Người trẻ Trung Quốc đang ngày càng chuộng sống độc thân
Số liệu thống kê chính thức cho thấy có tới 77 triệu thanh niên Trung Quốc chưa lập gia đình, sống một mình trong năm 2018. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 92 triệu trong năm 2021.
Số người trẻ Trung Quốc lựa chọn sống một mình đang ngày càng gia tăng. (Nguồn: Getty)
Không kết hôn, không gia đình, nhiều người trẻ Trung Quốc thậm chí phải dựa vào trợ cấp xã hội để duy trì cuộc sống .
Xã hội của những người cô đơn
Ăn một mình, mua sắm một mình và sống một mình. Giống như nhiều người độc thân, anh Jiang Qinghui (37 tuổi) có một yêu cầu cụ thể khi chọn đồ gia dụng – chúng phải có kích thước nhỏ gọn. Người đàn ông độc thân này cho biết, sở dĩ anh đưa ra lựa chọn như vậy vì đồ dùng cỡ nhỏ và thông minh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống trong khi giá đồ dùng cỡ lớn khá cao.
Anh Jiang Qinghui là một trong gần 86 triệu người trưởng thành độc thân ở Trung Quốc (số liệu năm 2019) lựa chọn sống một mình. Trong đó, nam giới hiện chiếm đa số (khoảng hơn 60%).
Theo báo cáo từ nền tảng hẹn hò Zhen-ai của Trung Quốc thực hiện vào quý IV/2019, hơn 1/3 số người độc thân đã duy trì tình trạng này trong hơn ba năm. Cuộc khảo sát cũng cho thấy những người độc thân dành phần lớn tiền của họ cho việc mua sắm, giao lưu và đi du lịch.
Vào đầu năm 2021, có 2 câu chuyện kỳ lạ xảy ra đã khiến dư luận Trung Quốc xôn xao.
Một phụ nữ 26 tuổi đón Tết Nguyên đán một mình trong căn hộ ở Bắc Kinh vì bị hạn chế đi lại để phòng Covid-19, đã vô tình nhốt mình trong phòng tắm. Sau hơn 30 giờ hoảng loạn cố gắng thu hút sự chú ý từ bên ngoài, cô cuối cùng đã được giải cứu bởi một người hàng xóm khi nghe thấy tiếng đập ống nước.
Tại thành phố Trùng Khánh (Tây Nam Trung Quốc), một kỹ thuật viên 39 tuổi đã quyết định vào viện dưỡng lão sau khi anh ta được chẩn đoán mắc bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. Lý do được anh này đưa ra là vì không có người thân, chưa lập gia đình và không có ai chăm sóc.
Video đang HOT
Hai trường hợp trên chỉ là những điển hình trong vô số những câu chuyện về các thanh niên Trung Quốc thuộc thế hệ “những người trẻ không có tổ ấm” – cụm từ được mượn từ thuật ngữ của những người lớn tuổi để nói lên sự cô đơn.
Với việc ngày càng có nhiều người độc thân ở độ tuổi 20-30 tại các thành phố lớn lựa chọn không lập gia đình, sống một mình, những câu chuyện như vậy đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang dần bắt kịp các nước công nghiệp phát triển, nơi các cá nhân, thay vì các gia đình truyền thống, đã trở thành nền tảng của xã hội.
David McDaid, một nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tại Trường Kinh tế London (Anh), cho rằng sự xói mòn của gia đình hạt nhân và cảm giác mất kết nối ở nơi làm việc đã làm gia tăng số người lựa chọn sống cô đơn trong xã hội những năm gần đây.
Dưới sự tác động của đại dịch toàn cầu, việc ở một mình và cô đơn đang nhanh chóng trở thành “tình trạng bình thường mới” trên toàn thế giới.
Động lực thúc đẩy nền kinh tế cô đơn
Dù vậy, đối với thế hệ trẻ Trung Quốc đang lớn lên trong một thế giới bão hòa về công nghệ, tương lai của cuộc sống độc thân không phải quá xám xịt.
Anh Wang Jianle (17 tuổi) đã tự nguyện chuyển ra khỏi nhà của cha mẹ vào năm cuối trung học vì muốn có nhiều không gian và tự do hơn. Wang thừa nhận, có những bất tiện của việc sống một mình khi còn là một thiếu niên như việc dọn dẹp nhà cửa và thường xuyên phải gọi đồ ăn mang về mỗi ngày vì cậu không thể tự nấu ăn. Nhưng nhờ ở một mình, Wang đã có khoảng thời gian yên tĩnh để dành riêng cho việc học.
