Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Tổ trực đêm IC3…
Giữa khuya, những thanh niên tình nguyện, sinh viên ngành y và cảnh sát giao thông vẫn cần mẫn ghi chép, kiểm tra y tế từng chuyến xe ra vào cửa ngõ Cần Thơ phòng chống dịch. Đã gần 2 tuần, họ phải trắng đêm không ngủ…
Sinh viên Đoàn Thị Mộng Thanh, hướng dẫn người dân di chuyển vào thành phố sau khai báo y tế
Tại nút giao thông IC3, cách chân cầu Cần Thơ không xa, một bên là cửa ngõ chính vào trung tâm Tây Đô, một bên là QL1 về Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và ngược lên An Giang qua QL91. Giống như cửa ngõ của các tỉnh miền Tây ở phía nam sông Hậu nên bình quân mỗi ngày đêm, có khoảng hơn 20.000 lượt người qua nút giao thông quan trọng này, việc kiểm tra y tế phòng chống dịch vì thế cũng đầy vất vả, gian nan.
Những đêm thức trắng
“Mời cô bác đi theo chỉ dẫn để được hỗ trợ khai báo y tế. Lưu ý quý bà con không chen lấn, đảm bảo khoảng cách giữa các xe ít nhất 2 m”, tiếng loa cầm tay vang lên, lặp đi lặp lại liên hồi. Từng tốp xe máy được phân làn hướng về các bàn khai báo y tế đã được bố trí hàng ngang. Ngoài QL1, những chuyến xe từ khắp nơi vẫn dồn dập đổ về bờ nam sông Hậu. Các tình nguyện viên cùng CSGT như những con thoi kiểm tra từng phương tiện, đo thân nhiệt từng người.
Phía trong lối đi xe máy, càng về tối, lượng xe về Cần Thơ mỗi lúc một đông. Một dãy những bàn ghi thông tin giăng ngang, những tình nguyện viên phải chia đứng thành nhiều lớp để ghi chép thông tin khai báo y tế của người dân. Một nhóm sinh viên (SV) ngồi bệt ở một góc để nhập số liệu.
“Chưa bao giờ mình hình dung người dân từ khắp nơi về qua Cần Thơ đông đến vậy. Bữa nào cũng lấy thông tin của hơn 200 người nên tới 12 giờ khuya cả nhóm mệt rã rời, mỗi đứa thay phiên nhau ngủ gục tại bàn”, Nguyễn Chí Cường, SV Trường CĐ Y tế Cần Thơ, nói.
Đã gần 2 tuần nay, cả nhóm SV Trường CĐ Y tế Cần Thơ, thức trắng để trực. Ca trực này được xem là cực nhất vì phải tiếp nhận lượng xe ở hai khung giờ cao điểm (từ 18 – 21 giờ và từ 3 – 6 giờ sáng hôm sau).
Những bữa ăn tranh thủ tại chỗ của các sinh viên tình nguyện ở trạm kiểm tra y tế IC3 cửa ngõ của TP.Cần Thơ và các tỉnh phía nam sông Hậu – Ảnh: Đình Tuyển
“3 ngày đầu tụi mình ngầy ngật vì thức tới sáng, nhưng giờ thì quen rồi”, Lê Thị Mộng Cầm, SV Trường CĐ Y tế Cần Thơ, nói.
Video đang HOT
Mộng Cầm thổ lộ: “Cực vậy chớ cả nhóm tụi mình đã thống nhất rồi, nếu dịch còn phức tạp, thành phố còn phải cách ly, tụi mình xin trực đêm đến ngày cuối cùng hết dịch thì thôi”.
Hôm tụi em xin qua Cần Thơ đi tình nguyện phòng chống dịch Covid-19, cha mẹ em la quá trời rồi tới bà nội cũng xuống la, kêu ở nhà cho lành. Nhưng hai anh em đã quyết rồi, tụi em vừa hứa sẽ thật kỹ lưỡng ngừa dịch vừa cố gắng thuyết phục. Vậy là cuối cùng cũng được đi
Trần Kiến Bình SV năm thứ nhất của Trường CĐ Y tế Cần Thơ
Hơn 1 giờ sáng, xe vãn dần, nhưng phút giây chợp mắt tại bàn thật ngắn ngủi bởi đến khoảng 3 giờ, một ngày mới bắt đầu với những chuyến xe từ khắp nơi đổ về Cần Thơ. Lượt xe mỗi lúc một dày. Người đi chợ, đi buôn, người đi bỏ mối hàng, người đi làm ở khu công nghiệp… lại tấp nập dừng lại khai báo y tế.
Còn trẻ sẽ cố vượt qua nếu… bị lây nhiễm
Tiếp xúc với hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về mỗi ngày nên các tình nguyện viên ở IC3 ai cũng phải nêu cao ý thức bảo vệ bản thân, tuân thủ những khuyến cáo phòng ngừa dịch từ Bộ Y tế. Dẫu vậy, không ai tránh khỏi những suy nghĩ thoáng qua “lỡ bản thân mắc Covid-19″ thì sao. “Nhưng nếu sợ thì mình đã không có mặt ở đây. Rủi mà bị lây nhiễm Covid-19 thiệt, tụi mình còn trẻ sẽ vượt qua thôi. Lo là lo cho những người xung quanh, những người mình tiếp xúc hằng ngày”, Mộng Cầm nói.
