Người tin các nhà thăm dò bầu cử Mỹ sẽ ‘chưng hửng’
Matt Towery tưởng rằng ông đã dừng chân trong ngành thăm dò ý kiến, nhưng mùa bầu cử năm nay đã kéo ông trở lại.
Towery là luật sư tại Florida, người sáng lập kiêm chủ tịch trang web tin tức chính trị InsiderAdvantage. Năm 2016, Towery nằm trong số rất ít nhà thăm dò nhận định Trump sẽ đắc cử.
Vào đêm trước Ngày Bầu cử năm nay, khi hầu hết cuộc thăm dò và mô hình một lần nữa dự đoán Trump sẽ thất bại, Towery được hỏi liệu ông có tin Trump sẽ giành chiến thắng lần nữa hay không, ông trả lời “tôi có, và tôi ngày càng tự tin”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AP.
Towery cho rằng các cuộc thăm dò cho thấy Biden dẫn trước với khoảng cách lớn không đáng tin vì những người thực hiện các cuộc thăm dò không giỏi trong việc “chọn một người bình thường trên đường để hỏi ý kiến”. Việc xin ý kiến qua điện thoại cũng khó phản ánh đúng thực tế, đặc biệt với những người trẻ tuổi.
“Có bao nhiêu người trẻ tuổi sẵn sàng nhận cuộc gọi từ số lạ và vui vẻ dành 20 phút tiếp theo để trả lời câu hỏi?”, Towery nói.
Towery cho biết các công ty như InsiderAdvantage xử lý tốt hơn những thách thức này, vì họ kết hợp nhiều kỹ thuật để có câu trả lời cho các cuộc thăm dò của họ. Ông gọi những công ty như vậy là “những nhà thăm dò ý kiến cao bồi”. Không giống những đơn vị làm việc cho các mạng lưới và các hãng báo chí lớn, đây thường là những nhà khai thác độc lập có trụ sở bên ngoài New York và thủ đô Washington. Ông cho biết Trafalgar Group có trụ sở tại Atlanta là một “nhà thăm dò ý kiến cao bồi” nổi bật khác. Trafalgar Group năm 2016 cũng dự đoán đúng Trump đắc cử.
Video đang HOT
Trong những ngày cuối cùng của mùa bầu cử năm 2016, Towery đã viết một bản ghi nhớ nêu lý do các cuộc thăm dò không phản ánh đúng thực tế. Ông đánh giá chúng đã lấy quá nhiều ý kiến từ cử tri đảng Dân chủ và đánh giá thấp lượng cử tri nam và da trắng đi bầu.
“Tôi hoàn toàn mong đợi Donald Trump sẽ thắng cuộc bầu cử này theo cách khiến những người thăm dò ý kiến và các chuyên gia sửng sốt”, Towery kết luận trong bản ghi nhớ năm 2016.
Towery nhận thấy các cuộc thăm dò ý kiến năm nay vẫn có những điểm yếu quen thuộc. Đúng là Tổng thống đã mất đi sự ủng hộ từ các nhóm cử tri như người cao tuổi, phụ nữ và “chiến trường” ở vùng Trung Tây rất gay go, Towery cho rằng các cuộc thăm dò năm nay vẫn bỏ lỡ một số điểm.
Theo Towery, có khả năng Trump thu hút được 14% hoặc 15% cử tri da màu, tăng từ mức 8% năm 2016. Ông cũng cho rằng có thêm cử tri trẻ ủng hộ Trump vì họ chán ngấy việc phải ở nhà do Covid-19 và họ coi Biden là “ứng viên đóng cửa đất nước”.
Ông cũng có quan điểm khác nhiều người về các cuộc mít tinh của Tổng thống. Trong khi nhiều hãng truyền thông và các nhà quan sát chính trị cho rằng các cuộc mít tinh của Trump chỉ là nỗ lực cứu vãn không đi đến đâu, Towery nhận định các cuộc mít tinh có tác động rất lớn đến cục diện, đặc biệt hữu ích trong việc thôi thúc người dân tại vùng nông thôn đi bỏ phiếu. “Trump biết rất rõ cần làm thế nào để lôi cuốn khán giả”, Towery nói.
“Nhiều người rất nhiệt tình bỏ phiếu chống Trump”, ông nói thêm. “Nhưng đám đông mà Trump thu hút nói rằng cũng có nhiều người sẵn sàng ‘băng qua than hồng’ để bỏ phiếu cho Trump.”
Ngay cả những người có ác cảm với Tổng thống cũng phải thừa nhận tốc độ chạy đua của ông thật đáng kinh ngạc. Trong ba ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử, Trump tổ chức 14 cuộc mít tinh. Các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa trước đây đã thua cuộc – George H.W. Bush, Bob Dole, John McCain – có vẻ “cam chịu” thế thua trận khi ngày Ngày Bầu cử cận kề. Trong khi đó, Trump quyết liệt chiến đấu đến tận phút cuối.
Hôm 1/11, Phó thống đốc bang Pennsylvania John Fetterman, người thuộc đảng Dân chủ, nói với CNN rằng “về mặt truyền nhiệt cho cử tri, Donald Trump đã làm những điều chưa từng có ở chính trường Pennsylvania”. Fetterman trước đó đăng trên Twitter bức ảnh của Reuters về một cuộc mít tinh lớn của Trump ở hạt Butler. Ông cảnh báo đến các đảng viên Dân chủ khác: “Tổng thống được yêu thích ở Pennsylvania. Tôi không quan tâm đến những gì các cuộc thăm dò nói”.
