Người tị nạn Ukraine hài lòng với cuộc sống mới ở Nga
Được cung cấp bữa ăn miễn phí, có chỗ ở, việc làm và được hỗ trợ y tế, người tị nạn Ukraine hài lòng với cuộc sống mới ở Nga, trong khi người bản địa lại không mấy vừa ý.
Trẻ em Ukraine tới thăm quan một trạm cứu hỏa ở thành phố Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters.
Ba ngày sau khi kẹt trong hầm vì pháo kích, Svetlana và Sergei Divenko rời căn nhà ở miền đông Ukraine để tới Nga cùng hai đứa con và một túi hành lý.
Chuyến hành trình 250 km bằng ôtô trong hai ngày từ thành phố Slovyansk, phía đông Ukraine, tới thành phố Belgorod, phía tây Nga, hồi tháng 6 là một trải nghiệm nguy hiểm nhất trong cuộc đời họ. Chuyến đi đưa cả gia đình này ngang qua vùng lãnh thổ đang có giao tranh cùng sáu chốt kiểm tra.
“Con trai tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ nghịch súng đồ chơi nữa. Bọn trẻ bị những khẩu súng chĩa vào ở các chốt kiểm tra. Mặt chúng tái đi vì sợ”, Svetlana Divenko, 28 tuổi làm nghề nội trợ, kể.
Cũng giống nhiều người Ukraine ở miền đông nói tiếng Nga khác, những người bất mãn với tình hình kinh tế ở nước nhà và không hài lòng với các nhà lãnh đạo hướng tây của Ukraine, gia đình Divenko đến xứ Bạch dương không chỉ để tìm kiếm sự an toàn mà còn cả một cuộc sống tốt hơn.
Video đang HOT
Liên Hợp Quốc cho biết có hơn một triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc xung đột giữa chính phủ và lực lượng ly khai. Một nhân viên phụ trách nhập cư của Nga tuần trước cũng ước lượng số người Ukraine tị nạn ở nước này hiện là một triệu, mặc dù giới chức Kiev cho biết con số đó bị Moscow phóng đại vì những lý do chính trị.
Theo The Moscow Times, Nga muốn dùng cuộc khủng hoảng tị nạn để cho thấy khía cạnh nhân đạo trước chỉ trích của các quốc gia phương Tây về cách cư xử của mình với tình hình ở Ukraine, nơi các tay súng ly khai ủng hộ Moscow ở miền đông nổi dậy chống chính quyền vào giữa tháng 4 qua.
Những người tị nạn Ukraine được người Slav ở Nga chào đón nồng hậu và cho ở nhờ cũng như giới thiệu công việc. Nhiều người lúc đầu sống trong những căn lều ở khu trại tị nạn gần biên giới. Một vài ở trong nhà tạm thuộc khu căn hộ của người Nga, số khác tìm đường đến khu vực xa biên giới như thành phố gần Moscow, Bắc Kavkaz hay Viễn Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thường nhắc tới người Ukaine như những “người anh em”. Trước khi xung đột xảy ra ông cũng nói rằng người Ukraine và người Nga là một. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho hay người tị nạn Ukraine sẽ được giới thiệu việc làm và được đào tạo.
“Chúng tôi không thấy tương lai nào ở thành phố Slovyansk cả”, Moscow Times dẫn lời Divenko nói. Cả gia đình Divenko vui mừng khi ra khỏi vùng xung đột cướp đi sinh mạng của hơn 3.500 người và giờ đã ở một đất nước có nền kinh tế lớn mạnh hơn nhiều.
Liên Hợp Quốc cho biết cuộc khủng hoảng của Ukraine khiến hơn một triệu người bỏ nhà cửa đi tị nạn. Ảnh: Reuters.
“Thành phố của lòng tốt”
Tại Belgorod, nhiều người tị nạn ở trong những căn hộ nhỏ. “Belgorod là một thành phố của lòng tốt và sự thịnh vượng”, những tấm băng rôn in dòng chữ này giăng khắp thành phố 400.000 người, cách biên giới với Ukraine 40 km và 70 km về phía nam với thủ đô Moscow.
