Người trẻ Singapore sống như ‘ẩn sĩ’, nhiều năm không bước ra khỏi nhà
Hikikomori, từ chỉ những người 6 tháng trở lên không bước chân ra khỏi nhà, bắt nguồn từ Nhật Bản, phổ biến ở Hàn Quốc, Hong Kong và giờ đây trở thành nỗi lo ở đảo quốc sư tử.
Zing.vn trích dịch bài viết Hikikomori in Singapore: Recluses hidden from view and at a loss của tác giả Faris Mokhtas, đăng trên trang Today Online ngày 11/7/2019.
Jane (tên nhân vật đã được thay đổi) mắc chứng trầm cảm vào năm 2015. Thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bác sĩ, cô gái 27 tuổi lúc đó quyết định nhốt mình trong nhà.
Trong hơn 2 năm, Jane như một “ẩn sĩ”. Cô sống bằng tiền tiết kiệm, mua mọi thứ online từ thực phẩm đến thuốc thang. Đôi lúc 8X nghe nhạc, xem video, chơi guitar hoặc đọc sách. Nhưng phần lớn thời gian, cô không có tâm trạng làm bất cứ việc gì.
“Nhiều lúc, tôi chỉ muốn giày vò bản thân”, Jane nói.
Ở ẩn được vài tháng, Jane quyết tâm đoạn tuyệt tất cả với thế giới bên ngoài. 8X đóng cửa quán cà phê do cô mở sau khi tốt nghiệp đại học.
Khi được hỏi vì sao lại chọn cuộc sống như vậy, cô gái người Singapore cho biết mọi chuyện cứ xảy đến tự nhiên. “Tôi không bao giờ nghĩ về lý do nhưng tôi cảm thấy tốt hơn khi sống một mình”, cô nói.
Gần đây, Jane được bác sĩ tâm lý kết luận là một hikikomori. Thuật ngữ được đặt bởi bác sĩ tâm thần Nhật Bản Tamaki Saito để chỉ những người tự giam mình trong nhà, sống tách biệt với xã hội từ 6 tháng trở lên.
Tại Singapore, Jane và nhiều người khác lần đầu tiên nghe đến khái niệm này. Viện sức khỏe Tâm thần tuyên bố chưa tìm thấy bất kỳ trường hợp hikikomori nào tại quốc đảo sư tử.
Tuy nhiên, chưa tìm thấy không có nghĩa là không tồn tại. Trong cuộc phỏng vấn với Today Online, các nhân viên xã hội, chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần tại đảo quốc Đông Nam Á cho biết mỗi năm họ đã gặp và điều trị với ít nhất 5 hikikomori, hầu hết từ 10-39 tuổi.
Ngày càng nhiều người trẻ Singapore nhốt mình trong phòng vì chán ghét cuộc sống bên ngoài. Ảnh: Stylist.
Nhốt mình trong căn phòng bốc mùi cá và chuột chết
Các hikikomori thường có mối quan hệ xã hội rất kém tại trường học, nơi làm việc. Họ không muốn giao du nhiều, hiếm khi liên lạc với mọi người, kể cả các thành viên trong gia đình.
Không học hành, không làm việc, những người nhốt mình trong bốn bức tường và thường chỉ chơi game, xem tivi, ngủ cả ngày.
Bác sĩ Praveen Nair, trung tâm tư vấn tâm lý Raven, kể rằng ông từng điều trị cho một hikikomori 29 tuổi vào năm 2016. Người này làm việc trong 2-3 năm trước khi nghỉ hẳn vì “không thích đi làm”.
Trong 4 năm sau đó, anh ta không bao giờ bước chân ra khỏi nhà.
Video đang HOT
Ngay cả khi những con vật chết trong phòng, bốc mùi hôi thối, người đàn ông gần 30 tuổi này cũng quyết không mang chúng đi vứt.
Hikikomori được đặt bởi bác sĩ tâm thần Nhật Bản Tamaki Saito để chỉ những người tự giam mình trong nhà, sống tách biệt với xã hội từ 6 tháng trở lên. Ảnh: Corriere della sera.
Ông Nair nói nam thanh niên gần như mất hết các kỹ năng tương tác cơ bản. Anh ta luôn né tránh ánh mắt người đối diện khi giao tiếp, thích khoanh tay khi đi lại và thỉnh thoảng tự lẩm bẩm một mình.
Sau vài tháng tư vấn cho người này, vị bác sĩ tâm lý cuối cùng đã phải bỏ cuộc vì bệnh nhân không hợp tác.
Tại Nhật Bản, cuộc khảo sát của chính phủ năm 2015 báo cáo có khoảng hơn 540.000 người, tương đương với 1,57% dân số, trong độ tuổi từ 15-39 là những hikikomori.
