Người Trung Quốc phẫn nộ với khuyến cáo không về quê ăn Tết
Nhiều người Trung Quốc buồn và phẫn nộ khi chính quyền khuyến cáo không về quê vào dịp Tết năm nay để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Thông thường vào thời điểm này hàng năm, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ chen kín các đường cao tốc, tàu, máy bay để về quê đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên năm nay, cuộc di dân thường niên lớn nhất trên Trái đất bị trì hoãn theo lời kêu gọi của chính quyền Trung Quốc tránh những chuyến đi “không cần thiết” trong dịp Tết để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19.
Lời kêu gọi này gây nhiều nghi ngại. Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm với người Trung Quốc. Đây là dịp duy nhất để những người tha hương có thể gặp lại gia đình sau một năm xa cách. Những người để lại con ở quê lên thành phố kiếm sống có thể phải xa con thêm 12 tháng nếu không về đón Tết.
Một người đàn ông đi trên con đường làng ở quận Diêm Khánh, Bắc Kinh, hôm 5/2. Ảnh: AFP .
Nhằm khuyến khích mọi người hạn chế đi lại, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã áp đặt những quy định mới yêu cầu người từ thành phố về các vùng nông thôn phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 7 ngày và cách ly tại nhà 14 ngày. Một số chính quyền địa phương còn bổ sung các quy định riêng nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, ở một số nơi, người về quê phải cách ly 2 tuần trong khách sạn được chỉ định, thay vì chỉ cách ly tại nhà với gia đình.
Những hạn chế mới đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội, trong đó một số người bày tỏ không đồng tình với chính sách của chính quyền vào thời điểm người dân rất mong được về nhà.
“Tôi muốn hỏi, các ông đã suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra chính sách này chưa?”, một người viết trên Weibo.
“Điều kiện y tế ở các vùng nông thôn rộng lớn có cho phép mọi người xét nghiệm 7 ngày một lần không? Tập trung xét nghiệm có gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn không? Bên cạnh đó, chính quyền chỉ cho chúng tôi 7 ngày nghỉ, bây giờ còn yêu cầu người quay về cách ly 14 ngày. Các ông bị làm sao thế?”, người khác bày tỏ bức xúc.
Suốt nhiều tháng, truyền thông nhà nước liên tục ca ngợi thành công của Trung Quốc trong việc khống chế đại dịch, làm nổi bật sự trái ngược của các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả ở nước này với cách tiếp cận hỗn loạn của một số nước phương Tây.
Tuy nhiên, diễn biến Covid-19 năm nay gây ra những thách thức mới. Hồi tháng một, hơn 2.000 ca dương tính đã được phát hiện ở các tỉnh phía bắc Trung Quốc, đợt dịch nghiêm trọng nhất kể từ tháng 3/2020. Trước sự lây lan nhanh chóng của nCoV, Bắc Kinh cũng như người dân Trung Quốc thừa nhận cần phải hành động nhanh chóng, nhưng điều đó không có nghĩa là họ vui vẻ chấp nhận nó.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Tết Nguyên đán bị bao trùm bởi đại dịch đã khiến hơn 2 triệu người tử vong trên toàn cầu. Năm ngoái, ga tàu chính ở Bắc Kinh tràn ngập hành khách trước Tết, khi giới chức Trung Quốc vẫn chưa công bố nCoV có thể lây truyền từ người sang người, hay thừa nhận dịch đang lan rộng khỏi Vũ Hán.
Video đang HOT
Vũ Hán sau đó bị phong toả chỉ hai ngày trước Tết, nhưng hàng triệu người ở thành phố này đã kịp trở về quê trong những tuần trước đó, dẫn tới lây lan dịch bệnh. Sau Tết, nhiều người mắc kẹt ở quê do lệnh hạn chế đi lại.
Năm nay, sảnh đi của ga Bắc Kinh hầu như vắng vẻ trước Tết. Lời kêu gọi người dân ở nguyên tại các thành phố mà họ làm việc dường như đã phát huy hiệu quả. Trong ngày đầu tiên của đợt Xuân vận dài 40 ngày, bắt đầu từ 28/1, sân bay quốc tế Bắc Kinh giảm 86% lượng khách khởi hành so với cùng kỳ năm ngoái. Khắp cả nước, lượng khách đi máy bay trong ngày này giảm 71% so với năm ngoái, theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.
Sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải vắng vẻ ngày bắt đầy Xuân vận 28/1. Ảnh: Reuters .
Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính 1,15 tỷ chuyến đi sẽ diễn ra trong 40 ngày Xuân vận năm nay, giảm 60% so với năm 2019 và 22% so với năm ngoái. Nếu dự đoán này chính xác, đây sẽ là con số thấp nhất trong kỳ nghỉ Tết kể từ khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 2003.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra chiến dịch tuyên truyền mới, trong đó ca ngợi việc mọi người ở yên tại chỗ là hành động có trách nhiệm với đất nước.
“Mỗi người Trung Quốc đều có những ký ức về Tết. Nhưng Tết năm nay sẽ khác trước. Hàng chục nghìn người đã chọn ở lại đón Tết Nguyên đán. Họ ở lại là để có những cuộc đoàn tụ hạnh phúc hơn trong tương lai”, People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuần trước đăng bài viết.
Bài viết ngay sau đó đã tràn ngập những bình luận giận dữ. “Đừng cảm ơn họ. Tất cả họ đều muốn về nhà. Đó là sự thật”, một bình luận hàng đầu thu hút 4.400 lượt thích trong vòng chưa đầy 3 giờ.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, tất cả bình luận chỉ trích đã bị xóa. People’s Daily đăng một bài viết khác tương tự trên Weibo và cũng vấp phải phản ứng gay gắt.
“Các ông có thể cúi xuống lắng nghe tiếng nói của người dân được không? Tất cả chúng tôi đều biết không thể về nhà Tết này và cảm thấy rất buồn, nhưng các ông cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó. Ai muốn nghe lời cảm ơn của các ông?”, một người bình luận, nhưng sau đó cũng bị xoá.
Chính quyền trung ương có lệnh cấm di chuyển với những người có lịch sử đến hoặc đi từ các khu vực có nguy cơ cao. Những người ở các khu vực có nguy cơ trung bình cũng không được phép đi lại trừ khi họ được sự chấp thuận đặc biệt của cơ quan kiểm soát dịch bệnh địa phương và xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính được tiến hành trong vòng 72 giờ. Cư dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thấp được khuyến khích ở yên tại chỗ, nhưng không bị cấm đi lại.
Tuy nhiên, trên Weibo, mọi người cũng phàn nàn rằng chính quyền địa phương ở quê nhà của họ đã áp đặt các yêu cầu bổ sung đối với những người trở về quê, bất chấp lệnh của Bắc Kinh rằng chính quyền địa phương không nên đặt ra các yêu cầu quá mức.
“Tôi nghĩ chính sách này quá hà khắc”, Dan Di, sinh viên 21 tuổi ở thành phố Quảng Châu, nói.
Anh vừa kết thúc 21 ngày cách ly, hai tuần ở một khách sạn ở thành phố Chu Hải gần đó và một tuần ở Quảng Châu, sau khi trở về từ Hong Kong, nơi anh học ngành điện ảnh. Dan Di thấy mình may mắn vì đã có thời gian và tiền để cách ly và xét nghiệm. Nhưng anh nhấn mạnh rằng rất nhiều người trong số gần 300 triệu lao động nhập cư sẽ không có điều kiện như thế.
“Tết là dịp duy nhất và quan trọng nhất để họ về nhà, đoàn tụ cùng gia đình”, anh nói.
Khách hàng đeo khẩu trang ở một trung tâm thương mại tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, ngày 5/2. Ảnh: Xinhua .
Tuần trước, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn giới chức địa phương tăng cường chăm sóc 7 triệu trẻ em không thể gặp bố mẹ dịp Tết, hướng dẫn các phụ huynh gọi điện thoại và video cho con để “tâm tình”.
Giới chức các địa phương thậm chí còn đưa ra trợ cấp để khuyến khích người dân không về quê. Thành phố Hàng Châu cấp một khoản tiền mặt 1.000 tệ (155 USD) cho mỗi lao động nhập cư không về Tết. Các thành phố khác tặng phiếu mua sắm, giảm giá tiền thuê nhà và thậm chí cho họ tiêm vaccine Covid-19 sớm.
Tian Qimeng, người sở hữu một công ty tư vấn xây dựng ở thành phố Thiên Tân, cho biết công ty ông tặng 300 tệ (46 USD) tiền mặt cho các nhân viên không phải người địa phương ở lại không về quê.
“Tôi ban đầu muốn về quê nhưng cuối cùng quyết định thôi vì muốn làm gương cho mọi người”, ông nói.
