Người tố cán bộ phường Văn Miếu: “Họ nói gì cũng chỉ là ngụy biện”
Chị Vũ Thanh Hoa, người tố cán bộ phường Văn Miếu chậm trễ cấp giấy chứng tử, cho biết chị không quan tâm đến kết quả kiểm tra của TP Hà Nội. Đồng thời, chị cũng giải thích về những thông tin mà nhà tang lễ cung cấp.
Hai ngày qua, thông tin chị Vũ Thanh Hoa (phố Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu, Đống Đa, HN) chia sẻ trên mạng xã hội về việc cán bộ phường Văn Miếu chậm cấp giấy chứng tử khiến tang lễ của bố chị lùi lại 1 ngày thu hút sự chú ý của dư luận, cùng các ý kiến khác nhau.
Trong diễn biến mới đây, đại diện BQL nhà tang lễ bệnh viện 354 khẳng định có nhân viên trực 24/24, hết giờ hành chính vẫn ký hợp đồng tang lễ, khiến một số người đặt vấn đề về “tính xác thực” thông tin chị Hoa chia sẻ trên Facebook.
Đề tìm hiểu rõ hơn về việc này, tối ngày 27.7, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Vũ Thanh Hoa.
Chị Vũ Thanh Hoa, người tố cán bộ phường Văn Miếu chậm trễ làm giấy chứng tử khiến đám tang của bố chị phải lùi lại 1 ngày
Thông tin liên quan đến việc cán bộ phường chậm trễ cấp giấy chứng tử khiến đám tang của bố chị phải lùi lại 1 ngày, đang nhận được quan tâm rất lớn từ dư luận. Chị cảm thấy như thế nào sau sự việc vừa qua?
- Lo hậu sự xong cho bố, tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết bài chia sẻ cảm xúc, sự việc của gia đình mình.
Tôi đã chuẩn bị tâm lý trước, sẽ có những áp lực, thông tin nhiều phía. Nhưng tôi hơi bất ngờ về sự chia sẻ trên mạng xã hội. Khi đăng bài viết lên, mục đích của tôi cũng chỉ để cán bộ phường nhìn nhận lại hành động của họ như thế nào. Nếu tôi không lên tiếng thì phường họ không biết là mình chậm ký giấy chứng tử, hậu quả gây ra cho gia đình người dân những cái gì.
Từ khi đăng bài viết trên mạng, ý kiến tích cực và tiêu cực đều có. Ai nói gì không quan trọng, nội dung tôi chia sẻ trên Facebook là sự thật, tôi sẽ không chỉnh sửa gì thêm.
Có ý kiến cho rằng việc “tố” cán bộ phường Văn Miếu hành dân của chị thiếu cơ sở, cán bộ phường đã làm đúng quy trình. Chị nghĩ sao về điều này?
- Cán bộ phường giải thích như thế nào với báo chí, dư luận tôi không được nghe trực tiếp. Còn đối với gia đình tôi, họ nói gì, làm gì thì chúng tôi đã chứng kiến rồi. Bây giờ có đôi co lại cũng không giải quyết được vấn đề gì nữa.
Họ có giải thích như thế nào thì sự việc cũng đã diễn ra. Họ nói gì cũng là nguỵ biện, hậu quả việc làm chậm trễ của họ, gia đình tôi cũng đã gánh chịu. Việc giải thích cũng không còn quan trọng với gia đình tôi.
Video đang HOT
Chính quyền thành phố, đoàn kiểm tra vào cuộc, ra quyết định như thế nào tôi không quan tâm. Khi tôi viết bài trên Facebook, tôi không có suy nghĩ, đặt mục đích cho người này mất việc, người kia điều chuyển. Tôi chỉ mong muốn nhắc nhở chính quyền phường rằng, người dân chúng tôi cũng có tiếng nói, chứ không chịu im lặng.
Có thể cán bộ làm việc đúng quy trình nhưng cái tâm, cái đức họ không có.
Đại diện BQL Nhà tang lễ Bệnh viện 354 đã khẳng định luôn có nhân viên trực 24/24, ký hợp đồng ngoài giờ hành chính. Thông tin này không khớp so với chia sẻ của chị rằng khi lấy được giấy chứng tử, nhà tang lễ đã hết giờ làm việc, chị không ký được hợp đồng tang lễ. Chị có thể giải thích rõ hơn về việc này?
