Người tù oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn dựng nhà 2 tầng đón Tết
10 năm ngồi tù oan, 2 năm vất vả đi đòi tiền bồi thường, năm 2016 là cái Tết đầu tiên sau 3 năm tự do, ông Nguyễn Thanh Chấn quyết định dựng ngôi nhà 2 tầng, sửa sang nhà cửa, hưởng cái Tết thực sự.
Sáng 28 Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mới tụ họp để cùng nhau gói bánh chưng đón năm mới.
Các thành viên trong gia đình cho biết ở vùng quê này, cận thời khắc giao thừa, người dân mới chuẩn bị Tết.
“Năm nào cũng thế cả, người thì buôn bán làm ăn xa, người ở nhà cũng gác công việc ruộng đồng, phải đến 28 âm lịch mới thực sự có không khí Tết” – bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) chia sẻ.
Nhìn các thành viên trong gia đình vui vẻ, sum vầy bên nhau, ông Chấn phấn khởi cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên cả nhà được đoàn tụ sau 3 năm tôi chính thức thoát khỏi vòng lao lý, con gái thứ hai đi làm xa nhà nhất cũng về ăn Tết. Tôi rất vui!”.
Ngôi nhà 2 tầng đang trong quá trình hoàn thiện.
Nhìn về căn nhà hai tầng khang trang đang trong quá trình hoàn thiện, ông Chấn cười và nói: “Sau khi nhận được số tiền bồi thường, gia đình để một phần trả nợ. Phần còn lại vừa làm mới căn nhà, vừa sửa sang xung quanh để có nơi ở ổn định, đón tiếp bạn bè”.
Video đang HOT
Căn nhà mới được xây lên cạnh nhà cũ, nơi vợ chồng ông từng gắn bó trước thời điểm bị kết án. Cạnh đó, xưởng máy xay lúa vẫn được ông Chấn giữ lại để xát gạo thuê cho người dân trong vùng.
Phút thảnh thơi của ông Chấn ngồi hút thuốc lào.
Người từng mang án oan chia sẻ người thân và hàng xóm khuyên ông nên bỏ nghề cũ để dành thời gian nghỉ ngơi. “Tuy nhiên, bây giờ mà bỏ cái máy đi thì cũng buồn lắm, không biết làm gì cho qua ngày cả. Những thứ này đã gắn bó với mình hàng chục năm nay, bán đi thì tiếc quá”.
Thành viên đặc biệt nhất trong gia đình người đàn ông 55 tuổi là chị Quyền, cô con gái thứ hai của vợ chồng ông Chấn.
Sáu năm sau khi ông Chấn bị kết án tội giết người (2003), Quyền bỏ lại lời đàm tiếu của người dân trong vùng, ra nước ngoài lao động. Quãng thời gian suốt sáu năm ở xứ người, Quyền giấu thân phận của mình, giấu chuyện của ông Chấn bởi sự mặc cảm.
Ông Chấn tự tay hoàn thiện nhiều đồ đạc trong gia đình.
Cô cho biết năm 2013, biết tin bố mình được minh oan, cô rất vui mừng. Lúc đó, Quyền mới cho bạn bè biết về gia đình. “Biết bố được tự do sau 10 năm ngồi tù oan, tôi rất muốn về nước ngay thời điểm đó nhưng không được như ý muốn” – cô nói.
Cuối năm 2015, cô gái sinh năm 1984 quyết định về nước, làm một công việc gần nhà để chăm sóc song thân. “Đó là để bù đắp lại quãng thời gian bố mẹ đã chịu vất vả, khổ cực lúc ông chưa được minh oan” – Quyền chia sẻ.
Ba năm sau ngày trở về với tư cách là người trắng án, ông Chấn cho biết sẽ cùng vợ con đi thăm họ hàng, bạn bè ở xa. Hiện nay, ông Chấn cùng vợ đã phấn chấn, mạnh khoẻ hơn nhiều so với khi mới ra tù.
Có ngôi nhà mới, tinh thần của cả nhà cũng đã vui hơn, khiến cái Tết gần hơn, rộn ràng hơn. Bao năm trong tù, ông có nằm mơ cũng không thấy cái tết như vậy. Với ông, từ nay trở đi, không có cách nào khác là ông sẽ sống thật tốt, thật vui vẻ và gắn bó với người vợ sống chết với mình.
