Người Trung Quốc tại Nga đứng trước lựa chọn khó khăn vì dịch COVID-19
Trước làn sóng dịch bệnh ‘ nhập ngoại’ gia tăng đột biến tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã thắt chặt biện pháp kiểm dịch tại biên giới với Nga.
Điều này khiến nhiều người Trung Quốc đang sinh sống tại ‘ xứ sở bạch dương’ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc ở lại hay về nước.
Búp bê Matryoshka khổng lồ trên một con phố ở thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Khi virus SARS-CoV-2 lan rộng tại Nga, một nhóm khoảng 500 người Trung Quốc sống tại thành phố Khabarovsk nước Nga đã quyết định tự cách ly bên trong một khu nhà ở.
“Tất nhiên là chúng tôi rất muốn được về nước. Nhưng khi biên giới đóng cửa, tất cả các chuyến bay bị hủy, nhiều tin đồn về việc có người nhiễm bệnh trên hành trình trở về và vì công việc của mình, nên chúng tôi quyết định ở lại Nga để đảm bảo an toàn cho bản thân”, ông Liu Haijun, 50 tuổi, quê ở thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc, chia sẻ.
Không giống như ông Liu, nỗi lo sợ mắc bệnh COVID-19 đã khiến hàng nghìn người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Nga lựa chọn rời “xứ sở bạch dương” để trở về nhà. Điều này đã mang theo một làn sóng lây nhiễm mới vào Trung Quốc, buộc chính quyền nước này phải đóng cửa biên giới và đưa ra các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Ông Liu cho biết hầu hết người Trung Quốc tại Nga đều nhận thức sâu sắc được sự càn quét kinh hoàng của kẻ thù vô hình mang tên virus SARS-CoV-2 ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
“Nhưng một số người Nga không hiểu được điều đó. Họ vẫn đi khắp nơi không đeo khẩu trang, ôm hôn và chào hỏi nhau. Nếu một người bị nhiễm virus, nhiều người khác chắc chắn cũng sẽ bị lây bệnh”, ông Liu, người điều hành một công ty kinh doanh hàng may mặc tại Nga suốt 23 năm, chia sẻ.
Nhân viên đeo khẩu trang tại cảng Tuy Phân Hà, ở tỉnh Hắc Long Giang, biên giới với Nga. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ Nga đã phong tỏa phần lớn đất nước, yêu cầu người dân làm việc tại nhà từ hôm 1/4 và thực hiện quy định giãn cách xã hội tại các khu vực công cộng. Trong ngày 16/4, Nga đã ghi nhận thêm 3.448 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số các ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên gần 28.000 người.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng thắt chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở biên giới với Nga khi chứng kiến sự gia tăng số lượng ca nhiễm bệnh đến từ nước ngoài. Thành phố Tuy Phân Hà nằm ở khu vực biên giới Trung Quốc – Nga đã đóng cửa kênh kiểm tra hành khách nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 nhập ngoại. Chính quyền Thượng Hải cho biết trong tuần này, có 60 người từ chuyến bay của hãng hàng không Aeroflot từ Moscow (Nga) đến Trung Quốc bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại khu dân cư của người Trung Quốc tại Khabarovsk, ông Liu cho biết mọi người đã quyết định đóng cửa nơi sinh sống của mình và tự cách ly. “Chúng tôi đã tự đóng cửa các khu dân cư của mình và không muốn bất kỳ ai mang mầm bệnh vào trong”, ông nói.
Video đang HOT
Việc tự kiểm dịch tại đây cũng được thiết lập tương tự như ở thành phố Vũ Hán. Người dân sẽ mua nhu yếu phẩm tại một siêu thị nhỏ trong khu này. Họ nhận đơn đặt hàng và giao hàng tại cổng. Cư dân tại đây đều tuân theo mọi khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe như đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội.
Nhân viên kiểm dịch tại một sân bay ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, cô Wang Jingwen, hướng dẫn viên du lịch tại St. Petersburg được 2 năm, đã quyết định rời khỏi Nga vì công việc kinh doanh khó khăn và không tin tưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Nga có thể đối phó với việc bùng phát virus SARS-CoV-2.
Vào cuối tháng 3, cô đã bay từ St. Petersburg đến thành phố Novosibirsk, sau đó đến Vladivostok, nơi cô cùng với nhiều người Trung Quốc khác đi xe khách 3 tiếng để trở về Tuy Phân Hà. “Tôi thường xuyên đi công tác nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc khi được trở về quê hương”, cô chia sẻ.
