Người trẻ Việt “nhìn thấy chính mình” vụ nam sinh nhảy cầu tự vẫn trước mặt mẹ: Chúng ta năm ấy đã suýt đi đến bước đường này
Vụ việc nam sinh nhảy cầu tự vẫn trước mặt mẹ khiến không chỉ người dân Trung Quốc mà tại Việt Nam, nhiều người trẻ nói đã đau xót, “không thở được” khi xem đoạn clip. “Không phải vì chúng ta nhìn thấy một sinh mạng xa lạ mất đi, mà là vì nhìn thấy chính chúng ta năm ấy đã suýt đi đến bước đường này”.
Sự việc đau lòng vừa xảy ra tối Thứ 4 (17/04) trên cầu Lupu, bắc qua sông Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc. Một cuộc cãi vã, một chiếc ô tô bất động giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi, một người mẹ đổ sụp xuống mép cầu trong nỗi đau đớn tuyệt vọng và một nam sinh mãi mãi ở lại tuổi 17.
Bị mẹ mắng, cậu con trai uất ức nhảy cầu tự vẫn ngay trước mặt mẹ.
Những diễn biến từ đoạn clip hiện trường cho thấy, chiếc ô tô trắng đã dừng lại giữa cầu. Người mẹ mở cửa và đứng ngay giữa cầu nhìn vào chiếc xe như nói gì đó với cậu con trai đang ngồi hàng ghế sau. Sau đó bà trở lên ghế lái, đóng cửa nhưng chiếc xe không dịch chuyển nữa. Ít phút sau, cậu thiếu niên mở cửa sau xe và ào chạy về phía lan can, gieo mình xuống cầu. Người mẹ đuổi theo ngay phía sau nhưng không kịp ngăn cản. Bà đã ngồi sụp xuống đất, ôm mặt khóc.
Cảnh sát cùng xe cứu thương sau đó đã có mặt tại hiện trường, xác nhận cậu thiếu niên đã thiệt mạng. Cậu 17 tuổi, đang là nam sinh năm thứ 2 trường trung học (tương đương lớp 11 ở Việt Nam).
Đoạn clip sau đó nhanh chóng lan truyền khắp MXH. Ngay tại Việt Nam, đoạn clip này cũng được cư dân mạng chia sẻ mạnh mẽ, đồng thời thể hiện sự xót xa với sự việc đau lòng. Không đơn thuần là sự cảm thương trước một sinh mạng xa lạ vừa vụt mất, với nhiều người, nó còn là nỗi khắc khoải, đau đáu trong thâm tâm. Bởi theo những người trẻ, trong một khoảnh khắc nào đó, họ đã từng suýt có cây cầu Lupu cho riêng mình.
Khoảnh khắc nam sinh nhảy qua thành cầu quyên sinh khiến nhiều người ám ảnh.
Những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái có nguyên nhân sâu xa từ việc không hiểu được nhau. Tất nhiên rồi, một khoảng cách dài về tuổi tác sẽ dẫn tới những khác biệt giữa các thế hệ. Nếu cha mẹ không chịu lắng nghe, dung hòa nhưng khác biệt ấy thì vô hình chung, chính họ đã đẩy con mình vào trạng thái tinh thần u uất. Điều này hoàn toàn có thể dẫn tới những hành động bồng bột.
Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn
Rất nhiều người đặc biệt là người trẻ đều cho biết “Cảm thấy chính mình trong bóng dáng của cậu bé, dù có thể chưa tuyệt vọng như thế này thôi”.
Facebook K.T viết: “Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ 17 tuổi chỉ như cái miệng giếng, nhưng với đứa trẻ ấy, nó là cả một bầu trời. Sáng đọc tin này mà thấy tâm trạng u uất không thở được. Cả một ngày cứ nghĩ tha thẩn miên man.”
Bạn Mai C. thì nói: “Không phải vì chúng ta nhìn thấy một sinh mạng xa lạ mất đi, mà là vì nhìn thấy chính chúng ta năm ấy đã suýt đi đến bước đường này”.
Bạn Trà My chia sẻ: “Mình xem clip này thuần một cảm giác thắc mắc là cậu bé kích động và rối loạn thế nào, để có thể nhảy cầu một cách chóng vánh như thế? Rào cản lý trí của con người rất lớn, nhiều người tự sát không thành công vì giây phút bạn kề dao vô mạch máu hay đứng từ trên cầu nhìn xuống, lý trí của bạn sẽ tự động phân tích, sản sinh cảm giác không đáng/sợ hãi và ngăn chặn bạn tiến đến bước cuối cùng. Đấy là cơ chế tự nhiên.
Còn với cậu bé này thì lý trí hoàn toàn sụp đổ. Cái clip 20s nhưng khái quát được sự hủy hoại triệt để trong em. Mình xem từ sáng cũng nghĩ mãi đến giờ. Lúc sống hẳn là phẫn uất lắm mới ra đi quyết liệt như thế. Giờ em cũng mất rồi, đừng trách em nữa. Đối xử với người bên cạnh bạn tốt một chút”.
