Người thợ vỉa hè sửa giày ngàn đô cho “sao” Việt
Ít ai ngờ mối “ruột” của anh thợ sửa giày ngồi gần ngã tư Pasteur – Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) có cả các người mẫu, diễn viên, ca sĩ… mang đến sửa những đôi giày có giá tận vài chục triệu đồng.
Không nhà, không trưng bày biển hiệu, tài sản chẳng có gì quý giá ngoài những dụng cụ dùng để sửa giày cho khách, nhưng ít ai ngờ rằng chỗ sửa giày lề đường của anh Nguyễn Hữu Văn, ngồi gần ngã tư Pasteur – Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM, đã tồn tại gần 40 năm qua. Ngoài khách quen thì người mẫu, diễn viên, ca sĩ và người nước ngoài đều là mối “ruột” của anh.
Gặp anh Nguyễn Hữu Văn trong một buổi trưa hè Sài Gòn, khi mọi người bước vào giờ nghỉ ngơi giữa ngày, thế nhưng anh và những đứa trẻ là học trò của anh vẫn đang thoăn thoắt đôi tay sửa thật nhanh những chiếc giày để kịp giao cho khách vào giờ chiều.
Quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đen loang lổ bởi những vệt xi đánh giày, anh bắt đầu câu chuyện về cái “cơ ngơi” vỉa hè đã và đang nuôi sống gia đình anh và cũng là lối thoát, là con đường để những đứa trẻ bụi đời được anh cưu mang có thể rời xa con đường tăm tối.
Nghề cha truyền con nối
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày tháng mà cha anh, ông Nguyễn Hữu Tụng cố gắng thoát khỏi cái nghèo đeo bám cả gia đình. Cách đây hơn 40 năm, gia đình anh dắt díu nhau rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, từ dải đất miền Trung nắng gió vào Nam lập nghiệp.
Cực chẳng đã phải bỏ lại ruộng vườn ở phía sau, cha anh làm đủ nghề người ta thuê mướn như rửa chén, phụ hồ, bốc vác… Và rồi như một cơ duyên, cha anh đã theo ở nhờ và học nghề sửa giày cho một ông chủ có tiếng thời bấy giờ sống gần chợ Bến Thành. Ngày ra nghề, ông chọn khu vực này để sửa giày kiếm sống và cuộc mưu sinh đó vẫn liên tục đến ngày hôm nay.
Những ngày tháng ấy, anh Văn mới hơn 10 tuổi, vì cuộc sống của gia đình, anh cũng phải cắt ngang con đường học vấn để phụ giúp cha trong những ngày đầu lập nghiệp.
Chỉ tay về một tiệm giày cổ kính phía bên đường, anh Văn bồi hồi nhớ lại: “Tiệm giày đó trước năm 1975 rất nổi tiếng do ông Trần Văn Mỹ làm chủ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Mỹ cùng gia đình sang định cư ở nước ngoài.
Tuy tiệm đóng cửa nhưng hằng ngày vẫn có hàng chục khách hàng tìm đến đặt làm giày theo mẫu. Cha tôi là thợ của tiệm sợ bị thất nghiệp nên phải tìm chỗ riêng để tiếp tục mưu sinh. Không đủ tiền thuê mặt bằng nên ông đã chọn góc ngã tư này nhận sửa và đóng giày cho khách. Bắt đầu từ đó, tuổi thơ của tôi làm bạn với mùi da nồng, mùi keo hăng hắc và tiếng máy đánh bóng giày văng vẳng bên tai”.
Người nước ngoài là khách hàng quen của Văn
Buổi trưa hè oi nồng, chỉ lác đác vài chiếc xe phóng vội trên đường Lê Thánh Tôn, nhưng chỗ sửa giày của anh Văn vẫn có gần chục khách đứng đợi. Những cà mèn cơm dùng buổi trưa nguội dần, nhưng cả nhóm thợ vẫn mải mê làm việc vì khách liên tục ghé đến khiến buổi trò chuyện của chúng tôi với nhóm thợ thường bị ngắt quãng.
