Người tóc đỏ trên thế giới tụ hội về Hà Lan
“Ngày hội tóc đỏ” vừa được tổ chức vào cuối tuần qua tại thành phố Breda, Hà Lan trong sự chào đón và hân hoan của 1.400 người đến từ 52 quốc gia tham dự. Lễ hội này bắt đầu được tổ chức vào năm 2005 và từ đó đến nay, nó đã trở thành một hoạt động văn hóa và du lịch thường niên của Hà Lan.
Trên thế giới chỉ có 1 – 2% dân số được sinh ra với mái tóc màu đỏ. Chính vì sự hiếm hoi đó mà những người tham dự không ngần ngại đến gặp gỡ và giao lưu cùng nhau vào ngày hội đặc biệt này.
Theo TTVN
Hà Nội Tết này vắng 'phố ông Đồ'
Không như mong đợi, kế hoạch lập "phố ông đồ" đã gần như phá sản khi 20 nhà thư pháp bỏ gian hàng nhà bạt mà ra vỉa hè tự trải chiếu ngồi như cách họ vẫn làm hàng chục năm trước đây.
Con phố Văn Miếu (quận Ba Đình, Hà Nội) từng được người dân gọi tên "phố ông đồ" mỗi khi Tết đến, Xuân về vì đây là nơi tập trung những cụ già viết thư pháp, cho chữ. Từng được trang hoàng lộng lẫy, đầu tư nhiều tiền của với mong muốn mang lại "sân chơi" cho các ông Đồ dịp Tết Nguyên Đán nhưng sau lần 20 nhà viết thư pháp bỏ gian hàng ra ngồi vỉa hè để phản đối phương thức ăn chia của nhà tổ chức hồi Tết năm trước, năm nay đơn vị tổ chức đã quyết định dừng cuộc chơi.
Kỷ niệm buồn
Video đang HOT
Năm ngoái, công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt đã lần đầu tiên phối hợp với Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO tổ chức "phố ông đồ". Dự tính ban đầu là xin tài trợ nhưng sau đó do không xin được nên kêu gọi các nhà thư pháp cùng góp sức. Gần 50 ông đồ đến từ các CLB thư pháp như UNESCO thư pháp, "Nhị thập bát tú", nhóm thư pháp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn... cùng tề tựu về phố Văn Miếu.
Ông Phạm Đức Hân, Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt, đơn vị trực tiếp tổ chức cho biết: "Việc tổ chức "phố ông đồ" không phải là mới vì trước đó TP Hồ Chí Minh đã làm cách đây nhiều năm và mô hình khá thành công. Việc tổ chức này sẽ góp phần tạo sân chơi cho các ông đồ ngày đầu năm, đưa hoạt động xin - cho chữ đi vào quy củ, tránh tình trạng lộn xộn, tự phát diễn ra như những năm trước đây".
Tết này sẽ vắng cảnh ông đồ cho chữ
Tuy nhiên, không như mong đợi, kế hoạch lập "phố ông đồ" đã gần như phá sản khi 20 nhà thư pháp bỏ gian hàng nhà, bạt mà ra vỉa hè tự trải chiếu ngồi như cách họ vẫn làm hàng chục năm trước đây. Lý do mà những ông đồ này đưa ra là không chấp nhận cách tổ chức, cũng như phương thức chia 50 - 50 mà ban tổ chức đặt ra.
Sự việc trở nên căng thẳng đến đỉnh điểm khi chiều 20/1/2010, công an phường Quốc Tử Giám đã yêu cầu các ông đồ ngồi bên vỉa hè giải tán, đồng thời tịch thu một số bức thư pháp treo trên tường mang đi. Trước ý kiến cho rằng công an phường đã "nhẫn tâm" trước nét văn hóa truyền thống của dân tộc, công an phường lý giải họ chấp hành đúng quy định của thành phố là cấm mọi hoạt động kinh doanh tại vỉa hè Văn Miếu.
Tết này không có "phố ông đồ"
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh - Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO, đơn vị phối hợp tổ chức "phố ông đồ" giải thích: "Việc đáng buồn này đã diễn ra do sự tổ chức không chặt chẽ của các đơn vị tham gia. Một số người tham gia cũng chưa ý thức được việc làm của mình. Nhiều khi mục đích kinh tế bị đặt lên trên làm mai một đi nét đẹp văn hóa".
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh - Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO: "Nếu tổ chức phố ông đồ, đặt ở đâu thì phải được sự quản lý của phường, phố, chính quyền địa phương chủ quản để đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng lộn xộn xảy ra như năm 2009. BTC nên xây dựng một quy chế tổ chức bằng văn bản, có sự xây dựng đóng góp của các cơ quan liên quan. Ngoài ra người dân thường quan niệm chữ xin ngày Tết bao giờ cũng thiêng liêng nên phải minh bạch giữa việc cho chữ và bán chữ. Mua chữ để lấy cái lộc, nên dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân. Sự thúc ép về giá cả nhiều khi làm mất đi giá trị thiêng liêng của nét văn hóa này".
