Người tố giác khẳng định nhớ rất rõ mặt CSGT Tân Sơn Nhất vòi 6,2 triệu đồng
Sáng 6/6, anh Thái Đăng Phú – người tố cáo CSGT Tân Sơn Nhất vòi tiền 6,2 triệu đồng, có đơn phản hồi các nội dung trong cuộc họp ngày 4/6 của Công an TP.HCM.
Trong cuộc họp báo ngày 4/6, ông Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM, cập nhật thông tin với báo chí về quá trình điều tra vụ CSGT Tân Sơn Nhất bị tố vòi tiền của người vi phạm, xảy ra sáng 12/5. Trong đó, ông Lâm thông tin “khi cho anh Phú nhận dạng thì anh Phú không nhớ mặt CSGT đó và số điện thoại không gọi được nữa”. Tuy nhiên, anh Phú cho rằng việc này là không đúng với sự thật.
Anh Phú khẳng định: “ Từ lúc có đơn tố cáo đến giờ chưa hề có tổ chức nào cho tôi nhận dạng người cưỡng đoạt tiền tôi, mà lại đi nói như vậy. Tôi khẳng định là tôi nhớ rất rõ mặt người CSGT cưỡng đoạt tiền tôi“.
Theo anh Phú, sở dĩ anh nhớ rất rõ mặt vì thời điểm CSGT tên Minh ép xe vào lề, báo lỗi không biển số rồi đòi 6,2 triệu đồng diễn ra một hồi lâu. Sau đó, CSGT này chở anh Phú về đồn và tại đó hạ giá còn 6 triệu đồng cũng diễn ra một lúc.
Tiếp đó, trong phòng ở trụ sở đội CSGT tại Trần Huy Liệu, CSGT tên Minh tiếp tục ép đòi tiền nhưng không được, sau đó đưa anh Phú qua một phòng kín không có người khác để đòi tiền.
Ngoài ra, vào thời điểm sau khi anh Phú nộp đơn tố cáo lên cho Thanh tra TP.HCM và được hướng dẫn về Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM trình báo thì anh Phú được gọi xuống đồn CSGT Trần Huy Liệu để làm việc.
Chiếc xe máy của anh Thái Đăng Phú treo biển “xe xin số” bị CSGT đòi phạt 6,2 triệu đồng.
Tại đây, anh Phú gặp một cán bộ nữ tên H., tự xưng là sếp của CSGT tên Minh đại diện xin lỗi thay và hỗ trợ trả lại giấy tờ cùng 2 triệu đồng bị cán bộ CSGT lấy từ ví, nhưng anh Phú từ chối và yêu cầu gặp mặt cán bộ CSGT tên Minh.
Video đang HOT
Sau đó, CSGT này ra nói chuyện với anh Phú, nhận làm sai và xin lỗi, cùng với đó có mong muốn trả lại 2 triệu đồng đã lấy từ ví anh Phú. Qua những nội dung đó, anh Phú khẳng định hoàn toàn nhận dạng được khuôn mặt của CSGT cưỡng đoạt tài sản của mình.
Anh Phú cũng giải thích thêm rằng, trong biên bản làm việc với phòng PC08, một CSGT tên L. tự ghi biên bản và trong đó phát hiện có câu “ anh Phú không nhớ rõ mặt CSGT tên Minh” nhưng không dám có ý kiến vì sợ làm mất lòng cán bộ này.
Theo anh Phú, thời điểm đó ông L. “chiêu dụ” anh bằng cách làm thân, nhận đồng hương, tỏ vẻ rất đồng cảm và cam kết sẽ làm đến cùng vụ này, xử lý CSGT tên Minh đến nơi đến chốn khiến anh Phú rất tin tưởng, nên không muốn làm phật ý.
Sau đó ông L. lại chạy theo xin cho CSGT tên Minh và liên tục yêu cầu anh rút đơn tố cáo thì anh mới nhận ra “chiêu” lấy lòng của cán bộ L.
Đoạn tin nhắn được cho là của Trung tá H. muốn gặp mặt anh Phú. (Ảnh: NVCC)
Trong đơn, anh Phú còn đề nghị Bộ Công an, Cục điều tra viện kiểm sát vào cuộc, làm rõ các số điện thoại của những người tự xưng là sếp của CSGT tên Minh, tác động xin anh Phú rút đơn. Ngoài ra, nhiều lần nhắn tin vào điện thoại của anh Phú với mong muốn được gặp riêng anh Phú để nói chuyện.
Anh Thái Đăng Phú trước đó có đơn yêu cầu khởi tố đến Công an TP.HCM với CSGT tên Minh vì hành vi vòi tiền 6,2 triệu đồng của người vi phạm, cho lỗi chỉ 400.000 đồng.
Tuy nhiên, chiều 4/6, trong cuộc họp báo, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM Nguyễn Thế Lâm cho biết CSGT H.TM chưa nhận vụ việc. Đồng thời, khi cho anh Phú nhận dạng thì anh Phú cũng không nhớ mặt CSGT và số điện thoại giờ không gọi được nữa, nên vẫn chưa thể kết luận vụ việc.
Hiện Giám đốc Công an TP.HCM đã ra quyết định thanh tra, lập tổ thanh tra vụ việc.
Sẽ sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất ngay tháng 6
Đây là khẳng định của Bộ GTVT trong thông cáo phát đi chiều 3/6. Việc phải cải tạo đường cất hạ cánh Nội Bài và Tân Sơn Nhất là rất cấp bách.
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như Airbus 350-900, Boeing 787-9, Boeing 787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng.
Đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên phải sửa chữa, trám vá.
"Theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, đường cất hạ cánh, đường lăn tại 2 Cảng hàng không này cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt. Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, chính trị tại 2 sân bay cửa ngõ lớn của đất nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại của đất nước cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động hàng không," lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với Cảng hàng không Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Khu bay sân bay Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên phải sửa chữa, trám vá.
Do vậy, phía Bộ GTVT nhấn mạnh việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khả thi, ngày 22/5/2020, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Nội Bài do Ban Quản lý dự án Thăng Long trình duyệt và quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cửu Long trình duyệt.
Theo đó, đối với Cảng hàng không Nội Bài thực hiện cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (đường cất hạ cánh 1A) và đường cất hạ cánh 11R/29L (đường cất hạ cánh 1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.
Đối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.
Hệ thống đường lăn, đường băng sân bay Nội Bài bị lún, vỡ nhiều điểm.
Tổng mức đầu tư của 2 dự án là 4.046,9 tỷ đồng, trong đó Cảng hàng không Nội Bài là 2.031,6 tỷ đồng, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là 2.015,3 tỷ đồng. Thời gian xây lắp từ năm 2020 đến năm 2021 và hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chấp lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết đây là 2 dự án vừa thi công, vừa khai thác các cảng hàng không, do đó Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo và đã giao nhiệm vụ trực tiếp đối với các cơ quan đơn vị như Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long, các cơ quan tham mưu của Bộ và các đơn vị Tư vấn Giám sát, Tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để xây dựng phương án tổ chức thi công hợp lý nhất đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh trong quá trình thi công đồng thời đảm bảo chất lượng, tiến độ của dự án.
Nhấn mạnh về tiêu chí lựa nhà thầu xây lắp phải đảm có đủ năng lực và kinh nghiệm thi công 2 dự án này theo những quy định pháp luật hiện hành, ông Lâm cho hay nhà thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ của dự án; về kinh nghiệm phải đảm bảo đã từng thi công công trình tương tự.
"Công tác này đang được khẩn trương thực hiện để tiến hành giao thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi công vào cuối tháng 6/2020," ông Lâm quả quyết.
Việc khẩn trương khởi công 2 dự án đầu tư công nói trên trong giai đoạn này ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT và các đơn vị ngành hàng không trong việc thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 thành công, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 Cảng hàng không lớn nhất của cả nước, là 2/4 Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế hiện nay của Việt Nam.
Năm 2019, 2 Cảng hàng không này đã phục vụ 70,5 triệu lượt hành khách/tổng số 116,5 triệu lượt hành khách của 22 cảng hàng không của cả nước, chiếm 60,5% tổng sản lượng hành khách.
Đây là 2 Cảng hàng không có vai trò rất quan trọng trong việc giao thương trong nước và quốc tế, phục vụ các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung./.
Người phụ nữ đi đường mòn từ Trung Quốc vào Việt Nam âm tính lần 2 với nCoV Người phụ nữ nhập cảnh vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở tại Cao Bằng có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với nCoV. Sáng 2/6, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết người phụ nữ có dấu hiệu sốt, được đưa vào cách ly tại bệnh viện này có kết quả...