Vừa tiếp chuyện anh Văn vừa cầm chiếc giày thể thao địa hình để sửa chữa lại những chỗ bị rách. Chiếc giày hàng hiệu sờ vào cứng như đá nhưng đối với Văn không có gì là khó, đôi tay người đàn ông hơn 40 tuổi này cứ thoăn thoắt cầm mũi dùi đều đặn ấn xuống rồi kéo lên từng sợi chỉ để khâu lại chỉ trong tích tắc.
Video đang HOT
Anh Văn cho biết: “Khách đến đây phần lớn là để sửa giày, không phải họ không có tiền mua hay đóng giày mới. Nhưng đơn giản là họ muốn phục hồi lại đôi giày bởi nó là kỷ vật hoặc chất chứa những kỷ niệm của một quãng đời nào đó mà họ không thể nào quên”.
Những đôi giày Văn đang cầm có giá cả ngàn đô.
Điều không thể ngờ tuy là tiệm sửa giày vỉa hè nhưng hơn 10 năm qua, những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng luôn tìm đến anh Văn để sửa những đôi giày “khủng” có giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. “Cô Diễm My, chú Minh Vương, người mẫu Bằng Lăng, ca sĩ Elvis Phương, Trang Đài… và phần lớn nghệ sĩ bộ môn cải lương đều có ghé chỗ mình sửa. Mỗi lần đến họ đem số lượng giày tới nhiều lắm, mỗi người cũng từ 5 đến 6 đôi. Những đôi giày đắt tiền đó phần lớn là dán đế, thu nhỏ hoặc nới rộng ra. Vì nhiều người hai bàn chân có số đo chênh lệch nên mỗi khi mua giày mới phải bóp nhỏ lại một chiếc. Ngày đầu cầm trên tay những đôi giày đắt tiền để sửa mình cũng ngần ngại vì nó được thiết kế hơi phức tạp, nếu làm hư thì không biết làm sao mà đền, vì hầu hết giày của “sao” đều mua ở nước ngoài. Nhưng cuối cùng kinh nghiệm trong nghề đã giúp mình vượt qua, giờ cầm trên tay những đôi giày có giá vài chục triệu sửa chữa không còn cảm giác lo lắng như ngày xưa nữa” – Văn cho biết.
Anh Hồ Duy, 56 tuổi, một khách hàng quen thuộc với tiệm sửa giày hơn 20 năm chia sẻ: “Sau ngày giải phóng, cả con đường Lê Thánh Tôn này nổi tiếng về buôn bán giày dép và quần áo, chỗ sửa giày lề đường của cha con chú Tụng cũng xuất hiện từ đó. Nhưng từ thời đổi mới đến giờ, người dân bắt đầu kinh doanh nhiều ngành nghề, nên đoạn đường này không còn buôn bán giày dép nhiều như xưa, nhưng hình ảnh những người sửa giày lề đường vẫn còn đó. Tuy đây không phải cửa tiệm đàng hoàng nhưng lại làm ra những đôi giày khách đặt rất đẹp, chắc chắn mà giá lại rẻ nữa. Bởi nó là cái tình – quý mến nhau bởi sự thật thà của tiệm này – nên có lẽ nhiều người dù giàu hay nghèo, nổi tiếng hay không nổi tiếng, đều chọn đến đây”.
Trời tắt nắng, cơn mưa Sài Gòn bất chợt trút nước, cả nhóm thợ vội vã thu gom đồ nghề và căng tạm tấm bạt gần bến đỗ xe buýt cho đỡ ướt. Trong không gian chật hẹp ấy, mỗi người bưng một cà mèn cơm đã nguội lạnh ra dùng. Nhưng thỉnh thoảng dưới lòng lề đường vẫn có người đội mưa gọi lớn: “Văn ơi, cho chị lấy đôi giày dán đế hôm trước…”, cứ thế bữa cơm trưa của nhóm thợ ở một tiệm giày không nhà, không biển hiệu liên tục bị đứt quãng.
Cưu mang trẻ nghèo
Hiện chỗ của Văn có 7 thợ đang làm, người lớn nhất 31 tuổi, nhỏ nhất là cặp song sinh Trần Hồng Thuận, Trần Hồng Hòa (14 tuổi) ở Thủ Đức. Hai đứa trẻ đang hăng hái làm việc và luôn tươi cười với khách, nhưng ẩn đằng sau chúng là một nỗi đau và vết thương lòng của những đứa trẻ bất hạnh.
