Người Trung Quốc thấp thỏm với sự trỗi dậy của Donald Trump
Những tuyên bố của Donald Trump về chính sách an ninh, thương mại với Trung Quốc khiến dư luận nước này nửa mừng nửa lo.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Ngày 4/5, tỷ phú Donald Trump đã trở thành ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa có thể tham gia tranh cử tổng thống Mỹ, khi cả hai đối thủ là Ted Cruz và John Kasich lần lượt rút lui khỏi cuộc đua, sau khi để thua ông trùm bất động sản tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang Indiana.
Với chiến thắng liên tiếp tại 5 bang vừa qua, đến nay Trump đã giành được 1053 phiếu đại biểu, và chỉ cần chưa đầy 200 phiếu nữa là đủ để được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên chính thức. Không những thế, tỷ phú này còn lập kỷ lục về ứng viên nhận được sự ủng hộ nhiều nhất của cử tri trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ. Đến nay, Trump đã giành được 10,4 triệu phiếu bầu, và rất có thể sẽ phá vỡ kỷ lục 10,8 triệu phiếu của cựu tổng thống George W. Bush, theo Diplomat.
Các học giả, chuyên gia, nhà phân tích quốc tế đã bắt đầu chú ý một cách nghiêm túc hơn tới “kẻ ngoại đạo chính trị” này trong cuộc đua vào một trong những chiếc ghế quyền lực nhất thế giới, và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Báo giới và người dân Trung Quốc đã bàn tán rất nhiều về Donald Trump, với những bài phân tích, bình luận về sự trỗi dậy của ông này cùng những nỗi thấp thỏm “nửa mừng nửa lo” của họ.
Các quan chức, nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích Trung Quốc không lạ gì với những tuyên bố “vùi dập Trung Quốc” của tỷ phú Trump. Ứng viên này đe dọa sẽ áp mức thuế tới 45% đối với hàng hóa Trung Quốc, và mới đây còn cáo buộc nước này “cưỡng bức” nước Mỹ bằng các hoạt động thương mại bất công. Trump cũng khẳng định rằng nếu trúng cử, ông sẽ buộc Trung Quốc phải ngừng các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Với những tuyên bố này, Trump đã đập tan niềm tin trong chính giới ở Bắc Kinh rằng tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ duy trì chính sách đối ngoại với Trung Quốc như hiện nay. Những lời đe dọa của Trump khiến Bắc Kinh cảm thấy quan hệ Mỹ – Trung sẽ có những thay đổi rất lớn trên các lĩnh vực chính như thương mại và an ninh.
Thương mại
Trong các bài phát biểu của mình, Trump luôn tin rằng việc áp hàng rào thuế quan ở mức cao đối với hàng hóa Trung Quốc có thể “đánh bại” nước này và giúp Mỹ vĩ đại trở lại. Trên website tranh cử của mình, Trump dành riêng một trang để nói về “cải cách thương mại Mỹ – Trung”, một trong 7 điểm chính của chính sách đối ngoại mà ứng viên này vạch ra.
Mục tiêu cuối cùng của Trump trong cuộc cải cách thương mại này là lấy lại hàng triệu việc làm mà ông coi là “bị Trung Quốc cướp đi từ Mỹ”. Ngoài ra, mức thuế quan mà ông dọa sẽ áp đặt với hàng hóa Trung Quốc sẽ là một tin xấu nữa đối với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Năm 2015, Trung Quốc vượt mặt Canada để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Suốt ba thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu các sản phẩm có chi phí thấp. Nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì mô hình này, họ sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề nếu Trump trở thành tổng thống Mỹ và biến lời đe dọa thuế quan của mình thành hiện thực.
Tuy nhiên, trong thực tế Trung Quốc đã bắt đầu từ bỏ mô hình xuất khẩu hàng hóa giá rẻ này. Chi phí nhân công nước này đang ngày càng tăng lên, bên cạnh đó là các nỗi lo về môi trường, buộc Trung Quốc phải chuyển hướng sang xuất khẩu các chuỗi cung ứng sản xuất tích hợp. Trong ba năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt chính sách công nghiệp để thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng đổi mới, hướng vào tiêu dùng hơn.
Bởi vậy, nếu ông Trump cầm quyền, chính sách “trừng phạt” Trung Quốc của ông có thể là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nước này đổi mới hơn nữa, hướng tới các chuỗi giá trị toàn cầu hơn là xuất khẩu hàng hóa giá rẻ tới Mỹ, điều mà Bắc Kinh rất mong muốn.
Video đang HOT
Các chính sách thương mại khác của ông Trump cũng có thể khiến người Trung Quốc khấp khởi mừng thầm. Trump cam kết sẽ rút khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Obama đề xướng như một công cụ để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Nếu Mỹ rút lui, TPP sẽ có khả năng sụp đổ, và Trung Quốc sẽ thoát khỏi tác động tiêu cực về kinh tế mà hiệp định này gây ra cho họ.