Bên cạnh một số lợi ích, có những lý do khác khiến việc sống một mình đang ngày càng được nhiều xã hội chấp nhận. Theo chuyên gia xã hội học Eric Klinenberg, những người độc thân sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền cho việc ăn uống, sở thích và giải trí hơn những người đã kết hôn, góp phần đáng kể vào sự phát triển nhanh chóng của “nền kinh tế cô đơn”.
Trong một cuốn sách về xu hướng sống một mình ở giới trẻ, chuyên gia Eric Klinenberg khẳng dịnh : “Sự gia tăng của xu hướng sống một mình là một trải nghiệm xã hội có thể thay đổi. Nó thay đổi cách chúng ta hiểu bản thân và những mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta. Nó định hình cách chúng ta xây dựng thành phố và phát triển nền kinh tế “.
Theo SCMP , thế hệ độc thân tại Trung Quốc đang trở thành những đối tượng khách hàng hàng đầu của các doanh nghiệp như Petkit, Miniso Group, Pop Mart International và Little Bear Electrical Appliances.
Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ sức mua ngày càng tăng của nhóm đối tượng này khi những người độc thân Trung Quốc chiều chuộng bản thân qua nhiều hoạt động như mua sắm mỹ phẩm, quần áo, giày dép cùng những bộ sưu tập đồ chơi thời thượng và ăn các bữa ăn dành cho một người.
Những người độc thân ở Trung Quốc đóng góp một phần lớn vào doanh thu hàng tiêu dùng trong nước, một thị trường trị giá 6 nghìn tỉ USD, theo ước tính của Công ty tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại New York (Mỹ).
Đáng chú ý, những người độc thân sinh sau năm 1990 chi tiêu nhiều nhất cho thời trang, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ ăn nhẹ và đồ uống, theo một cuộc khảo sát vào tháng 11 của cổng hẹn hò trực tuyến Zhenai.com và JD.com .
Báo cáo của Nielsen công bố vào tháng 5/2020 cũng cho thấy, hơn một nửa số người độc thân Trung Quốc sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng cao. Khoảng 52% những người này sẵn sàng chi tiền cho bất cứ thứ gì giúp cuộc sống của họ dễ dàng và thoải mái hơn, trong khi chỉ 39% các cặp vợ chồng trong cuộc khảo sát này có xu hướng tương tự.
“Những người độc thân không phải ai cũng sẵn lòng tiết kiệm và họ muốn sống cho hiện tại hơn. Họ không lo lắng quá nhiều về việc lập kế hoạch cho tương lai của mình. Thay vào đó, họ dành cho những trải nghiệm mới và thú vị. Bạn sẽ thấy nhiều doanh nghiệp hào hứng hơn với nhóm người này và hành vi chi tiêu của họ”, Alex Shutter, một đối tác ở Thượng Hải của Oliver Wyman, cho biết.
Người đàn ông 39 tuổi sống trong viện dưỡng lão
Bắt đầu 'cuộc sống cao tuổi', hoạt động thường ngày của người đàn ông này ngoài tắm nắng, tập thể dục còn biểu diễn văn nghệ với người già.
Hàng ngày, Cố Nguyệt, 39 tuổi, cư dân trẻ nhất trong viện dưỡng lão quận Du Trung, thành phố Trùng Khánh, thức dậy lúc 6h sáng và đi ngủ lúc 21h.
"Ăn no ngủ kỹ không căng thẳng. Tôi tăng được mấy cân so với thời điểm chưa vào viện", Cố cho biết.
Cố vào viện dưỡng lão từ năm 39 tuổi. Ảnh: qq.
Hơn một năm trước, người đàn ông vốn là một lập trình viên này cảm thấy choáng váng khi đang đi lên cầu thang rồi ngã đập đầu xuống đất, bất tỉnh. Có người hàng xóm đi qua gọi cấp cứu, anh mới được đưa tới bệnh viện.
Sau khi khám, ngoài tiền đình không tốt, Cố còn được chẩn đoán bị viêm bao hoạt dịch khớp, cần điều trị lâu dài. Chưa lập gia đình, bố mẹ lại mới mất do ung thư, người đàn ông đành nằm điều trị nội trú một năm trong bệnh viện, thuê y tá chăm sóc riêng.
Tháng 9/2020, khi có thể tự mình đi lại trên đường phẳng, Cố Nguyệt xuất viện nhưng không muốn về nhà bởi sợ nếu ngã sẽ chẳng có ai giúp. Nhờ tới họ hàng, anh sợ làm phiền. Lúc này, dì của Cố mới gợi ý đưa anh vào trại dưỡng lão để được chăm sóc và phục hồi tốt hơn.
