Người ủng hộ Tổng thống Assad mỉa mai thị trấn chết đói Syria
Những người ủng hộ chính phủ Syria khoe bữa ăn thịnh soạn của mình và so sánh những người dân đói khát ở thị trấn mà phiến quân chiếm đóng với các nhân vật hoạt hình.
Những hình ảnh từ phe ủng hộ chính phủ và nhóm Hezbollah đối nghịch với tình cảnh của người dân thị trấn Madaya. Ảnh: Twitter
Theo Telegraph, ban đầu, người dùng mạng xã hội chỉ muốn dùng các bức ảnh đối nghịch để nhấn mạnh hoàn cảnh khổ sở của 40.000 người dân ở thị trấn Madaya. Tuy nhiên, hiện giờ, những người ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và phiến quân Hezbollah lại biến chúng thành một trào lưu châm chọc.
Dưới hashtag “Đoàn kết với thị trấn bị bao vây Madaya”, họ khoe ảnh chụp những bữa tối đầy ắp cơm, cá, rau củ của mình và dùng lời lẽ khiếm nhã để chế nhạo những người đang chết mòn vì bị bỏ đói ở Madaya.
“Tôi có một ít túi thức ăn cho chó và tôi đang không biết làm cách nào để gửi chúng cho những người đói khát ở Madaya”, một người viết.
Họ còn so sánh hình ảnh của các nạn nhân với những nhân vật hoạt hình hoặc đăng ảnh một bộ xương người để mỉa mai.
Tuy nhiên, hành vi này đã bị một số người lên án là “ác độc” và “kinh tởm”.
Thị trấn Madaya do lực lượng chống chính phủ kiểm soát bị lực lượng Tổng thống Assad và nhóm Hezbollah bao vây từ tháng 7, khiến các nguồn cung đồ ăn thức uống từ bên ngoài bị cắt. Sau khi ăn cạn số chó, mèo hoang bắt được, nhiều người buộc phải ăn cây cỏ để tồn tại qua ngày.
Họ còn sống trong tình trạng thiếu điện, nước, thuốc men cơ bản và sữa cho trẻ em.
Một em bé ở thị trấn Madaya. Ảnh: Reuters
Những bức ảnh được chụp tại Madaya cho thấy nhiều xác đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị chết đói. Ít nhất 23 người đã tử vong vì không có gì ăn vào tháng trước và các cơ quan cứu trợ cho biết số người chết có thể tăng lên trong vài ngày tới.
Video đang HOT
Tình cảnh này làm bùng lên một cuộc tranh cãi giữa hai phe ở Syria, khi cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 6. Những người ủng hộ ông Assad và Hezbollah đổ lỗi cho các phiến quân Hồi giáo đang kiểm soát thị trấn này bỏ đói người dân và tích trữ lương thực cho riêng mình.
Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền lại cáo buộc chính phủ và Hezbollah chặn đường cứu trợ và cài mìn khắp thị trấn. Theo các bác sĩ địa phương, 12 người đã thiệt mạng trên đường đi tìm đồ ăn.
Liên Hợp Quốc cho biết chính phủ Syria cuối cùng cũng cho phép chuyển hàng cứu trợ đến Madaya cùng hai khu vực của người Shiite ở phía bắc đất nước là Foua và Kfarya. Hai khu vực này bị phiến quân chống chính phủ bao vây hơn một năm qua.
Ông Nadim Houry, phó giám đốc cơ quan Giám sát Nhân quyền khu vực Trung Đông, kêu gọi các nước đang ủng hộ giải pháp chính trị ở Syria thúc đẩy các bên liên quan để hàng cứu trợ có thể đến tay tất cả những người đang chịu cảnh thiếu thốn ở nước này.
Anh Ngọc
Theo VNE
Những 'bộ xương di động' vật vờ trong thị trấn Syria
Những cuộc vây hãm kéo dài đẩy hàng nghìn người dân Syria vào nạn đói tồi tệ nhất, khi họ đã ăn hết tất cả những gì có thể để cầm cự.
Một em bé bị suy dinh dưỡng nặng trong thị trấn bị vây hãm Madaya. Ảnh:Guardian
"Mọi người ở đây đang chết dần chết mòn", Louay, một nhân viên xã hội làm việc tại thị trấn Madaya, nằm cách thủ đô Damascus của Syria chỉ vài km, trò chuyện với Guardian qua điện thoại, giọng của anh trở nên thều thào sau một thời gian dài nhịn đói.