Theo Hoàng Nguyễn (Người Lao Động)
Nhận 7,2 tỷ, ông Nguyễn Thanh Chấn tiếp tục đòi chiếc xe đạp cũ
Sau khi nhận đủ tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng, ông Nguyễn Thanh Chấn tiếp tục làm đơn đòi tài sản bị thu giữ của mình gồm 1 xe đạp Thống Nhất cũ, 1 đôi thùng nhựa đựng nước, 1 bộ quần áo cộc
Ông Nguyễn Thanh Chấn khởi động lại chiếc máy xát gạo tại nhà, đã để hơn 10 năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 21.10, ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Ngĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; người bị tù oan 10 năm) nói: "Tôi vẫn còn chưa hoàn hồn. Tôi đi chữa bệnh và đến nhà anh em ở xa nên không biết là đã nhận được tiền bồi thường vì chuyển vào tài khoản của bà Hải (bà Thân Thị Hải, người tham gia kêu oan cho ông Chấn - PV). Sau khi phóng viên gọi điện tôi mới biết".
Dù đã nhận được 7,2 tỷ đồng sau 10 năm tù oan với tội danh "Giết người", ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn có những yêu cầu về tài sản khi cho biết: "Chưa xong đâu, tôi còn đòi tài sản nữa. Cơ quan công an năm xưa đã tịch thu của tôi nên tôi cần đòi lại. Họ có hỏi định giá để tính luôn vào tiền bồi thường nhưng tôi không chịu".
Số tài sản ông Chấn yêu cầu được trả lại nguyên vẹn chứ không quy đổi ra tiền có: 1 xe đạp Thống Nhất cũ, 1 đôi thùng nhựa đựng nước, 1 bộ quần áo cộc... Trước câu hỏi: "Giờ ông có hơn 7 tỉ đồng rồi, tiếc gì chiếc xe đạp cũ nữa?", ông Chấn nói: "Không phải là chuyện tiền mà tôi muốn công bằng. Tôi muốn đòi những thứ của tôi. Còn đòi được thì nó cũng đâu còn sử dụng được nữa, chỉ muốn giữ lại làm kỷ niệm thôi!".
Ông Chấn cho biết thêm sở dĩ nhờ tài khoản của bà Hải để chuyển tiền vì ông không có tài khoản, mặt khác bà Hải cũng tỉnh táo, hiểu biết và gia đình ông tin tưởng. Đến nay, bà Hải đã bàn giao lại toàn bộ số tiền cho gia đình ông Chấn. "Số tiền này tôi vẫn gửi ngân hàng thôi, chưa sử dụng gì. Ngoài trả nợ một phần ra thì tôi cũng chưa có kế hoạch gì. Con cái thì vẫn ở đây, không phải chia cho ai" - ông Chấn nói.
Về chuyện tương lai, ông Chấn nói chưa có ý định làm gì cả. "Tôi mới xây cái công trình phụ, tiện thể sửa lại cái nhà bếp với tân trang lại nhà cửa thôi. Giờ lại nuôi gà, nuôi lợn. Mới xuất được một lứa được 17 triệu đồng. Tôi rất vui!" - ông Chấn tâm sự.
Vẫn chất phác như xưa, ông Chấn vẫn chưa quen với chiếc điện thoại di động, cũng không muốn sử dụng nhiều. Ông tập trung vào việc vườn tược, chăn nuôi và thấy vui với việc ấy. Chiều đến ông lại đi đón cháu học về, tận hưởng cảm giác được trở về với gia đình thân thuộc của mình.
Ông Chấn được bồi thường sau khi đã phải chịu án oan hơn 10 năm trong vụ án mạng xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần đưa tin về vụ án Nguyễn Thanh Chấn: Tối 15.8.2003, Lý Nguyễn Chung đến quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hoan cùng thôn để mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính bán hàng tạp hóa có một chiếc hộp đựng tiền nên Chung nảy sinh ý định giết chị Hoan. Chung đã dùng dao bấm để đâm và sát hại nạn nhân tới cùng rồi cướp tài sản và bỏ trốn vào Tây Nguyên.
Sau đó, ông Nguyễn Thanh Chấn, ở thôn Me, đã bị bắt giam, xét xử chung thân về tội giết nạn nhân Hoan, cướp tài sản và ngồi tù hơn 10 năm. Cho đến tháng 10.2013, Chung đã đầu thú thì ông Chấn mới được tha tù và được minh oan, xin lỗi công khai.
Tại buổi họp báo quý III/2015 vừa qua, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết hiện TAND Cấp cao tại Hà Nội đã trả 7,2 tỷ đồng bồi thường án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Theo Nguyễn Quyết (Người Lao Động)
Sự khác biệt giữa 2 phiên tòa xử ông Chấn và Lý Nguyễn Chung So sánh phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung (từ 21 đến 23.7) với phiên tòa xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn cách đây 11 năm, có thể thấy có nhiều điểm khác biệt. Cách đây 11 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phải ra tòa với cáo buộc là...