Ông Phạm Đức Hân cho biết: Tết Tân Mão năm nay công ty sẽ không đứng ra tổ chức "phố ông đồ" nữa. "Vẫn biết rằng đây là một nét văn hóa độc đáo của người Việt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán, nhưng để tổ chức được "phố ông đồ" không phải là chuyện đơn giản như nhiều người nghĩ, phải được cấp phép của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, UBND Quận Đống Đa... Năm nay, một phần do công ty cũng nhiều việc, phần vì năm trước xảy ra một số vấn đề lộn xộn, nằm ngoài tầm kiểm soát của Ban tổ chức nên công ty quyết định thôi tổ chức "phố ông đồ", ông Hân nói.
Cũng theo ông Hân, ngoài lý do nêu trên, năm nay công ty ông quyết định không tổ chức hoạt động văn hóa này nữa vì để tổ chức được hoạt động này cần sự hợp tác của nhiều bên liên quan, không chỉ riêng những nhà thư pháp mà cần phải có đơn vị đứng ra tài trợ, tổ chức... Khi tổ chức, lộ trình cũng có nhiều khó khăn, từ khâu xin cấp phép đến hoạt động, quản lý. "Năm trước, công ty tôi vừa là đơn vị bỏ tiền tài trợ, vừa là đơn vị trực tiếp tổ chức, rất vất vả mà không được sự hỗ trợ của cơ quan tổ chức nào", ông Hân lý giải.
Theo ông Hân, ý tưởng tổ chức phố ông đồ là một ý tưởng hay vì nó vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lại là một điểm văn hóa - du lịch để nhân dân đến vừa vui chơi giải trí, vừa thưởng thức văn hóa. "Hiện nay, có một thực tế là Hà Nội dịp Tết rất ít các hoạt động vui chơi giải trí, các chương trình liên quan đến văn hóa, tôn vinh truyền thống dân tộc. Đơn vị nào muốn làm chương trình gì cũng phải xin phép, thủ tục rườm rà. Nếu có thể, thành phố nên đứng ra tổ chức sẽ hợp lý hơn. Nó cũng giống như tổ chức một ngày lễ hội, thành phố cho chủ trương, các câu lạc bộ thư pháp sẽ tổ chức thành những gian hàng đứng ra tự tổ chức, tự quản lý".
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh cũng cùng chung nỗi buồn: "Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng tổ chức, bởi "phố ông đồ" thực sự là sân chơi cho các nhà thư pháp từ thanh niên cho đến lão thành. Bên cạnh đó, hình ảnh những ông đồ cho chữ ngày đầu xuân từ xưa đến nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa đẹp của người Việt, cũng như thủ đô ngàn năm văn hiến. Nếu đơn vị nào tiếp tục đứng ra tổ chức trong năm nay, các thành viên của CLB Thư pháp UNESCO sẽ tiếp tục tham gia hết mình".
Hiến kế cho những "phố ông đồ" tương lai
Anh Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên Phòng Quản lý Di tích, Cục Di sản Văn hóa, một trong những "cây" thư pháp trẻ của Hà Nội nhận định: "Tôi rất ủng hộ ý tưởng lập "phố ông đồ". Tôi được biết năm 2009 "phố ông đồ" tổ chức cũng gây được tiếng vang, sự ủng hộ của dư luận xã hội, nhiều người quan tâm tìm đến thưởng thức và xin chữ đầu xuân". Theo anh Dũng, tuy có xảy ra lộn xộn liên quan đến quyền lợi, ăn chia của các bên liên quan nhưng sự việc cũng đã dàn xếp được nên không có vấn đề gì lớn.
Với tư cách một người từng nhiều năm nay làm "ông đồ vỉa hè" mỗi khi Tết đến, anh Dũng nói: "Nếu tổ chức được "phố ông đồ", các nhà thư pháp sẽ rất vui, bởi quan trọng họ cần một sân chơi, nhiều khi tham gia chỉ vì đam mê chứ hoàn toàn không đòi hỏi lợi ích kinh tế".
Có phần trái chiều với những ý kiến trên, anh Nguyễn Văn Nguyên, cán bộ nghiên cứu tại Viện Văn học - một trong những người đầu tiên viết thư pháp tại vỉa hè Văn Miếu bày tỏ: "Tổ chức "phố ông đồ" hay bất kỳ một chương trình nào cũng vậy, chẳng công ty nào chịu bỏ tiền ra không, họ phải có lợi nhuận thu về. Mà đã dính đến kinh tế thì chuyện cạnh tranh xảy ra là lẽ đương nhiên. Việc một số nhà thư pháp không chấp nhận với tỷ lệ chia 50 - 50 (nghĩa là Ban tổ chức thu 50% số tiền ông đồ thu về) cũng là lẽ thường. "Phố ông đồ" tuy nói là quảng bá văn hóa nhưng thực chất là kinh doanh". Theo anh Nguyên, với một chương trình tổ chức mang màu sắc văn hóa như vậy thì không nên để một công ty đứng ra tổ chức mà nên để tự các ông đồ lập thành các nhóm trên tinh thần tự nguyện dưới sự quản lý của chính quyền. Số tiền thu được sẽ trả một phần phí cho đơn vị đảm bảo trật tự, đơn vị quản lý.
Theo Đời sống & Pháp luật