Người thương binh già gác những chuyến tàu Bắc – Nam
Từ chiến trường trở về quê hương, mang trong mình bao vết thương thời máu lửa, nhưng người thương binh già Nguyễn Huy Chi (trú xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn kiên nhẫn bám trụ trong chốt gác bên đường tàu, đoạn đi qua đường dân sinh để bảo vệ tính mạng người dân mỗi khi có tàu… Từ năm 2005 đến nay, ngày nào ông cũng đi gác tàu như thế.
Chốt gác mà ông canh gác bấy lâu nay là điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc – Nam và đường ngang dân sinh nối Quốc lộ 1A với một số xã phía Tây của huyện Quỳnh Lưu.
Chốt gác bên đường tàu
Những chuyến tàu qua đường ngang an toàn có đóng góp của người thương binh già Nguyễn Huy Chi.
“Mỗi lần xem tivi thấy những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường dân sinh có đường tàu đi qua khiến tôi hoảng quá. Nghĩ mình là cựu chiến binh sao lại không thể đi canh tàu cho dân nhờ. Thế là tôi tình nguyện ra đây”. Ông Nguyễn Huy Chi
Bất kể ngày mưa hay nắng, từ sáng sớm tinh mơ, người thương binh già Nguyễn Huy Chi vẫn đạp chiếc xe đạp cà tàng đi khoảng 2km từ nhà đến chốt gác ở khu vực xóm 7, xã Quỳnh Tân làm “nhiệm vụ”.
Hành trang của ông, ngoài chiếc xe đạp đã cũ là một cây cờ hiệu, mấy quả pháo sáng, một chiếc võng, một áo mưa, một tấm bạt và một vài chai nước…
Chốt gác của ông nằm trên vệ cỏ cách đường tàu 3m. Cái chòi chỉ cao hơn 2m, bốn phía xây gạch cao khoảng 1m. Bên ngoài phía đường tàu đề chữ “Chốt gác đường ngang”. Phía đường dân sinh có hàng chữ “An toàn là bạn. Tai nạn là thù” và “Đoạn đường nguy hiểm”.
Ông bảo: “Đường tàu qua đây chạy quanh co theo chân dãy núi, tầm nhìn bị che khuất nhiều. Trong khi đó đường dân sinh là đường đất, xe tải đủ loại liên tục vào ra chở đá, xe máy của người dân 12 xóm trong xã chở hàng cồng kềnh và học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 tan học là ùa qua đây về làng nên tôi nhờ mấy chú đi tuần đường viết lên tường như thế để thêm một lời cảnh báo về sự nguy hiểm cho mọi người”.
Người thương bình già Nguyễn Huy Chi cho biết, vì “bốt” không được che chắn đầy đủ nên hàng ngày ông phải mang theo một tấm bạt.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Huy Chi vào bộ đội năm 1964, chiến đấu ở chiến trường Lào. Ông bị thương hai lần vào năm 1967 và 1968, hưởng chế độ thương tật 1/4. Năm 1970, sau một thời gian đi an dưỡng, ông được cho đi học để về phục vụ quê hương. Ông Chi kể chuyện nhưng chốc chốc lại đưa tay vào túi áo lấy cái đồng hồ đeo tay, bảo: “Sắp có tàu khách qua. Buổi sáng có 3 chuyến tàu “to” đi qua đây. SE20, SE8 đi ra, SE7 đi vô”.
Thấy tôi ngạc nhiên, ông kể tiếp: “Khi xem giờ và nghe tiếng động của tàu là biết tàu sắp qua. Tôi rời chốt gác ra ngay vị trí đứng an toàn trên đường dân sinh để báo cho người, xe phải dừng lại. Khi hai phía đường thấy người dân chấp hành, tôi quay mặt về phía đầu tàu và giơ cao chiếc cờ hiệu cuộn tròn để báo hiệu an toàn cho tàu qua”.
Lúc ông chú ý mới hay tiếng động của đoàn tàu đang rung tận chốt gác. Chuyến tàu khách 11 giờ sắp qua. Người cựu binh như hoạt bát hẳn lên khi ông đưa cờ hiệu chỉ về hai phía đường dân sinh cho người, xe dừng lại rồi quay người đứng vào vị trí đón đoàn tàu lao qua vùn vụt.
12 năm lặng lẽ canh tàu
Hình ảnh của ông Chi – người thương binh hạng 1/4, người cựu chiến binh 77 tuổi dần dần trở nên quen thuộc với người dân thường qua lại khu vực này. 6 giờ sáng ông có mặt, gần 12 giờ trưa về. 2 giờ chiều ra chốt lại, 4-5 giờ chiều về. Ngày nào không thấy ông ở chốt gác mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc ông bị ốm.
Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Chi tâm sự: “Rõ khổ các chú ạ. Tôi, rồi các con, các cháu khuyên can ông ấy ở nhà, nói xin thôi làm đi, nhưng ông ấy cứ nhất quyết đi, nói nếu ở nhà thì ông ấy sẽ ốm, đi mới khỏe”.