Từ 18 giờ là giờ cao điểm, các sinh viên Trường CĐ Y tế Cần Thơ làm việc không ngừng
Chung nhóm với Cầm, trong tổ trực đêm xuyên suốt hơn 10 ngày qua, Đoàn Thị Mộng Thanh (quê ở H.Lai Vung, Đồng Tháp) và hai anh em sinh đôi Trần Kiến Bình và Trần Kiến Khang (quê H.Long Hồ, Vĩnh Long) là những tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất. Cả 3 đều 19 tuổi, là SV năm thứ nhất của Trường CĐ Y tế Cần Thơ.
“Hôm tụi em xin qua Cần Thơ đi tình nguyện phòng chống dịch Covid-19, cha mẹ em la quá trời rồi tới bà nội cũng xuống la, kêu ở nhà cho lành. Nhưng hai anh em đã quyết rồi, tụi em vừa hứa sẽ thật kỹ lưỡng ngừa dịch vừa cố gắng thuyết phục. Vậy là cuối cùng cũng được đi”, Bình nói.
So với anh em Bình, Khang, Mộng Thanh nhỏ xíu đứng chưa tới ngực hai bạn cùng khóa. Thanh được xem là cô út ở tổ trực đêm IC3 nên luôn được các anh chị bên Thành đoàn Cần Thơ, các anh CSGT tới lui hỏi han.
Đêm khuya cả nhóm cùng mệt nhưng Thanh luôn được mọi người ưu tiên cho chợp mắt trước. Nhiều cô bác đi đường nhìn cô bé ngây thơ, ghi chép mướt mồ hôi cũng thấy thương.
Những ngày ra tuyến đầu phòng chống dịch, không chỉ góp sức cùng địa phương, những người trẻ cũng học và cảm nhận được sự chia sẻ yêu thương giữa lúc khó khăn.
Anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho rằng chính sự góp sức cùng thành phố trong những ngày cả nước căng mình phòng chống dịch Covid-19, bạn trẻ đã cống hiến giá trị cao đẹp của mình cho Tổ quốc.
Theo anh Nghĩa, trong đợt ra quân khai báo y tế toàn dân với sự tham gia của SV ngành y, chỉ sau 5 ngày đã thu thập được thông tin hơn 400.000 người ở 85 xã, phường, thị trấn. Hiện tại, các tình nguyện viên được rút về để phân công vào các chốt mũi nhọn trên địa bàn với khoảng 900 người, trong đó lực lượng SV y dược hơn 600 người.
Đình Tuyển
TPHCM: Máy đo nhiệt độ cùng lúc nhiều người tại cửa ngõ, 38 độ sẽ báo động
Máy nhiệt quét cùng lúc nhiều người được đưa vào thử nghiệm tại chốt kiểm soát cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1A, giáp tỉnh Đồng Nai), giúp công tác kiểm tra y tế người dân vào thành phố Hồ Chí Minh trong phòng chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao hơn.
TPHCM tiếp tục thực hiện kiểm tra y tế người dân vào thành phố tại các điểm chốt chặn cửa ngõ nhằm phòng chống dịch COVID-19.
Để công tác kiểm tra y tế đạt hiệu quả cao, chốt kiểm soát cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1A, giáp tỉnh Đồng Nai) đã đưa vào thử nghiệm kiểm tra thân nhiệt bằng máy quét dạng cầm tay.
Chốt cầu Đồng Nai cũng là chốt đầu tiên thử nghiệm máy nhiệt quét từ ngày 11.4. Máy quét dạng cầm tay, mỗi lần máy quét nhiệt độ cho khoảng 3 - 4 người. Trong khi đó, máy đo thân nhiệt thường chỉ đo được cho từng người.
Nếu phát hiện người có nhiệt độ từ 38 độ trở lên, máy sẽ báo tự động.
Những ai có thân nhiệt bình thường sẽ được vào thành phố. Đối với người có nhiệt độ cao sẽ đưa vào bên trong lều, nghỉ ngơi và kiểm tra lại thân nhiệt.
Lực lượng công an phân luồng giao thông, tiến hành kiểm tra nhiệt độ
Các xe vào thành phố đều được ghi lại nhằm phục vụ công tác kiểm tra, phòng chống dịch COVID-19. Dự kiến, hoạt động kiểm tra tại các chốt chặn cửa ngõ sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 5.4, TPHCM thành lập 62 chốt, trạm kiểm dịch để kiểm soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 (chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19) tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra, vào thành phố, bao gồm 16 chốt, trạm chính và 46 chốt, trạm phụ.
Các lực lượng tham gia thực hiện kiểm tra tại mỗi chốt, trạm kiểm dịch thành phố gồm lực lượng y tế, Cảnh sát giao thông thuộc Công an thành phố, Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải, cán bộ kiểm soát thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM. Trong đó, lực lượng Công an làm tổ trưởng.
THANH CHÂN
Nhìn lại 15 ngày cách ly xã hội chống dịch COVID-19 ở TPHCM Hãy cùng Báo Lao Động nhìn lại 15 ngày cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 ở TPHCM qua ảnh. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1.4 để phòng, chống dịch COVID-19, người dân TPHCM ra đường thưa thớt hơn trong ngày đầu tiên....