Người Trung Quốc đổ xô du lịch dịp tuần lễ Vàng
Dù lượng người đi chơi giảm so với năm 2020 và chính phủ không khuyến khích, Thượng Hải, Thiểm Tây, Tân Cương… vẫn chật kín du khách.
Ngày thứ hai của “ tuần lễ Vàng” kỳ nghỉ thường niên kéo dài từ 1 đến 7/10 nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc, 8.000 người đã tới khu thắng cảnh núi Taibai, tỉnh Thiểm Tây. Số lượng du khách lớn này đã đạt công suất tối đa phục vụ của khu thắng cảnh, khiến việc bán vé phải ngừng từ 12h30 (giờ địa phương).
Sương mù dày đặc và gió mạnh, hàng nghìn người đã bị mắc kẹt trên đỉnh núi suốt hai tiếng để đợi đến lượt lên cáp treo xuống núi. Nguyên nhân của việc bị kẹt cứng là thời tiết bất lợi khiến cáp treo phải chạy chậm để đảm bảo an toàn. Đại diện khu thắng cảnh cho biết họ đã phát áo mưa, cung cấp trà nóng cho những người này.
Hơn 1,3 triệu du khách đã tới bến Thượng Hải, biểu tượng nổi tiếng của thành phố cùng tên để tham quan trong những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ. Điều này khiến cảnh sát địa phương phải ra quân đồng loạt để giữ trật tự, kiểm soát đám đông.
Tại Tân Cương, ít nhất 300 khách du lịch đã mắc kẹt 30 tiếng tại các trạm thu phí trên đường cao tốc tại khu tự trị Ili, trước khi họ được chính quyền yêu cầu quay trở lại các thị trấn gần đó, thay vì về nhà vào 6/10. Động thái này được cho là nhằm ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh, do Ili phát hiện có các ca nhiễm mới trong dịp Tuần lễ vàng.
Chiều 7/10, hàng trăm du khách mắc kẹt hàng giờ trên cao tốc để về nhà. Ngồi trên chuyến bay khởi hành từ sân bay Yining đến Bắc Kinh lúc 17h (giờ địa phương) cùng ngày, một nữ du khách cho biết: “Chúng tôi đã chúc mừng nhau”. Những du khách đến Ili bằng hình thức tự lái xe cũng đang trên đường trở về nhà, sau khi các tuyến đường cao tốc ở đây mở cửa lại vào cuối giờ chiều ngày 7/10. Hai ngày trước đó, các tuyến đường đã ngừng hoạt động để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm Covid-19. Hiện tại, những du khách muốn rời Tân Cương phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính được thực hiện trong 48 tiếng cũng như cam kết không ghé thăm các khu vực xuất hiện ca nhiễm mới.
Trước đó, ngành đường sắt quốc gia cũng công bố có khoảng 127 triệu chuyến đi trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này. Số lượng người đặt vé các chuyến đi được tính từ 28/9 đến 8/10. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, 1/10, lượng hành khách đi tàu đông nhất. Trong dịp này, đường sắt đã bổ sung thêm 100 chuyến tàu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
“Gã khổng lồ” trong giao dịch trực tuyến của Trung Quốc, China Union Pay cũng công bố 800 tỷ Nhân dân tệ được thực hiện giao dịch trong hai ngày đầu của kỳ nghỉ. SCMP đưa ra ước tính có khoảng 650 triệu chuyến đi được thực hiện trong dịp này. Doanh thu bán vé rạp chiếu phim trong 5 ngày đầu tiên là 3 tỷ tệ so với 2,7 tỷ tệ vào năm 2020, theo công ty bán vé Maoyan.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đứng trước những con số “khủng” trong tuần lễ du lịch vàng, SCMP vẫn chỉ ra rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch nội địa giảm 34,1% so với năm 2019 và 2,2% so với 2020. Bên cạnh đó, du khách ưu tiên chọn các chuyến du lịch gần nhà hơn để tránh lây nhiễm của Covid-19. Cũng chính vì lý do này mà chi tiêu của người dân cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Tam Á, một thành phố nằm ở tỉnh Hải Nam và được biết đến là khu nghỉ dưỡng hàng đầu của đất nước, một số khách sạn tăng giá phòng gấp đôi dịp Quốc khánh 2020. Nhưng năm nay, tình hình hoàn toàn khác.
Tuần lễ Vàng dịp quốc khánh là kỳ nghỉ quan trọng thứ hai của người dân Trung Quốc, sau dịp Tết nguyên đán. Thời điểm này, phần lớn người dân đi du lịch.
