Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Trái tim người lính…
‘Chống dịch như chống giặc, mặt trận nào cần người lính thì người lính phải đi đầu. Người lính mà, nửa trái tim dành cho Tổ quốc và nửa còn lại dành cho gia đình. Tôi phải hoàn thành nhiệm vụ trước rồi về với gia đình được”.
Bộ đội trẻ thực hiện công việc khử khuẩn trong khu cách ly – ĐẬU TIẾN ĐẠT
Anh bộ đội Nguyễn Hoài Nam chia sẻ công việc trong những ngày đầu Trường Quân sự Quân khu 7 (Q.12, TP.HCM) trở thành khu cách ly chống dịch.
Trắng đêm phục vụ người cách ly
Nguyễn Hoài Nam (28 tuổi) và Vũ Ngọc Hiếu (24 tuổi), học viên ngành Quân sự cơ sở, Trường quân sự Quân khu 7, thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, có những chia sẻ với PV Báo Thanh Niên về những ngày phục vụ trong khu cách ly. Hai chiến sĩ cho rằng cuộc chiến này không của riêng ai và mỗi cá nhân phải góp sức chiến đấu đến cùng.
Như những chiến sĩ trẻ trong tuyến đầu chống dịch, mỗi người một việc, Hoài Nam được phân công phụ trách quản lý toàn bộ hoạt động. Còn Ngọc Hiếu phụ trách phục vụ trực tiếp một khu vực trong khu cách ly.
Khu cách ly có sức chứa khoảng 500 người, chia ra 2 dãy nhà. 2 tổ phục vụ được thành lập, mỗi tổ gồm 13 chiến sĩ. Những người đến khu cách ly thuộc nhiều nơi trên thế giới. Đa phần là du học sinh, công dân Việt, những người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Mỗi ngày, các chiến sĩ phối hợp chặt chẽ với đơn vị y tế ở từng công đoạn cụ thể. Đó là tiếp nhận, lập danh sách và phân bổ người cách ly đến từng phòng, hỗ trợ bác sĩ đo nhiệt độ. Lau dọn khu vực vệ sinh, dọn rác theo đúng quy trình xử lý dịch tễ. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt, các chiến sĩ ghi nhận tình hình rồi chuyển người vào khu “đặc biệt” để bác sĩ theo dõi.
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Hoài Nam trong những ngày chống dịch
“Mỗi ngày, chúng tôi đều phải tiếp xúc trực tiếp với người cách ly và làm việc liên tục như phát cơm tại phòng, di chuyển đồ đạc. Ngoài ra, chúng tôi còn lấy ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người cách ly từ những vấn đề nhỏ nhất, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao”, Hoài Nam cho biết.
Video đang HOT
Những ngày đầu chống dịch là cực nhất. Do người từ nước ngoài về lệch múi giờ nên Nam và Hiếu hầu như thức trắng đêm để phục vụ, từ lo các bữa ăn giữa đêm, vác hành lý của người cách ly khi chuyến bay đến trong đêm. Có ngày, lượng người vào khu cách ly đến gần 400 người cùng lúc. Vài người lớn tuổi có bệnh sẵn trong người nên đôi lúc Hiếu cũng thức canh để kịp thời hỗ trợ.
Hiếu xúc động nói: “Tôi thì mỗi ngày phải mặc đồ bảo hộ ít nhất 3 lần, nhiều nhất 5 đến 6 lần khi lên phòng tiếp xúc với người cách ly. Những vết hằn đỏ trên đôi tai từ những chiếc khẩu trang kéo dài liên tục nhiều ngày. Những lúc di chuyển, thiết bị bảo hộ còn gây ra trầy xước trên mang tai hay khóe mắt”.
Hay có lần, tại dãy phòng Hiếu phục vụ có hai mẹ con đi cùng chuyến bay nghi dương tính với Covid-19. Người mẹ và con mỗi người ở mỗi phòng riêng biệt. Khoảng 6 ngày đầu, Hiếu đều tiếp xúc và phát cơm cho họ. Đến ngày thứ 7, người mẹ được chuyển đi nơi khác, còn người con chuyển vào phòng “đặc biệt” tại khu cách ly. Một ngày sau, người con cũng được chuyển đến nơi khác khiến Hiếu cảm thấy lo lắng.