Lúc Thuận và Hòa lên 8 thì phải nghỉ học vì người cha vừa mãn hạn 4 năm tù chưa kịp làm gì cho gia đình đã ra đi do bệnh tật, còn mẹ đi thêm bước nữa. Trong một lần ba mẹ con đẩy chiếc xe hủ tiếu ngồi nghỉ gần chỗ anh Văn làm, thấy hai đứa trẻ có vẻ thích thú cái nghề sửa giày lề đường nên người mẹ xin anh Văn cho chúng ở lại học nghề từ năm 2010.
“Trong mắt hai em, chú Văn như người cha thứ hai của mình. Ngoài công việc, chú cũng rất nghiêm khắc dạy dỗ tụi em nên người. Chuyện cơm nước, quần áo, chỗ ở chú Văn lo hết. Buổi tối đi chơi phải về nhà trước 22g. Điều vui nhất là mình vừa học nghề mà vừa có tiền phụ gia đình. Cuối tháng cầm gần 4 triệu đồng tiền lương về phụ giúp thêm để mẹ bớt tảo tần” – anh em Thuận, Hòa cười nói.
Lề đường là chốn mưu sinh
Cảnh ngộ có phần bi đát hơn là Trần Mạnh Long (20 tuổi) quê Vĩnh Long bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, cha bị tâm thần, em được người chị họ tốt bụng dắt về cưu mang. Năm 2006, trong một lần ghé sửa giày người chị đã xin anh Văn nhận Long vào học nghề. Trong 6 năm chăm chỉ làm việc, giờ đây Long không khác gì một người thợ chuyên nghiệp. Mỗi tháng nhận lương, Long đều trích một phần tiền để gởi về lo cho người chị họ đã thay cha mẹ cưu mang mình.
Khi nhắc lại chuyện cũ, Long vẫn với khuôn mặt lầm lì bởi những năm tháng sống thiếu thốn tình thương của cha mẹ như là một vết thương lòng ăn sâu vào tâm hồn em. “Có lẽ cuộc đời em chỉ có hai người là cha và là mẹ của em. Đó là chú Văn và chị họ của em. Hồi nhỏ, em thường bị những đứa bạn cùng lớp chọc ghẹo vì có cha bị tâm thần. Em xấu hổ và tức lắm, những đứa bạn xấu đó nhiều lần đánh em tơi tả vì em dám cãi lại chúng nó. Nhưng đau lòng nhất khi thấy cha lang thang ngoài đường mà em không có cách nào giúp cho cha được. Còn mẹ em thì đã bỏ rơi em, bỏ rơi tất cả mọi thứ để đi tìm hạnh phúc mới. Chị em nghèo không thể lo cho em ăn học được, nên em phải đi làm mướn để phụ giúp cho chị. Rồi may sao gặp được chú Văn, em không còn là gánh nặng của chị nữa, mà giờ đây em còn giúp được chị mình. Thật lòng em hạnh phúc lắm” – Long rưng rưng nước mắt nói.
Long cho biết, do chị làm lụng vất vả mà không đủ ăn, trong cơn nóng giận vì gia cảnh túng quẫn – chị còn phải gồng gánh lo cho 2 đứa con nhỏ và ông chồng bê tha chìm đắm trong rượu chè – có lúc đã la mắng Long. Thế là Long âm thầm bỏ đi sống bụi đời gần 3 tháng trời dưới gầm cầu hoặc các vỉa hè ở Sài Gòn, vì chỉ nghĩ đơn giản, mình bỏ đi để cho chị mình bớt gánh nặng. “Lúc đó em mới 10 tuổi xin làm đủ nghề, kể cả đi xin ăn để sống qua ngày. Em đã từng nếm trải những trận đòn nghiệt ngã của những tay anh chị giang hồ, bụi đời. Và trong lúc em đau khổ nhất, túng quẫn nhất, như là có một phép mầu, chị em đã tìm gặp em sau nhiều ngày lang thang tìm em khắp hang cùng ngõ hẻm. Chị không trách em một lời, chỉ ôm em mà khóc. Em thấy giờ đây mình đã trưởng thành rồi. Tuổi thơ em đã có nhiều nước mắt nhưng giờ đây em đã tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời này”, Long nói với ánh mắt sáng rực niềm tin.
