Người tự tin không sợ mất gì cả!
Đối với Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng – Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), ghen là một trạng thái cần bị “xóa sổ” khỏi đời sống hôn nhân và những mối quan hệ khác trong xã hội. Kể cả khi “ghen” được đặt cạnh mỹ từ “văn hóa” thì khái niệm “văn hóa ghen” này cũng yếm thế, không đáng cổ xúy. Vì sao? Cuộc trao đổi của Giáo sư Trần Ngọc Thêm với phóng viên báo Phụ Nữ sẽ mổ xẻ chữ ghen “lợi bất cập hại” này.
* Phóng viên: Ghen đồng hành với cặp đôi từ khi chớm yêu, ghen cùng trèo lên xe hoa, ghen lấp ló khi vợ chồng giận hờn, to tiếng, ghen đẩy hai người ra tòa ly hôn, ghen rình rập cuộc sống của người cũ… Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ghen đã là một phần của hôn nhân và lắm trường hợp còn “thọ” hơn hôn nhân. Ghen có lợi ích hay thiên chức nào chăng mà hiện diện thường trực như thế, thưa giáo sư?
- Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Trong mỗi cuộc tình hay cuộc hôn nhân, người ta vô tình hay cố ý đánh tráo giữa yêu thương và sở hữu. Hạnh phúc thôi thúc bởi yêu thương, mà khi yêu thương thì người ta trao tặng. Còn ghen được thôi thúc bởi sở hữu. Khi sở hữu thì sẽ có cảm giác lo lắng, bất an, sợ mất những gì mình đang có; nó biểu hiện thành thái độ, hành động bực bội, kiểm soát, kết tội, đánh ghen hoặc nếu là người hướng nội thì có xu hướng co cụm, khép kín, xa lánh người khác.
Tất cả những điều đó dần rút đi năng lượng sống của chủ thể ghen, làm già cỗi, tiều tụy, mụ mẫm đi. Vì sợ mất mà ghen, rồi sa sút thì lắm khi mất thật. Khi nghi ngờ có kẻ thứ ba, nhiều người đã cố kéo bạn đời lại bằng ghen – cách kém nhất trong tất cả các cách. Ghen không được lợi gì cả, nhiều người thừa biết hậu quả của nó nhưng vẫn không vượt qua được chính mình. Họ ghen vì quá yêu bản thân. Có người cho rằng ghen là vị ngọt của tình yêu, làm cho quan hệ giữa hai người thắt chặt hơn, đậm đà hơn.
Điều này có thể tạm chấp nhận với ghen thoáng qua; nhưng cần nhớ rằng để tạo vị ngọt tình yêu, làm cho đậm đà, thắt chặt quan hệ thì không nhất thiết phải bằng cách ghen. Người ta lại nói “vì quá yêu nên ghen”, vậy giá trị của mình được biểu hiện thông qua việc được ghen hay được yêu thì tốt hơn?
* Khi hôn nhân “có biến”, người trong cuộc phải ghen kiểu nào, mức độ nào để bảo toàn “sở hữu chính đáng” của mình?
- Ghen không bao giờ là giải pháp. Vì thế, mấu chốt vấn đề không phải là ở chỗ ghen kiểu nào; tần suất, mức độ ghen nên ra sao, mà là ở chỗ bạn có tự tin hay không. Người tự tin thì sẽ hiểu đúng giá trị bản thân, không tự ti cũng chẳng ảo tưởng, huyễn hoặc về mình. Người tự tin không sợ mất gì hết, nhờ thế họ không bao giờ bị mất.
Có chăng là do họ tự rời bỏ vì cảm thấy người kia không xứng đáng với tình cảm của mình. Những người vợ bao dung, chấp nhận “chùi mép” cho chồng thì không phải vì họ tiếc nuối cuộc hôn nhân hay họ quá yếu đuối mà vì họ tự tin mình là bến đỗ của chồng (coi sự dan díu kia chỉ là thoáng qua); đồng thời nghĩ chồng chưa đến nỗi tệ; việc tiếp tục cuộc hôn nhân vẫn lợi cho mình, cho các con, tốt mọi nhẽ.
Video đang HOT
Có những bà vợ tự hào cho rằng chồng mình có tài giỏi, phong độ thì mới được các cô để ý và khẳng định “chồng tôi ở nhà là chồng của tôi, còn khi ra ngoài là người của xã hội” – đây là những người hiểu được vị thế của mình cũng như tự tin trong tương quan với chồng, nghe thế người chồng sẽ càng cảm kích và lại càng giữ mình hơn.
