Người thứ ba – Nỗi đau của những kẻ chậm chân trong tình yêu
Người thứ ba – kẻ chậm chân trong tình yêu luôn bị xã hội lên án dù họ có lỗi hay không. Nhưng đã bao giờ bạn đặt mình vào vị trí người trong cuộc và đánh giá về họ?
Tình yêu đôi lứa chỉ dành cho hai người, và hôn nhân cũng vậy. Người thứ ba là những kẻ chậm chân trong mối quan hệ đó. Nếu đổ lỗi tại duyên số, thì do số phận sắp đặt ba người họ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn của tình yêu: hai người muốn níu một người, một người chẳng biết đi về phía ai?
Duyên số như đang đùa giỡn với kẻ thứ ba. Họ gặp đúng người, yêu đúng người, chỉ sai thời điểm. Vì họ chậm chân. Họ loay hoay tìm lối thoát cho chính bản thân mình trong vòng tròn luẩn quẩn đó khi người họ yêu đã thuộc về một người khác. Ngày qua ngày, họ phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội tâm, giữa con tim và lý trí, nên buông hay níu kéo? Chừng nào họ chưa giải thoát được cho chính mình, họ còn phải chịu đựng tai tiếng của xã hội.
Tình yêu đôi lứa là mối quan hệ chỉ đủ chỗ cho hai người
Người thứ ba trong tình yêu, hôn nhân – kẻ đi chắp vá hạnh phúc cho người khác
Tôi gọi bạn thân tôi là kẻ đi chắp vá hạnh phúc cho người khác. Nếu như xã hội nhìn cô ấy với con mắt đáng ghét, miệt thị cô ấy với những câu nói xúc phạm đến nhân phẩm, thì tôi và những người chứng kiến câu chuyện của cô ấy từ khi mới bắt đầu cho đến khi kết thúc, nhìn cô ấy với con mắt đáng thương và đáng trách.
Đáng thương vì cô ấy không hề toan tính trong tình yêu với người đàn ông đã là chồng của người khác. Đáng thương vì cô ấy là kẻ chậm chân trong tình yêu, gặp người đàn ông đó sai thời điểm. Đáng thương vì cô ấy chỉ nghĩ cho người khác mà nhận lấy nỗi đau về mình.
Đáng trách vì cô ấy quá thương người mà quên đi cách yêu thương bản thân mình. Đáng trách vì cô ấy để người vợ lợi dụng dù đã nhận được sự cảnh báo. Vì sao cô ấy vẫn lao đầu vào mối quan hệ bế tắc đó? Vì yêu…
Cô ấy là bạn, là hàng xóm của người đàn ông kia. Ban đầu, họ chỉ là bạn bè bình thường, thi thoảng cà phê cuối tuần, kể nhau nghe những điều vụn vặt và nhỏ nhặt trong cuộc sống, chia sẻ sở thích và quan điểm cá nhân cùng nhau. Dưới con mắt của cô ấy, anh là một người bạn, một người anh có một gia đình hạnh phúc với người vợ biết lo toan, hai đứa con nhỏ xinh xắn. Dù cho anh luôn nói anh hạnh phúc và êm ấm với gia đình nhỏ, nhưng cô vẫn cảm nhận được sự cô đơn của anh.
Cô chia sẻ với tôi: “Vì anh quá cô đơn, nên tớ sẽ bầu bạn với anh những lúc anh thấy lạc lõng và cần người chia sẻ.” Cô chưa bao giờ yêu cầu anh phải tâm sự với cô, tự anh đã tìm đến cô, chia sẻ mọi điều trong những buổi cà phê cuối tuần, cuối ngày. Cô chưa bao giờ nghĩ một ngày mối quan hệ của anh và cô ấy lại đi xa đến vậy. Dù cho cô cảm nhận được tình yêu của anh dành cho cô, nhưng cô luôn chọn giấu nó, vì cô biết “một khi tớ nói ra, anh nói ra, mối quan hệ sẽ trở nên phức tạp.” Thậm chí, ngày anh say rượu, trong cơn say anh gọi tên cô, anh tìm đến cô và nói anh yêu cô; cô cũng không có ý định sẽ tiến đến bên anh, vì anh đã có gia đình.
