý do người vi phạm từ chối ký vào biên bản.
Nếu người vi phạm cho rằng việc hành vi xử phạt của CSGT chưa đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình có thể khiếu nại theo Luật Khiếu nại.
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 về trình tự khiếu nại quy định: Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Điều 9 Luật khiếu nại 2011 quy định: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Như vậy, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trần Duy
Theo baogiaothong
Công an khẳng định 'tiếp thị sữa' trong clip xôn xao trên mạng không phải là CSGT
Một thanh niên mặc thường phục "mật phục" quay phim người vi phạm, khi bị phát hiện thì xưng là CSGT nhưng lãnh đạo Phòng CSGT khẳng định thanh niên này không phải người trong ngành.
Nhóm thanh niên hỏi người mặc thường phục (đội nón) quay phim có phải cảnh sát giao thông thì người này cho rằng nằm trong tổ công tác. Ảnh: Cắt từ Clip
Trên mạng xã hội đang lan truyền một clip dài khoảng 13 phút ghi hình một nhóm thanh niên ở TP.HCM rình bắt một người được cho là có hành vi quay phim người vi phạm giao thông để cung cấp cho các tổ cảnh sát giao thông (CSGT) trên quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai.
Người mật phục ghi hình liên tục được nhóm thanh niên gọi là "tiếp thị sữa".
Nhóm thanh niên rình bắt "tiếp thị sữa" được cộng đồng mạng xác nhận là nhóm của "hiệp sĩ" Nguyễn Sin.
Clip ghi lại hình ảnh nhóm đi rình bắt hỏi người đang mặc thường phục quay phim: "Ông có phải CSGT không mà quay?" thì người thanh niên này ú ớ. Trong túi xách của người thanh niên có máy quay, bộ đàm...
Nhóm thanh niên rình bắt giữ lại người quay phim yêu cầu làm rõ có phải CSGT hay không?. Ảnh: Cắt từ Clip
Sau khi bị nhóm này giữ máy, đề nghị làm rõ mục đích, động cơ quay phim thì người quay phim nói rằng "để em điện cho cấp trên em xuống", đồng thời cho rằng mình là người trong tổ CSGT.
Tuy nhiên, sau khi người quay phim gọi điện thì không có "cấp trên" mà có một nhóm thanh niên đi xe máy bịt khẩu trang đến hiện trường phản ứng và quay phim lại nhóm người rình bắt.
Clip nguyen sin đưa lên mạng việc rình bắt người thường phục quay phim và cho rằng đây là nhóm "tiếp thị sữa"
Clip còn thể hiện nhóm đi rình bắt phỏng vấn người dân ở đây thì được trả lời rằng phải có người của CSGT "ủy nhiệm" người thanh niên này mới ngồi ghi hình người vi phạm giao thông. Nhóm rình bắt người quay phim nghi rằng nhóm quay phim là "nhóm tiếp thị sữa" (chỉ những người có quan hệ mờ ám với CSGT).
Trên clip, nhóm rình bắt còn chuyển đến thông điệp luôn ủng hộ CSGT xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên, họ nghi ngại CSGT dùng người ngoài ngành và tổ chức ghi hình gài bẫy các xe vi phạm trên đường để vòi tiền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vụ clip trên, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: "Sau khi clip trên tung lên mạng vào chiều 20-4, chúng tôi đã kiểm tra và xác định vụ việc trên được quay trên quốc lộ 51. Tuy nhiên, qua xác minh từ các tổ công tác, lực lượng khẳng định không có ai trong lực lượng CSGT ở trong clip được phát tán. Hiện các tổ công tác cũng cam kết không có liên quan gì đến những thanh niên ghi hình. Chúng tôi luôn yêu cầu lực lượng làm đúng quy trình. Vì vậy vẫn chưa rõ động cơ của những người quay clip và tung clip để làm gì".
Theo vị lãnh đạo phòng, theo quy định của ngành, CSGT được mật phục hóa trang nhưng phải có kế hoạch cụ thể và được cấp trên phê duyệt. "Trường hợp thanh niên ghi hình xưng trong tổ CSGT không phải là người trong lực lượng"- vị này khẳng định.
H.M
Theo tuoitre
Hà Nội : CSGT bị tông trọng thương khi băng qua đường Trong lúc băng qua đường, một chiến sĩ CSGT bất ngờ bị nam thanh niên đi xe máy tông ngã xuống đường, nằm bất động. Chiến sĩ CSGT bị xe máy đâm phải khi băng qua đường. Ảnh: T.L Vụ việc xảy ra vào khoảng 20h30 phút tối 18/4, tại tuyến đường thuộc Cụm công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai, TP. Hà...