Suốt 12 năm qua, từ khi có ông Chi, cung đường sắt qua điểm giao ở xã Quỳnh Tân này trở nên an toàn. Điểm giao cắt này không có barie nên mỗi lần tàu đến là rất vất vả đối với một người già như ông. Nhưng nơi đây không có tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Đứng nhìn cảnh người, xe đi qua đường tàu, chúng tôi hỏi đã có lần nào ông thông báo có tàu sắp qua mà người dân vẫn cố ý băng qua không?
Ông bảo nhiều lắm, nhất là lúc ông mới “trực” chốt gác. Có lúc căng đến nỗi ông phải dùng sức để giằng giữ xe máy lại họ mới chịu. Có lần mấy người chủ quan cố lách xe máy sau lưng ông để qua đường ray thì tàu lao qua trong tích tắc.
Ông kể, mới đây, một chị đi xe máy chở muối lên xã Quỳnh Tân bán. Khi tàu chuẩn bị tới, mặc cho ông thổi còi ra hiệu, chị này vẫn cố vượt qua đường sắt, chẳng may bị ngã xe. Rất may mọi người đỡ dậy kịp, kéo người và xe ra được nhưng bì muối thì bị tàu đâm tung tóe. Một lần khác, một thanh niên đi ôtô con đến thì tàu chuẩn bị qua. Ông thổi còi ra hiệu dừng lại nhưng anh này vẫn cố vượt qua.
Khi xe ôtô vừa qua khỏi thanh ray tầm 2-3m thì tàu lao tới. Ông đọc biển số xe và ghi nhớ. Khi anh này quay về, ông dừng xe mắng cho một trận. Ông tâm sự: “Sau mỗi việc xảy ra như thế bác thấy rất lo. Cứ như mình không hoàn thành nhiệm vụ vậy”.
Mới đây, ghi nhận những đóng góp và động viên ông Chi, ngành đường sắt đã hỗ trợ ông 1.000.000 đồng/tháng.
Ông Bùi Đăng Sáu – Trưởng ga Hoàng Mai (Nghệ An) cảm kích: “Nếu ở địa phương nào cũng có những người như ông Chi thì chắc chắn tai nạn đường ngang sẽ bị đẩy lùi, mỗi năm nhà nước tiết kiệm được hàng tỷ đồng và sẽ bớt đi những nỗi đau về tai nạn giao thông đường sắt…”.
Theo Danviet
Tổng Bí thư: Máu đào của anh hùng liệt sỹ tô thắm lá cờ cách mạng
Phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Chính họ đã làm rạng rỡ trang sử dân tộc, vẻ vang giống nòi".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Đàm Duy)
Sáng 27.7, tại Hà Nội, Ban chấp hành TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP.Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27.7.1947 -27.7.2017).
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn kỷ niệm. Tổng Bí thư gửi tới các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Theo Tổng Bí thư, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do, sự thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời.
"Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu ông bà cha mẹ, người vợ, người chồng, người con... mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình - các anh hùng liệt sỹ. Chính họ đã làm rạng rỡ trang sử dân tộc, vẻ vang giống nòi. Tiếng thơm của các đồng chí sẽ muôn đời lưu truyền trong sử sách", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự buổi lễ mít tinh kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. (Ảnh: Đàm Duy)
Tổng Bí thư cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Khi đất nước mới được độc lập, người đã ra sắc lệnh nhận con em những anh hùng liệt sỹ làm con nuôi. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm để làm ngày thương binh để bày tỏ tình cảm thắm thiết, sâu sắc.
Theo đó, tại Đại Từ, Thái Nguyên, ngày 27.7.1947 đã được chọn để ghi dấu hoạt động tri ân, chăm lo những người có công với cách mạng và gia đình.
"70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đến nay có hơn 9 triệu lượt người có công được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi... Đồng thời chúng ta cũng đã đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ, xây dựng, tu bổ hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ...", Tổng Bí thư cho biết.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, quan tâm chăm sóc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh bệnh binh gia đình liệt sỹ người có công với cách mạng là chủ trương quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, là đạo lý truyền thống của dân tộc.
Để phát huy kết quả và thành tích đã đạt được trong 70 năm qua, đồng thời tiếp tục chăm sóc người có công bệnh binh gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, Tổng Bí thư yêu cầu, trong thời gian tới các cấp ủy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể và tổ chức xã hội cần tiếp tục và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh bệnh binh gia đình liệt sỹ, người có công trong cán bộ đảng viên và nhân dân.
Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ sáng nay. (Ảnh: Đàm Duy)
Tổng Bí thư yêu cầu, cần đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh.
"Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá công tác người có công với cách mạng. Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú...", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Danviet
TPHCM: Tri ân những tấm gương "tàn nhưng không phế" giữa đời thường Cùng với cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27.7) , sáng ngày 25.7, Hội Nông dân TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ thân mật các điển hình thương binh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Buổi họp mặt tại Khu di tích lịch sử cách mạng Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn)...