Đó là tình cảnh chung của hàng ngàn người dân ở thị trấn nhỏ bé mắc kẹt trong cuộc nội chiến đẫm máu và khốc liệt kéo dài 5 năm qua ở Syria. Cuộc vây hãm của quân đội chính phủ ở đây nhằm tiêu diệt các nhóm phiến quân nổi dậy đã kéo dài suốt nhiều tháng, khiến mọi nguồn cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm gần như bị cắt đứt.
Các gia đình ở Madaya đã phải ăn lá cây, cỏ dại và uống nước muối để cầm hơi, khi gạo ở khu vực này đang được bán với giá 250 USD một cân, cái giá gần như không ai có thể trả nổi. Nhiều nhà đã phải giết thịt những con thú cưng trong gia đình để cầm cự.
"Mọi người có thể không tin, nhưng ở đây giá gạo, đậu, đường đều ở mức trên trời như vậy, mà đó là nếu bạn có chỗ mà mua. Tôi đã chứng kiến người ta thịt mèo để ăn, rồi sau đó họ cũng đã vặt trụi hết lá cây trong thị trấn rồi", người đàn ông này kể.
"Nhà tôi trồng một ít hoa trong mấy cái chậu trước hiên. Hôm qua, tôi đã phải ngắt cánh hoa để ăn, nhưng chúng đắng ngắt và rất khó nuốt", Louay cho biết.
Người đàn ông này gửi đi hình ảnh thi thể gầy trơ xương của những cụ già chết đói trong những ngày gần đây. Anh cho biết đó là những bậc cao niên được trọng vọng trong thị trấn, nhưng họ đều gục ngã vì đói. "Chúng tôi thường nói rằng chẳng ai có thể chết đói được cả, nhưng giờ đây tôi đang chứng kiến mọi người chết dần vì không có gì ăn".
Xung quanh thị trấn biên giới do phiến quân nổi dậy kiểm soát này là hệ thống dây thép gai, bãi mìn và các ổ bắn tỉa mai phục của quân đội chính phủ. Sau nhiều tháng bị vây hãm, người dân trong thị trấn đã ăn hết tất cả những thứ có thể ăn được, trong khi nguồn tiếp tế hầu như không thể tới được tay họ.
Theo báo cáo của tổ chức Bác sĩ Không biên giới, ít nhất 28 người dân ở Madaya, trong đó có 6 trẻ em, đã chết vì đói tại phòng khám do tổ chức này điều hành tại thị trấn. Họ đến và gục ngã trước cửa phòng khám, trong khi các bác sĩ ở đây cũng chẳng có gì để cho họ ngoài một ít nước muối. Người quen gặp nhau trên phố không thể nhận ra nhau, vì khuôn mặt họ giờ đây đã quá hốc hác và trũng sâu vì thiếu ăn, chẳng khác nào những "bộ xương di động".
Trong bối cảnh các nước đang gia tăng hoạt động quân sự để củng cố cho lập trường của mình trên bàn đàm phán về tương lai Syria, dân thường mới là những người phải chịu đựng nhiều nhất.
Thay vì đến trường, những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu trong thị trấn đang phải liều mạng lang thang ra các bãi mìn xung quanh để đào bới cây củ làm thức ăn. Một số em đã dính mìn và cụt chân tay, người dân trong thị trấn cho biết.
"Dù là phụ nữ hay đàn ông, trẻ em hay người già, mọi người ở đây đều sụt mất ít nhất 15 kg. Bọn trẻ đứa nào mắt cũng lồi ra vì quá đói", Ebrahem Abbass, một chiến binh nổi dậy cho hay.
Một nạn nhân của nạn đói ở Madaya. Ảnh: Breibart
Cái đói càng trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông lạnh giá ở vùng đất cao hơn mực nước biển 1.300 mét này, và dù rất đói, không ai dám mạo hiểm mò ra ngoài thị trấn để kiếm ăn. Từ một ngọn đồi cao gần đó, các tay súng bắn tỉa có thể ngắm rõ mọi mục tiêu di động trên mặt đất. Hơn 10 người đã bị trúng đạn bắn tỉa khi tìm cách ra ngoài kiếm củi và đồ ăn.