Cặp thợ song sinh Thuận-Hòa
Ngoài ra, anh Văn còn nuôi và dạy nghề hai anh em ruột Trần Phong Phú (17 tuổi), Trần Phú Quí (16 tuổi) quê Lâm Đồng. Trước khi xuống Sài Gòn, Phú, Quí bỏ học đàn đúm lêu lỏng với bạn bè. Cái tuổi hiếu thắng của hai em phần nào khiến gia đình bất lực.
Nhờ người quen biết có lời giới thiệu, chị gái dắt Phú, Quí xuống Sài Gòn nhờ anh Văn dạy nghề. Giờ đây, Phú và Quí là hai trong những người thợ giỏi được Văn đánh giá cao. Ước mơ của Phú, Quí sau này dành dụm được tiền rồi mở một tiệm sửa và buôn bán giày dép ở quê để có thời gian gần cha mẹ.
Theo Dantri
"Bó tay" với biển hiệu Hà thành
Rất nhiều tuyến phố đáng lý ra sẽ rất đẹp, nếu chúng không được "trang trí" bằng hàng tá biển hiệu, với ngôn từ ngữ gây phản cảm, mất mỹ quan...
Loạn biển hiệu
Bước chân ra đường ở Hà Nội, nếu không có thần kinh khá vững vàng, có thể bị choáng bởi vô vàn những biển hiệu cồng kềnh, lòe loẹt với những từ ngữ gây phản cảm và khó chịu, biển hiệu nào cũng ganh đua về màu sắc, kích cỡ.
Từ nhà tới ngõ, từ ngõ ra phố, từ phố tới những khu thương mại, siêu thị, chung cư... "hằng hà sa số" những biển hiệu chen nhau, làm cho không gian thêm chật chội, ngột ngạt hơn. Nhiều biển hiệu sử dụng từ ngữ phản cảm hoặc khó hiểu.
Chẳng như trên phố Tôn Đức Thắng có biển hiệu tên là Hoa chuối, nhưng mặt hàng kinh doanh lại là thời trang. Hay biển hiệu Vịt xinh; Giầy xịn dành cho phái đẹp (ở đường Kim Liên mới); Ti tũn thời trang, Béo tuổi trung niên (ở Trần Huy Liệu)... có biển hiệu chỉ có mỗi 1 từ làm cho người đi đường cũng khó hiểu như biển Ngông (ở đường Kim Liên mới); Chảnh (ở Tôn Đức Thắng); hay chỉ có mỗi hình 1 quả dâu tây như ở phố Tây Sơn.
Quảng cáo kiểu gây sốc
Và không ít từ ngữ gây sốc, gây tò mò đã xuất hiện trên biển hiệu như Đặc sản vịt cỏ: Vịt nướng đi em; Tỉ mẩn và lọ mọ (Đội Cấn)... Còn trên đường Giải Phóng là hàng loạt biển hiệu được làm công phu và hoàng tráng đập ngay vào mắt người đi đường những dòng chữ Nạo thai, Hút thai...
Tình trạng biển hiệu lẫn lộn chữ Tây, chữ ta và viết tắt còn nhiều, như Up (Bà Triệu), Zem (Tây Sơn), Hy, Eu... Hay lại có những biển hiệu nửa Tây nửa ta như Ốc'Show, Miss Chi... Còn những biển hiệu về đặc điểm con người thì nhan nhản như Ông già tóc bạc, Bia hơi Hiếu béo, Hải xồm, bánh mỳ Bùi... Không chỉ gây sốc về nội dung, nhiều biển hiệu còn sai chính tả, văn phạm như: xửa xe, sôi chả ruốc... Việc viết sai lỗi chính tả không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn dễ gây nhầm lẫn, phản cảm và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Ngoài nội dung, thì màu sắc, hình dáng, kích thước của các loại biển cũng là điều đáng bàn. Các biển hiệu được thiết kế công phu; biển to, hình bắt mắt, rồi bảng hộp, đèn nhấp nháy đủ loại, đủ màu sắc, bất chấp những quy định thực hành tiết kiệm điện, nhất là trong mùa hè nắng nóng. Địa điểm đặt biển hiệu cũng loạn có thể là vỉa hè, lòng đường, cột điện, cành cây, tường nhà, thậm chí là thùng rác công cộng...