Đồng tình với quan điểm này, bạn N. M. H. bình luận: “Nhảy dứt khoát thế kia, chắc hẳn ý nghĩ tự tử đã có trong đầu thằng bé hàng nghìn lần rồi…”.
Trong khi đó, nhận định về những diễn biến đau lòng trong đoạn clip, bạn T. K. V. cho rằng đây hoàn toàn không phải chuyện của riêng ai. Rất nhiều người trong chúng ta, cũng đã từng gặp phải tình huống giống nam sinh kia trong đời.
“Lời cha mẹ nhiều khi bạc bẽo lắm. Đừng có viện lý do ‘tao đã từng nghe mấy lời tồi tệ sao tao chịu nổi?’, đâu phải ai cũng giống ai? Mình chịu nổi, chắc gì người khác đã chịu nổi? Mỗi người hãy tự ngồi nhớ lại, xem đã bao lần bị chính cha mẹ mình dằn vặt, đày đọa tinh thần tới nỗi phải thốt lên ‘không lẽ con chết ba mẹ mới vừa lòng hả dạ?’”.
“Giờ lớn lên rồi cũng không hiểu mình vượt qua những lần “suýt” ấy như thế nào. Có lẽ do lúc đó không đủ can đảm, vẫn còn luyến tiếc hoặc muốn lần tự sát của mình phải thật “hoành tráng”. Rồi cứ thế mải mê lên kế hoạch trong một thời gian dài. Sau đó, chính là trưởng thành hơn và không thường nghĩ đến nó nữa”, bạn H. M. chia sẻ.
Sao chúng ta không mỗi người lùi một bước?
Vụ việc hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng Việt với rất nhiều bình luận. Cũng có người cho rằng hành động của cậu bé là dại dột, tự dập tắt tương lai của mình và sẽ khiến chính bố mẹ phải đau khổ, ân hận suốt phần đời còn lại.
Bank V.LT nói: “Đúng là phải ở hoàn cảnh của họ thì mới hiểu được nên không thể ngồi mà phán xét. Nhưng đến một độ tuổi nào đó, khi mà bạn có cái nhìn khác về gia đình và xã hội thì mới hiểu được ba mẹ thương mình nhiều như thế nào. Lúc đó sẽ cảm thấy những ngày còn trẻ tại sao mình lại không hiểu được, tại sao lại bồng bột như vậy. Mình không muốn nói tới cậu bé đúng hay sai, cũng không nỡ buông lời oán trách người mẹ. Cậu con trai coi đó là sự giải thoát, nhưng còn người mẹ là ám ảnh đến hết cuộc đời…”.
“Cậu con trai coi đó là sự giải thoát, nhưng còn người mẹ là ám ảnh đến hết cuộc đời…”.
“Năm đó mình 18 tuổi, để ngăn việc hễ cứ cãi nhau với cha là mẹ liền đòi tự tử, mình đã đứng trước mặt hai người, dùng dao cắt thật sâu vào tay và nói nếu mẹ chết thì hãy để con chết trước mẹ. Nhiều năm về sau, mẹ vẫn hay sờ vào vết sẹo trên tay mình mà mắng “mày hồi đó mà mày bị gì sao tao sống nổi”.
Khoảng cách thế hệ là thứ mà có lẽ có dùng cả đời chúng ta cũng không thể vượt qua nó. Nếu chẳng thể kéo gần thì sao chúng ta lại không mỗi người lùi một bước. Chị chỉ muốn xin các em nhỏ, làm ơn, dù cho có thế nào cũng xin đừng nghĩ đến cái chết…” – Tài khoản A.H khuyên nhủ.
Cuối cùng, mọi người đều cho rằng qua 20 giây clip này, cả mẹ và con đều đáng thương như nhau. Dù ai đúng ai sai thì hiện giờ người mẹ gục ngã trên thành cầu kia mới là người đau khổ nhất. Trước những trường hợp như thế này, xin đừng bao giờ xát muối vào vết thương của người ở lại.
Theo Helino
"Đầu năm trao muối" Bộ phim ý nghĩa về gia đình lấy không ít nước mắt của người trẻ
Mùa Tết là thời điểm của loạt phim ngắn về gia đình, về sự sum vầy, đoàn viên được ra mắt. Tết năm nay, cũng có một bộ phim như thế ra đời và đã xuất sắc lấy đi không ít nước của mắt người trẻ.
Vừa ra mắt cách đây chưa lâu, bộ phim đã đạt gần 14 triệu view trên Youtube
Bộ phim mang đến một góc nhìn mới đầy ý nghĩa về sự đoàn viên ngày Tết: Các thành viên trong gia đình dù ở cạnh nhau nhưng lại như rất xa nhau vì ai cũng mãi sống trong thế giới của riêng mình, thiếu quan tâm đến nhau.
