Người tử tù 46 năm chờ chết
Tử tù có thời gian chờ thi hành án lâu nhất thế giới vừa được trả tự do để chuẩn bị tái thẩm sau gần 5 thập niên kháng cáo.
Iwao Hakamada bước ra khỏi trại giam cùng chị và hình ảnh thời trẻ của ông – Ảnh: Reuters
Ngày 27.3, Iwao Hakamada vội vã bước ra khỏi Trung tâm giam giữ Tokyo sau khi Tòa án quận Shizuoka, miền trung Nhật Bản ra lệnh thả ông ngay lập tức. Trước tiếng hò reo của những người ủng hộ và ống kính của hàng trăm phóng viên, người đàn ông 78 tuổi vẫn giữ nét mặt vô cảm, có phần ngây dại. Để mặc người chị khắc khổ đứng trả lời phỏng vấn, ông im lặng đi thẳng đến chiếc xe chờ sẵn. Gần nửa thế kỷ bị biệt giam trong khu tử tù mà không biết lúc nào sợi dây thòng lọng sẽ tròng vào cổ mình đã gây tổn hại quá lớn cho tinh thần của Hakamada. Sở dĩ ông chưa bị xử tử là do quá trình tố tụng và kháng cáo kéo dài trong một vụ án gây chấn động nước Nhật.
Thảm án
Theo chuyên san Policy Review của ĐH Stanford (Mỹ), Hakamada từng có một thời tuổi trẻ đầy vinh quang. Trong giai đoạn 1959-1961, ông đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng những võ sĩ quyền anh hạng lông xuất sắc nhất Nhật Bản. Sau khi giải nghệ, ông làm việc tại một xưởng làm tương miso ở Shizuoka. Theo lời kể của Hakamada, vào ngày 30.6.1966, ông nghe tin nhà của chủ mình bị cháy nên vội chạy tới giúp dập lửa. Khi vào được bên trong, mọi người phát hiện thi thể của vợ chồng chủ nhà cùng 2 đứa con với hàng chục vết đâm và khoảng 200.000 yen đã bị lấy mất.
Tại một đất nước yên bình rất hiếm khi xảy ra các vụ trọng án, cái chết của cả gia đình 4 người gồm cả trẻ em, khiến dư luận vô cùng bàng hoàng. Cảnh sát chịu áp lực rất lớn phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Hakamada bị thẩm vấn rồi chính thức bị bắt 2 tháng sau đó. Cảnh sát thông báo không những ông đã nhận tội, mà họ còn tìm thấy tại nhà Hakamada một bộ quần áo dính chút máu và xăng. Khi ra tòa, Hakamada tuyên bố ông buộc phải nhận tội vì bị thẩm vấn, đánh đập suốt 23 ngày trong phòng kín. Policy Review trích lại một bức thư Hakamada gửi chị mình viết: “Họ dùng dùi cui quật tới tấp. Em nằm gập người dưới đất, cố không để phọt phân ra. Một viên cảnh sát ấn ngón tay em vào hộp mực rồi gí lên tờ thú tội”.
Sau đó, phía công tố bất ngờ đưa ra những mảnh quần áo khác dính nhiều máu phát hiện gần hiện trường và khẳng định đây là bằng chứng rõ ràng nhất để buộc tội Hakamada. Bất chấp lời khai mới của ông cùng lập luận của luật sư chỉ ra nhiều điểm đáng ngờ trong quá trình điều tra, một hội đồng gồm 3 thẩm phán tuyên án tử hình Hakamada vào ngày 11.9.1968. Phán quyết này khởi đầu cho hàng chục năm trời kháng cáo, kiện tụng, tái thẩm. Trong suốt thời gian đó, nhiều đời bộ trưởng tư pháp Nhật từ chối ký lệnh thi hành án và Hakamada đã phải trải qua cả một cuộc đời trong phòng biệt giam, không được nói chuyện với quản giáo cũng như rất ít khi được cho thăm nuôi.
Kỷ lục của bất hạnh
Năm 2011, ở tuổi 75, Hakamada nhận một kỷ lục không ai mong muốn khi Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận ông là tử tù có thời gian chờ thi hành án lâu nhất thế giới. Trong khoảng 20 năm đầu, Hakamada vẫn giữ được tinh thần thép của một cựu võ sĩ. Tờ The Japan Times trích bức thư ông gửi con trai năm 1983 viết: “Ta sẽ chứng minh cho con rằng ta không giết ai cả. Ta sẽ bứt tung xiềng xích và trở về với con”. Nhưng rồi, có vẻ như người đàn ông vạm vỡ này cuối cùng đã gục ngã.
