Người trẻ nơi tuyến đầu
Cả bốn y bác sĩ, điều dưỡng tham gia với lực lượng quân đội trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà con trở về lần này đều chưa có ai quá 30 tuổi.
Bác sĩ Đào Thị Túy Duyên kiểm tra sức khỏe cho người cách ly tập trung – Ảnh: TR.TR.
“Hồi mới lên, em stress luôn vì lúc ấy các chuyến bay về còn nhiều, bà con mình vào rải rác liên tục. Đêm cứ thiu thiu thì phải dậy khoác áo vào khu cách ly tới sáng…” – Đào Thị Túy Duyên, bác sĩ 25 tuổi, nhớ lại những đêm đầu gần như không ngủ khi tham gia chống dịch COVID-19.
Bác sĩ Duyên là một trong bốn nhân viên y tế trẻ của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đồng hành cùng các lực lượng của quân đội làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con trong các khu cách ly.
Rất may F1 đã không trở thành F0. Đây là kỷ niệm nhớ đời rằng cẩn thận với những chi tiết nhỏ không bao giờ thừa.
Y sĩ PHẠM LÊ HÙNG
Làm việc không có giờ cố định
Tôi khoác bộ đồ bảo hộ bịt kín đi theo bác sĩ Duyên vào khu vực cách ly đặc biệt dành cho bà con mới từ nước ngoài trở về tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh (Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng).
Dù mới nửa buổi sáng, thời tiết miền Trung như đổ lửa. Mang thêm bộ đồ như “hiệu ứng nhà kính” nên chỉ vài phút lưng đã thấm mồ hôi. Nhìn qua bác sĩ Duyên, những giọt mồ hôi cũng đã lấm tấm trên mặt.
Theo lịch cố định, mỗi ngày của bác sĩ Duyên bắt đầu bằng công việc đo thân nhiệt và ghi chép cụ thể thông tin của từng bà con trong khu cách ly vào buổi sáng. Nhưng trên thực tế việc này bắt đầu từ khi có những người mới vào khu cách ly bất kể giờ giấc.
“Nhiệt độ bình thường như hôm qua anh Bình nhé. Nếu có bất thường hoặc ho phải báo cho em liền nghe” – nói rồi bác sĩ Duyên cẩn thận ghi chép vào sổ.
Gõ cửa từng phòng, hết giường tầng 1 đến giường tầng 2. Những bước chân lướt qua lầu 1 đến lầu 2 trong khu cách ly quân đội rộng mênh mông… Hơn một tiếng, sổ ghi ghép số thứ tự người theo dõi đã lên hơn trăm người.
Khi phần việc của bác sĩ Duyên tạm xong cũng là lúc tất cả mọi người được yêu cầu ra khỏi phòng để y sĩ Lê Thái và y sĩ Phạm Lê Hùng phun thuốc khử khuẩn. Phòng ốc mở tung cửa sổ, cả dãy nhà nồng nặc bởi mùi chất khử cloramin B. Hai y sĩ này cũng đi theo những dãy nhà mà bác sĩ Duyên vừa đi qua.
Bình khử khuẩn vừa cạn cũng là thời điểm tiếng kẻng báo giờ cơm trưa. Chúng tôi cởi đồ bảo hộ, làm động tác khử trùng cơ thể mà mắt ai cũng còn cay sè.
“Ngày dài với những bà con cách ly, vì tâm trạng họ chờ về nhà nhưng với tụi mình ở đây thì ngày nào cũng vào guồng quay, làm hết việc là vào giờ cơm luôn. Nhiều khi đang ăn dở chén cơm cũng bỏ xuống chạy vào khu cách ly” – y sĩ Thái nói.
Kinh nghiệm thử lửa
Video đang HOT
Chuyện trực đêm với người trong ngành y vốn dĩ rất quen thuộc. Nhưng trong lịch trình làm việc bình thường của các y bác sĩ thì 24 giờ làm/24 giờ nghỉ. Tuy nhiên để làm “tròn vai” trong khu cách ly thì những y bác sĩ ở đây không hề có giờ làm việc cố định. Mọi người đều trong tư thế sẵn sàng để bất cứ khi nào bà con cần là có mặt.