* Đàn ông thường mê “của lạ”, người vợ lại được khuyến cáo không nên ghen, phải chăng trong thời hiện đại, lòng chung thủy không cần nữa?
- Lòng chung thủy có ý nghĩa khác nhau với mỗi người, mỗi giới. Có người nhìn nhận ngoại tình là một sự phản bội, có người chỉ xem nó là đi quá giới hạn. Cùng là quan hệ xác thịt khi ngoại tình, phụ nữ trao cả trái tim cho người thứ ba còn đàn ông thì chưa hẳn. Dù người đàn ông có đi đâu, làm gì thì vẫn dành tình cảm, sự quan tâm cho gia đình và vẫn muốn quay về.
Lòng chung thủy luôn cần được gìn giữ nhưng đôi lúc vẫn nên chấp nhận chuyện ngoài chồng ngoài vợ của bạn đời vì cuộc sống có nhiều thứ lôi cuốn mà không phải lúc nào ta cũng đủ bản lĩnh để vượt qua, miễn là đừng thái quá, đừng đến mức thành “máu trăng hoa”.
Đàn ông mê “của lạ”, đàn ông kém chung thủy hơn phụ nữ, hẳn thế. Đàn ông bị chi phối bởi văn hóa dương tính nhiều hơn, còn phụ nữ bị chi phối bởi văn hóa âm tính nhiều hơn. Âm tính thiên về hướng nội, thụ động, phụ thuộc, coi trọng thế giới tinh thần, luôn hoài cổ, luôn muốn ổn định…; còn dương tính thiên về hướng ngoại, muốn phát triển, muốn thay đổi, nhìn về tương lai… Âm tính khiến người ta hy sinh, chấp nhận, coi trọng quá khứ và hiện tại; còn dương tính lại tìm mọi cách để đạt đến cái tốt nhất, coi trọng tương lai.
Bởi thế, ở đàn ông và phụ nữ đều có khát vọng vị ngọt tình yêu ngang nhau cũng như thất vọng về hôn nhân ngang nhau, nhưng phụ nữ không dễ dàng kết thúc một gia đình như đàn ông (lẽ khác, phụ nữ thường gắn bó với con cái và vì con hơn). Sự đau khổ, thiệt thòi không phải do ta là đàn ông hay phụ nữ mà do ta âm tính hay dương tính. Người phương Tây dương tính hơn nên đứng trước tình trạng rất xấu là ly hôn, người ta vẫn có thể tươi tỉnh, nhẹ nhàng, lạc quan, yêu đời.
Ngay cả khi còn thương, họ cũng không miễn cưỡng. Thay vì ghen tuông, níu kéo thì họ dành tình yêu đó cho con cái, dành năng lượng đó cho công việc, đam mê, giúp ích xã hội. Còn ở ta, khi biết trái tim bạn đời chuyển hướng, người trong cuộc, nhất là người phụ nữ thường sinh ra buồn khổ, trầm cảm, không cam tâm, “tôi có lỗi gì đâu mà phải thế”, thấy tương lai mịt mờ, u ám, cảm giác như “bị thải giữa dòng”, không còn sức sống…
* Thưa giáo sư, “dương tính” hơn thì vợ chồng giảm sức chịu đựng nhau, có đưa đến nguy cơ tỷ lệ ly hôn tăng cao nữa không?
- Đã đến lúc người Việt Nam cần thay đổi nhận thức xã hội về triết lý gia đình. Người Việt ngày xưa âm tính hơn, giỏi chịu đựng, ít ly hôn, chưa hẳn đã là hạnh phúc. Ngày nay dương tính hơn, thấy không sống được với nhau thì ly hôn… Điều làm nên giá trị hay phi gia tri không phải là bạn giữ hôn nhân được bao nhiêu năm hay bạn đã ly hôn mấy lần, mà là chất lượng sống trong mỗi cuộc hôn nhân của bạn cao hay thấp – chính chất lượng sống là tiêu chí cơ bản để đánh giá cái mà ta vẫn gọi là hạnh phúc.
Hạnh phúc có được là nhờ cách biết hòa hợp, biết sống chung chứ không phải nhờ ghen giỏi, ghen khéo hay biết chịu đựng, nhịn nhục. Vợ chồng nên học để nhận thức được đặc điểm giới của mình, của “nửa kia”, từ đó mà tôn trọng nhau, kết hợp và thích nghi với nhau. Học để tăng cường khả năng tư duy phân tích, sẽ rất có lợi cho cuộc sống lứa đôi: từ việc chọn người phối ngẫu, chồng nên lớn hơn vợ khoảng 5 -13 tuổi sẽ thuận lợi nhiều mặt (trong đó yếu tố rất quan trọng là tương hợp về sinh lý) đến nghệ thuật giữ lửa, làm cho mình luôn đẹp, hấp dẫn trong mắt bạn đời nhưng vẫn sống thoải mái, chân thật với tất cả sự thể hiện của con người.
Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn gửi một điều, đặc biệt là với phụ nữ rằng đừng thiển cận, thiếu tầm nhìn, nhưng cũng đừng quá tham, cái gì cũng muốn (lại cũng là biểu hiện của âm tính). Nếu thiển cận, thiếu tầm nhìn mà dành hết thời gian cho công việc xã hội, bê trễ việc nhà, chủ quan trong vai trò làm vợ thì trách sao chồng chẳng nhìn nghiêng ngó dọc, hạnh phúc gia đình chẳng bị đe dọa?
Nếu tham lam, cái gì cũng muốn, đầu tư thì có hạn mà lại hy vọng thu lại được kết quả mỹ mãn về mọi mặt thì tránh sao khỏi sẽ có lúc thất vọng tràn trề? Cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn, chấp nhận lựa chọn theo hướng nào thì cũng cần phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận những điều không như ý. Được cái nọ thì phải mất cái kia. Không có gì hoàn mỹ cả.
Nhưng dù hạnh phúc hay không, như ý hay không, mỗi người nên luôn nhớ rằng hôn nhân do hai người làm nên, nhưng gia đình không chỉ có hai người. Đừng để mình bị trói buộc đến hy sinh cá nhân, nhưng cũng đừng ích kỷ chỉ biết đến bản thân mà làm tổn thương người khác…
Theo Baophunu
Ghê sợ bản thân vì quá ư dễ dãi
Trong lúc say xỉn em đã trải qua chuyện "tình một đêm" với một người đàn ông mới quen.
Em năm nay 27, là dân kinh doanh nên em tiếp xúc với khách hàng rất nhiều, hầu hết là nam giới. Em không phải là người có quan điểm sống thoáng. Ngược lại em lại ít khi tâm sự với ai và tất nhiên không có suy nghĩ dễ dãi về tình dục.
Trước đây, em đã từng yêu đơn phương một người trong suốt 3 năm. Vất vả lắm mới quên được anh nhưng cũng từ đó em không dám yêu, luôn lo sợ, nghi ngờ tình yêu và không cho phép bản thân mình yêu thêm một người nào nữa.
Thế nhưng, dạo gần đây em thực sự "có vấn đề". Công việc đòi hỏi em phải đi công tác thường xuyên. Qua đó, em có gặp một người đàn ông hơn mình khá nhiều tuổi, anh đã có gia đình.
Sau một thời gian làm việc cùng, anh ta nói yêu em thật lòng. Em cũng cảm nhận được tình yêu anh dành cho em. Rồi "chuyện ấy" xảy ra với chúng em. Em không hiểu nổi mình vì sao như thế nữa.
Về Hà Nội, em hạn chế liên lạc và nói chấm dứt mối quan hệ này ở đây. Em buồn chán bản thân mình, chán ghét cả anh ta.
Rồi sau đó, em có quen với một người đàn ông khác. Anh này còn khá trẻ và có công việc tốt.
Một lần, em đã chủ động hẹn gặp anh để nói chuyện công việc. Thật xui xẻo hôm đó chúng em lại gặp đồng nghiệp của anh đang nhậu nhẹt nên em buộc lòng phải uống khá nhiều rượu.
Chuyện gì đến cũng đến, trong lúc say xỉn em đã trải qua chuyện "tình một đêm" với một người đàn ông mới quen. Sau lần đó, anh có gọi điện hỏi thăm nhưng em lạnh nhạt, không muốn liên lạc.
Em thực sự không biết phải làm gì vào lúc này? Liệu có phải do tính chất công việc mà em sa ngã như thế không? Em ghê sợ bản thân bởi mình quá dễ dãi với người đàn ông khác?
Theo VNE
Giấu chồng qua lại với bạn trai cũ Năm nay mình 24 tuổi, quê ở huyện, đã kết hôn 2 năm, chồng hơn mình 2 tuổi, chúng mình là bạn từ năm học lớp 8. 4 năm trước quen nhau, sau 2 năm đi đến hôn nhân. Gia đình mình khá hơn gia đình anh, bởi vậy khi đám cưới xong hai đứa ở nhà mẹ mình. Thu nhập của mình...