Nạn đói trở thành vũ khí
Trong cuộc nội chiến suốt nhiều năm qua ở Syria, vây hãm không phải là chiến thuật xa lạ gì đối với các bên tham chiến, và nạn đói trở thành một trong những thứ vũ khí lợi hại nhất. Tại Deir al-Zour, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bao vây nhóm nổi dậy lớn nhất của Syria cùng khoảng 200.000 thường dân. Còn nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham thì lại đang vây hãm hơn 12.000 người tại các thị trấn do quân đội chính phủ kiểm soát ở Foua và Kfarya, phía bắc Syria.
Quân đội chính phủ Syria đã vây hãm thị trấn Madaya trong chiến dịch phản công kéo dài gần 6 tháng qua. "Quân chính phủ sẽ tiếp tục chiến thuật vây hãm này, bởi nó đang tỏ ra hiệu quả", Bissan Fakih, một nhà hoạt động thuộc Chiến dịch Syria, nhận định.
Một số người dân Madaya thì cho rằng họ đang bị đối xử như những con tốt trên bàn cờ quyền lực phức tạp, và đang bị quân đội chính phủ trừng phạt vì những gì mà người dân trong hai ngôi làng Foua và Kfarya cách đó hàng trăm km cũng đang phải chịu đựng trong vòng vây của phe nổi dậy.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng một phần mười trong số 42.000 dân của thị trấn Madaya đang mắc kẹt trong các khu vực bị vây hãm hoặc những nơi khó tiếp cận, và tình hình của họ đang ngày một tồi tệ hơn.
Đối diện với nạn đói khủng khiếp này, những hy vọng về các nỗ lực đàm phán hòa bình quốc tế của người dân Madaya và thị trấn Zabadani bên cạnh đều tan biến. Hamoudi, một phiến quân 27 tuổi, cho biết nhiều người trong nhóm của anh đã buông súng đầu hàng để có cái ăn.
Các thị trấn đang bị vây hãm ở Syria. Đồ họa: Guardian
"Khi mới cầm súng tham gia phe nổi dậy, tôi đã mơ đến dân chủ, tự do. Nhưng giờ đây, tất cả những gì tôi mơ tới chỉ là lương thực. Tôi muốn được ăn. Tôi không muốn bị chết đói", Hamoudi mệt mỏi nói qua Skype với phóng viên NYTimes.
Trong ngày hôm qua, một cậu bé 9 tuổi và 4 người đàn ông ngoại tứ tuần đã chết vì suy dinh dưỡng, và các bác sĩ trong phòng khám cho biết vẫn còn 10 người đang trong tình trạng nguy hiểm, và 200 người nữa sẽ rơi vào thảm cảnh trong một tuần tới. "Madaya giờ đây không khác gì một nhà tù không song sắt", bác sĩ Brice de le Vingne cho hay.
Theo các nhà quan sát, chiến dịch không kích chống IS của cả Mỹ và Nga đã cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Syria. Từ mùa thu năm ngoái, ít nhất 16 trung tâm y tế ở Syria đã bị trúng bom, buộc 6 nhóm cứu trợ phải rút ra khỏi tỉnh Idlib để đảm bảo an toàn.
Việc các bên tham chiến ở Syria dùng nạn đói làm vũ khí đi ngược với luật pháp quốc tế, thế nhưng các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Iran, Arab Saudi... đều không thể hoặc không muốn gây áp lực lên các đồng minh trên chiến trường của mình. Liên Hợp Quốc cho hay trong năm 2015, các phe tham chiến ở Syria chỉ phê chuẩn 10% yêu cầu viện trợ nhân đạo cho người dân các vùng bị vây hãm.
"Ở đây, chúng tôi đã không còn cầu xin bất cứ ai nữa. Chúng tôi đã cầu xin quá nhiều lần, nhưng không ai chịu nghe. Chúng tôi muốn hỏi các quan chức và các nhà hoạch định chính sách ở ngoài đó, nếu các ngài lâm vào tình cảnh của chúng tôi, và con cái các ngài đang chết đói ngay trước mặt, các ngài sẽ phản ứng thế nào khi cả thế giới đã quay lưng lại với mình", Louay nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Mỹ thừa nhận Tổng thống Syria sẽ 'trụ' lâu hơn Tổng thống Obama Chính phủ Mỹ bí mật thừa nhận Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ vẫn tại vị khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng, theo một tài liệu nội bộ bị rò rỉ được báo Anh Telegraph trích dẫn ngày 7.1. Tổng thống Syria Bashar al-Assad - Ảnh: Reuters Một lịch trình do giới chức Mỹ soạn thảo và được hãng tin AP...