Cô nhận thức được mình là người thứ ba, là kẻ đến chậm trong tình yêu. Không biết bao nhiêu lần cô dứt khoát chấm dứt mối quan hệ với anh nhưng không thành. Vì anh luôn chủ động đến tìm cô, dù cô không đồng ý gặp anh, nhưng trái tim cô lại luôn đồng hành cùng anh. Khi cô biết mỗi đêm anh đứng một mình, lang thang gần nhà cô, chỉ để nhìn trân trân vào cánh cửa đã đóng chặt, tim cô lại nhói lên. Cô không ngăn nổi mình bước ra ngoài ban công, chỉ để nhìn anh trong bóng đêm. Họ đã từng cắt đứt liên lạc, nhưng họ vẫn hẹn hò với nhau hàng đêm như thế.
Hai con người đó đều nhận thức được họ gặp nhau sai thời điểm, nên mối quan hệ của họ phải chấm dứt vì họ không thể bước qua được sự ích kỷ của bản thân mà sống thật với lòng mình.
Khi tôi hỏi cô ấy về cuộc hôn nhân của anh, cô nói “Họ là một gia đình êm ấm. Anh chưa bao giờ nói xấu vợ, thậm chí còn khen chị ấy biết cách cân bằng cuộc sống. Anh chưa bao giờ kể cuộc hôn nhân đó hạnh phúc ra sao, chỉ nói rằng khi xưa anh cưới vợ vì vợ anh và mẹ anh giục. Anh luôn kết thúc câu trả lời bằng một câu hỏi: Sao em không xuất hiện sớm hơn?”, còn cô ấy chỉ trả lời anh bằng một câu hỏi “Sao anh lấy vợ sớm thế, khi bản thân anh còn chưa sẵn sàng?”
Mối quan hệ của họ rơi vào bế tắc khi anh và cô thổ lộ tình cảm với nhau. Nhưng họ chưa bao giờ đi quá giới hạn. Những ngày đó, tôi đã nhìn thấy cô ấy khóc rất nhiều, đi làm với đôi mắt sưng húp, làm việc với chiếc kính râm để không ai biết rằng đôi mắt cô ấy đang đong đầy nước chỉ trực trào ra. Cô ấy nói: “Đấu tranh nội tâm là cuộc chiến dài nhất và khó khăn nhất mà mỗi con người đều phải trải qua”.
Video đang HOT
Tôi cũng đã nhìn thấy những giọt nước mắt của người đàn ông đó, người phải đấu tranh để hoàn thành nghĩa vụ với gia đình mà buộc phải để cô ra đi. Họ đã khóc quá nhiều cho mối quan hệ sai thời điểm này, vì họ không đủ tàn nhẫn để đấu tranh cho tình yêu của họ, vì họ không đủ ích kỷ để buông bỏ hai chữ trách nhiệm.
Ngày cô quyết định nói chia tay, cô đã gặp vợ anh, đã tâm sự với chị ấy về anh. Sau khi nghe vợ anh kể về cuộc hôn nhân của họ, cô mới biết rằng mình đã nhầm về cuộc hôn nhân hạnh phúc đó: “Hai từ trách nhiệm trĩu nặng trên vai anh, không người chia sẻ, bảo sao anh cô đơn đến vậy? Hôn nhân tồn tại bởi hai từ trách nhiệm sao có thể hạnh phúc được đây?”. Cô đã dặn vợ anh hãy quan tâm đến anh, hãy nuôi nấng tình yêu và đừng để anh lạc lõng trong trách nhiệm gia đình.
Tình yêu tay ba là điều không ai muốn
Trước khi ra đi, cô bảo vợ anh gọi anh đến. Cô đặt bàn tay anh lên bàn tay chị, cố ngăn những giọt nước mắt đang sắp rớt xuống để nói một câu “Chồng chị rất cô đơn. Em xuất hiện khi anh ấy thật sự cần ai đó để giúp anh ấy không lạc lối, cần người để anh ấy chia sẻ. Bây giờ, phần việc của em đã hết rồi. Chỉ còn việc của hai vợ chồng chị” rồi ra đi không bao giờ quay đầu lại.