“Ban đầu, anh em dao động lắm, chúng tôi phải xịt khử khuẩn liền căn phòng đó. Anh em cũng được đưa đi xét nghiệm lần đầu thì âm tính, lần thứ hai cũng âm tính nên mọi người cảm thấy yên tâm phần nào và tiếp tục công việc. Tôi còn nhớ trường hợp đó khi người con còn đang trong tình trạng nghi nhiễm. Biết mình đang trong tình trạng đặc biệt, để tránh tiếp xúc với chúng tôi, anh ngồi một mình trong phòng rồi nói lớn, để cơm bên ngoài, sau đó anh tự ra lấy chứ không cho bộ đội đến phát cơm tiếp xúc với mình”, Hoài Nam kể về kỷ niệm trong khu cách ly.
Nhiều du học sinh chụp ảnh kỷ niệm với Ngọc Hiếu trong ngày rời khu cách ly
Tiếp xúc với hàng trăm người cách ly, tuy vậy Nam và Hiếu cho rằng không gì đáng phải lo ngại nếu tuân thủ đúng quy trình bảo hộ của y tế. Bên cạnh đó, chiến sĩ nhận được lời động viên từ lãnh đạo và những người cách ly nên việc lo lắng dịch bệnh cũng vơi đi phần nào.
Thành “chuyên gia tâm lý” bất đắc dĩ
Để người vào khu cách ly không bị tù túng hoặc nhàm chán, các chiến sĩ nơi đây đã nghĩ ra nhiều cách cho người dân cảm thấy như đang ở nhà. Mỗi tầng sẽ thành lập nhóm trao đổi online bằng mạng xã hội. Miễn ai có yêu cầu hoặc ý kiến gì đều nhắn tin vào nhóm. Người phụ trách sẽ giải đáp cụ thể cho người cách ly nắm bắt.
Buổi chiều tối, bộ đội thường tổ chức chương trình phát nhạc theo yêu cầu. Một chiếc loa kẹo kéo được kéo đi khắp sân trong khu cách ly. Hễ ai thích nhạc gì thì yêu cầu chiến sĩ bộ đội đáp ứng trong giới hạn cho phép. Những ngày có sinh nhật của người nào đó, chiến sĩ trẻ cũng đáp ứng yêu cầu mở bài hát chúc mừng sinh nhật cho tất cả mọi người đều nghe.
“Bên cạnh đó, động viên tinh thần cho người cách ly là cực kỳ gian nan. Nhất là những người nước ngoài, những người đến Việt Nam làm việc và khác biệt ngôn ngữ, văn hóa nên hơi khó khăn. Thậm chí buổi sáng, trưa và chiều, anh em luôn tìm cách hỏi thăm, lấy ý kiến người cách ly để họ cảm thấy không bị gò bó, ép buộc”, Hoài Nam chia sẻ thêm.
Điều mong mỏi nhất bây giờ của 2 chiến sĩ khi dịch bệnh đi qua là được về nhà thăm gia đình cho thỏa nỗi nhớ mong. “Vợ mình đang có bầu được 5 tháng rồi. Từ tết đến giờ mình vẫn chưa về thăm vợ được. Mình cũng thường xuyên gọi điện động viên vợ, thông báo tình hình cho vợ nắm, động viên vợ và gia đình”, Hoài Nam chia sẻ về những tháng ngày chống dịch.
Không riêng gì với Nam và Hiếu, đối với các chiến sĩ, không ai ngờ một ngày mình lại thực hiện công việc “trái ngành” như vậy. Nhưng vì cái chung, ai nấy cũng chiến đấu hết mình với loại “giặc vô hình” này. Điều đọng lại với 2 chiến sĩ sau những ngày vừa qua là tình quân – dân gắn kết. Thậm chí, những người đến và đi còn hứa hẹn gặp lại sau khi hết dịch nhưng… không phải trong khu cách ly.
Pham Hữu
Những người trẻ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19: Gác niềm riêng để bám vùng biên
Gần 3 tháng qua, người dân và cả hệ thống chính trị luôn trong tình trạng căng mình phòng, chống dịch Covid-19.
Đại úy Hoàng Minh Thiết (đi đầu) hành quân giữa rừng cùng đồng đội - Ảnh: Thanh Lộc
Đặc biệt, những người trẻ ở tuyến đầu gồm y, bác sĩ, bộ đội, công an, dân quân và thanh niên tình nguyện... đã cùng chung ý chí, trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19. Những cống hiến tận tụy, không quản hiểm nguy, ngày đêm vì cộng đồng của họ đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp và to lớn.