Tại trạm kiểm soát Tuy Phân Hà, cô phải khai báo lịch sử đi lại và chi tiết về sức khỏe của mình. Sau đó, cô được lấy mẫu xét nghiệm virus, trải qua 14 ngày cách ly và báo cáo nhiệt độ hàng ngày. Sau khi vượt qua các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, cô đã được trở về nhà tại thành phố Thành Đô, phía Tây Nam Trung Quốc.
Còn những người Trung Quốc xa xứ khác như ông Liu, họ đứng trước lựa chọn khó khăn, rất muốn trở về quê hương nhưng công việc kinh doanh còn dang dở và lo sợ có thể mang mầm bệnh về đất nước. “Cha mẹ tôi già yếu. Nếu ai đó sẵn sàng mua lại công ty của tôi với giá một nửa, tôi sẽ bán trong tích tắc để trở về với gia đình”, ông nói.
Hải Vân
Liệu Indonesia có trở thành 'Italy của Đông Nam Á' trong đại dịch COVID-19?
Cho đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã vượt qua Philippines trở thành quốc gia có số ca nhiễm chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, với 5.923 người mắc bệnh.
Bức tranh đường phố tôn vinh các nhân viên y tế ở ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP
Tỷ lệ tử vong tại nước này cũng ở mức cao nhất châu Á, ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh chưa cứng rắn của chính phủ đang làm dấy lên lo ngại Indonesia có thể trở thành "Italy của Đông Nam Á" trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) này.
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), thủ đô Jakarta - khu vực chiếm đến 2/3 số ca mắc bệnh của cả nước - đang diễn ra tình trạng người trẻ tuổi vẫn cố tình tụ tập trên đường phố, tại các quán cà phê, nhà hàng, bất chấp yêu cầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo hôm 7/4.
Theo đó, Indonesia đã cấm các cuộc tụ họp trên 5 người, giới hạn số lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tạm dừng hoạt động tại nhiều địa điểm công cộng. Tuy nhiên, việc thiếu quyết liệt trong các biện pháp này đang đe dọa đến sự an toàn của người dân với nguy cơ xảy ra hậu quả thảm khốc.
Theo các nhà phân tích, tình hình dịch bệnh tại Indonesia lúc này giống như một bức tranh đau thương về những gì đã xảy ra ở Italy được phác lại - nơi mọi người vẫn tiếp xúc xã hội, tụ tập tại các quán cà phê, câu lạc bộ vào tháng 2 - khi virus SARS-CoV-2 đã âm thầm "càn quét" khu vực phía Bắc quốc gia châu Âu này.
Đến tháng 3, số người mắc bệnh tại Italy đã tăng nhanh đột biến. Tính đến ngày 17/4, nước này đã ghi nhận 168.941 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 với trên 22.000 người thiệt mạng. Con số này đưa Italy trở thành quốc gia có số người tử vong cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Các chuyên gia mô hình hóa dịch bệnh tại Indonesia đang cảnh báo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang đi theo con đường tương tự Italy, khi quốc gia này không nhanh chóng đưa ra các biện pháp cách ly những khu vực bị ảnh hưởng và hạn chế đi lại của người dân, thậm chí còn trở thành điểm bùng phát nguy hiểm hơn.
Công nhân đào mộ chuẩn bị chôn cất nạn nhân COVID-19 tại một nghĩa trang ở Jakarta. Ảnh: AFP
Ông Wiku Adisasmito, cố vấn chính phủ về vấn đề dịch COVID-19 cảnh báo hôm 16/4, virus SARS-CoV-2 có thể lây lan cho 95.000 người trong khoảng đầu tháng 5 đến tháng 6.
Một mô hình khác của Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia cũng cảnh báo rằng có thể có trên 140.000 người chết và 1.5 triệu trường hợp nhiễm virus trên khắp đất nước vào tháng 5, nếu chính phủ không hành động quyết liệt hơn.
"Indonesia có thể trở thành một Italy khác nếu chính phủ chỉ đưa ra các biện pháp phòng dịch ở mức nhẹ đến trung bình và không can thiệp quy mô lớn", chuyên gia thống kê sinh học Iwan Ariawan thuộc Đại học Indonesia, cho biết.
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều chuyên gia y tế ở cả Indonesia và Italy. Tính đến ngày 13/4, tại quốc gia Đông Nam Á, ít nhất 22 bác sĩ, 10 y tá và 6 nha sĩ đã qua đời vì dịch COVID-19. Trong khi đó, Itlay cũng ghi nhận trên 100 bác sĩ thiệt mạng vì nhiễm virus SARS-CoV-2.
"Thay vì sử dụng thuật ngữ 'Italy tiếp theo', tôi muốn dùng 'Indonesia có thể có nhiều trường hợp mắc COVID-19 hơn Italy'", Ông Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.