Và những lỗ hổng về quản lý
Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định 94 về hoạt động quảng cáo. Trước đó, Hà Nội cũng có không ít văn bản liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, những công cụ ấy không phát huy được hiệu quả là bao nhiêu trên thực tế. Biển quảng cáo ở thủ đô vẫn lộn xộn, mạnh ai nấy làm. Chỗ nào trống và bắt mắt là có biển quảng cáo, hình dáng, kích cỡ thì không theo một quy chuẩn nào.
Nhan nhản biển hiệu sai phạm về nội dung, choán hết mặt trước cửa nhà, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn nguy hiểm tới tính mạng, tài sản của người dân. Tất cả đã làm nên một bức tranh đủ các màu sắc, vô cùng nhiễu loạn và và bất hợp lí giữa lòng Hà Nội. Công tác quản lý khó khăn, số vụ vi phạm, tái phạm gia tăng trong khi số vụ xử lí, cưỡng chế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Quảng cáo "nhảm" làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt
Đầu tháng 6 vừa qua, mưa kèm gió lớn đã làm sập tấm biển quảng cáo của một cửa hàng kinh doanh vàng Ngọc Toàn, tại số 30 Quang Trung, quận Hà Đông, đè bị thương nặng 3 người đi đường đang trú mưa phía dưới. Tấm biển quảng cáo cao 5m, rộng 10m vỡ vụn, 2 trụ bê tông cùng gạch đá rơi xuống choán hết vỉa hè và đè lên nhiều xe máy... Điều đáng nói là tiệm vàng này đã bị lập biên bản nhiều lần vì vi phạm Quyết định số 94 năm 2009 của thành phố về hoạt động quảng cáo. Đây có thể nói là ví dụ điển hình của sự bất lực trong quản lý, có nguyên nhân từ sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là trong lĩnh vực này còn lỗ hổng về pháp luật, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất. Ví dụ như cuối năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 103 sửa đổi Quy chế hoạt động văn hoá kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, nhưng trong đó không quy định về biển hiệu (không cấp phép biển hiệu nên không có quy định cụ thể về kích thước, chiều cao, nội dung và mức xử phạt). Chính vì vậy, sau đó thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 94, trong đó quy định cụ thể để quản lý biển hiệu.
Theo bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng quản lý văn hóa, Sở VHTT & DL Hà Nội, sự thiếu thống nhất này chính là lý do khiến người dân, doanh nghiệp không sợ luật. Theo Nghị định 103 thì biển hiệu không phải cấp phép, không quy định kích cỡ, không có chế tài xử phạt, vì vậy họ tự ý làm theo ý của họ. Những trường hợp vi phạm khó xử phạt và quản lý. Bên cạnh đó, công tác xử lý sai phạm và cưỡng chế cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, chính quyền cơ sở chưa thực sự kiên quyết. Tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng.
Một điều nữa là các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo vì chạy theo lợi nhuận, chạy theo nhu cầu của khách hàng cũng không muốn tư vấn cho khách hàng biết quy định về kích thước, nội dung biển quảng cáo theo đúng Quy định. Nhưng thường cả 2 bên đều làm theo ý muốn chủ quan của mình, và doanh nghiệp quảng cáo nhiều khi biết luật nhưng vì chạy theo lợi nhuận vẫn làm theo ý muốn của khách hàng.
Đã đến lúc cần quy định rõ một cơ quan làm đầu mối chỉ đạo phối hợp quản lý biển quảng cáo. Cùng với đó, Hà Nội sớm xây dựng quy chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này.
Đây là việc không nên chần chừ thêm nữa, vì nhiều năm nay những chế tài, công cụ có liên quan đã không được sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu lực trên thực tế. Và một điều cũng quan trọng không kém là cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường của các cá nhân, đơn vị kinh doanh có sử dụng mặt đường mặt ngõ, cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo./.
Theo VOVnew
"Chui hầm" phố cổ Một "căn gác xép" được lập ngay đầu ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến làm bằng sắt và gỗ. Người dân, khách du lịch nước ngoài muốn đi qua đây phải cúi người, đôi khi lại giật nảy mình vì tiếng gạch đá, sắt thép ngay phía trên... Đáng lẽ được tiến hành khởi công vào tháng 10 vừa qua, nhưng...