Tôi đứng đó, nhìn cô ấy ra đi trong làn nước mắt mà không thể làm được gì cho người bạn thân thiết nhất của mình. Đó là cách tốt nhất để cô ấy giải phóng cho chính mình. Buông tay rồi, đau sẽ đau, nhưng nỗi đau sẽ phai nhạt theo thời gian. Tôi hy vọng rằng cô sẽ gặp được đúng người vào đúng thời điểm để không còn là kẻ chậm chân trong tình yêu.
Bạn tôi, kẻ đi chắp vá hạnh phúc cho gia đình người khác. Khi cuộc hôn nhân của người đàn ông đó chỉ là sự sắp xếp và tồn tại bởi hai chữ trách nhiệm, bạn tôi đã giúp họ quay trở về bên nhau. Dù tôi không chắc cuộc hôn nhân của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn như bạn tôi mong muốn, nhưng tôi tin bạn tôi đã cứu vớt một cuộc hôn nhân trên bờ vực thẳm.
Người thứ ba, đâu phải luôn đáng ghét?
Người vợ, chưa hẳn là người đáng thương trong mối quan hệ ba người
Xã hội có xu hướng đổ lỗi cho người thứ ba, cảm thấy người chồng đáng trách và người vợ luôn đáng thương. Nhưng sự thật, không phải bà vợ nào cũng đáng nhận được sự thương hại.
Người vợ đó đã biết mối quan hệ của anh chồng và cô ấy, nhưng lại không hề oán trách hay ghen tuông. Có lẽ người vợ đã lường trước được, hoặc chị ấy chấp nhận điều đó như một lẽ dĩ nhiên khi sự san sẻ, chăm sóc, yêu thương đang cạn kiệt trong mối quan hệ vợ chồng họ. Người vợ còn gửi gắm chồng cho bạn tôi, nói với cô ấy rằng: “Em có thể cho là chị điên, nhưng chị không muốn em và chồng chị dừng lại. Chị muốn thông qua em để hiểu anh ấy hơn. Chị muốn ba người chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau. Nếu không phải vì hai đứa con, có lẽ chị sẽ buông tha anh ấy.”
Bạn tôi đã nói cô ấy thật sự sốc khi nghe chị nói vậy. Còn tôi và cả những người bạn thân của cô ấy lại thấy tức giận thay cho cô ấy. Một người vợ, dù biết chồng đang yêu một người con gái khác bên ngoài, lại không hề muốn họ chấm dứt. Vậy hóa ra bạn tôi là kẻ giúp chồng chị thấy thoải mái trong cuộc sống? Trong con mắt của người đời, bạn tôi là kẻ đáng trách. Còn người vợ là kẻ đáng thương. Nhưng ai mới thật sự là kẻ đáng trách ở đây?
Nếu không có những người bạn thân bên cạnh cho lời khuyên, nếu bạn tôi không đủ mạnh mẽ và lý trí, có lẽ người vợ đã mất người chồng vào tay cô ấy. Hoặc bạn tôi sẽ chấp nhận một mối quan hệ ba người, chấp nhận tiếng xấu mà người đời dành cho cô ấy chỉ vì cô ấy là kẻ chậm chân.
Người chồng, vừa đáng trách, vừa đáng thương
Dù cuộc hôn nhân của anh có bắt đầu bằng tình yêu hay không, nhưng khi anh đã chấp nhận một cuộc hôn nhân được sắp xếp trong khi bản thân anh chưa sẵn sàng, anh phải chấp nhận những trách nhiệm với gia đình.
Dù tình yêu của anh và vợ có tồn tại hay không, dù anh yêu người thứ ba thật lòng, anh vẫn phải chấp nhận sự thật rằng mối quan hệ ba người là điều không thể. Đàn ông ai chẳng thích cơi nới. Nhưng bạn tôi, không phải loại gái lao vào anh để có tiền, cũng chẳng màng đến danh phận.
Dù sự ra đi của cô ấy có hàn gắn lại hạnh phúc của gia đình anh hay không, nhưng anh vẫn phải chấp nhận rằng anh không thể vừa có được cô ấy, lại vừa hoàn thành nghĩa vụ với gia đình nhỏ của mình.
