Người trẻ chuộng đi du lịch gần bằng tàu hỏa
Dù không phải nghiệm mới mẻ, đi du lịch bằng tàu hỏa vẫn được nhiều người trẻ yêu thích, đặc biệt khi di chuyển giữa các địa điểm có khoảng cách ngắn.
Giá vé ổn định, thủ tục nhanh gọn và dễ dàng ngắm cảnh đẹp hai bên đường đi… là ưu điểm được nhiều bạn trẻ liệt kê khi so sánh việc di chuyển bằng tàu hỏa với các phương tiện khác.
Nếu không có nhiều thời gian du lịch dài ngày, du khách có thể thử trải nghiệm các chuyến tàu hỏa khoảng cách ngắn như Đà Nẵng – Huế (Thừa Thiên – Huế), Hà Nội – Hải Phòng, TP.HCM – Đồng Nai, Bình Thuận…
Hà Nội – Hải Phòng Quỳnh Koy, Hà Nội
Tôi làm công việc văn phòng tại một công ty ở Hà Nội. Mỗi tuần chỉ được nghỉ vào chủ nhật nên những chuyến đi xa thường xuyên là điều không tưởng.
Dạo này, tôi khá thích thú khi thấy bạn bè chia sẻ lịch trình đi chơi bằng tàu hỏa trên mạng xã hội. Muốn thay đổi không khí, trải nghiệm cảm giác mới, tôi và một vài người bạn mua vé tàu đi Hải Phòng.
Tôi chọn thành phố này vì khoảng cách gần Hà Nội (khoảng 120 km), có thể đi về trong ngày, đồ ăn ngon và điểm check-in đa dạng.
Chúng tôi mua vé ngồi mềm điều hòa giá 90.000 đồng/chiều/người. Tàu đi tốc độ vừa phải, khoảng 2,5 giờ đồng hồ là tới nơi. Cuối tuần, khoang ngồi đông, không còn chỗ trống nhưng tôi vẫn có cảm giác thoải mái, không say sóng.
Quãng đường không quá xa, tàu đi qua nhiều vùng đất đẹp khiến tôi thích thú. Bình thường, tôi hay ngồi ở quán cà phê ngắm tàu chạy qua, còn giờ thì ngược lại nên cảm giác lạ lẫm và thú vị hơn.
Ga Hải Phòng nằm giữa trung tâm thành phố nên dễ bắt taxi đi tham quan, ăn uống. Tôi ghé chụp ảnh trước nhà hát thành phố, đến quán cà phê và tìm các địa chỉ ăn uống nổi tiếng ở phố cảng.
Đà Nẵng – Huế Bùi Huy Khang, Đà Nẵng
Khoảng cách giữa Huế và Đà Nẵng là 93 km. Trong chuyến du lịch Huế gần đây nhất, tôi và bạn gái chọn đi tàu hỏa vì tiện, không gian thoải mái.
Chúng tôi mua vé giường nằm giá 122.000 đồng/người/chiều. Thời gian ngắm cảnh, chụp ảnh đẹp nhất là buổi sáng. Chúng tôi chọn chuyến 11h, đi khoảng 3 tiếng là đến nơi.
Khoang 4 giường điều hòa chúng tôi đặt được chia làm 2 tầng, trang bị gối, chăn đầy đủ. Ngoài ra, mỗi giường còn bố trí một chiếc đèn đọc sách tích hợp cổng USB sạc điện thoại khá tiện nghi. Trên tàu có nhà vệ sinh nên bạn không cần lo về vấn đề này. Suốt hành trình, bạn có thể đi sang các toa ghế mềm, ghế cứng để chơi, chụp ảnh tùy thích.
Để có bức ảnh đẹp, du khách nên chọn trang phục đơn giản hoặc vintage, chuẩn bị đạo cụ như sách báo, tai nghe, mắt kính… và một người bạn chụp ảnh “có tâm”.
Tôi cho rằng đây là chuyến đi ngắn rất đáng thử nếu bạn có cơ hội đến Đà Nẵng, Huế. Trên tàu, bạn vừa có thể tận hưởng cảnh đẹp bên đường, vừa có hình đẹp “sống ảo”. Đoạn đi qua đèo Hải Vân rất đẹp, hùng vĩ, bạn không nên bỏ lỡ.
Video đang HOT
TP.HCM – Bình Thuận Nguyễn Thị Thu Vân, TP.HCM
Bình Thuận cách TP.HCM khoảng 200 km. Với tôi, thời gian di chuyển 4 tiếng đồng hồ không quá dài, đủ để trải nghiệm cảm giác đi tàu.
Trước kia, tôi đã từng tàu nhưng chưa có nhiều cơ hội chụp ảnh. Lần này, sẵn chuyến đi chơi Phú Quý, tôi lại mua vé tàu và đầu tư thêm khoản trang phục để check-in.
Tôi và người bạn mua vé 160.000 đồng/người (giường nằm trong khoang 4 người) khá rộng rãi và sạch sẽ. Ngày trong tuần nên tàu không hề đông đúc, hành khách được đi lại giữa các khu vực trên tàu.