- Khi xin giấy chứng tử xong, tôi và chị Hằng (chị gái chị Hoa – PV) đến nhà tang lễ làm thủ tục thì bảo vệ của nhà tang lễ nói cậu phụ trách có việc nên về rồi. Ngày hôm sau có thể quay lại làm sớm, chúng tôi nghĩ ký hợp đồng vào lúc chiều tối hay sáng sớm hôm sau như nhau thôi, không giải quyết vấn đề gì.
Chúng tôi quay lại phường nói chuyện với chị Khanh, Chủ tịch phường. Tôi đưa tờ giấy sư thầy viết rõ ngày giờ tốt để tổ chức tang lễ bố tôi, cho chị Khanh. Việc chậm cấp giấy chứng tử, tôi hỏi ai chịu trách nhiệm, chị Khanh không trả lời được. Chúng tôi yêu cầu chị Hà lên xin lỗi gia đình nhưng chị Hà không lên.
Sự việc tiếp theo như thế nào, đúng như tôi đã viết trên Facebook.
Theo đơn xin gửi tử thi và tổ chức tang lễ của gia đình chị mà BQL nhà tang lễ cung cấp, có ghi ngày tổ chức tang lễ 21.7, hợp đồng cũng là ngày đó. Vậy tang lễ của bố chị có được tổ chức theo đúng hợp đồng?
- Tang lễ của bố tôi đã được tổ chức theo đúng hợp đồng, tuy nhiên vẫn chậm 1 ngày so với nguyện vọng của gia đình vì bị chậm cấp giấy chứng tử.
Ngày 19.7, khi gửi bố tôi vào nhà tang lễ, chị Hằng nói cứ ghi ngày 21.7, dự kiến, để nhỡ ra còn có thời gian chuẩn bị. Lúc ký đơn xin gửi tử thi và tổ chức tang lễ chị Hằng có thống nhất với nhà tang lễ, ngày giờ tổ chức cụ thể sẽ theo hợp đồng chính thức.
Thực tế, sáng 20.7, tôi mới ký được hợp đồng, trong vòng vài tiếng, chúng tôi không thể lo báo biến, làm cáo phó, mua chỗ nằm cho bố ở Văn Điển.
Về nhà, chị em chúng tôi xin ý kiến mẹ, tổ chức tang lễ cho bố ngày 20.7 không kịp, gia đình đành lùi sang ngày 21.7.
Bố tôi mất tối ngày 18.7, sáng ngày 19.7 tôi xin giấy chứng tử cho ông. Việc tâm linh, gia đình chúng tôi đã nhờ sư thầy ở chùa xem ngày giờ tốt để tổ chức tang lễ cho ông. Thầy chỉ ra hai ngày tốt là ngày 20 và 21.7. Gia đình mong muốn tổ chức tang lễ cho ông vào ngày 20.7, vừa để cúng 3 ngày theo đúng phong tục truyền thống.
Tôi hy vọng có thể lấy giấy chứng tử cho bố trong buổi sáng ngày 19.7, để sớm ký hợp đồng với nhà tang lễ. Thông báo ngày giờ tổ chức cho bà con họ hàng.
Nhưng đến chiều tôi mới lấy được giấy chứng tử, đám tang của bố tôi đã bị lùi lại 1 ngày so với dự định của gia đình.
Theo Danviet
Bắt dân chờ PCT phường họp xong ký giấy khai tử có đúng quy định?
Nếu Phó chủ tịch UBND phường phụ trách ký giấy khai tử bận, Chủ tịch UBND và Phó chủ tịch UBND còn lại có đủ thẩm quyền ký giấy chứng tử?
Chị Vũ Thanh Hoa (ảnh phải) chia sẻ trên Facebook cá nhân về quá trình xin giấy khai tử cho bố đẻ
UBND phường giải quyết khai tử trong ngày
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền bài viết của Facebook "Hoa Thanh" kể về "hành trình gian nan" đi làm giấy chứng tử cho bố đẻ tại UBND phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội).