Ban đầu, Cố phản đối khi nghe đề xuất này, nhưng sau khi tìm hiểu và nhiều lần cân nhắc, cuối cùng anh cũng đến viện dưỡng lão tại quận Du Trung, thành phố Trùng Khánh và bắt đầu "cuộc sống người già" của mình.
Ngoài Cố, trong viện có gần 50 cụ ông, cụ bà khác. Trước khi đổ bệnh, anh thường thức đêm làm việc, nghỉ ngơi không đều đặn, có khi đến sáng mới ngủ. Nhưng từ khi sống tại viện dưỡng lão, anh sinh hoạt đều đặn và khoa học. Trước đây, Cố nhiều lúc bị trầm cảm, thậm chí nghĩ rằng sức khỏe tinh thần của mình sẽ tệ hơn khi sống ở đây. Tuy nhiên sau khi chuyển đến, anh đã nhanh chóng tìm được niềm vui khi được truyền năng lượng sống tích cực từ những người già trong viện. "Chẳng hạn tôi được nghe kể về hồi ức chiến tranh hay chuyện tình yêu của họ thời trẻ. Đó là những kỷ niệm đẹp và đáng quý", người đàn ông 39 tuổi kể.
Sau bữa tối, Cố cùng xem phim truyền hình với các cụ ở khu vực chung. "Trong phòng cũng có tivi nhưng xem cùng nhau vui hơn nhiều. Các cụ hay thảo luận về nội dung bộ phim, nhiều ý kiến nghe rất hài hước", Cố nói và cho biết anh có hai người bạn thân, một người được gọi là "mẹ vợ", người kia gọi là "ông ngoại".
Hàng ngày Cố Nguyệt đều luyện tập thể thao, ngủ dậy lúc 6h sáng và đi ngủ khi 9h tối. Ảnh: qq.
Thực chất người đàn ông này cũng không biết hai người họ vì sao lại đến viện dưỡng lão bởi không tiện hỏi. Khi biết anh là lập trình viên, "mẹ vợ" hỏi cách chụp ảnh bằng điện thoại di động và muốn kiểm tra bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trực tuyến. Còn "ông ngoại" được anh dạy cách sử dụng internet đặt hàng online. Ông cụ đã mua thành công một chiếc ghế xích đu theo hình thức này và đưa nó ra sân cho mọi người cùng sử dụng.
"Được coi trọng là niềm vui mới của tôi kể từ khi bị cho nghỉ việc", người đàn ông trầm tư và cho biết muốn trả lời nhiều câu hỏi hơn nữa liên quan đến điện thoại di động cho người già trong viện dưỡng lão.
Cố cho hay, cuộc sống "về già" tuy dễ chịu và hạnh phúc nhưng đó chỉ là thời điểm chuyển giao tạm thời trong cuộc đời. "Tôi vẫn mong mỏi một ngày được trở lại làm việc".
Bác sĩ cho biết, hiện Cố đang phục hồi sức khỏe tốt, một năm nữa có thể trở lại làm việc. "Sau này khi về hưu, tôi sẽ chính thức sống trong viện dưỡng lão", anh nói.
Hà Nhậm Nhâm, trưởng phòng hành chính của viện dưỡng lão quận Du Trung, thành phố Trùng Khánh cho hay khi nhận thông tin người đàn ông 39 tuổi muốn đến ở, ông rất ngạc nhiên bởi độ tuổi trung bình ở đây là 80. "Anh ấy là cư dân trẻ nhất từng đến sống ở đây". Hà cũng nói rằng thời điểm mới chuyển đến, Cố thậm chí không bao giờ mở cửa phòng.
"Nhưng giờ anh ấy lại rất vui vẻ và chia sẻ sự ấm áp của mình cho các cụ già trong viện", vị trường phòng cho biết. Không chỉ thế, sự xuất hiện của Cố cũng truyền cảm hứng cho các nhân viên trong bệnh viện. Mọi người thảo luận rằng trong tương lai, những người trẻ tuổi có thể đến sinh sống tại viện dưỡng lão như Cố. "Rất có thể đó sẽ trở thành xu hướng mới", ông Hà nói.
Phát hiện tượng Phật khổng lồ ở chung cư Trung Quốc Tượng Phật khổng lồ, không có đầu và được tin là có từ thời nhà Thanh đã được phát hiện giữa hai tòa chung cư ở tây nam Trung Quốc. Bức tượng cao 9 mét được phát hiện trên một vách đá giữa hai tòa chung cư cao tầng ở quận Nam Ngạn, thành phố Trùng Khánh. Tượng gây chú ý gần đây...