Bạn nên chọn góc có cửa để lấy ánh sáng tự nhiên chụp ảnh, tùy vào concept mà lựa trang phục phù hợp. Tuy nhiên, nếu đi đủ người để mua vé trọn khoang 4 giường thì bạn sẽ thoải mái, tự tin hơn.
So với máy bay, tôi thấy thủ tục lên tàu đơn giản, cảm giác chờ đợi cũng đỡ hơn, không phải đi trước 1-2 giờ. Những chuyến đi xa hơn sau này, nếu có nhiều thời gian, tôi vẫn sẽ chọn đi tàu hỏa để ngắm cảnh dọc đường.
TP.HCM – Biên Hòa (Đồng Nai) Vũ Hoàng Phi, TP.HCM
Tôi chưa bao giờ đi tàu hỏa vì nghĩ phương tiện này chỉ chạy những quãng đường xa.
Năm ngoái, tôi tình cờ phát hiện có chặng di chuyển từ TP.HCM đến Biên Hòa nên muốn đi thử cho biết. Thế nhưng, tôi mới thử trải nghiệm này gần đây do dịch bệnh.
Khoảng cách giữa 2 địa phương khá ngắn, đi xe máy thì nóng, chọn taxi giá lại cao. Lúc này, tàu hỏa là lựa chọn hoàn hảo vì thủ tục, giấy tờ đơn giản. Nếu muốn có nhiều không gian chụp ảnh hơn, bạn nên chọn các khung giờ di chuyển trong tuần.
Sau 45 phút ngồi trên tàu, tôi cũng đến Biên Hòa. Tôi chủ yếu chọn các điểm vui chơi, ăn uống ở gần nhà ga vì thời tiết rất nắng, nóng. Giá cả đồ ăn, thức uống bình dân, người địa phương thân thiện. Tôi tiếc vì tàu không chạy chuyến tối về TP.HCM nên đành về sớm, chưa thể trải nghiệm hoạt động đêm ở đây.
Tôi dự định đi Nha Trang vào tháng 7 bằng phương tiện này.
Du lịch liên tục để 'trả thù' đại dịch
Sau Tết Nguyên đán, nhiều người trẻ liên tục du lịch để bù đắp cho năm 2021 phải ở nhà quá lâu vì dịch.
Một số chấp nhận vừa đi vừa làm việc.
Trở về từ chuyến du lịch Đà Lạt không lâu, Đinh Hồng Khanh (sinh năm 1991, Hà Nội) tiếp tục lên kế hoạch cho "phi vụ" trekking Bạch Mộc Lương Tử, một đỉnh núi có độ cao trên 3.000 m nằm ở giữa 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai.
Đó sẽ là chuyến đi thứ 4 của Khanh kể từ sau Tết Nguyên đán. Chỉ trong hơn một tháng, cô và chồng đã "vi vu" đến đỉnh Nhìu Cồ San (Lào Cai), Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Cô cho đây là cách để thỏa mãn đam mê xê dịch, đặc biệt sau một năm 2021 phải ở nhà quá lâu vì dịch Covid-19.
"Mỗi chuyến, tôi đi khoảng 3 ngày 2 đêm. Chúng tôi thích những địa danh có đồi núi, gần gũi thiên nhiên. Được đi du lịch nhiều trở lại sau khoảng thời gian dịch bệnh, tôi thật sự rất phấn khích và hạnh phúc, chỉ muốn đi nhiều hơn", Khanh chia sẻ cùng Zing.
Hồng Khanh trong chuyến trekking lên đỉnh Nhìu Cồ San.
Du lịch "trả thù"
Tương tự Hồng Khanh, Lưu Thị Thu Hà (sinh năm 1995, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang rục rịch cho chuyến du lịch lần thứ 4 của mình chỉ trong vòng hơn một tháng tính từ sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch.
Địa điểm cô chọn lần này là Hà Giang với mong muốn trải nghiệm cung đường đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế và tiết trời mát mẻ đúng mùa hoa gạo đỏ rực rỡ.
"Vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết, tôi và bạn bè lên đường đi Đà Lạt 4 ngày 3 đêm. Sau đó khoảng 2 tuần, tôi vào TP.HCM chơi vài ngày. Đến cuối tháng 2, vừa về nhà được ít hôm và chưa kịp dỡ vali, tôi lại tiếp tục book vé máy bay để vào TP Buôn Mê Thuột du lịch 4 ngày 3 đêm nữa.
Sắp tới, tôi lại đi Hà Giang, coi như nguyên 2 tháng đầu năm âm lịch chỉ dành để đi du lịch. Người ta nói tháng Giêng là tháng ăn chơi đúng đối với tôi", cô kể.
Thu Hà tranh thủ du lịch đầu năm khi công việc của bạn bè chưa quá bận rộn. Trong ảnh, cô đến thăm Đắk Lắk vào ngày 28/2.
Theo Hà, công việc của cô có thể làm online nhưng rất bận rộn với hàng loạt đầu việc phải xử lý mỗi ngày. Cô cũng phải tham gia lớp học tiếng Trung trực tuyến 3 buổi một tuần.