Một trong những quy định khiến Nhật bị các tổ chức nhân đạo chỉ trích nhiều nhất là thời điểm thi hành án không được báo trước. Đến đúng ngày xử tử, quản giáo mới vào phòng giam đọc thông báo rồi dẫn tử tội ra. Trong trường hợp của Hakamada, tuy Bộ Tư pháp Nhật có chính sách không thi hành án tử trong thời gian quá trình kháng cáo và chờ xử lại nhưng điều này không được quy định trong luật. Vì thế, về lý thuyết ông vẫn có thể bị treo cổ bất cứ lúc nào và phải sống suốt 46 năm trời trong tâm trạng chờ đợi ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của mình. “Đây có lẽ là sự tra tấn tàn khốc nhất”, bà Kate Allen thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế nói với tờ The Guardian.
Video đang HOT
Có lẽ vì vậy mà theo những người ủng hộ, Hakamada đã có dấu hiệu của bệnh thần kinh. Policy Review tường thuật rằng trong khoảng 20 năm qua, ông liên tục từ chối gặp những người vào thăm mình, kể cả gia đình. Vào mỗi bữa ăn, ông im lặng nhìn chăm chăm vào khay cơm trong khoảng 30 phút rồi mới cẩn thận nếm thử. Ông từng tuyên bố mình là “một vị thần đã nhập vào Iwao Hakamada”. Theo tờ The Guardian, trong một đợt kiểm tra sức khỏe năm 2006, Hakamada đã nói những câu vô nghĩa với bác sĩ: “Trí tuệ không bao giờ chết. Tôi thấy rồng, tôi thấy những con voi. Tôi sẽ không chết đâu”.
Tự do
Vụ án của Hakamada đã thu hút sự chú ý của toàn nước Nhật và cả thế giới. Chị ông là bà Hideko, 81 tuổi, đã dành hơn nửa đời vận động để minh oan cho em trai và nhận được sự ủng hộ của nhiều giới, bao gồm Hiệp hội Luật sư Nhật Bản và Tổ chức Ân xá thế giới. Theo AFP, vào năm 2007, dư luận bị sốc khi Norimichi Kumamoto, một trong 3 thẩm phán tuyên án Hakamada năm xưa, tuyên bố ông chưa bao giờ tin rằng bị cáo có tội và rất ủng hộ tái thẩm. Đây được cho là một trong những nhân tố quyết định dẫn tới phiên tòa ngày 27.3. Đại diện tòa án cho biết kết quả phân tích ADN chỉ ra rằng có thể các điều tra viên đã làm giả chứng cứ. Mẫu máu thu được từ các mảnh quần áo không khớp với máu của Hakamada. Ông cũng không mặc vừa chiếc quần dùng làm bằng chứng. Vì thế, thẩm phán Hiroaki Murayama phán quyết: “Khả năng bị cáo vô tội đã trở nên rõ ràng hơn và sẽ rất bất công nếu kéo dài việc giam giữ”. Tòa ra lệnh trả tự do ngay cho Hakamada để điều tra và xét xử lại vụ án. Tờ The Japan Times đưa tin có thể giới công tố Shizuoka sẽ kháng cáo chống lại quyết định này.
Dù sao đây cũng là một chiến thắng cho những nỗ lực không mệt mỏi của gia đình Hakamada. Hôm 27.3, bà Hideko cười rạng rỡ cám ơn những người ủng hộ và nói: “Tôi rất tự hào vì nghị lực của em trai mình. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo cho sức khỏe của cậu ấy. Khó mà không phát điên khi bị giam oan uổng từng ấy năm”. Bên cạnh đó, vụ việc cũng tiếp tục làm dấy lên những lời kêu gọi thay đổi thói quen trọng cung hơn trọng chứng của giới công tố, cách thẩm vấn trong phòng kín mà không có sự hiện diện của luật sư cũng như cách đối xử với tử tù tại Nhật.