Tôi không lên án kẻ thứ ba, không oán trách người vợ hay người chồng. Nhưng chứng kiến câu chuyện về người thứ ba như bạn tôi, tôi muốn xã hội cần thay đổi những định kiến về người thứ ba, và tốt nhất đừng nên phán xét họ khi bạn không hiểu rõ câu chuyện của họ. Không phải người thứ ba nào cũng đáng ghét và mục đích của họ là tiền tài hay vật chất. Số phận nghiệt ngã buộc họ rơi vào hoàn cảnh éo le đó. Tuy nhiên, không phải người thứ ba nào cũng đủ mạnh mẽ để tự mình giải phóng cho bản thân và cho hai người còn lại.
Bạn tôi đã từ bỏ tình yêu mà ra đi. Tôi biết cô ấy phải chịu rất nhiều tổn thương và đau đớn khi dằn lòng bước đi như vậy. Tôi biết dù có ra đi, trong lòng cô ấy vẫn còn bao nhiêu câu hỏi chưa có lời giải. Liệu sự ra đi của người thứ ba có khiến một cuộc hôn nhân tồn tại bởi trách nhiệm sẽ tốt đẹp hơn? Liệu sự ra đi của cô ấy có là bài học và kinh nghiệm cho hai vợ chồng người đàn ông đó? Liệu nước mắt của người thứ ba và những tổn thương họ phải chịu đứng có hàn gắn được hôn nhân đã vỡ ra từng mảnh?
Cô ấy đã rời khỏi mảnh đất này để đi đến một chân trời mới, bắt đầu lại mọi thứ. Điều cuối cùng cô ấy nói với tôi rằng “Ở đây, tớ thấy ngột ngạt quá rồi. Ở đây, tớ thấy mệt mỏi quá rồi. Có lẽ phương trời mới kia đang có người đợi tớ.”
Trong tình yêu, không phải người thứ ba nào cũng đáng bị lên án
Cô ấy ra đi khi chưa thật sự sẵn sàng, nhưng không đủ ích kỷ để biến người đàn ông đó thành kẻ ngoại tình. Người chồng đó, dù đã kết thúc nhưng vẫn hướng về cô ấy. Đêm muộn, anh vẫn lang thang đứng gần nhà cô, chỉ để nhìn vào cánh cửa đã khép kín không hay cô đã rời xa nơi đây. Người vợ có lẽ đang từng ngày cố gắng vun vén cho cuộc hôn nhân vừa được cứu vớt đó.
Quyết định ra đi của người thứ ba liệu có đúng không? Bản thân cô ấy cũng không biết? “Thời gian sẽ trả lời tất cả”.
Bạn thân tôi tìm được tình yêu đích thực khi bước sang ngưỡng tuổi 30 nhưng không thể đến với anh ấy bởi cô ấy là người đến sau. Cô ấy không đủ ích kỷ để tiếp tục mối quan hệ ba người, cũng không đủ tàn nhẫn để chứng kiến một cuộc hôn nhân sụp đổ chỉ vì sự xuất hiện muộn màng của cô ấy.
Tôi hy vọng rằng những người thứ ba như bạn tôi sẽ sớm tìm được người thật sự dành cho mình vào đúng thời điểm, để họ không còn là kẻ chậm chân.
Lời kết: Mối quan hệ ba người là điều không ai muốn, nhưng đôi khi số phận lại sắp xếp con người ta rơi vào hoàn cảnh bế tắc như vậy. Hãy sáng suốt mà đưa ra quyết định để mình không phải hối hận. Cuộc sống hôn nhân cũng không chỉ lớn lên và bền vững bởi trách nhiệm. Tình yêu là yếu tố cần và phải được vun đắp từ hai phía thì cuộc hôn nhân mới tốt đẹp. Đừng biến cuộc hôn nhân thành địa ngục hay nhà tù giam lòng bởi hai chữ “trách nhiệm”.
Theo Ngoisao
Ngừng oán trách có khó không?