Towery thừa nhận ông từng dự đoán sai. Nếu lần này ông nhận định sai, Towery sẽ vui vẻ giải nghệ. Nhưng ông tự tin vào ý kiến của mình. “Những chuyên gia và nhà thăm dò ý kiến cho rằng Biden thắng chắc sẽ không vui lắm vào cuối tuần này”, ông nói.
Lý do Mỹ chậm biết kết quả bầu cử năm 2020
Mặc dù người Mỹ đã quen với việc thức dậy vào buối sáng sau Ngày Bầu cử và biết ai là tân tổng thống, bầu cử năm nay khó có thể kết thúc nhanh chóng như vậy.
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, người đắc cử thường được công bố vào đêm bầu cử hoặc rạng sáng hôm sau vì các hãng tin như Fox News hoặc AP có đủ thông tin để dự đoán chính xác người chiến thắng. Khi các hãng truyền thông xác định một ứng viên đã dẫn trước ở một bang với khoảng cách đủ lớn để khiến ứng viên còn lại không có cơ hội gỡ hòa, họ sẽ xác định ứng viên đó đã chiến thắng và giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang này, dù chưa có kết quả chính thức cuối cùng vì phiếu chưa được kiểm hết.
Các hãng tin làm vậy dựa trên dữ liệu thăm dò hậu bỏ phiếu (hỏi cử tri sau khi họ đã bỏ phiếu xong) kết hợp với kết quả kiểm phiếu đang diễn ra được cập nhật liên tục.
Cử tri đi bầu tại Colorado ngày 3/11. Ảnh: AFP.
Từng có những cuộc bầu cử mà người chiến thắng được xác định rất nhanh. Năm 2008 và 2012, người chiến thắng được tuyên bố vào lần lượt 23h và 23h15 giờ miền đông Mỹ Ngày Bầu cử.
Sau ngày bầu cử năm 2016, Trump được xác định là người chiến thắng vào khoảng 2h30 giờ miền đông Mỹ (14h30 giờ Hà Nội) sau khi giành chiến thắng ở Wisconsin, bang có 10 phiếu đại cử tri, đưa số phiếu đại cử tri ông giành được vượt ngưỡng 270 để đảm bảo thắng lợi chung cuộc.
Tuy nhiên, với số lượng phiếu bầu qua thư và bỏ phiếu sớm chưa từng có vì Covid-19 năm nay, nước Mỹ có thể mất vài ngày, thậm chí vài tuần, để định đoạt kết quả bầu cử. Người ủng hộ đảng Dân chủ có xu hướng bỏ phiếu qua thư nhiều hơn đảng Cộng hòa. Cuộc thăm dò được Politico/Morning Consult công bố hôm 2/11 cho thấy chỉ 17% cử tri được hỏi tin rằng sẽ biết kết quả vào đêm bầu cử.
Nhiều sự chú ý đổ dồn vào các bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, được coi là định đoạt số phận cuộc đua. Tuy nhiên, những bang này có quy định chỉ kiểm phiếu bầu qua thư sau khi các điểm bỏ phiếu trực tiếp đã đóng cửa.
Giới chức bầu cử ở Pennsylvania và Michigan cho hay việc kiểm phiếu bầu qua thư có thể kéo dài đến ngày 6/11. Philadelphia, thành phố thuộc bang Pennsylvania, tạm dừng kiểm phiếu qua thư từ khoảng 21h30 tối 3/11 cho đến 4h ngày 4/11. Chỉ 76.000 trong số 350.000 phiếu gửi qua thư được kiểm tại thành phố vào đêm bầu cử.
Pennsylvania được coi là một trong những bang chiến trường quan trọng nhất với cả đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc bầu cử năm nay. Theo kết quả trung bình thăm dò trên toàn quốc hai ngày trước bầu cử do FiveThirtyEight thực hiện, Joe Biden đang dẫn trước Trump tới 8,5 điểm phần trăm. Nếu không giành 20 phiếu đại cử tri ở Pennsylvania, Biden sẽ thua cuộc. Trump từng thắng sít sao ở bang này năm 2016.
Sau khi các hãng truyền thông Mỹ xác định được người chiến thắng ở các bang chiến trường, người chiến thắng sẽ lộ diện.
Các bang có thời hạn khác nhau để xác nhận kết quả bầu cử. Hạn chót của Delaware là hai ngày sau Ngày Bầu cử. Trong khi đó, New York và California có hạn xác nhận kết quả muộn hơn một tháng, lần lượt vào ngày 7/12 và 11/12. Sau khi các bang xác nhận kết quả, cử tri đoàn sẽ họp tại mỗi bang vào ngày 14/12 để bỏ phiếu. Việc này chủ yếu mang tính hình thức vì đại cử tri thường bỏ phiếu đúng theo kết quả phiếu phổ thông.
Phiếu cử tri đoàn sau đó được chuyển đến tòa nhà quốc hội. Vào ngày 6/1/2021, lưỡng viện Mỹ sẽ họp để kiểm phiếu đại cử tri. Phó tổng thống, người chủ trì với tư cách chủ tịch Thượng viện, sẽ công bố kết quả chính thức. Người chiến thắng nhậm chức vào ngày 21/1/2021.
Những người Mỹ tránh xa 'ồn ào bầu cử' Rachel Richardson, một đảng viên Dân chủ lâu năm, lên kế hoạch đi cắm trại xa nhà ba ngày để tránh xa những tin tức ồn ào về bầu cử. Khi nhiều người Mỹ tranh thủ những phút cuối trong Ngày bầu cử 3/11 để đi bỏ phiếu thì Richardson, 41 tuổi, sống tại Berkeley, bang California, đang đi bộ dọc bờ biển...