“Người về nhì” Sadamichi Hirasawa Người được cho là tử tội chờ thi hành án lâu thứ hai ở Nhật sau Iwao Hakamada là Sadamichi Hirasawa. Ông bị bắt năm 1948 và tuyên án tử hình 2 năm sau đó do bị buộc tội đầu độc 16 nhân viên ngân hàng ở Tokyo để cướp tiền vào ngày 26.1.1948, làm 12 người thiệt mạng, theo The Japan Times. Hirasawa cũng liên tục kêu oan, kháng cáo và cuối cùng chết trong tù năm 1987 ở tuổi 95 sau 32 năm chờ đợi. Đến nay, con cháu ông vẫn tiếp tục vận động minh oan nhưng chưa thành công. Tính đến tháng 12.2013, còn 129 người đang chờ xử tử ở Nhật, đa số đều đã rất lớn tuổi. Ngoài ra, Iwao Hakamada chỉ là trường hợp thứ sáu được tái thẩm án tử ở Nhật kể từ Thế chiến 2 đến nay. Trước ông, có 4 người được tuyên trắng án còn một người đang chờ phán quyết cuối cùng, theo AP.
Theo TNO
Tử tù Nhật không dám tin vào tự do sau 45 năm chờ chết
Ông Iwao Hakamada, tử tù chờ ngày treo cổ suốt 45 năm, kiên quyết không tin là ông sẽ được thả, ngay cả khi người chị ruột báo tin vui trong nước mắt.
Hai chị em nhà Hakamada sau khi ông được rời nhà tù. Ảnh: AsahiShimbun
Khi được người chị báo về vụ xét xử lại, Iwao Hakamada, tử tù người Nhật đã ngồi tù 48 năm, kiên quyết không tin. "Nói dối!", ông Hakamada, 78 tuổi, nói với chị Hideko Hakamada, 81 tuổi.
Bà đến thăm ông tại Nhà giam Tokyo hôm 27/3 và đưa ông xem quyết định của tòa án quận trong việc mở lại vụ án. Chị em nhìn nhau qua tấm nhựa trong suốt phân cách tù nhân và thân nhân.
Đó là cuộc gặp đầu tiên của họ trong ba năm rưỡi.
Ông Hakamada bị kết tội giết 4 người một nhà trong một vụ cướp của, và đốt nhà ở tỉnh Shizuoka năm 1966. Võ sĩ đấm bốc chuyên nghiệp một thời này thường từ chối gặp chị gái và những người khác, cho dù họ liên tục xin gặp ông. Dây thần kinh của ông căng ra hàng thập kỷ dưới sức ép của bản án treo cổ, không biết ngày nào sẽ là ngày cuối của cuộc đời.
"Một cuộc xét xử lại sẽ được tổ chức", bà Hideko, mắt ngấn lệ, nói với em trai về điều mà ông đã cầu nguyện sẽ xảy ra, kể từ khi tòa tuyên án treo cổ ông năm 1980. "Tòa án quận cuối cùng cũng công nhận đơn kháng cáo vô tội của em", bà nói.
Vẫn không tin, Hakamada thốt lên: "Vụ án đã qua rồi. Hãy về nhà đi".
Sáng hôm đó, Tòa án quận Shizuoka lệnh xét xử lại Hakamada, sau đơn kháng cáo thứ hai của ông. Tòa án kết luận các kết quả thử ADN mới cho thấy việc kết án ông có thể đã dựa trên bằng chứng sai lầm. Quyết định này đồng nghĩa với việc cuối cùng ông cũng được thả, sau gần 48 năm kể từ lúc ông bị bắt.
Ông Hakamada được phép gói ghém đồ đạc tư trang và gặp chị tại phòng tiếp đón tại trại giam. Khi ông xuất hiện trong phòng, bà Hideko chạy tới chỗ ông, gọi tên ông. "Mừng em về nhà", bà nói với giọng run rẩy, và vỗ nhẹ vào vai ông. Ông Hakamada chỉ gật đầu.
Trong chiếc áo ngắn tay màu vàng, ông rời Nhà giam Tokyo vào khoảng 17h20. Ông đi thẳng đến chiếc xe đang chờ, bất chấp hàng chục nhà báo đợi sẵn để chụp ảnh và phỏng vấn. Ông đã tăng cân khi ở tù và mái tóc thưa đi.
Video: Ông Hakamada ra tù
Ông Hakamada bị buộc tội giết hại giám đốc một công ty chế biến tương, vợ, con trai và con gái ông này năm 1966. Thi thể của họ được phát hiện trong đống đổ nát, sau khi nhà họ bị lửa thiêu rụi sáng sớm 30/6 năm đó.
Hakamada làm việc tại nhà máy của công ty vào thời điểm đó. Ông bị bắt hồi tháng 8 và truy tố dựa trên bản cung mà các công tố viên khẳng định là do ông đưa ra.