Chị Vũ Thanh Hoa (phường Văn Miếu), chủ của Facebook Hoa Thanh, xác nhận chị đã viết bài trên.
Chị Hoa bày tỏ thái độ bức xúc trước cách làm việc của cán bộ phường Văn Miếu. Chị cho biết, sau khi bố chị "nằm xuống" ngày 18.7, gia đình đến nhà tang lễ bệnh viện để làm thủ tục hỏa tang.
Để hoàn tất thủ tục và kịp lễ viếng và truy điệu vào lúc 13h ngày 20.7, phía nhà tang lễ yêu cầu gia đình phải nộp ngay giấy khai tử do UBND phường sở tại cấp.
Sáng 19.7, chị đến phường Văn Miếu, cán bộ phường cho biết lãnh đạo (sau này xác định là bà Nguyễn Thị Thuý Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu - người phụ trách tư pháp) đi họp và hẹn chị buổi chiều đến.
Đến giờ hẹn chị Hoa đến phường, nhưng cán bộ phường vẫn chưa cấp giấy, đến khi được cấp thì đã quá muộn nên gia đình chị Hoa không thể làm thủ tục lễ tang cho bố chị tại nhà tang lễ.
Chị Hoa cho rằng, chỉ vì "cán bộ phường lười" mà "bắt người chết nằm chờ giấy khai tử", tang lễ của bố chị phải lùi lại 1 ngày.
Thời hạn giải quyết cấp giấy khai tử là ngay trong ngày nếu hồ sơ hợp lệ.
Câu chuyện của chị Hoa sau đó nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, cùng các ý kiến khác nhau. UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ phản ánh trên.
Sau sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, thời hạn cấp giấy khai tử là bao nhiêu lâu? Trong trường hợp Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách việc ký giấy khai tử bận họp hoặc có việc bận thì những lãnh đạo khác của UBND phường có thẩm quyền giải quyết hay không?
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, theo quy định hiện hành, sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp giấy khai tử hợp lệ từ phía công dân, UBND cấp xã, phường, thị trấn phải cấp giấy khai tử ngay trong ngày cho công dân.
Trong trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trong trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 3 ngày làm việc.
Ai có quyền ký giấy khai tử?
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm, theo các quy định, người có thẩm quyền ký giấy khai tử là Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn hoặc người được Chủ tịch UBND phân công và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND về việc thực hiện nhiệm vụ này, đó là Phó Chủ tịch UBND.
"Nếu Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách bận họp không có thời gian giải quyết cấp giấy khai tử thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể trình Chủ tịch UBND phường giải quyết nếu lúc này Chủ tịch UBND có mặt tại trụ sở", luật sư Tuấn Anh nói.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp cho biết, UBND phường có cơ chế thường trực, nếu Phó Chủ tịch UBND phường bận đi họp thì lãnh đạo thường trực ngày hôm đó có đủ thẩm quyền giải quyết, ký giấy khai tử.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho rằng, vấn đề cán bộ công chức cấp xã, phường gây khó dễ cho người dân khi tiếp nhận hồ sơ không phải vấn đề mới. Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ gây khó dễ cho nhân dân.
Theo Tiến sĩ Sơn, để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm với cán bộ có hành vi gây khó dễ cho nhân dân để trục lợi.
"Vấn đề cơ bản nhất phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương cán bộ cấp xã, phường. Để chấn chỉnh được, cơ quan có thẩm quyền phải tạo điều kiện cho dân đánh giá cán bộ. Khi xem xét nếu cán bộ cố ý gây khó cho dân để trục lợi thì cơ quan có thẩm quyền dứt khoát phải xử lý nghiêm, buộc thôi việc. Không thể rút kinh nghiệm rồi điều chuyển công tác", Tiến sĩ Lê Hồng Sơn nói.
Theo Danviet
Truy dân việc sửa đường: Không xứng đáng làm cán bộ cho dân Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) đánh giá như vậy trong thông tin phản hồi gửi báo chí về việc người dân sửa đường quốc lộ 70 tại Lào Cai sau đó bị thanh tra đường bộ đến truy hỏi. Truy dân việc sửa đường: Không phù hợp đạo đức cán bộ Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) việc trao...