Một vài người dân tỏ ra bức xúc với lợi ích mà dân tị nạn đã tới đây nhiều tháng được hưởng. Chính phủ Nga dành 20 USD một ngày cho mỗi người tị nạn Ukraine để họ trang trải tiền ăn và ở. Một số công ty của Nga cũng giúp sức bằng cách ủng hộ. Một nhà sản xuất dầu khí tuần trước cho biết sẽ mua hàng hóa tặng cho người tị nạn. Giới chức thành phố ước tính có hơn 60.000 người Ukraine đến vùng Belgorod.
Sau ba tháng chờ đợi, gia đình Divenko mới nhận được giấy phép tạm cư thời hạn một năm từ văn phòng nhập cư. Việc này đồng nghĩa rằng gia đình họ có quyền nhận những bữa ăn miễn phí, chỗ ở và được trợ giúp y tế.
Gia đình bốn người ấy giờ sống trong một căn hộ diện tích nhỏ cần được tu sửa. Người chủ cảnh báo họ phải sẵn sàng chuyển đi vì căn hộ này đang được rao bán. Sergei Divenko, một kỹ sư cơ khí, kiếm được công việc làm thợ máy với mức lương 500 USD một tháng. Riêng tiền thuê nhà đã ngốn đi của họ hơn một nửa.
“Chúng tôi từng chiều chuộng bọn trẻ nhưng ở đây, cả nhà phải giật gấu vá vai. Ngoài bữa ăn được miễn phí, những người địa phương còn mang cho chúng tôi quần áo. Gia đình tôi đến đây chỉ với một túi đồ”, vợ Divenko nói.
Kiếm việc
Đứng giữa hàng người trước cửa văn phòng nhập cư của thành phố, một phụ nữ tên là Alla chào đón viễn cảnh của một sự bắt đầu mới khi cuộc sống trước đây của cô ở thị trấn Yenakiieve, Ukraine rất khó khăn. Ở Ukraine, cô làm việc cho một công ty khai thác than đá. Cô đã có một lời mời công việc nhưng đang chờ một cơ hội tốt hơn.
Alla cho biết người dân ở Yenakiieve mệt mỏi vì “sống như những người ăn xin” và phải nộp thuế cho chính phủ ở Kiev. Còn ở Belgorod, các ông chủ sẵn sàng tuyển dụng người tị nạn có bằng cấp. “Chúng tôi đã thuê một người Ukraine. Nếu có có trình độ phù hợp, chúng tôi sẽ vui vẻ tuyển họ”, một ông chủ tiết lộ.
Hiện tại, người tị nạn dường như có thể chọn lựa công việc, nhưng các nhà lập pháp đang đề xuất cắt những ưu tiên này nếu họ từ chối ba lời mời đi làm.
Không phải tất cả mọi người ở Belgorod đều vui vẻ với sự hào phóng dành cho người tị nạn. Alexei, sinh viên đại học đang làm việc bán thời gian cho một quán cà phê địa phương phát bữa ăn miễn phí cho người tị nạn, cho hay cậu tin hầu hết những người này bằng lòng với hỗ trợ nhân đạo của nhà nước.
“Họ (người tị nạn) có 150 suất học miễn phí ở trường đại học, trong khi chúng tôi, những người địa phương, phải làm việc nhiều giờ để trả tiền học phí”, Alexei nói.
Alyona, một công dân khác ở Belgorod, bức xúc: “Hãy tưởng tượng, chúng tôi mang quần áo của trẻ em tới hỗ trợ các điểm phân phát, và thay vì nhận được câu cảm ơn, họ còn đòi một chiếc xe đạp cho bọn trẻ”.
Còn với Bogdan Divenko, 8 tuổi, cậu bé cảm thấy bực bội khi bị đối xử khác biệt so với các bạn người Nga ở trường. Tuy nhiên cậu vẫn hạnh phúc vì được an toàn và mơ trở thành công dân Nga.
“Khi nào con trở thành một công dân Nga? Với các bạn, con chỉ là một người tị nạn”, mẹ Divenko trích lời con trai nói.
Theo Vietnamnet