Người Trung Quốc chê Trump – Biden ‘cãi nhau ỏm tỏi’
Người dùng mạng Trung Quốc phàn nàn cuộc tranh luận “quá ồn ào” còn giới học giả cho rằng hai ứng viên quá bận công kích nhau nên không làm rõ được chính sách.
Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đối đầu nhau trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên ở Ohio ngày 29/9. Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, nói rằng thật thất vọng khi thấy hai ứng viên dành quá nhiều thời gian để phỉ báng và cáo buộc lẫn nhau, trong khi Trump tỏ ra ít tôn trọng các quy tắc tranh luận.
“Không có nhiều màn đối đáp về Trung Quốc như chúng tôi tưởng, mặc dù cả hai ứng viên đều chọn tập trung vào Trung Quốc như vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu trong chiến dịch”, Gu nói.
Tổng thống Trump (trái) và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tại cuộc tranh luận ở Ohio ngày 29/9. Ảnh: Reuters.
Trong khi cả hai ứng viên đều chỉ trích Trung Quốc xử lý kém Covid-19 trong giai đoạn đầu, đặt ra nghi ngờ về số liệu thống kê Covid-19 của Bắc Kinh và các vấn đề thương mại, họ không đưa ra được lập luận có giá trị.
“Nhìn chung, cuộc tranh luận rất lộn xộn. Đây là một trong những cuộc tranh luận tổng thống tồi tệ nhất trong nhiều năm. Không có người chiến thắng, vì nó không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người trên thế giới về Mỹ, một trong những nền dân chủ phát triển nhất”.
Bắc Kinh đã đáp trả những lời chỉ trích từ Trump và Biden rằng Trung Quốc không nên được sử dụng như một “quả bóng chính trị”, được hai bên sử dụng để “đá qua đá lại” nhằm đạt được lợi ích cho mình. “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc những người ở phía Mỹ lợi dụng Trung Quốc cho chiến dịch tranh cử của họ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói. “Thực tế đã chứng minh những cáo buộc của Mỹ chống lại Trung Quốc là vô căn cứ”.
Các nhà quan sát khác cho rằng Trump đã quá đà khi cố gắng khiến Biden mất tinh thần bằng cách liên tục ngắt lời. Theo Huang Jing, chuyên gia về Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, trong khi Biden duy trì hình ảnh là một ứng viên thành thục và ổn định hơn, Trump cố gắng chiếm ưu thế bằng những phát ngôn khiêu khích để đánh phủ đầu mọi chỉ trích.
“Cả hai ứng viên đều muốn sử dụng Trung Quốc để tấn công đối thủ, điều này khiến họ không thể tập trung vào bất kỳ vấn đề cụ thể nào về Trung Quốc”, ông nói. “Họ liên tục cướp lời nhau và Trump dường như quá nóng lòng ghi điểm”.
Trump liên tục ngắt lời Biden trong cuộc tranh luận ở Ohio ngày 29/9. Video: CNN.
Tổng thống nhiều lần cố gắng lôi kéo Biden vào cuộc tranh luận về Trung Quốc bằng cách công kích cách cựu phó tổng thống đối phó với Bắc Kinh trước đây và công việc của con trai ông, Hunter, tại Trung Quốc. “Nhưng Biden đã chuẩn bị kỹ lưỡng và không rơi vào bẫy của Trump, người đang hy vọng hồi sinh chiến dịch tái tranh cử bằng cách cứng rắn với Trung Quốc và đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm của Barack Obama, khi Biden là phó tổng thống”, Huang nói.
An Gang, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc chuyên về Mỹ, đánh giá cuộc tranh luận ít khả năng tác động lớn đến kết quả bầu cử, vì hầu hết thăm dò sau tranh luận cho thấy Biden vẫn dẫn trước.
“ Không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc và các vấn đề chính sách đối ngoại khác không được nhắc đến quá nhiều trong tranh luận. Họ đã tập trung vào Covid-19, kinh tế, người nhập cư và các vấn đề trong nước khác”, An nói.
“Điều này phản ánh trung thực thực tế của các cuộc bầu cử Mỹ, các vấn đề ngoại giao hiếm khi chiếm nhiều mối quan tâm của cử tri Mỹ, mặc dù người Trung Quốc nghĩ rằng các chủ đề liên quan đến Trung Quốc sẽ nổi bật trong cuộc bầu cử 2020″.
Nhiều người Trung Quốc đã thảo luận về cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Hầu hết cho rằng hai ứng viên “cãi vã ỏm tỏi” thay vì thảo luận đúng mực.
Một người dùng Weibo mô tả cuộc tranh luận “ồn ào” và không đạt kỳ vọng. “Tôi sẽ cảm thấy rất thất vọng nếu tôi là người Mỹ”. “Đây có phải là văn minh kiểu Mỹ không?”, một người khác viết.
Trump và Biden “không làm gương cho người Mỹ về cách tham gia vào các cuộc tranh luận”, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập báo Trung Quốc Global Times, viết trên Twitter.
Ngôn ngữ cơ thể Trump - Biden trong cuộc 'so găng'
Ngôn ngữ cơ thể cho thấy Trump là bên chủ động tấn công trong khi Biden bình tĩnh, dễ gây thiện cảm hơn nhưng không thể hiện được hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ.
Để chuẩn bị cho cuộc tranh luận đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden, ban tổ chức đã tuân thủ các khuyến cáo y tế trong Covid-19, hạn chế quy mô khán giả trong trường quay và hạn chế tương tác giữa hai ứng viên. Hai ông không bắt tay khi bắt đầu cuộc tranh luận.