Số đại biểu mà các ứng viên đảng Cộng hòa và Dân chủ giành được sau cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Indiana. Đồ họa: Dailypakistan
Ngoài ra, Trump còn thường chỉ trích các công ty Mỹ vì bố trí các nhà máy, công xưởng ở nước ngoài, coi đây là một nguyên nhân khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp. Nếu Trump trở thành tổng thống, nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ có thể sẽ bị ép rời khỏi những thị trường mới nổi như Trung Quốc. Điều đó sẽ tạo ra khoảng trống thị trường rất lớn, tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc nhảy vào.
Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách thay thế các công ty công nghệ cao nước ngoài bằng những nhà cung cấp nội địa, và các chính sách của Trump có thể đẩy nhanh tiến trình này.
An ninh
Dù Trump tuyên bố rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ buộc Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, có vẻ như người Trung Quốc vẫn muốn đối phó với tỷ phú này hơn bà Hillary Clinton.
“Hillary là một luật sư, bà ấy muốn làm mọi thứ theo luật. Còn Trump là doanh nhân, có lẽ trong tương lai ông ta sẽ muốn thỏa hiệp với Trung Quốc về những vấn đề nhất định”, Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với NYTimes, Trump tỏ ra không mấy mặn mà với chiến lược “xoay trục châu Á” vốn được cựu ngoại trưởng Hillary Clinton khởi xướng.
Điều khiến giới quan sát ngạc nhiên là ông Trump không tỏ ra thích thú với Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, như với Trung Quốc. “Tôi rất thích Trung Quốc, tôi thích con người họ, và tôn trọng các lãnh đạo của họ”, ông nói. Thế nhưng khi khi bàn về Nhật Bản, ông phàn nàn “Bạn phải nhìn sự chênh lệch thương mại giữa Nhật và Mỹ, thật không thể tin nổi. Họ bán hàng hóa sang Mỹ, và chúng ta không có gì bán lại để so sánh. Đây là tình cảnh rất bất công”.
Trong khi Nhật Bản lên tiếng phản ứng về phát ngôn này, ông Trump lại tiếp tục gây sốc cho một đồng minh khác là Hàn Quốc, khi nói rằng không muốn bảo vệ an ninh cho nước này “miễn phí”. Trump tuyên bố ông muốn rút quân đội Mỹ khỏi châu Á với lời giải thích “chúng ta không thể tiếp tục làm như thế”.
Về vấn đề Biển Đông, Trump cũng tỏ ra không mấy quan tâm tới việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ để đối chọi lại những tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Thay vào đó, ông hướng vấn đề vào việc tái công nghiệp hóa nước Mỹ và cạnh tranh thương mại với Trung Quốc. Nếu Trump giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Á, Trung Quốc sẽ có thêm không gian địa chính trị để theo đuổi tham vọng chủ quyền của mình ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông, giới phân tích nhận định.
Chính sách đối ngoại của ông Trump rất khác so với bà Clinton. Ảnh: VOA
Tuy nhiên, chính sách an ninh của Trump không hẳn là không gây ra những rủi ro cho Trung Quốc. Nếu Trump rút sạch lính Mỹ khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, gánh nặng kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên sẽ dồn hết lên vai Trung Quốc, khiến nước này càng thêm đau đầu trước một đồng minh “bướng bỉnh”.
Ngoài ra, Trump còn tuyên bố rằng sẽ cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc vũ trang hạt nhân để tự bảo vệ mình. Việc hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là một cơn ác mộng thực sự đối với an ninh quốc gia Trung Quốc cũng như sự ổn định của khu vực.
“Dựa trên những gì Donald Trump đã nói đến nay, nếu ông ta trở thành tổng thống, tôi e rằng quan hệ Mỹ – Trung sẽ trải qua những biến động lớn”, Shi nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Tại sao ông Trump nói "Trung Quốc cưỡng hiếp nước Mỹ"?
Trong bài phát biểu vận động tranh cử hôm chủ nhật ở bang Indiana (Mỹ), tỉ phú Donald Trump đã so sánh việc nước Mỹ thụt lùi về giao thương so với Trung Quốc như việc bị "cưỡng hiếp".
Mặc dù bị nhiều người phản đối vì bạo miệng, ông Trump vẫn được nhiều cử tri tin tưởng sẽ thay đổi được các chính sách thương mại - Ảnh: Reuters
Theo CNN, ông Trump xưa nay liên tục cáo buộc Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá đồng tiền của mình để làm cho xuất khẩu của họ mang tính cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
"Đó là điều mà họ đang làm"
Ông tuyên bố rằng Trung Quốc đang "giết chết Mỹ" trên phương diện thương mại.
"Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc cưỡng hiếp đất nước chúng ta nữa. Đó là điều mà họ đang làm" - ông Trump mạnh miệng phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Fort Wayne, bang Indiana hôm 1-5 (giờ địa phương).0
Ý ông đang nói đến lượng xuất khẩu của Trung Quốc so với Mỹ. Bài phát biểu hôm 1-5 cũng là lần đầu tiên trong chiến dịch của mình ông Trump dùng từ "cưỡng hiếp" để nói về cách mà ông nhìn nhận việc Trung Quốc đang chiếm ưu thế về thương mại đối với Mỹ.
"Chúng ta sẽ xoay chuyển tình thế. Đừng quên rằng chúng ta đang nắm con át chủ bài trong tay. Chúng ta như một con heo đất bị cướp. Chúng ta có con át chủ bài. Chúng ta có rất nhiều quyền lực đối với Trung Quốc" - ông Trump bạo miệng phát biểu.
Vị ứng viên đang thắng thế trên đường chạy đua đến Nhà Trắng của bên Cộng hòa nói ông không "tức tối Trung Quốc" mà là bực các lãnh đạo Mỹ, những người mà ông cáo buộc là "hết sức kém cỏi".
Hồi năm 2011, khi ông đi thăm một nhà máy quốc phòng ở New Hampshire, ông cũng từng phát ngôn gây sốc: "Trung Quốc đang cưỡng hiếp đất nước này".
Phản ánh suy nghĩ của người dân Mỹ?
Phát ngôn trong cuộc vận động tranh cử liệu có đang phản ánh suy nghĩ của người dân Mỹ? Thực tế, như CNN cho biết, tầng lớp trung lưu ở Mỹ đang cực kỳ quan ngại về việc làm, đồng lương và tương lai của họ. Nhiều người đổ lỗi cho Trung Quốc.
Tại Mỹ, theo một thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew, 43% cử tri tin rằng giao thương với các nước khác là một điều tồi tệ. Giới quan sát cho rằng không khó để hiểu lý do của việc này.
Theo đó, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang bùng nổ trong khi giới trung lưu ở Mỹ đang trở nên trì trệ. Một gia đình điển hình ở Trung Quốc đang trong giai đoạn tận hưởng "sự diệu kỳ châu Á", với thu nhập tăng một cách kinh ngạc lên đến 70% từ năm 1988 đến 2008.
Trong khi giới trung lưu ở Mỹ và các nước phát triển đang chững lại. Theo nhà kinh tế Branko Milanovic - người nghiên cứu về lương bổng trên thế giới và cũng là tác giả cuốn Sự bất bình đẳng toàn cầu, thu nhập của họ chỉ tăng 4% trong cùng kỳ 20 năm kể trên.
Nói rõ hơn, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, một gia đình trung lưu ở Trung Quốc vẫn chỉ kiếm được khoảng 8.000 USD/năm, thấp hơn nhiều so với thu nhập 54.000 USD/năm của một hộ điển hình ở Mỹ. Tuy nhiên, như CNN cho biết, người Trung Quốc đang ngày càng giàu hơn với tỉ lệ tăng trưởng nhanh hơn.
Công ty tư vấn McKinsey dự đoán vào năm 2022, đa số tầng lớp trung lưu thành thị ở Trung Quốc sẽ kiếm từ 9.000 - 34.000 USD/năm. Họ sẽ tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn: đi ăn nhà hàng nhiều hơn, du lịch vòng quanh thế giới nhiều hơn và mua xe hơi mới.
Trong khi đó ở Mỹ, ngay cả những người có việc làm cũng lo lắng họ đang bên bờ vực của sự sụp đổ tài chính. Chi tiêu thì ngày càng tăng trong khi thu nhập vẫn không thay đổi là mấy.
Nhà kinh tế Milanovic nói không chỉ có người Trung Quốc đang tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tài khoản ngân hàng của tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước khác ở châu Á cũng phình to ra trong ba thập niên qua.
Ông Milanovic không thể chứng minh rằng thương mại và toàn cầu hóa đang khiến tầng lớp trung lưu ở châu Á tăng lên và tầng lớp trung lưu ở Mỹ chững lại, nhưng ông nói đó là "một câu chuyện hoàn toàn hợp lý".
Giới quan sát nhận định trong khi tầng lớp "hạ trung lưu" ở Mỹ đang chán nản, nhiều người kỳ vọng ở ứng cử viên Donald Trump, người hứa hẹn sẽ sửa lại "những chính sách thương mại thảm họa" của Mỹ và đem lại việc làm cho người Mỹ từ tay người Trung Quốc và Mexico.
Theo_NDH
Rơi trực thăng ở Trung Quốc, 2 người thiệt mạng Ngày 27-4, hai phi công người Trung Quốc đã được phát hiện tử vong, một ngày sau khi trực thăng của họ mất tích ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Được biết, máy bay này thuộc sở hữu của một công ty địa phương chuyên tổ chức các tour du lịch bằng trực thăng. Công ty...