Lính biên phòng cũng có gia đình và cất giấu bao nỗi buồn vui, nhưng những ngày này họ đành rời xa hậu phương, gác niềm riêng để bám biên chống dịch Covid-19. Khi được hỏi về những điều thầm kín, họ chỉ trả lời ngắn gọn: "Lính biên phòng mà anh!".
"Hết dịch, ba sẽ về đưa con đi chữa bệnh"
Đó là câu nói mà ngay đến cả trong giấc ngủ, đại úy Hoàng Minh Thiết (33 tuổi, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Hướng Lập, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng ám ảnh. Và khi choàng tỉnh, anh mới biết lời hẹn đó vẫn chưa thể thực hiện với đứa con thơ.
Người chỉ huy rắn rỏi của đồn biên giới này không muốn nhiều người biết về nỗi đau của gia đình. Nhưng càng nén nỗi đau để căng sức bám vùng biên chống dịch Covid-19, đồng đội lại càng cảm phục anh hơn. Đại úy Thiết sinh ra ở vùng quê nghèo Triệu Vân (H.Triệu Phong), khoác áo lính sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, đến công tác tại Đồn biên phòng Hướng Lập từ năm 2018. Nhiều năm làm việc trong quân ngũ nhưng đại úy Thiết vẫn chưa xây được nhà riêng, vẫn ở chung nhà với bố mẹ dưới quê. Vợ anh, chị Lê Thị Thu Huyền (30 tuổi, quê ở xã Vĩnh Lâm, H.Vĩnh Linh) tốt nghiệp ĐH ngành kế toán cũng chưa tìm được việc làm.
Thượng úy Phan Vĩnh cho hay vợ chồng đại úy Thiết hiếm muộn, sau nhiều năm cố gắng mới sinh hạ được cặp sinh đôi (1 trai, 1 gái) hồi tháng 8.2019. Nhưng éo le thay, cháu trai lại mắc bệnh tim bẩm sinh. "Thiết đã mỏi mòn chờ đợi gần 7 năm để được làm bố, nhưng hạnh phúc đến với anh không vẹn toàn. Khi con đang còn đỏ hỏn trên tay, anh đã bồng bế cháu vào ra nhiều bệnh viện để tìm cách cứu chữa", thượng úy Vĩnh kể.
Chạy vạy đủ tiền, tháng 11.2019, con anh Thiết đã được phẫu thuật tim. Nhưng chỉ sau 1 tuần, bé lại phải vào viện điều trị vì vẫn còn các di chứng của bệnh tim và tăng áp phổi. Nằm viện 2 tháng, bé được cho về nhà. Khi xuất viện cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp... "Cấp trên đã lệnh trên tuyến biên giới, mọi cán bộ chiến sĩ biên phòng phải thường trực 100% để phòng chống dịch bệnh. Tôi là lính, lại chỉ huy, lẽ nào vì chuyện của cá nhân mà quên nhiệm vụ?", đại úy Thiết chia sẻ ngắn gọn.
Những lúc ở đồn hay mỗi lần lên chốt, cùng đồng đội tuần tra dọc biên phòng chống Covid-19, không lúc nào hình bóng con trẻ không ở trong trái tim người lính lần đầu được làm cha ấy. Hình bóng đó cho anh thêm sức mạnh và niềm tin, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, đồn phải chia nhiều chốt dã chiến, chia nhỏ quân số để tuần tra. Hai tháng không thể gặp vợ con, anh chắt chiu từng giây phút có sóng điện thoại để hỏi han sức khỏe cả nhà. Mỗi lần như thế, anh chỉ nói được một câu rất ngắn: "Con ở nhà ngoan. Hết dịch, ba sẽ về đưa con đi chữa bệnh".
Nhưng câu chuyện xúc động ấy đã đến tai lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Huế. Không cần chờ hết dịch, cháu Hoàng Lê Minh Tâm (con trai đại úy Thiết) đã được chữa bệnh kịp thời. Toàn bộ chi phí do bệnh viện tài trợ. Biết tin, nơi biên cương, người cha ấy òa khóc...