Dù vậy, vẫn có rất nhiều điều để các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể phân tích trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên tại Ohio ngày 29/9. Các chuyên gia đồng ý về một số điểm: Trump sử dụng các chiến thuật phi ngôn ngữ cổ điển để cố gắng trở thành người lấn át, sử dụng dáng người, âm lượng giọng nói và thậm chí cả trang phục để hiện lên là trên cơ đối thủ.
Trong khi Biden toát ra vẻ "mềm mỏng, dễ chịu" với khăn xếp cài trong túi áo vest, chiếc cà vạt sọc đậm và ghim áo hình cờ Mỹ của Trump khiến ông trông có vẻ "hung hăng hơn", chuyên gia Mark Bowden nói.
Tổng thống Trump (phải) và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tại cuộc tranh luận ở Ohio ngày 30/9. Ảnh: AFP.
Khi bắt đầu cuộc tranh luận, "Trump bước khá chậm đến bục phát biểu để cố gắng làm chủ cuộc chơi ngay từ giây phút đầu tiên, thể hiện ông ấy là người quyền lực nhất trong khán phòng", ông nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh Trump đã thực hiện chiến thuật quyết liệt trong suốt cuộc tranh luận. " Tức giận là cảm xúc có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất", Patti Wood, tác giả một cuốn sách về ngôn ngữ cơ thể, nói. "Và mọi người thấy Trump có vẻ tức giận vì ông ấy hùng hổ suốt cuộc tranh luận, cách ông ấy quay người sang nhìn Biden và liên tục ngắt lời đối thủ như thể ông ấy đang trong một trận chiến với Biden".
"Tôi đã phân tích các cuộc tranh luận trong hơn 20 năm, thật khó chịu khi xem cuộc tranh luận này", Wood nói, giải thích rằng những cử chỉ hung hăng "gây liên tưởng đến hành vi bắt nạt và chúng ta không quen nhìn thấy hành vi đó trong một cuộc tranh luận", bà nói.
Lillian Glass, chuyên gia tại Los Angeles, nói rằng xét về ngôn ngữ cơ thể, Trump là người chiến thắng rõ ràng. "Các chuyển động cơ thể của ông ấy phù hợp với cảm xúc và những gì ông ấy nói", bà đánh giá. "Ông ấy nghiêm túc khi cần thiết chứ không xem nhẹ vấn đề. Ông ấy thể hiện được mình là một lãnh đạo mạnh mẽ".
Trong khi đó, Biden "cười trừ khi bối rối và trông không tự tin về bản thân", sử dụng những cử chỉ đã được tập duyệt từ trước như chụm đầu ngón tay cái và các ngón tay vào nhau khi diễn tả ý. "Biden không thể hiện được mình là một lãnh đạo mạnh mẽ. Còn Trump, dù các có bạn nghĩ thế nào về ông ấy, thì về mặt ngôn ngữ cơ thể, ông ấy chắc chắn đã thể hiện được điều đó".
Trump liên tục ngắt lời Biden trong cuộc tranh luận ở Ohio ngày 30/9. Video: CNN.
Chris Ulrich, chuyên gia tại thủ đô Washington, cho biết cử chỉ của Trump cho thấy ông "là bên chủ động tấn công", trong khi ngôn ngữ cơ thể của Biden thể hiện phong thái bình tĩnh.
Wood bình luận rằng xét về độ đáng tin cậy và dễ mến, Biden đã đánh bại Tổng thống. "Ông ấy cười nhiều hơn, có cách trả lời nhẹ nhàng hơn và đã làm rất tốt khi nhìn thẳng vào máy quay, tiếp cận với công chúng", bà nói. "Ông ấy không đi quá ngoài tầm kiểm soát. Ông ấy công kích Trump nhưng không lên giọng".
Biden thường nhìn xuống bục phát biểu của mình khi Trump nói, điều này "có thể bị hiểu là nhẫn nhịn trước đòn công kích", bà nói. "Nhưng những người khác sẽ thấy đó là tự kiềm chế".
Biden còn cầm một cây bút - thủ thuật truyền thống để giữ thế kiểm soát trong cuộc tranh luận, Wood nói. Nó cho ông một "vũ khí" để đối chọi với Tổng thống, thể hiện mình bình tĩnh, tự chủ hơn Tổng thống thất thường và gay gắt.
Ulrich cũng đánh giá khoảnh khắc tỏa sáng của Biden là cựu phó tổng thống nhìn thẳng vào máy quay và nói chuyện trực tiếp với khán giả theo dõi qua truyền hình. "Ông ấy nhắc nhở bản thân rằng người dân Mỹ mới là những người ông ấy cần truyền đi thông điệp", Ulrich nói. "Bằng cách giao tiếp ánh mắt với máy quay, ông ấy truyền đi sức mạnh".
Tuy nhiên, Glass phản đối lập luận đó. "Việc Biden nhìn vào máy quay và cố lấy lòng khán giả là không phù hợp", bà nói. "Khi đang tranh luận, bạn nhìn vào đối thủ hoặc người điều hành. Vì vậy, cử chỉ đó của Biden có thể khiến nhiều người có ác cảm".
Giống như các chuyên gia, khán giả có thể có các cách diễn giải khác nhau với ngôn ngữ cơ thể của hai ứng viên. Bowden cho rằng hầu hết mọi người ở nhà có thể nghĩ: "Rốt cục thì dường như không ai thắng thế cả".
Ấn - Trung 'đấu khẩu' về đường phân định biên giới Trung Quốc chỉ trích việc Ấn Độ coi Ladakh là lãnh thổ liên bang, trong khi New Delhi bác tuyên bố của Bắc Kinh về Đường Kiểm soát Thực tế. "Trung Quốc không công nhận cái gọi là khu vực chính quyền trung ương Ladakh do Ấn Độ thành lập bất hợp pháp", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn...