Người tình của cha
Cha tôi nói, trong gia đình, quan trọng là người đàn bà. Giữ được êm ấm hay đổ vỡ cũng là do người đàn bà.
Mẹ tôi mất cách nay đã 10 năm. Kể từ ngày ấy, cha chưa một lần rời khỏi cái tổ ấm chứa đựng 50 năm hạnh phúc với 10 đứa con “trứng gà, trứng vịt” của cha mẹ. Cha bảo, cha không muốn đi đâu khi không có mẹ.
Ấy vậy mà vừa rồi thằng Út gọi điện: “Cha nói muốn lên Sài Gòn thăm con cháu một chuyến”.Tụi tôi thấy lo lo. Người ta hay nói, một người già bỗng dưng muốn đi thăm bạn bè, thân hữu, cháu con thì chắc chắc sẽ có thay đổi lớn. Dù vậy, nghe bảo cha chịu đi chơi thì mấy anh em tôi rất mừng, vội vàng mướn xe về đón cha lên. Mấy anh em phân công nhau: cha ở với mỗi đứa 1 tuần. Cứ thế mà xoay tua. Nếu hết tua mà cha vẫn còn muốn ở chơi thì bắt đầu làm lại tua thứ hai. Thỏa thuận xong đâu đấy rồi vậy mà bỗng dưng cha đổi ý: “Cha ở với vợ chồng con Bảy. Trước nay con Bảy nấu ăn giống mẹ, cha vừa miệng nhất”.
Vậy là tôi, con Bảy cuống quýt dọn dẹp nhà cửa để đón cha về.
Biết ý cha, ngày nào tôi cũng hỏi: “Hôm nay cha muốn ăn gì để con mua?”. Cha bảo: “Cha lớn tuổi rồi, ăn uống bao nhiêu đâu, gì cũng được”.
Tuy cha nói vậy nhưng ngày nào tôi cũng cố gắng đổi món. Hôm thì cá rô kho tộ, bữa thì tôm kho tàu, thịt ba rọi nướng; bữa thì tôi nấu bánh canh, bún bò cho cha ăn… Theo thói quen, hôm nào tôi cũng chờ cha gắp vài đũa rồi hỏi: “Cha ăn được không cha?”. Cha gật đầu: “Con là đứa biết ý cha nhất”. Thấy vậy, 2 thằng con tôi cũng bắt chước. Mỗi khi lên bàn ăn, tụi nó lại tranh nhau hỏi: “Ông ngoại, ngon không ông ngoại?”. Cha tôi xoa đầu hai thằng cháu: “Ngon. Nhưng mẹ con nấu không giống bà ngoại nấu…”.
Sau câu nói, tôi thấy mắt cha rơm rớm. Có lẽ cha nhớ mẹ. Mấy chục năm vui buồn, tôi chưa bao giờ nghe cha mẹ nặng lời với nhau. Cha không bao giờ kêu mẹ bằng “bà” mà gọi bằng “mẹ sắp nhỏ”. Cha kêu như thế dù “sắp nhỏ” của cha mẹ có đứa đã ngót nghét năm mươi tuổi.
Mãi sau này khi mẹ mất, cha mới kể, lúc đầu, khi ông bà nội đi hỏi cưới mẹ cho cha, cha chê mẹ xấu nên đã bỏ đi biệt xứ. Hơn 3 năm sau, cha trở về, thấy mẹ vẫn còn ở vậy. Lân la làm quen, chuyện trò cha mới phát hiện mẹ là một cô gái hiền lành, đảm đang, hiếu thảo. Cha hỏi, sao mẹ chưa chịu lấy chồng thì mẹ trả lời: “Lấy người bạc bẽo như anh thì thà ở vậy còn hơn”.
Lúc đó, cha trở ngược năn nỉ mẹ ưng lấy cha. Năn nỉ riết, mẹ cũng xiêu lòng nhưng giao hẹn:”Lấy tui rồi thì không được lẹo tẹo với mấy đứa xóm trên nghen. Anh mà có gì với tụi nó thì tui chết trước bỏ anh đó”. Cha nghe vậy thì mừng húm vì “mấy đứa xóm trên” đã đi lấy chồng hết trơn rồi.
Vậy là cha mẹ thành vợ thành chồng. Rồi mẹ sinh anh Hai, anh Ba, chị Tư, chị Năm, chị Sáu, con Bảy là tôi và các em Tám, Chín, Mười, Út. Sau này, có những lúc nhà gặp khó khăn, chúng tôi cứ hay cật vấn: “Sao cha mẹ đẻ chi mà nhiều vậy?”. Mẹ cười hiền lành: “Đẻ cho sạch ruột thì thôi chớ có biết gì đâu mà kế hoạch như bây giờ?”.
Cái chuyện cha mẹ đẻ tới 10 đứa con cứ bị chúng tôi đem ra làm đề tài bàn tán mỗi khi có dịp vui vầy. Đứa nào cũng nghĩ, chắc cha mẹ hạnh phúc lắm mới cho ra nhiều con như thế! Mãi sau này, trong một lần anh em tụ tập, anh Hai mới kể lại một câu chuyện mà nghe xong đứa nào cũng ôm bụng cười lăn, cười bò. Chẳng biết anh Hai có thêm thắt hay không nhưng anh cam đoan là “nghe dượng Chín kể sao, anh kể lại i sì…”.
Video đang HOT
Lần đó mẹ sanh chị Năm được non tháng thì nghe tin cha có vợ bé. Tối tối hai người ngủ với nhau dưới ghe đậu ngoài vàm kinh. Chả là cha tôi buôn trái cây đường dài từ miền Tây lên thành phố, hay chở trái cây đi Sài Gòn bằng ghe mà. Lần đó cha đi 2 ngày thì có người báo cha chưa đi, còn neo ghe ngoài vàm để lên thêm hàng. Họ còn nói, thấy có người phụ nữ thấp thoáng trong mui ghe.
Nghe vậy thì mẹ lên cơn ghen. Cái thói thường đàn bà, hễ đụng tới chuyện chồng chung thì đã”ba máu, sáu cơn”, cỡ nào cũng phải bắt tận tay, day tận mặt.
Nửa đêm hôm đó, mẹ mượn chiếc xuồng, bơi ra chỗ cha đậu ghe. Mẹ hành sự êm đến nổi chẳng ai hay biết. Mẹ bò vô mùng rồi mà cha vẫn ngủ say như chết. Bắt gặp tại trận cha với người đàn bà khác, mẹ suýt ngất đi nhưng rồi mẹ bình tĩnh quơ hết quần áo của hai người rồi lia đèn pin vào mặt họ.
Khi nhận ra tình thế hiểm nghèo, cha năn nỉ mẹ tha cho và hứa không bao giờ tái phạm. Mẹ chỉ vào mặt cha: “Ông ngồi yên đó, để tui dạy cái đứa dám giựt chồng tui”. Cha sợ thì ít, mà lo mẹ bị lên cơn sản hậu thì nhiều nên ngồi im re.
Mẹ đưa trả quần áo cho người phụ nữ kia, bảo chị ta mặc vào rồi nằm xuống. Chị ta răm rắp làm theo. Mẹ nhịp nhịp cái roi tre thủ sẵn lên mông chị ta: “Nè, cô có biết anh Tám là chồng tui không? Biết hả? Biết sao còn dám rù quến? Đàn ông nào cũng có thói trăng hoa, không ít thì nhiều. Chồng tui không có lỗi. Ảnh mà hư hỏng là tại cô dụ dỗ. Cái thứ đàn bà lăng loàn, hư thân mất nết. Tui đánh cô 20 roi cho cô chừa”. Người phụ nữ kia run lẩy bẩy nhưng không dám trả treo. Còn mẹ tôi thì chỉ nói được vậy rồi… xỉu!
Ấy vậy mà từ đó về sau, cha một lòng, một dạ, không bao giờ dám léng phéng nữa… Thế nên, sau khi mẹ mất, dù đã 10 năm nhưng bữa cơm nào cha cũng xới một chén cơm cho mẹ và rủ rỉ:”Mẹ sắp nhỏ về ăn cơm với tui”. Đã mấy lần chúng tôi bảo cha thôi đừng cúng nữa để mẹ siêu thoát thì cha nhất định không chịu…
Cha ở chơi được một tuần thì anh Hai nhớ ra: “Cha rất thích bánh xèo. Anh em mình dẫn cha đi ăn bánh xèo đi”. Vậy là anh Hai làm chủ xị bữa tiệc bánh xèo ở cái quán nổi tiếng của thành phố. Đến nơi, chúng tôi gọi đủ thứ bánh xèo: hải sản, nấm, thập cẩm, củ hủ dừa… Khi người ta bưng bánh xèo thơm phức, giòn rụm ra, cha ngắt một miếng cho vào miệng rồi lấy đũa vạch cái bánh xèo ra săm soi: “Bánh xèo gì lạ lùng vậy?”. Cha chê bánh mỡ dầu nhiều, nhân bánh “hỏng giống ai”. Đặc biệt, bột bánh vừa bỡ, vừa nhạt, vừa hôi vì cho nhiều bột nghệ được pha chế sẵn…
Biết cha nhớ bánh xèo mẹ làm nên mấy chị em chúng tôi quyết định phải tự tay đổ bánh xèo cho cha ăn.
“Cha có ăn uống bao nhiêu đâu mà làm chi cho cực vậy?”. Tuy cha nói vậy nhưng chúng tôi biết cha rất vui. Tôi ngâm gạo rồi đi mướn người ta xay chớ không làm bằng bột pha sẵn bán ngoài tiệm. Lúc pha bột, cha ngồi kế bên chỉ dạy: cho vào bột nước cốt dừa vừa phải, đậu xanh cà ngâm một đêm cho tróc vỏ rồi đãi sạch nấu mềm, hành hương xắt nhuyễn, lòng đỏ trứng, muối, đường, chút nước nghệ tươi rồi nêm nếm vừa ăn. Nhân bánh thì chỉ có thịt vịt bằm nhuyễn xào vừa ăn, tép bạc, củ sắn, nấm rơm. Riêng món rau ăn kèm thì thật hoành tráng: Anh Hai lùng sục khắp nơi để mang về nào là đọt chiết, đọt xoài, bằng lăng, húng quế, đinh lăng, lá cách; cộng với diếp cá, sà lách, tần ô, rau thơm, húng lủi, cải bẹ xanh… Chị Năm còn cất công đi mượn về cái chảo gang và cái bếp than.
Kể ra như vậy để mọi người thấy là anh em tôi đã chuẩn bị bữa tiệc bánh xèo cho cha chu đáo như thế nào. Tôi lại được tín cẩn giao nhiệm vụ đổ bánh xèo. Trước khi làm thật, tôi đã “xé nháp” cả chục lần để canh sao cho được cái bánh xèo giòn rụm ngoài rìa nhưng phía trong không bị khét, nhân bánh rãi đều để gắp miếng bánh chỗ nào cũng có thịt vịt, có tép, có đậu xanh… Cha ăn được non cái bánh rồi gật gù: “Cũng khá đó con nhưng vẫn chưa bằng mẹ”.
… Ngày cuối cùng trước khi cha về lại quê, anh em chúng tôi họp mặt đầy đủ. Dâu rể, con cháu gần ba chục người, ngồi chật nhà anh Hai. “Cha yếu rồi, không biết có còn lên chơi với con cháu được nữa không. Có điều cha muốn nói với tụi con là, đàn ông hay ham thích của lạ, thích bay nhảy nhưng cuối cùng cũng quay về nhà. Trong gia đình, quan trọng là người đàn bà. Giữ được êm ấm hay đổ vỡ cũng là do người đàn bà. Nói vậy không phải cha bao che cho mấy thằng rể hay anh Hai, anh Ba mà cha muốn nói với con Tư, con Năm, con Sáu, con Bảy, con Tám, con Chín, con Mười là phải rộng lượng, cái gì đáng nói thì nói, không đáng thì bỏ qua. Có như vậy gia đình mới êm ấm”.
Chúng tôi lặng thinh. Cha cũng trầm ngâm hồi lâu rồi cất tiếng: “Nói vậy chớ cha cũng có lỗi với mẹ nên mẹ mới bỏ cha mà đi sớm như vậy”.
Nói rồi cha lại rơm rớm nước mắt. Năm nay cha đã tám mươi tư tuổi rồi mà hình như trong tim cha, không có ai ngoài mẹ…
Theo Guu
Khoảng lặng của riêng tôi
Ai cũng có ít nhất một người để khi nhắc đến, họ thấy mình bối rối, dù rằng đó không phải là người họ đang yêu hay đã từng yêu. Tôi cũng vậy...
Tâm hồn tôi có một khoảng trống màu đen, vô định. Và tôi lại rơi vào khoảng trống đó, lặng thinh...
Đã có lúc, tôi thấy cuộc đời 60 năm là quá ít ỏi, ít lắm để con người ta sống, làm việc và hưởng thụ. Tôi muốn mình phải sống đến 80 tuổi, 90 tuổi hoặc hơn thế, miễn là tôi không nằm liệt giường và vẫn còn minh mẫn...