Cả bốn y bác sĩ, điều dưỡng tham gia với lực lượng quân đội trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà con trở về lần này đều chưa có ai quá 30 tuổi. Còn trẻ, ít vướng bận chuyện gia đình nên cả bốn xung phong lên tuyến đầu phòng chống “giặc” COVID-19 tại khu cách ly để được thử lửa kinh nghiệm.
Ra trường được vài năm, đây là lần đầu tiên điều dưỡng Nguyễn Thị Trà My (24 tuổi) làm việc trong một trạng thái được trang bị “ngập răng”. My nói làm việc trong môi trường không phải bệnh viện nhưng lại phải tuân theo quy trình y tế phòng dịch nghiêm ngặt vô cùng. “Căng thẳng và hồi hộp nhất với tụi em những ngày này là chờ được thông báo kết quả xét nghiệm của bà con trong khu cách ly” – My thổ lộ.
Còn y sĩ Phạm Lê Hùng (29 tuổi) vốn làm tại khoa kiểm soát bệnh tật nên khi vào nơi cách ly ngoài công việc hằng ngày còn kiêm luôn vai trò lấy tờ khai dịch tễ. Do vậy thời điểm bận rộn nhất với anh Hùng là khi tiếp nhận người mới vào khu cách ly.
Ngoài nhiệm vụ kiểm tra các thông số về sức khỏe, lấy mẫu bệnh phẩm, anh còn lấy thông tin chính xác về lý lịch dịch tễ của người cách ly.
TRƯỜNG TRUNG
Kỳ thị bác sĩ - sự ngược đời dành cho chiến sĩ tuyến đầu chống dịch
Đáng lẽ phải là những người được động viên, hỗ trợ nhiều nhất trong thời gian này, nhiều y bác sĩ đang căng mình chống dịch lại phải nhận thái độ e dè, né tránh.
"Người từ bệnh viện đều bị xa lánh và coi như đối tượng nguy hiểm. Đặc biệt, nhân viên bệnh viện bị bắt cách ly tại chỗ không cho di chuyển. Vì thế, ca trực trước kết thúc, nhưng ca sau cán bộ y tế không đi làm được".
Đó là những chia sẻ của TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 29/3 tại Bộ Y tế.
Kỳ thị các nhân viên y tế - tình trạng tưởng chừng như "ngược đời" ấy lại được ghi nhận đang xảy ra ngay giữa thời điểm này.
Là những người đang ngày đêm chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19, chăm sóc đối tượng cách ly, các y bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ cao nhiễm SAR-CoV-2 khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trên mạng xã hội, nhiều người gọi các nhân viên y tế là những "thiên thần áo trắng", "chiến binh chống dịch"... Thế nhưng, chính những "thiên thần" ấy nay phải cay đắng thừa nhận rằng mình đang bị một số người hiểu lầm, xa lánh.
Bệnh viện Bạch Mai hiện là một trong các ổ dịch Covid-19 lớn và nguy hiểm của cả nước. Ảnh: Việt Linh.
Họ là bác sĩ, không phải nguồn mang virus
Ngày 20/3, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 2 ca mắc đầu tiên là 2 nữ điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Đây cũng là 2 nhân viên y tế đầu tiên mắc Covid-19 ở nước ta.
Đến tối 30/3, Bệnh viện Bạch Mai có tổng cộng 33 ca mắc Covid-19. Nơi này chính thức được xem là "ổ dịch" nguy hiểm, thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ ngày 28/3. Cùng ngày, quân đội đã xây bệnh viện dã chiến ngay trong Bệnh viện Bạch Mai.
Điều đáng mừng là sau khi lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy tất cả nhân viên bệnh viện đều âm tính với Covid-19.