Một nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2005 cho thấy có 33.000 thanh niên sống cách ly với xã hội. Còn các chuyên gia ở Hong Kong ước tính rằng có thể có 140.000 người trẻ tuổi trên phạm vi lãnh thổ đang nhốt mình trong nhà.
Không giống như ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hong Kong, Singapore thiếu những nghiên cứu và số liệu cụ thể về hikikomori.
Dọa tự tử khi bị ép bước ra khỏi nhà
Paul Tan, chuyên viên tư vấn xã hội, nói rằng việc giúp đỡ những hikikomorri càng trở nên khó khăn hơn khi đa số họ đều không hợp tác.
Anh nhớ lại trường hợp của một học sinh trung học 14 tuổi mình từng nhận tư vấn trước đây. Thiếu niên này đã không đến trường khoảng một năm trước khi được cha mẹ gửi đến các trung tâm sức khỏe tâm thần.
Khi bị gia đình ép đi học, cậu bé có biểu hiện bất ổn, thường xuyên tự làm mình bị thương và còn đe dọa làm hại những người xung quanh.
“Lần đâu tiên tôi đến nhà, cậu bé không chịu mở cửa phòng ngủ và chỉ nằm trong đó chơi game trên điện thoại”, Tan kể.
Hikikomori có thể bắt nguồn từ những áp lực trong học tập và công việc. Ảnh: Eric Chow.
Chuyên viên tư vấn đã thử quay lại thêm 3-4 lần nữa nhưng tất cả đều không thu được kết quả gì.
Trong một số lần đến nhà và cố bước vào phòng cậu bé, Tan thậm chí bị ném đá.
Các bức thư anh nhét vào cửa phòng ngủ đều không có phản hồi.
Quá trình tư vấn thất bại hoàn toàn sau vài tháng.
Một số trường hợp khác Tan từng gặp còn cực đoan hơn.
Không ít hikikomori dọa tự sát, cắt cổ tay và đánh những người xung quanh khi bị cha mẹ ép ra khỏi nhà.
Các bác sĩ và chuyên gia tâm lý cho rằng nhiều ông bố bà mẹ đang nhìn nhận sai về hikikomori khiến cho quá trình tư vấn, điều trị cho con cái họ dễ thất bại.
Một số không hiểu gì về vấn đề con mình đang đối mặt. Họ coi việc con cái ở lì trong nhà, không đi học, không đi làm chỉ là biểu hiện của sự lười nhác và ích kỷ.
Vì thế, bằng mọi cách họ ép chúng bước ra khỏi phòng. Tuy nhiên “tức nước vỡ bở”, hành động này lại khiến mọi việc thêm tồi tệ.
Số khác lại hiểu sai hikikomori là một bệnh tâm thần. Những người này thường rất ngại tìm kiếm sự giúp đỡ công khai vì sợ bị cộng đồng kỳ thị.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ tâm lý và nhà tâm lý học, hikikomori không phải là một loại bệnh tâm thần. Bác sĩ tâm lý Marcus Tan của phòng khám sức khỏe tâm lý Nobel nói hikikomori chỉ là một tập hợp các đặc điểm hành vi.
Một người có thể gặp vấn đề này sau khi trải qua các bệnh tâm thần như trầm cả, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… hoặc quá căng thẳng vì chuyện học hành, công việc.
Mỗi ngày là một quá trình tự điều trị
Bác sĩ Tan, người đã chứng kiến 10-15 trường hợp hikikomori trong suốt 20 năm làm việc, nói rằng khoảng một nửa số bệnh nhân của ông thường xuyên đến khám, từ 1-2 lần một tháng. Có 2-3 bệnh nhân đã dừng điều trị vì không đủ kiên trì.
Quá trình phục hồi thường rất chậm và kéo dài trong khoảng thời gian dài, không thể xác định. Điều này khiến những người sống ẩn dật dễ nản chí, bỏ cuộc.
Từng điều trị 10-20 trường hợp từ năm 2004, bác sĩ Nair nói hầu hết bệnh nhân hikikomori của ông tuân theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, tức điều trị nhẹ nhàng nhưng đều đặn.
“Thật khó để kết luận một trường hợp đã bình phục hoàn toàn hay chưa. Tôi vẫn thường nói với các bệnh nhân của mình rằng hãy kiên trì, cảnh giác và phải coi mỗi ngày là một quá trình tự điều trị”, vị bác sĩ nói thêm.
Việc tư vấn điều trị cho các hikikomori trở nên khó khăn khi bệnh nhân và người nhà của họ hiếm khi tích cực hợp tác với các chuyên viên tâm lý. Ảnh: Maria Fabrizio/ NPR.