Ông Habib nhấn mạnh rằng Indonesia có dân số đông hơn nhiều so với quốc gia châu Âu, điều này khiến số lượng người nhiễm virus có thể sẽ cao hơn rất nhiều.
Tổng thống Joko Widodo tuyên bố nỗ lực giảm thiểu dịch bệnh sẽ do Lực lượng đặc trách COVID-19 điều hành. Ảnh: AFP
Các nhà khoa học Indonesia cũng cảnh báo số lượng người mắc bệnh thực tế tại Indonesia cao hơn gấp 10 lần số liệu được công bố vì tỷ lệ xét nghiệm tại quốc gia 270 triệu dân này rất thấp. Cho đến nay, mới có trên 36.000 người được xét nghiệm - chỉ chiếm 0,01% dân số. Chính phủ Indonesia cũng đang tăng cường xét nghiệm cho 10.000 người mỗi ngày.
"Chắc chắn số lượng người mắc COVID-19 còn cao hơn rất nhiều, 85% những người mắc COVID-19 không có triệu chứng và họ chưa được phát hiện bệnh với hệ thống xét nghiệm giới hạn hiện tại. Những người có triệu chứng hoặc có lịch sử tiếp xúc với người dương tính với virus SARS-CoV-2 mới được ưu tiên xét nghiệm", ông Iwan nói.
Ông Habib thuộc CSIS cho rằng nhiều người dân Indonesia không thực hiện giãn cách xã hội vì không có biện pháp trừng phạt nào đối với những người vi phạm quy định phòng dịch. Mọi người vẫn tụ tập cầu nguyện trong các nhà thờ. Điều này sẽ làm gia tăng số lượng người mắc bệnh như tại Hàn Quốc, nơi có nhiều người bị nhiễm virus từ các cuộc tụ họp tôn giáo.
Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại Rawa Buntu, Nam Tangerang, Indonesia ngày 8/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Mối quan tâm cấp bách nhất là sự lây lan nhanh chóng của các ca nhiễm bệnh từ các khu vực đô thị xung quanh thủ đô Jakarta - nơi sinh sống của 30 triệu người - ra các tỉnh khác của Indonesia. Chính quyền Tổng thống Widodo đã không ban bố lệnh cấm người dân di chuyển về các tỉnh, ông chỉ "yêu cầu người dân không nên di chuyển".
"Thách thức lớn nhất của giãn cách xã hội quy mô lớn đó chính là lễ 'mudik' - cuộc di cư khổng lồ từ Jarkata trở về quê hương vào cuối tháng Ramadan của người Hồi giáo. Hiện tại, chính phủ vẫn chưa đưa ra biện pháp giới hạn nào", ông Iwan cho biết.
Trước tình hình này, một số thống đốc tỉnh đã yêu cầu người dân ở lại Jakarta. Người đứng người đứng đầu Hiệp hội Giao thông Indonesia, ông Agus Taufik Mulyono, hôm 14/4 cho biết có trên 900.000 người đã quay trở lại các tỉnh và bày tỏ lo ngại họ có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
Người dân đông đúc tại một nhà ga đường sắt ở Bekasi, phía Tây Java hôm 15/4. Ảnh: AFP
Đại học Indonesia ước tính số người cần điều trị tại bệnh viện trên đảo Java sẽ gia tăng trên 1 triệu người vào 1/7 khi mọi người thực hiện lễ "mudik". Năm ngoái, khoảng 19,5 triệu người đã tham gia lễ mudik.
"Số người chết cũng sẽ tăng lên khi nước này phải phân bổ trang thiết bị đồng đều cho các bệnh viện để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng, chủ yếu ở Jakarta", ông Iwan nói.
Theo kịch bản tồi tệ nhất, dịch COVID-19 có thể đẩy 3,78 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói với khoảng 5,2 triệu người thất nghiệp. Với tình trạng này, Indonesia sẽ rơi vào tình trạng suy thoái, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati nhận định.
"Chính phủ nên đi trước một bước khi một số địa phương không hiện tại không có các bệnh viện được trang bị hiện đại và không có nguồn nhân lực dồi dào", ông Habib, nói.
Hải Vân
"Điểm nóng" mới của dịch Covid-19 ở Trung Quốc Tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc hiện đang trở thành "chiến trường" mới của nước này trong dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới virus trong ngày liên tục gia tăng, chủ yếu đến từ dòng người nhập cảnh. Trung Quốc đã ghi nhận 108 ca nhiễm mới trong ngày 12.4, mức tăng cao nhất kể từ ngày 5.3. Số ca nhiễm mới...