Dù vậy, theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều người dân vẫn tỏ thái độ e dè, né tránh các nhân viên y tế bệnh viện, xem họ là nguồn lây bệnh.
Nhiều y bác sĩ đang bị người dân xa lánh, kỳ thị vì lo sợ lây nhiễm virus corona. Ảnh: Việt Linh.
"Trước đây, chúng tôi biết có nhiều người rất quý mến, trân trọng các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng bây giờ, qua nhiều kênh truyền thông không chính xác, họ xem y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang Covid-19 đến, vì thế họ né tránh. Thậm chí, có 1 bác sĩ của chúng tôi dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang bà. Đây là điều chúng tôi rất buồn", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, bệnh viện cần các bác sĩ đang ở nhà vào hỗ trợ, nhưng tại nơi cư trú, họ bị địa phương ra quyết định cách ly tại nhà.
"Có bạn của mình bị chủ đuổi khỏi nhà trọ vì biết làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai. Chúng mình chỉ chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm Covid-19 chứ không phải người mang virus. Mình mong mọi người thông cảm và ủng hộ tinh thần cho y bác sĩ, những người đang gồng mình chống dịch", Doãn Ngọc Linh, điều dưỡng khoa Thần kinh tại Bệnh viện Bạch Mai, nói với Zing.
Con cái, gia đình cũng bị vạ lây
Phân biệt đối xử, xa lánh các nhân viên y tế trong thời điểm dịch bệnh cũng là tình trạng đáng buồn từng được ghi nhận tại nhiều ổ dịch trên thế giới.
Tại Nhật Bản, các bác sĩ và y tá tham gia chống dịch còn bị cấp trên và đồng nghiệp xa lánh, kỳ thị. Nhiều người bị chính những người làm việc cùng gọi bằng cái tên "mầm bệnh", "mang theo virus", "nguồn lây nhiễm".
Con cái những nhân viên y tế cũng bị phân biệt đối xử ở trường học. Các em bị yêu cầu ở nhà thay vì được đến trường như các học sinh khác, theo South China Morning Post.
Hiệp hội Y khoa Nhật Bản (JDAM) đã nhận được hàng chục báo cáo về sự kỳ thị đối với các nhân viên y tế, bao gồm một trường hợp nam bác sĩ bị cấm đặt chân tới bệnh viện nơi anh đang làm việc.
Tại Singapore, thái độ tẩy chay đối với nhân viên y tế khiến nhiều người nhớ lại tình trạng tương tự thời điểm dịch SARS bùng phát năm 2003.
Teresa (tên nhân vật được thay đổi) - y tá trưởng khoảng 50 tuổi, làm việc tại phòng khám đa khoa của một bệnh viện công - chia sẻ với Today Singapore: "Các tài xế taxi không muốn chở bất cứ ai mặc đồng phục y tế. Trên tàu điện ngầm, mọi người tránh xa các y tá và xì xào những câu như: 'Hy vọng họ đã tắm sau khi tan ca'".
Các nhân viên y tế là lực lượng chịu áp lực cao nhất khi chống dịch Covid-19. Ảnh: Sina.
Thậm chí, tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) nhiều nhân viên y tế cho biết họ bị tẩy chay, phân biệt đối xử vì lo ngại họ có thể nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19, theo CNN.
Một lá thư từ Hiệp hội các bác sĩ thường trú tại Viện Khoa học y tế New Delhi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Amit Shah có đoạn: "Các bác sĩ, y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe có liên quan đến bệnh nhân Covid-19 đang bị yêu cầu rời khỏi nhà thuê của họ, một số thậm chí bị chủ nhà đuổi ra ngoài tạm thời vì sợ rằng họ mang virus lây bệnh".
"Nhiều y bác sĩ đang không có nơi ở, mắc kẹt ngoài đường với đống hành lý vì chẳng có nơi nào để đi", các y bác sĩ viết trong lá thư cầu cứu.