Cho dù mối quan hệ đó có tốt đẹp đến mấy cũng không thể tránh khỏi những lúc đôi bên oán trách nhau. Nhưng một khi oán trách trở thành thói quen thì có thể dẫn đến việc chối bỏ trách nhiệm, nhìn không đúng bản chất sự việc và làm cho những lấn cấn càng không thể giải tỏa.
Khi có mâu thuẫn, việc không vừa ý hoặc chỉ cần tâm trạng không tốt, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Nhưng thực tế việc đổ lỗi hay oán trách không đem lại điều gì tích cực cho cả hai bên.
Để nhìn nhận, giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống chín chắn và hiệu quả hơn, việc cần làm ngay bây giờ là hãy nhìn lại cơn oán trách của mình.
Nhận ra lúc nào là oán trách
Là những lúc bạn nói những điều như "Anh không bao giờ gọi điện khi em về trễ", "Em quá nhạy cảm", "Em quá đòi hỏi", "Anh không bao giờ làm việc nhà"... Bạn luôn nói "Anh/em làm điều này/ không làm điều này". Đây là hành động đầu tiên dẫn đến mọi mâu thuẫn. Bạn soi mói lỗi lầm của đối phương, những điều khiến bạn nghĩ rằng đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại.
Dừng lại một phút
Thường khi oán trách, chúng ta luôn nhìn mọi thứ từ một phía, từ hướng chủ quan ta thấy là đúng. Nhưng thực tế chúng ta bị chi phối rất nhiều bởi tâm tình, trạng thái và hoàn cảnh xung quanh, thậm chí sự thiếu hiểu biết lẫn nhau. Khi nhận ra mình đang oán trách ai đó, bạn nên ngừng lại một phút để đứng vào vị trí trung lập, nhìn nhận hành động của họ và tự lý giải vì sao họ làm như vậy. Khi đã đủ bình tâm để suy xét sự việc bằng lý trí thay vì tình cảm, bạn sẽ xử lý mâu thuẫn chính xác hơn.
Mọi người đều giống nhau
Khi giận dữ, chúng ta luôn có xu hướng nghĩ mình đúng, người khác sai. Vì điều này mà những mâu thuẫn, oán trách triền miên giữa những cặp vợ chồng luôn khó giải quyết. Mọi người đều phóng đại thiếu sót của đối phương và không nhìn nhận lại vai trò của mình. Hiểu được rằng ai cũng có lúc sai, không ai hoàn hảo là cách để cảm thông và giúp mọi mối quan hệ của bạn tốt đẹp hơn.
Dùng kinh nghiệm
Tự hỏi lại cảm nhận của chính mình: Bạn đang cảm thấy thế nào trong tình huống này? Bạn đang nghĩ về điều gì? Sau đó nói một cách rõ ràng, thẳng thắn nhất lý do khiến bạn buồn bực, ví dụ "Em giận vì phòng bừa bộn", "Anh buồn vì chúng ta không nói chuyện với nhau"...
Bạn nên nói từ phía mình, về cảm xúc của mình, tránh đổ lỗi cho người kia. Nếu bị đổ lỗi, phản ứng của họ sẽ là tự vệ, bào chữa và né tránh cần biết rõ điều này để cho hai bên có cơ hội thành thật với nhau.
Xin lỗi
Hãy xin lỗi khi thấy mình sai, điều đó vừa khiến đối phương dễ dàng tha thứ hơn và đồng thời đánh giá cao sự thẳng thắn, công bằng của bạn. Người đàn ông biết xin lỗi càng đáng quý hơn nữa. Nếu đó là bạn đời của bạn, hãy luôn tình cảm và chân thành, điều đó sẽ khiến cả hai gần gũi nhau và tình cảm được sâu đậm hơn.
Theo Phapluat
Một nửa đàn bà Đã chấp nhận cho phép một người đàn ông cởi bỏ y phục của mình thì cái quyền ân hận hay oán trách cũng chẳng còn nữa, bởi vì, khi đó, một bên tình và một bên nguyện. Ảnh minh họa Phụ nữ kết hôn rồi trở thành đàn bà, đấy là quy luật tự nhiên, không có gì phải bàn cãi. Thế...