Sau một thời gian tiếp nhận điều trị tại trung tâm của bác sĩ Nair, Jane đã khá hơn trước rất nhiều. Gần đây, cô còn theo học văn bằng hai ngành Tâm lý học.
Tuy nhiên, hành trình tìm lại cuộc sống bình thường của Jane chưa kết thúc. Vật cản khó khăn nhất cô phải vượt qua mỗi ngày không gì khác, đó chính là bản thân cô.
“Ngày hôm nay có vẻ tôi đang làm tốt nhưng vẫn còn rất nhiều thử thách. Chính xác là tôi phải cố gắng mỗi ngày nếu không muốn trở lại trạng thái đó”, Jane nói.
Theo Zing
Cụ bà qua đời bên mâm cơm đợi con trai nhân Ngày của mẹ và câu chuyện về sự vô tâm chạm tới trái tim tất cả mọi người
Đã bao lâu rồi, bạn chưa nhấc điện thoại gọi cho cha mẹ? Đã bao lâu rồi bạn chưa về ăn cơm với họ?
Là chủ một doanh nghiệp chuyên dịch vụ tang lễ ở Đài Loan, anh Lau đã "làm việc với cả người sống lẫn người chết". Tuy nhiên, câu chuyện dưới đây là trường hợp mà Lau vĩnh viễn không thể quên đi. Bài đăng mà anh chia sẻ lên Facebook cá nhân cũng khiến nhiều người rơi nước mắt.
Theo China Press, vụ việc liên quan đến một công dân cao tuổi, sống một mình trong khu tập thể cho người về hưu. Một ngày nọ, những người hàng xóm bỗng ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ nhà căn hộ của bà - họ nhanh chóng báo chính quyền vì lo sợ điều tồi tệ đã xảy ra.
Khi cảnh sát và lính cứu hỏa phá cửa vào trong, họ phát hiện ra bà cụ đã qua đời vài hôm. Lau, ông chủ của dịch vụ tang lễ nổi tiếng Đài Loan cũng có mặt tại hiện trường - anh nhận ra trên bàn có vài món ăn đã được chuẩn bị tươm tất, như thể nạn nhân đang đợi ai đó về ăn mừng.
Trên bàn có vài món ăn đã được chuẩn bị tươm tất, như thể nạn nhân đang đợi ai đó về ăn mừng.(Ảnh minh họa)
Cảnh sát mau chóng tìm thấy thẻ căn cước của người phụ nữ xấu số và liên lạc với con trai của bà.
Biết tin dữ, anh ta vội vã đến hiện trường và ngã gục trong nước mắt sau khi biết rằng, người mẹ đã chuẩn bị mâm cơm tươm tất này cho đứa con mà bà yêu thương. Thế nhưng mọi thứ đã quá muộn, anh ta sẽ không bao giờ có cơ hội ăn cơm mẹ nấu nữa.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, người con trai nói với Lau rằng, anh đi làm ăn ở ở Singapore và đã chuẩn bị kế hoạch để về nhà đúng dịp Ngày của Mẹ (ngày 10/5 hằng năm). Khi đáp xuống sân bay, anh lại phải giải quyết vấn đề liên quan đến công việc nên không thể về nhà ngay.
Chưa hết, người phụ nữ xấu số qua đời trong khi mòn mỏi đợi con, vốn là bà mẹ đơn thân đã một tay nuôi dạy anh con trai sau khi ly hôn.
Vào ngày xảy ra vụ việc, bà đã đi tắm sau khi nấu ăn rồi không may bị lên cơn đau tim và qua đời. Mãi 4 hôm sau, người ta mới phát hiện ra thi hài của bà.
Trong bài đăng trên Facebook cá nhân, Lau muốn nhắc nhở người dùng mạng rằng:Mỗi câu "con bận, tuần này không về" đều như những nhát cắt vào trái tim vốn đã chai sạn của người làm cha mẹ. Không có công việc nào quan trọng hơn cha mẹ cả, hãy dành thời gian cho bậc sinh thành khi họ vẫn còn trên đời này."
Theo Helino
Bức ảnh người phụ nữ cầm cây tăm trên tay, bên cạnh là bé trai đang ngủ gật để tránh đứa trẻ động vào người gây tranh cãi Sau khi sự việc được chia sẻ, rất nhiều dân mạng chọn đứng về phía người phụ nữ nhưng bên cạnh đó vẫn có không ít ý kiến trái chiều về hành động của bà. Mới đây, trên diễn đàn Reddit, tài khoản @maxdilbe đã chia sẻ câu chuyện xảy ra trên 1 chuyến tàu điện ngầm ở Singapore. Mục đích bài đăng...