"Nhiều bác sĩ, y tá đã mạo hiểm sức khỏe và tính mạng của mình để cứu những người khác. Song, họ lại bị đối xử bất công theo cách không thể tin được. Điều này nên được coi là một vấn đề vi phạm nhân quyền", Hiệp hội Y khoa Nhật Bản phát biểu.
Một lời động viên cũng đủ tiếp thêm sức mạnh
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nỗi sợ trong người dân ngày càng lớn và chính các nhân viên y tế đang phải gánh chịu sự hoảng loạn của công chúng.
Jun Okumura, nhà phân tích tại Viện Các Vấn đề Toàn cầu Meiji (Nhật Bản), cho biết thái độ phân biệt đối xử có thể lý giải từ việc thiếu hiểu biết của mọi người. Song, đối với những người làm trong lĩnh vực y tế, điều này thật khó chấp nhận.
Để công cuộc chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả nhanh, mạnh nhất, người dân cần nhanh chóng trấn tĩnh và hiểu rằng: Nhân viên y tế không phải mầm bệnh hay đối tượng lây lan virus.
"Phải khẳng định tất cả nhân viên y tế không riêng gì nhân viên y tế Bạch Mai là đối tượng phơi nhiễm, nhưng trong thuật ngữ truyền nhiễm được gọi là 'phơi nhiễm chủ động', tức có những phòng ngừa, bảo hộ đầy đủ", TS Dương Đức Hùng cho biết.
Những lời động viên từ người dân sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ nhân viên y tế. Ảnh: Hoa Vtk, Hà Trang.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra văn bản yêu cầu hành động để chấm dứt sự phân biệt đối xử với những người nhiễm virus corona, áp dụng với cả lực lượng y tế tiếp xúc với người bệnh.
"Chính phủ, công dân, cộng đồng, những người có ảnh hưởng và phương tiện truyền thông có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự kỳ thị. Mỗi người nên có hành động ủng hộ, thay vì xa lánh khi tình hình dịch bệnh vẫn đang nghiêm trọng", theo WHO.
Tại Singapore, một trong những sáng kiến ủng hộ nhân viên y tế chống dịch Covid-19 là #BraveHeartSG của tổ chức Stand Up For Singapore. Thông qua hashtag trên các trang mạng xã hội, dự án kêu gọi mọi người viết các ghi chú, lời nhắn động viên đội ngũ y tế.
Sau đó, Stand Up For Singapore sẽ gửi các ghi chú đến các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, Stand Up For Singapore cũng kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ các suất ăn nhẹ cho các y bác sĩ tuyến đầu.
Tại Việt Nam, hàng loạt bài viết kêu gọi ủng hộ các y bác sĩ chống dịch, đặc biệt là tại Bệnh viện Bạch Mai được chia sẻ trên mạng xã hội. Những món quà nhỏ như thùng sữa, hoa quả kèm theo lá thư tay ghi lời động viên cũng đủ tiếp thêm sức mạnh cho các "chiến binh chống dịch" hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 này, các y bác sĩ chính là những chiến sĩ vất vả, áp lực nhất. Biết là có người tỏ thái độ e dè với các nhân viên y tế vì sợ nhiễm bệnh, sợ lây lan virus nhưng họ đều được trang bị kỹ càng khi làm việc nên khả năng đó là rất nhỏ.
Không chỉ vậy, xa lánh các nhân viên y tế trong thời điểm này chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến tinh thần công tác của họ. Nếu không nói được lời động viên, cổ vũ tử tế, hãy im lặng", Ngọc Quỳnh (Hà Nội) nói với Zing.
Mai An
Bác sĩ tình nguyện vào tâm dịch Covid-19: "Chọn nghề phải xứng với nghề!" Các y bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Thần kinh sọ não, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đều rất trẻ. Tình nguyện vào tâm dịch Covid-19, họ chấp nhận hiểm nguy, kể cả việc đánh đổi tính mạng. Xông vào chiến tuyến - Chọn nghề phải xứng đáng với nghề Đang tất bật với nhiều ca bệnh, đội...