Năm ngoái, ông Tian, 49 tuổi, cũng không về tỉnh Thiểm Tây do sợ Covid-19. Lần cuối cùng ông không về quê ăn Tết trong 2 năm liên tiếp là từ hơn 20 năm trước, khi mới tốt nghiệp đại học. Những năm sau đó, ông quá bận công việc và thường ăn Tết luôn ở công trường.
Tian nói ông “tôn trọng và hiểu” những biện pháp hạn chế đi lại. “Họ đều là chuyên gia y tế, nếu các bạn bảo tôi đưa ra chính sách, tôi cũng không thể có ý kiến nào tốt hơn. Vì thế tại sao không nghe lời họ? Đó là vì lợi ích tốt nhất cho mọi người”.
Những người khác cũng đồng tình với hướng dẫn của chính quyền. Vicky Wang, một nhân viên công ty Internet ở Thượng Hải, thường bay về với bố mẹ ở tỉnh Thiểm Tây một tuần trước Tết. Tuy nhiên, năm nay, cô gái 25 tuổi tích trữ nhiều món ăn vặt yêu thích, bánh gạo và chocolate, chuẩn bị trải qua kỳ nghỉ Tết một mình trong căn hộ cách xa gia đình 1.200 km.
Wang nói cô hiểu những đề xuất và lo lắng của chính quyền.
“Chúng ta phải giữ cho mình an toàn. Chúng ta phải cắt mọi khả năng lây nhiễm virus. Chúng ta phải hy sinh một chút vì mọi người để chúng ta được an toàn”, cô nói.
3 giám đốc "bắt tay" qua mặt hải quan
Để qua mặt hải quan, giám đốc các công ty đã cấu kết lập tờ khai khống để buôn lậu bóng đèn led.
Ngày 3/2, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Tạ Phong (sinh năm 1980, giám đốc công ty Gia Thịnh) mức án 12 năm tù, Phạm Đăng Khoa (sinh năm 1990, giám đốc công ty AZA) 5 năm 6 tháng tù và Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1987, giám đốc công ty BTQ) 3 năm tù treo cùng về tội buôn lậu.
Theo cáo trạng, công ty Gia Thịnh được thành lập vào năm 2009 hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, mua đồ điện gia dụng, đèn, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị điện.
Các bị cáo tại tòa.
Ngày 3/8/2017, công ty Gia Thịnh mở tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, TPHCM. Hàng hóa nhập khẩu khai báo là 13 danh mục đèn led có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với tổng số lượng là 22.075 cái, thuế nhập khẩu là 0%, trị giá lô hàng là 203 triệu đồng, hàng mới 100%.
Do nghi ngờ doanh nghiệp kê khai không đúng thực tế hàng nhập khẩu nên hải quan đã kiểm tra thực tế lô hàng. Kết quả xác định hàng hóa nhập khẩu không đúng số lượng khai báo; không đúng mã số hàng hóa. Tổng số hàng hóa vi phạm là 19.415 đèn led các loại, tổng trị giá 2,7 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định, thông qua bạn bè người Trung Quốc, Tạ Phong đã mua đèn led các loại và nhập khẩu theo 3 bộ tờ khai của công ty Gia Thịnh. Phạm Đăng Khoa là người được Tạ Phong thuê làm thủ tục nhập khẩu lô hàng. Tuy nhiên, Khoa không trực tiếp thực hiện mà Nguyễn Thị Thu Thủy làm thủ tục nhập khẩu và trực tiếp hoàn thiện bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu lô hàng.
Đối với vợ Phong có thời gian đứng tên công ty Gia Thịnh nhưng thực chất không điều hành hoạt động nên không có căn cứ xử lý.
Đối với người Trung Quốc, theo lời khai Tạ Phong khai là chủ hàng nhưng không có chứng cứ, tài liệu xác minh. Bản thân Phong không biết rõ nhân thân lai lịch nên không có căn cứ xử lý.
Số ca Covid-19 ở Trung Quốc cao nhất trong 10 tháng Trung Quốc ngày 14/1 ghi nhận 144 ca nhiễm nCoV mới, cao nhất kể từ tháng 3/2020 đến nay. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố con số này ngày 15/1, bao gồm 135 ca lây nhiễm cộng đồng, còn lại là ca nhiễm nhập cảnh. Trong số đó, 90 ca nhiễm cộng đồng ở tỉnh Hà Bắc, bao quanh...