Phút trò chuyện qua điện thoại của đại úy Hoàng Minh Thiết với vợ con - Ảnh: NVCC
"Anh sẽ về cưới em"
Ngày con gái chào đời, trung úy Đặng Thanh Hiếu (34 tuổi, cán bộ Trạm kiểm soát A Dơi, Đồn biên phòng Pa Tầng, H.Hướng Hóa) vẫn đang đứng chốt ở dọc đường biên giới Việt - Lào. Bao nhiêu kế hoạch để chào đón thêm thiên thần nhỏ đến với gia đình người lính đã phải tạm ngưng, vì nhiệm vụ.
Ngày 8.4, khi đang cắm chốt ở A Dơi, qua điện thoại trung úy Hiếu cho chúng tôi biết sau gần 2 tuần cháu bé Đặng Thanh Hiền ra đời, anh vẫn chưa được gặp để bế ẵm. "Bao nhiêu đồng đội của tôi vẫn đang bám chốt, còn có nhiều người gặp hoàn cảnh éo le hơn vẫn không chịu về hậu phương, thì sao tôi lại dám nghĩ đến?", anh Hiếu nói.
Vợ của trung úy Hiếu cũng là bộ đội biên phòng (đại úy Võ Thị Thu Hà, công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, H.Hướng Hóa), nên ít nhiều chia sẻ với hoàn cảnh của chồng, nhất là khi lâm bồn mà không có chồng kề cận. "May nữa, đây cháu là đứa thứ 2 nên vợ cũng... chuyên nghiệp rồi. Tôi bớt lo hơn một chút", anh lính biên phòng tếu táo.
Trực tiếp cắm chốt nên trung úy Hiếu cùng đồng đội ăn ngủ luôn tại lán dã chiến. Ngoài những bữa "cơm có thịt", anh cũng gặm mì ăn liền, lương khô rồi uống nước cho thức ăn "tự nở ra trong bụng". Nhưng mắt vẫn dõi theo tuyến đường mòn biên giới hun hút.
Với thượng úy Lê Thừa Văn (Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, H.Hướng Hóa) và cô gái Nguyễn Thị Thu Thùy, ngày 21.3 vừa qua lẽ ra là ngày trọng đại: tiệc cưới của đôi trẻ. Nhưng vì Covid-19, vì nhiệm vụ, người lính biên phòng đành hẹn sẽ đưa cô về ra mắt gia đình, bè bạn vào dịp khác, khi dịch bệnh lắng xuống. Hàng trăm tấm thiệp hồng không được phát đi, chỉ giữ lại làm kỷ niệm. "Nói không buồn thì không đúng. Phận là con gái, ai cũng muốn cùng chồng xuất hiện rạng rỡ trong một lễ cưới, huống chi chúng tôi đã chờ đợi 4 năm. Nhưng tôi yêu anh vì yêu màu áo lính, và hiểu sự hy sinh bé nhỏ của chúng tôi là cần thiết giữa thời buổi này", chị Thùy tâm sự.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo những ngày này căng như dây đàn, đặc biệt là từ sau ngày 18.3, khi mọi công dân Việt từ Lào về đều phải cách ly 14 ngày. Tại điểm chốt bên bờ sông Sê Pôn, trung úy Văn và rất nhiều đồng đội đã phải túc trực, chốt chặn các đường mòn, lối mở và bến đò ngang để hỗ trợ cách ly, chống dịch. Chàng thượng úy rắn rỏi đó sau 8 năm quân ngũ đã "ẵm" nhiều thành tích: thủ khoa xuất sắc khóa đào tạo sĩ quan cấp phân đội được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen, chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liền, nhiều giải thưởng cấp bộ ngành... "Chúng tôi đã yêu nhau và vượt qua nhiều thử thách suốt 4 năm trời. Lẽ nào chỉ một mùa dịch này lại không vượt nốt để về chung một nhà?", thượng úy Lê Thừa Văn tự tin.
Những chiến sĩ biên phòng đại úy Thiết, trung úy Hiếu, thượng úy Văn... cứ như ngôi sao xanh trên đường biên chống dịch Covid-19, dọc dải Trường Sơn. Họ biết cách gửi một lời hẹn tha thiết về hậu phương để rồi vững tin nơi tuyến đầu.
Nguyễn Phúc
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ "Hình ảnh các bác sĩ, các chú bộ đội, tình nguyện viên lăn xả làm việc ở những khu cách ly, bệnh viện bất kể ngày đêm khiến con suy nghĩ nhiều lắm. Con thấy mình phải làm gì đó có ích khi đất nước cần..." Đó là tâm sự của cậu học trò nhỏ Ngô Tuấn Việt - lớp 6A3 Trường THCS...