Người vạch trần vụ sữa nhiễm melamine bị giết
Mặc dù cảnh sát đã công bố kết quả điều tra sơ bộ về vụ sát hại “người đầu tiên tố cáo sữa Trung Quốc nhiễm chất độc melamine”, nhưng trước khi sự thật được phơi bày, nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một bí ẩn.
Theo Nhân Dân Nhật Báo, sau vụ tố giác sữa nhiễm melamine, ông Tưởng Vệ Tỏa, 44 tuổi, giám đốc Công ty sữa Tưởng Vệ Tỏa, thường tỏ ra bất an. Có lần ông nói bản thân mình giống như đang “ôm sẵn một cái quan tài trước khi ra khỏi nhà”. Thậm chí ông còn thừa nhận có người đã bỏ tiền mua cái đầu của mình vì ông “đang đứng ở phía đối lập với cả một rừng lợi ích khác”.
Báo Đô Thị Nam Phương cho biết cảnh sát Tây An đã bắt giữ sáu trong chín người tình nghi, trong đó có bà Dương Bình – vợ ông Tưởng. Theo lời khai của bà Dương, ông Tưởng là một người thường xuyên đánh đập vợ. Ngày 1/11, trong lúc cãi vã bà đã lỡ tay dùng dao đâm trọng thương chồng.
Ông Tưởng Vệ Tỏa tại trang trại của mình – Ảnh: Sohu.com
Video đang HOT
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Giao thông Tây An, trên người ông Tưởng Vệ Tỏa xuất hiện nhiều vết chém sâu, đặc biệt não bộ và phần ngực bị chấn thương nghiêm trọng. Khi được đưa đến bệnh viện hôm 2/11, ông Tưởng bị hôn mê sâu và qua đời hôm 14/11.
Tuy nhiên, lời khai của bà Dương vẫn khiến dư luận và nhân viên dưới quyền ông Tưởng không khỏi hoài nghi. Báo Tin Tức Vân Nam cho biết ông Tưởng là một người đàn ông trung niên, tính tình ôn hòa, khiêm tốn, không tỏ vẻ ta đây và chẳng khi nào lên giọng ông chủ. Còn theo nữ nhân viên Hàng Yến, bà Dương không phải là người xấu, chỉ có điều bà thường xuyên bị ám ảnh, luôn cảm thấy những người xung quanh không an toàn, bà chịu nhiều áp lực và rất dễ xúc động.
Năm 2006, ông Tưởng Vệ Tỏa được truyền thông Trung Quốc biết đến khi tố giác các công ty sữa địa phương cho hóa chất nguy hiểm vào trong sữa. Khi ấy, các cơ quan chức năng chẳng thèm đếm xỉa gì đến cảnh báo của ông. Tuy nhiên, sau vụ sữa nhiễm độc melamine khiến nhiều trẻ em Trung Quốc thiệt mạng vào năm 2008, ông được trao danh hiệu “người đầu tiên chống sữa giả ở Trung Quốc”. Từ đó, ông kinh doanh phát đạt nhưng cũng nhận được không ít lời đe dọa ám sát.
Năm 2006, người vợ thứ hai của ông Tưởng cũng do áp lực của những lời đe dọa mà đệ đơn ly dị chồng. Năm 2010, ông kết hôn với chuyên gia dinh dưỡng Dương Bình.
Theo 24h
Obama thề đưa kẻ giết đại sứ Mỹ ra công lý
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua thề "cứng rắn" với các cuộc bạo động chống Mỹ của thế giới Arab, khi ông đón linh cữu của 4 nhà ngoại giao Mỹ bị giết tại Libya.
Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton hôm qua đón linh cữu của những nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng tại Libya. Ảnh: AP
"Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị quên lãng, chúng ta sẽ đem những kẻ cướp đi sinh mạng của họ ra trước công lý. Chúng ta sẽ kiên quyết chống lại bạo lực đối với các phái đoàn ngoại giao Mỹ", ông Obama hôm qua phát biểu tại căn cứ không quân Andrews, ngoại ô Washington, khi đón nhận linh cữu những nhà ngoại giao nước này.
Bọc trong cờ Mỹ, linh cữu của các nạn nhân được 7 lính thủy quân lục chiến đưa ra từ máy bay vận tải quân sự C-17 tới nhà để máy bay tại căn cứ không quân Andrews.
"Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu", Obama dẫn lời kinh thánh và nói 4 nhà ái quốc của Mỹ đã phục vụ hết mình cho tổ quốc.
Tại buổi lễ, Ngoại trưởng Mỹ Clinton cũng tỏ lòng tôn kính đối với 4 nạn nhân và cho biết nhân dân Ai Cập, Libya, Yemen và Tunisia "không đánh đổi chuyên chế của một kẻ độc tài lấy chuyên chế của một đám đông bạo loạn".
Các đại sứ quán Mỹ trở thành mục tiêu tấn công và vây hãm của những người biểu tình ở nhiều nước sau khi một đoạn phim chống Hồi giáo được tung lên mạng. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi Đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens, nhân viên quản trị thông tin Sean Smith cùng hai cựu đặc vụ SEAL Tyrone Woods và Glen Doherty hôm 11/9 bị sát hại trong một cuộc tấn công phóng hỏa lãnh sự quán Mỹ tại Bengazhi, Libya.
Trong bối cảnh ngày thứ tư của các cuộc bạo loạn nhằm vào những phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông và châu Phi, bà Clinton cũng kêu gọi thái độ bình tĩnh. "Những người có lý trí và những nhà lãnh đạo giữ trọng trách tại các nước này cần làm tất cả có thể để thiết lập lại an ninh và buộc những người đứng đằng sau các vụ bạo lực phải chịu trách nhiệm", AFP dẫn lời bà Clinton nói.
"Những ngày khó khăn hơn vẫn còn ở phía trước, nhưng điều quan trọng là chúng ta không được quên thực tế căn bản rằng nước Mỹ phải tiếp tục lãnh đạo thế giới. Chúng ta nợ điều đó với 4 người thiệt mạng, và phải tiếp tục công cuộc ngoại giao lâu dài đầy khó khăn", Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
Theo VNE
Khủng hoảng lương thực đe dọa hơn 2 triệu người ở Somalia Đã có hàng chục nghìn người Somalia thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng lương thực. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc hôm 11/8 cho biết, có tới 2,5 triệu người tại Somalia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo và hơn 1 triệu người khác có nguy cơ sẽ quay lại danh sách này....