Một cựu giáo viên 69 tuổi tại thành phố Shimizu, tỉnh Shizuoka, còn nhớ rõ về những thiếu niên, con của giám đốc, vào đêm trước khi thi thể của các em được tìm thấy. Ông này đang làm gia sư cho cậu bé 14 tuổi trong phòng của cậu. Tại phòng bên cạnh, một gia sư khác đang dạy riêng cho người chị 17 tuổi của cậu. Cô gái cảm thấy hào hứng vì ba ngày nữa sẽ được dự buổi hòa nhạc của nhóm The Beatles ở Tokyo.
Nhà giáo này biết về vụ giết người vào ngày hôm sau. Khi Hakamada bị bắt, ông thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ông cũng nhớ ông từng bối rối trước tuyên bố của các nhà điều tra hơn một năm sau vụ giết người, rằng 5 miếng vải dính máu được phát hiện trong bể miso tại nhà máy. Các công tố viên tranh luận trong phiên xử rằng ông Hakamada đã mặc những miếng đồ này khi giết gia đình giám đốc. Tuy nhiên nhà giáo thắc mắc vì sao những nhà điều tra đã không mở một cuộc tìm kiếm toàn diện ngay từ đầu.
"Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đổ tội sai trái cho con người này?", người đàn ông nói. "Tôi muốn biết sự thật, thực sự ai đã phạm tội giết người".
Ông Iwao Hakamada rời một khách sạn ở Tokyo cùng chị gái Hideko hôm 28/3. Ảnh:AsahiShimbun
Một quan chức cấp cao trong cơ quan cảnh sát tỉnh Shizuoka , người từng tham giam đội điều tra vụ việc, đã kịch liệt bác bỏ ý kiến cho rằng cảnh sát ngụy tạo chứng cứ. "Không thể có chuyện ngụy tạo chứng cứ. Không thể có chuyện xét xử lại. Tôi tin rằng Hakamada là thủ phạm", ông từng nói. Quan chức cảnh sát này đã qua đời.
Trong quá trình xét xử cách đây hơn 45 năm, tòa án quận chỉ chấp nhận một trong số 45 lời khai văn bản của ông Hakamada do các công tố viên trình lên. Họ cho biết những lời khai khác bị thu thập một cách bất hợp pháp và do cưỡng ép. Hakamada vẫn khẳng định ông vô tội trong toàn bộ phiên xử.
Tòa cũng chỉ trích mạnh mẽ các công tố viên vì đã thẩm vấn ông trung bình 12 giờ mỗi ngày nhằm ép cung. Tòa cũng nhận thấy họ có lỗi khi không tiến hành lục soát toàn diện để tìm những vật chứng khác. Tuy nhiên tòa án vẫn cho rằng ông Hakamada có tội và kết án tử hình ông hồi tháng 9/1968.
Vào tháng 5/1982, sau khi án tử hình ông được tuyên, ông từng mô tả về cảm xúc trong thư gửi chị gái. "Em không sợ chính án tử hình, mà cảm thấy nỗi sợ to lớn trước cảm giác sợ hãi", ông viết.
Hideyo Ogawa, một luật sư đi cùng ông Hakamada lên xe tới Tokyo hôm 27/3, cho biết ông bị say xe vì nhìn ra ngoài cửa sổ và phải ra khỏi xe khi tới gần quận Marunouchi để duỗi chân. "Giờ tôi có thể nói rằng ông đã được trả tự do", Ogawa nói với ông Hakamada. Đáp lại, người tử tù lần đầu tiên nói "Cám ơn".
Yoshiyuki Todate, một luật sư thuộc đội bào chữa, cho biết ông và những người khác sẽ giúp thân chủ của họ thích ứng với hoàn cảnh mới. "Ông ấy đã xoay sở để duy trì được sự thanh tĩnh trong tư tưởng giữa lúc tuyệt vọng. Chúng tôi hy vọng sẽ đảm bảo được rằng ông sẽ có thể dần dần trở lại với xã hội", ông nói.
Theo VNE
Nhật: Tử tù được tự do sau 48 năm chờ thi hành án Với 48 năm ngồi tù, ông Hakamada là tử tù chờ thi hành án lâu nhất thế giới. Ngày 27/3, người tử tù chờ thi hành án lâu nhất thế giới đã được thả tự do sau 48 năm ngồi sau song sắt để chờ chết vì bị cáo buộc sát hại nhiều người vào năm 1966, sau khi có nhiều bằng chứng...