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lại bắt tay cùng nhãn hàng Pepsi ra mắt phim ngắn đầy ý nghĩa. Năm nay cũng không ngoại lệ, lấy cảm hứng từ một hồi ức xa xăm trong quá khứ, "đạo diễn bạc tỷ" lại ra mắt bộ phim mới, ngắn nhưng rất thấm. Tên phim nghe quen mà lạ, lạ nhưng quen, "Đầu năm trao Muối". Nếu ai chưa biết về bộ phim thì hẳn dạo này đang bỏ bê mạng xã hội, vì thật khó có thể không để tâm đến một bộ phim đang được chia sẻ rầm rộ trên rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng như thế!
Những ai yêu phim của Vũ Ngọc Đãng hẳn phải đồng ý rằng những thước phim của anh bình dị và thân thuộc đến lạ, không mấy kịch tính cao trào, không nhiều kĩ xảo hay võ thuật, nhưng lại nhanh chóng làm động lòng người. Năm nay, cái chất tự sự của chính người đạo diễn về thời cuộc lại một lần nữa được thể hiện đậm nét trong phim ngắn Tết "Đầu năm trao Muối".
Có lẽ ít ai biết được rằng câu chuyện mộc mạc nhưng ý nghĩa của bộ phim xuất phát từ lần trò chuyện của một người mẹ với chính các thành viên từ nhãn hàng Pepsi trong một lần gặp gỡ. Tại đó, bác gái kể về cảm giác lạc lõng trong chính căn nhà của mình khi các con, người thân mãi sống trong thế giới ảo, bị chi phối bởi công nghệ. Tết đến mà cứ thấy như không có, các con như những vị "khách trọ"trong chính gia đình mình.
Với thủ thuật đan xen giữa hiện tại và quá khứ, "Đầu năm trao Muối" mang đến một câu chuyện "nóng hổi" của thời cuộc, về cái Tết của những người trẻ sống hối hả trong guồng quay của cuộc sống hiện đại - những người đã từng đi qua những mùa Tết rộn ràng nhất, đậm đà nhất trong tuổi thơ nhưng rồi thế giới công nghệ hiện đại nhưng đầy cám dỗ đã cướp họ đi khỏi những ngày xuân sum vầy bên gia đình, người thân.
Hình ảnh mở đầu của bộ phim là miền kí ức về một phong tục đầy ý nghĩa nhưng dường như đang bị quên lãng, đó là tục đầu năm trao muối. Trong tâm tưởng người Việt, những hạt muối tinh khôi và đậm đà ấy nếu được đem trao tặng nhau những ngày đầu năm mới sẽ giúp mang lại may mắn cho gia chủ, thay lời chúc cho sự gắn kết, yêu thương trong những mối quan hệ.
Đầu năm trao Muối không chỉ là tên phim, đó còn là một phong tục mang biểu trưng cho sự gắn kết trong các mối quan hệ xã hội.
Tuy vậy, những người trẻ, mà đại diện ở đây là Khang - nhân vật nam chính, dù ngày bé thường cùng bố mang muối trao tặng người thân, hàng xóm, khi trưởng thành lại cho đó là sự phiền toái. Và cũng từ đó, khi hạt muối không còn được trao nhau, tình cảm gắn bó keo sơn trong các mối quan hệ, đặc biệt là gia đình dần phai nhạt.
Tục xưa mất đi cũng chính là lúc sự gắn kết gia đình rệu rã.
Chính vị đạo diễn cũng nhấn mạnh trong buổi ra mắt phim rằng người trẻ hiện nay dường như đang chỉ "ở trọ" trong chính căn nhà mình. Cái cụm từ "ở trọ" mà Vũ Ngọc Đãng chia sẻ và cũng là thông điệp chính trong bộ phim, nghe sao cứ chạnh lòng. Nhưng mà nhìn lại, hình như là không sai. Người trẻ đang chỉ "hiện diện" chứ không hề "sống" trong chính căn nhà mình.
Người trẻ chẳng màng đến việc gia đình, sống như những vị khách trọ.
Sau khi xem phim, rồi soi chiếu lại mình, thấy rằng: Ôi! Sao đúng quá! Có thời gian rảnh lại lướt facebook, cày game, hóng hớt thế sự từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu, mà chẳng màng hỏi han lấy bố mẹ một câu. Những công việc phụ giúp gia đình thì lại thấy phiền hà, không muốn làm.
Rồi Tết đến, lại chẳng thấy vị xuân đâu. Người trẻ ơi, tìm đâu xa thế? Vị Xuân chính là vị gia đình đầm ấm sum vầy, vị cả nhà quây quần kết nối đấy.
Muốn tìm vị Xuân ư? Muốn Tết đừng nhạt nữa? Để mở Tết đậm đà dễ lắm, hãy tắt wifi, bật kết nối thật, ở bên gia đình, bạn bè và người thân yêu vị Xuân ắt sẽ đậm.
Theo helino
Sự thật đau lòng ta buộc phải thừa nhận: Cô đơn không tự sinh ra mà chỉ đến khi ta biết yêu một người Sự cô đơn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người trong chúng ta, và phần lớn thời gian, nguồn cơn cho sự đơn độc đó lại đến từ chính việc trái tim ta biết rung động vì một ai khác. Chúng ta ai cũng vậy, ai cũng từng ít nhất một lần trải qua những ngày mà tâm trạng ẩm ương, chợt...