Đã có lúc, tôi thấy nếu so sánh đến cùng, thì nỗi buồn, đau khổ và xấu xa vẫn nhiều hơn niềm vui, hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong cuộc đời này, tại sao vậy? Ông trời công bằng thật, nhưng phải chăng như thế là quá nghiêm khắc với loài người và tất cả sinh vật trên thế gian này?
Tôi thấy thương những em nhỏ mắc phải những căn bệnh không thể chữa lành ngay từ lúc mới lọt lòng, tôi thấy thương những người ham sống nhưng không được sống, tôi thấy thương những người phải đánh đổi, phải vật lộn với tử thần hàng ngày, hàng giờ để dành lấy hơi thở cho mình. Tôi quá may mắn.
Tôi thương những người bị bệnh trầm cảm, thương lắm... Nỗi đau nào cũng là nỗi đau, mặc cho nó là thể xác hay tinh thần. Đừng so sánh vì bất cứ sự so sánh nào cũng là khập khiễng, đừng so sánh vì mình không phải là người khác...Người ta không hẳn là sống khi thể xác vẫn còn.
Thỉnh thoảng mọi người trong xóm tôi vẫn hay bắt gặp một ông già râu tóc đã bạc, lưng đeo một cái ba lô nặng, một tay cầm gậy, một tay xách túi đựng sắt vụn. Ông đi nhặt sắt, bán lấy tiền để sống, tối ngủ ngoài lều chợ. Gia đình, con cái ông ở ngoài Hà Tĩnh. Người ta hỏi ông cầm gậy để làm gì, ông nói để phòng bọn trẻ con chọc phá ông, chúng ném đá, lấy kéo cắt hết quần áo và chăn đắp của ông, vì sao ông không ở nhà để con cái phụng dưỡng mà lại lưu lạc đến tận đây, khổ sở như thế này...
Tôi ước, giá mình là cháu ông ấy, giá ông ấy có quan hệ họ hàng với gia đình tôi. Có tất cả bao nhiêu con người bất hạnh trên đời này và tôi có đang hay sẽ nằm trong số đó?
Tôi không biết nữa - cuộc sống này... Nỗi đau phải chăng là một cái vòng cứ xoay tròn xoay tròn không điểm kết thúc và những người kém may mắn cứ lẩn quẩn trong đó, mãi mãi?
Tôi loay hoay, vướng mắc...
Bạn bè một thời với những tình cảm tốt đẹp từ tận đáy lòng, sống thật, sống hết mình thế sao đáp lại là những mục đích nhất thời, là những giả dối, là những hời hợt ? Tình cảm giữa người với người có lẽ nào dễ dàng vậy? Người ta có thấy ngượng khi họ không còn tốt như họ đã từng nói ?
Ai cũng có ít nhất một người để khi nhắc đến, họ thấy mình bối rối, dù rằng đó không phải là người họ đang yêu hay đã từng yêu. Tôi cũng vậy. Chỉ là thoáng buồn khi nhớ lại, bởi mình có cần đâu những lời hứa. Có một quãng đường đã qua của quá khứ, ở đó vứt chênh vênh những tấm lòng mùa vụ.
Tôi thấy mình đang rơi... Không phải là vấp ngã.
Nếu tất cả những người cha mẹ nào cũng biết dùng lời lẽ yêu thương để nói với nhau và với con cái của họ, yêu không chỉ bản thân mình, thì mọi gia đình đều đã trọn vẹn hạnh phúc, đều là nơi nương tựa bình yên của những đứa con.
Lòng lại thêm một vết sẹo, vậy là có tất cả bao nhiêu vết sẹo nhỉ, xấu quá... Thời gian có lẽ nào mài mòn con người ta nhiều như thế? Tôi nhận ra mình trong những thương tổn, rồi tất cả có đeo đẳng tôi đến cuối cuộc đời?
Tôi lang thang, lang thang khắp phố phường, mãi vẫn không có nơi nào để tôi có thể dừng lại... Khóc... Chỉ khóc khi không có ai bên cạnh là một điều ngu ngốc. Tôi vẫn là một con bé ngốc nghếch như ai đó vẫn gọi...
Nắng, tôi cảm.
Nhớ một ngày đông...
Theo Guu
'Ôsin' mẹ Mẹ lặng thinh xách giỏ ra cửa, con gái gọi giật lại nhắc mẹ nhớ đừng mua trái cây nữa nhé, mấy thứ củ sắn, củ đậu ấy nhà con đâu có ai thèm đụng tới, mua làm gì cho phí. Con gái lớn sinh đứa đầu lòng, ở nhà riêng, không ai rảnh để ghé qua phụ một tay, nên đành thuê...