“Tỷ lệ đặt phòng tại khách sạn khoảng 80%. Chúng tôi đang gặp khó khăn so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lượng khách ổn định, chúng tôi cũng khó quay trở lại như thời trước đại dịch”, một nhân viên làm việc trong khách sạn sang trọng ở Tam Á nói. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại 9 cửa hàng miễn thuế trong tỉnh vẫn đạt doanh số cao, thu về 1,64 tỷ tệ từ ngày 1 đến 6/10, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt mục tiêu “Zero Covid”, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta xuất hiện từ cuối tháng 7. Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng đưa ra nhiều khuyến cáo về việc không nên đi du lịch, tập trung không cần thiết trong kỳ nghỉ lễ với lý do có thể tăng nguy cơ bùng phát dịch. Tờ Xinhua cũng chỉ ra rằng một số trường học ở Bắc Kinh không khuyến khích học sinh, giáo viên rời thủ đô để đi nghỉ.
Công trình 2000 tuổi sáng ngang Vạn Lý Trường Thành nhưng người Trung Quốc cũng ít biết tên, đó là gì?
Được coi là "Vạn Lý Trường Thành dưới lòng đất", tại sao người Trung Quốc cũng ít biết đến công trình này?
Khi nhắc đến những công trình vĩ đại của Trung Quốc mà người xưa để lại, thế giới thường có thể nghĩ ngay đến Vạn Lý Trường Thành do Tần Thủy Hoàng xây dựng, với tài lực và vật lực khổng lồ.
Tuy nhiên có một công trình có thể sánh ngang với Vạn Lý Trường Thành, nó đã tồn tại hơn 2000 năm và nuôi sống hàng nghìn người dân Trung Quốc,
Bên trong hệ thống kênh ngầm Karez
Hạn hán từ lâu đã là một vấn đề khiến người nông dân Tân Cương đau đầu. Vùng Tân Cương nằm trên một cao nguyên, Mặt Trời gay gắt khiến lượng nước bốc hơi vượt xa lượng mưa. Dù là mùa mưa, cây trồng ở Tân Cương rất khó phát triển xanh tốt.
Khí hậu khắc nghiệt đã biến Tân Cương trở thành vùng đất cằn cỗi do đó, người dân sống ở đây thường xuyên gặp nạn đói. Nhận thấy vấn đề bất cập ở đây, Hoàng đế Hán Vũ Đế (156 TCN - 87 TCN) đã lệnh xây dựng hệ thống dẫn nước ngầm Karez để hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Kênh đào xuyên núi Karez - Vạn Lý Trường Thành dưới lòng đất
Lợi dụng nước tan chảy vào mùa hè của những ngọn núi tuyết và các sông băng ở Tân Cương, những người thợ đã đào một đường kênh dẫn dưới chân những ngọn núi tuyết và liên kết những kênh dẫn này với các dòng sông băng để tạo nên hệ thống kênh ngầm Karez.
Khi nước chảy vào hệ thống kênh ngầm, người ta sẽ đào giếng sâu xuống dưới để lấy nước sử dụng. Kênh cũng được đào sâu dưới lòng đất nên tránh được nước bị bốc hơi vào mùa hè.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống kênh ngầm Karez
Sau khi Karez hoàn thành, vấn đề thiếu nước và hạn hán của nông dân ở Tân Cương đã được giải quyết, và cuộc sống của họ như bước sang một trang mới.
Qua thời gian, chiều dài kênh và số lượng giếng ngày càng tăng. Tính đến nay, chiều dài kênh đã gấp đôi chiều dài của Vạn Lý Trường Thành, tương đương 5.000 km, số lượng giếng được đào lên đến 1700 giếng.
Các giếng nước được đào sâu xuống dưới để lấy nước
Được xây dựng cùng thời với Vạn Lý Trường Thành nhưng vai trò của Karez là giúp phát triển nông nghiệp, không phải là điểm thu hút khách du lịch nên đến nay sự tồn tại của hệ thống kênh khổng lồ không được nhiều người biết đến, kể cả người Trung Quốc.
Nhờ có sự xuất hiện của đại công trình thủy lợi này mà vùng Turpan, Tân Cương đã trở thành một trong những nơi sản xuất nho xanh lớn nhất thế giới. Sản phẩm nho khô ở đây có vị ngọt đặc biệt nhờ được tưới nước mát từ trên núi chảy qua hệ thống đường hầm cổ đại.
Ngỡ ngàng khung cảnh tượng Phật từ thiên nhiên huyền diệu Khung cảnh thiên nhiên hoàn toàn không có sự can thiệp của con người nhưng lại mang hình dáng Phật ngủ sinh động như thật khiến người xem phải trầm trồ. Cứ vào trung tuần tháng 3 và tháng 9 hàng năm, trước và sau Xuân phân và Thu phân, vào chạng vạng tối khoảng 6 giờ, cùng với cảnh mặt trời đang...