Người trẻ đi hiến máu để ‘Tri ân lịch sử’
Chương trình hiến máu Giọt hồng tri ân 2024 thu hút nhiều người tình nguyện hiến máu như một cách tri ân nhân dịp Ngày Thương binh – Liệt sĩ Việt Nam 27-7.
Tập thể người dân xã Xuân Quan (Hưng Yên) cùng tham gia hiến máu tại Viện Huyết học – truyền máu trung ương – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chương trình hiến máu Giọt hồng tri ân diễn ra từ ngày 22-7 đến 28-7 tại Viện Huyết học – truyền máu trung ương, đã tiếp nhận khoảng 4.000 đơn vị máu.
Là một tình nguyện viên của chương trình Giọt hồng tri ân và hiến máu tại chương trình, Nguyễn Phương Thảo (Trường đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh) cho biết ông ngoại cô là một liệt sĩ từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Ông đã hy sinh từ trước khi mình ra đời nên mình chỉ biết đến ông qua những lời kể của người lớn. Gia đình mình luôn tự hào về ông. Vào đại học, mình đã trở thành một tình nguyện viên vận động hiến máu vì cũng muốn đóng góp tuổi trẻ của mình cho xã hội”, Thảo nói.
Vừa hoàn thành nhiệm vụ sau ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhà, anh Nguyễn Văn Tuyến (công tác tại Quân chủng Phòng không – Không quân) cũng lập tức cùng các con thực hiện những hành động thiết thực để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đúng ngày 27-7.
Việc làm đầu tiên của cha con anh Tuyến là đi hiến máu tại chương trình Giọt hồng tri ân. Chiều cùng ngày, anh đưa các con đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ.
Video đang HOT
Anh chia sẻ dù con gái chưa đến tuổi hiến máu, nhưng lòng biết ơn và nhân ái sẽ được vun đắp từ những ngày thơ ấu khi cùng cha tham gia hiến máu.
Nhiều người trẻ tham gia chương trình hiến máu như một cách tri ân lịch sử – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Có mặt tại Viện Huyết học – truyền máu trung ương, ông Lê Trung Truyền và tập thể người dân xã Xuân Quan (tỉnh Hưng Yên) cũng cùng tham gia hiến máu.
Dù đã qua độ tuổi có thể hiến máu, ông Truyền vẫn đồng hành cùng mọi người để cổ vũ, động viên. Ông Truyền bộc bạch thời chiến tranh cuộc sống thiếu thốn nhiều, quý nhất là có đủ cơm ăn áo mặc.
Bây giờ đất nước hòa bình, lớp trẻ có điều kiện đầy đủ hơn thì càng phải cố gắng, đặc biệt không được quên công lao của người đi trước.
“Trong gia đình tôi, các cháu nhỏ cũng đi hiến máu cùng ông bà, bố mẹ, các cháu đủ 18 tuổi đều tự nguyện xung phong hiến máu. Mỗi lần đến viện, tôi cũng rất vui khi các cháu sinh viên làm tình nguyện và hiến máu rất đông, điều này chứng tỏ thế hệ trẻ vẫn luôn cố gắng để làm việc tốt”, ông Truyền chia sẻ.
Người trẻ thủ đô xúc động tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Từ 5 giờ sáng ngày 26.7, người dân đã xếp hàng dài tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều bạn trẻ cũng đã có mặt để tiễn đưa Tổng Bí thư và hỗ trợ người dân đến viếng.
Được tham gia hỗ trợ nhân dân trong Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là niềm tự hào của nhiều bạn trẻ. Ngay khi nhận được thông báo tuyển tình nguyện viên phục vụ Quốc tang, Đặng Thúy Hằng, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đã nhanh chóng đăng ký và bắt xe trong đêm từ Nam Định về Hà Nội để kịp làm việc ngày 25.7.
"Khi biết tin bác Tổng Bí thư mất, tôi rất xúc động và mong có thể góp phần công sức nhỏ bé phục vụ tang lễ bác. Thời tiết Hà Nội thời gian này khá khắc nghiệt nhưng tôi không thấy mệt mỏi. Trái tim tôi và cả ngàn bạn trẻ ở đây luôn hướng về bác."
Đặng Thúy Hằng nghẹn ngào trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Chi Phương, sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội, cũng tự hào khi được là một trong những tình nguyện viên may mắn được phục vụ lễ tang Tổng Bí thư: "Tôi luôn tự hào là thế hệ trẻ Việt Nam. Khoác trên mình màu áo xanh của Đoàn, tôi mong góp sức hỗ trợ người dân cả nước về viếng bác. Nhìn những đoàn viếng từ rất xa xôi về đây, tôi càng muốn cố gắng giúp đỡ mọi người như động viên, quạt tay, phát nước tới người dân trong cái nắng nóng mùa hè để mọi người giữ gìn sức khỏe và viếng bác lần cuối".
Phương tự hào khoác trên mình màu áo xanh của Đoàn, hỗ người dân cả nước trong Lễ viếng Tổng Bí thư
Xếp hàng từ 5 giờ 30 sáng, Đào Văn Đạt, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nén xúc động bày tỏ: "Trong giây phút đầy xúc động này, trái tim tôi đau nhói, tiếc thương cho người học trò đáng quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả đời phụng sự nhân dân, Tổ quốc tới hơi thở cuối cùng."
Đào Văn Đạt nén nỗi đau trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
"Giữa nhiều nhà lãnh đạo, em luôn ấn tượng với Tổng Bí thư bởi bộ tóc bạc phơ, cặp kính trắng, tay luôn cầm bút và hai từ 'nhân dân' ông luôn đề cập. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi sau một đời vất vả, Tổng Bí thư vẫn ngày đêm làm việc đến phút cuối trên giường bệnh". Phạm Gia Hân, học sinh Trường THCS - THPT liên cấp Newton chia sẻ.
Dù còn trẻ nhưng Gia Hân hứa sẽ luôn cố gắng học tập và cống hiến nhiều hơn cho gia đình và đất nước như lời gửi gắm chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thế hệ trẻ Việt Nam.
Phạm Gia Hân chắp tay, cúi đầu nghiêm trang mỗi khi thấy di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua
Tới 13 giờ ngày 26.7, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia đã kết thúc với 136.886 lượt người tới viếng. Trong đó, nhiều người trẻ không ngại xa xôi từ mọi miền Tổ quốc đã về đây để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Họ là một thế hệ mới, những chủ nhân tương lai của đất nước, mang tinh thần hội nhập và phát triển, nhưng không quên hướng về Tổ quốc, cha ông, giữ vững và phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
Lý do ông bà xưa dặn không giặt đồ buổi tối, không phơi đồ ban đêm kẻo hối hận vì điều này Nhiều người xưa quan niệm rằng những việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới phong thủy gia đình. Quần áo là vật thiết yếu hàng ngày của con người. Chúng có thể mang lại sự thoải mái hoặc cảm giác không thoải mái, đồng thời cũng có vai trò làm đẹp hoặc gây mất thẩm mỹ....