Tuy nhiên, vì rất muốn được đi du lịch để "trả thù" năm 2021, cô buộc phải sắp xếp, bàn giao nhiệm vụ và luôn mang theo máy tính.
Thậm chí, trong những ngày đi chơi, cô phải dậy sớm để giải quyết hết công việc trong ngày và xin phép cấp trên được vắng mặt trong một số buổi họp.
"Đầu năm là giai đoạn bạn bè của tôi đi du lịch khá nhiều do công việc nhàn rỗi, giá vé máy bay rẻ và các điểm du lịch lại khá thoáng do chưa đến mùa cao điểm. Dù bận, tôi vẫn cố gắng sắp xếp để đi cùng mọi người. Tôi sợ không tranh thủ đi nhanh thì sẽ có thêm đợt dịch khác bùng phát", cô cười và nói.
Thu Hà trong chuyến du lịch đến Đà Lạt cùng bạn bè vào đầu tháng 2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đầu năm âm lịch cũng là giai đoạn mà Đặng Vũ Hiệp (sinh năm 1994, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) "vi vu" từ Bắc vào Nam để thỏa niềm đam mê du lịch.
Vừa trải qua tiết trời lạnh giá của mùa đông miền Bắc, Hiệp quyết định cùng bạn bè, đồng nghiệp chọn các miền biển miền Trung là Quy Nhơn (Bình Định) và Đà Nẵng làm nơi nghỉ dưỡng.
"Đầu năm, thời tiết ở những nơi này rất đẹp, thích hợp để vui chơi, khởi động một năm mới đầy năng lượng. Thực chất trước Tết, khi dịch bệnh hạ nhiệt, tôi đã đi du lịch nhiều nơi rồi. Nhưng những chuyến đi đầu năm vẫn thoải mái, thảnh thơi và dễ chịu hơn", Hiệp chia sẻ.
Hiệp cho biết vào đầu tuần tới, anh sẽ có chuyến du lịch thứ 3 đến Ninh Bình và sau đó là Phú Quốc (Kiên Giang).
"Mỗi chuyến, tôi đi khoảng 3 ngày 2 đêm. Công việc của tôi khá linh hoạt về thời gian nên tôi có thể làm online để hoàn thành nhiệm vụ", anh cho hay.
Vũ Hiệp tận hưởng thời tiết ấm áp tại Quy Nhơn. Không may, sau chuyến đi này, anh mắc Covid-19.
Đánh cược
Vũ Hiệp cho rằng bản thân không còn quá lo lắng về dịch bệnh như trước đây, tuy nhiên vẫn không dám lơ là, bỏ qua việc đeo khẩu trang, khử khuẩn khi đi du lịch. Anh cũng lựa chọn ở trong các resort biệt lập và chỉ vui chơi tại những bãi biển vắng người.
Nhưng đúng như Hiệp lo ngại, dù đã chủ động phòng tránh, anh vẫn mắc Covid-19 sau chuyến du lịch đến Quy Nhơn.
"Về nhà, phát hiện mình dương tính nCoV, tôi nhận ra dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng. Tôi đã tiêm 3 mũi vaccine, sức khỏe tốt nên nhanh chóng hồi phục. Nhưng việc trở thành F0 chắc chắc không phải điều tôi mong muốn. Các di chứng hậu Covid-19 kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống", anh nói.
Còn với Thu Hà, hoạt động du lịch đã sôi động trở lại nhưng vẫn chưa thể ổn định như giai đoạn trước đây. Việc đi chơi trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là "đánh cược" với nguy cơ nhiễm bệnh mà còn phải đối mặt với một số rủi ro khó lường.
"Ví dụ, tôi đã đặt trước phòng trong một khách sạn ở Hà Giang nhưng mới đây, họ liên hệ xin lỗi và hoàn tiền. Lý do của họ là nhân viên mắc Covid-19 quá đông, khách sạn phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Tôi thông cảm và tìm nơi ở khác, nhưng thử tưởng tượng họ thông báo trước chỉ một ngày, hành khách sẽ khó để xoay xở", cô kể.
Hồng Khanh vừa kết thúc chuyến đi đến Đà Lạt. Cô hiện lên kế hoạch để trekking lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.
Trong khi đó, Hồng Khanh lại xác định tinh thần "sống chung với dịch". Cô cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở khắp mọi nơi và chúng ta rất khó để né tránh. Cách phòng bệnh tốt nhất là nâng cao sức khỏe của bản thân nhờ chế độ luyện tập thể dục và dinh dưỡng.
"Tôi là người yêu thích thể thao, mỗi ngày đều dành thời gian tập luyện, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Tôi không muốn mình quá áp lực với dịch mà không thể tận hưởng cuộc sống bình thường", Khanh bày tỏ.
Tắm suối cầu Đồn Cả, ngắm tàu hỏa chạy ngang trời Cầu đường sắt Đồn Cả nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân, trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Cây cầu cổ kính được xây dạng vòm bằng đá tảng, trên một khúc đường sắt cong cong nơi sườn đèo. Cầu Đồn Cả - suối chảy bên dưới, tàu chạy trên cao. Cầu Đồn Cả đến nay đã hơn 100 năm hoạt động, được...